Thứ tư, 24/04/2024 17:38 (GMT+7)

WB phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quy hoạch không gian biển

MTĐT -  Thứ bảy, 13/08/2022 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia của WB đưa ra dự thảo về các khái niệm quy hoạch không gian biển; phương pháp, cách tiếp cận lập quy hoạch; kinh nghiệm của các nước trong việc phân vùng sử dụng không gian biển.

Chiều 12/8,  Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã nghe báo cáo tình hình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặc biệt là nghe các ý kiến tư vấn từ Ngân hàng Thế giới (WB) để nghe tư vấn cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới vấn đề này.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: ITN

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, về quan điểm xây dựng, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về sử dụng không gian biển, trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển, có nền văn hóa biển đậm đà bản sắc, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Với không gian biển rộng lớn và hơn 1 triệu km2 đường biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay, đầu tư của Việt Nam cho biển là chưa đáp ứng được tiềm năng, do đó, dữ liệu về tài nguyên môi trường biển còn thiếu, chưa có hoặc rời rạc, chưa được cập nhật, trong khi đó, biển thay đổi từng ngày từng giờ, nên chưa thể đáp ứng được mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội kỳ vọng.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cần phải phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, từ quy hoạch sẽ đưa ra các lựa chọn ưu tiên để phát triển toàn diện, bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa các phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Do đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn nghe các chuyên gia của WB tư vấn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, áp dụng những công nghệ, khoa học và cơ sở dữ liệu hiện đang có sẵn của Bộ từ địa chất, viễn thám, khí tượng… để đưa ra được bản quy hoạch đáp ứng được thực tiễn.

Tại cuộc họp, các chuyên gia của WB đưa ra dự thảo về các khái niệm quy hoạch không gian biển; phương pháp, cách tiếp cận lập quy hoạch; kinh nghiệm của các nước trong việc phân vùng sử dụng không gian biển. Các kinh nghiệm, kiến thức có được từ chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã được xem xét, đưa vào áp dụng để lập Quy hoạch không gian biển quốc gia…

WB cũng đưa ra các giải pháp để bảo vệ và phát triển các khu vực biển như lập các bản đồ theo dõi những biến động của các khu vực dễ tổn thương; xây dựng hành lang bảo vệ (xây dựng đê, kè chắn sóng); lập kế hoạch thích ứng bằng cách di chuyển các hoạt động kinh tế và người dân; chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với thực tiễn;…

Xem xét và đánh giá báo cáo, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, báo cáo của WB tuy bám sát nội dung nhưng chưa cập nhật những số liệu và những hoạt động của Việt Nam trong thời gian qua. Ví dụ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam không xây đê, kè chắn sóng để ngăn chặn xâm nhập mặn mà đưa ra những giải pháp là thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng đề nghị, WB tham khảo cam kết của Việt Nam tại COP26; kế hoạch phát triển xanh; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu… để từ đó, đưa ra được giải pháp cho quy hoạch không gian biển giải quyết các xung đột vừa bảo vệ bảo tồn hệ sinh thái, vừa phát triển kinh tế xã hội của vùng của quốc gia vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thay mặt cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà để trao đổi các nội dung kỹ thuật với các chuyên gia WB, Thứ trưởng Lê Minh Ngân mong muốn phía Ngân hàng Thế giới đưa ra những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các xung đột các ngành nghề, các mục tiêu trên không gian biển; đưa ra được tầm nhìn dài hạn cho quy hoạch. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, quy hoạch này là pháp lý quan trọng cho vấn đề quản lý tài nguyên môi trường biển gắn với các lĩnh vực kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương. Dựa vào sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế cũng như nội lực, Việt Nam quyết tâm thực hiện cho được. Quy hoạch được xác định ở 4 trụ cột đó là đảm bảo chủ trương chính sách của Đảng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo hội nhập quốc tế và đảm bảo môi trường phát triển bền vững.

Qua cuộc họp với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, đây là một nhiệm vụ rất khó và theo số liệu của WB, trên thế giới, chưa có quốc gia nào thực hiện được. Tuy nhiên, phía WB sẽ tiếp tục tìm kiếm các chuyên gia giỏi nhất và đồng hành với Việt Nam để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này.

Minh Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết WB phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quy hoạch không gian biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.