Thứ ba, 19/03/2024 10:26 (GMT+7)

Cuộc di dân lịch sử bên trong Kinh thành Huế

MTĐT -  Chủ nhật, 21/10/2018 17:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với việc phải di dời 4.200 hộ dân “sống treo” tại các di tích Kinh thành Huế, đây sẽ là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế.

Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng (1805 - 1833), sau này đã trở thành di tích lịch sử, quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lớn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Di sản rộng hơn 500 hecta bao gồm nhiều công trình như: Hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, kỳ đài, trấn đình đài (mang cá nhỏ), 10 cổng thành...

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, năm 1995 có 1.838 hộ dân (hộ chính) sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Năm 2003, số hộ dân tại đây tăng thêm 438 hộ. Đến năm 2018, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50% là hộ phụ. 

Huế chuẩn bị cho cuộc di dân lịch sử. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Tuy nhiên, qua thời gian, do dân sinh sống trong khu vực di tích không được tu sửa, nâng cấp nhà cửa, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình đồi dốc đi lại khó khăn, đời sống nghèo khó, nơi ở tạm bợ…, nên các điều kiện về vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích.

Trước tình hình này, mới đây, UBND tỉnh TT - Huế đã giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các sở ngành chức năng, địa phương liên quan xúc tiến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế, thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, để sớm thông qua các bộ, ngành chức năng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện.

Đây là đề án thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 28/KH-UBND của UBND tỉnh TT-Huế về tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh TT-Huế hồi cuối năm 2017.

Theo báo Tiền Phong, ngày 20/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế theo yêu cầu từ UBND tỉnh TT-Huế đã tổ chức đoàn khảo sát thực địa khu vực giải toả trong khuôn khổ Đề án di dời giải toả các hộ dân khu vực Kinh thành Huế.

Theo Đề án, đây sẽ là cuộc di dân lịch sử, với hơn 4.200 hộ phải rời khỏi vùng Thượng thành Huế và các khu vực di tích đặc biệt. Được biết, đây là đề án thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 28/KH-UBND của UBND tỉnh TT - Huế.

UBND tỉnh TT - Huế dự kiến, từ năm 2019 - 2025, tại Huế sẽ có hai cuộc di dân lịch sử ra khỏi các vùng di tích, với tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.

Ảnh: Tiền Phong. 

Theo VTCNews, tại buổi khảo sát, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng cho biết, việc các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích Kinh thành Huế là giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mĩ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay, khó khăn nhất hiện nay trong việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích Kinh thành Huế là hầu hết các hộ dân sống trong khu vực này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ. Do đó, theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác, không ít hộ dân vì quá nghèo nên nếu được cấp đất cũng không có tiền xây nhà.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, muốn triển khai đề án cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm, nhằm trả lại nguyên trạng di tích.

“Hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế đang được chuẩn bị lấy ý kiến của các bộ, ngành và sau đó sẽ được trình lên Thường vụ Quốc hội. Trong đề án này, tỉnh đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn. Hiện chính sách đặc biệt này đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét”, ông Tuấn nói.

Tại buổi họp báo do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức mới đây, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, việc di dời dân cư ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế là kế hoạch lớn mà tỉnh mong muốn thực hiện từ lâu nhưng do nguồn lực có hạn nên không thể làm nhanh. Tỉnh đã từng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tại khu vực này và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương.

Nhiều hạng mục bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: Tiền Phong. 

“Thực tế là khu vực này có rất nhiều hộ dân nghèo, chủ yếu là lao động phổ thông. Thêm vào đó, họ sinh sống mà không được xây dựng sửa chữa nhà cửa nên rất tạm bợ, nhếch nhác. Nếu căn cứ theo Luật Đất đai thì nhiều hộ dân sẽ không được hỗ trợ di dời, tái định cư như quy định. Tuy nhiên, trước thực trạng đời sống hiện tại của họ, đề án của tỉnh có xây dựng thêm khung chính sách đặc biệt để hỗ trợ những gia đình nằm trong diện này”, ông Khanh thông tin.

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị chủ trì đề án, cho biết đây là một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế.

Ông Hải nói nếu toàn bộ 4.200 hộ dân chuyển đi, với gần 15.000 người, thì khu di tích kinh thành Huế thật sự được trả lại tính nguyên vẹn, không chỉ làm khang trang bộ mặt đô thị mà còn giải phóng một nguồn tài sản văn hóa cực lớn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, vì thế mục tiêu của đề án là trả lại không gian cho kinh thành Huế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cuộc di dân lịch sử bên trong Kinh thành Huế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.