Chủ nhật, 28/04/2024 09:04 (GMT+7)

Cần giải pháp cho tình trạng suy thoái rừng ngập mặn tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ năm, 30/11/2023 18:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rừng ngập mặn (RNM) được biết đến với vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái cũng như đời sống của con người.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, RNM đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng, suy giảm diện tích cũng như chất lượng...

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi cùng TS. Phạm Hồng Tính - Khoa Môi trường - Trường Đại học TN&MT Hà Nội về nguyên nhân và đề xuất phương án giảm thiểu.

z4927195414873_a9a2ed72566baaf9195b89b3259e7b86.jpg
TS. Phạm Hồng Tính - Khoa Môi trường - Trường Đại học TN&MT Hà Nội

PV: Xin ông cho biết mức độ suy thoái của RNM tại Việt Nam hiện nay và nguyên nhân gây ra suy thoái?

TS. Phạm Hồng Tính: Theo thống kê vào năm 2021 của Bộ NN&PTNT, nước ta có khoảng hơn 150.000ha RNM, chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng ở Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển phía Nam, với khoảng 55% tại Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 23% tại Đông Nam Bộ.

RNM giúp cung cấp các sản phẩm sử dụng trực tiếp cho sinh kế của người dân địa phương như ngô, gỗ, củi, thủy hải sản và các dịch vụ hệ sinh thái khác, hỗ trợ kiểm soát xói lở bờ biển, điều tiết nước, ổn định đất và hấp thụ các-bon... nên RNM bị suy thoái sẽ dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh cảnh và mất các bãi đẻ cho nhiều loài thủy sản, phá hủy chu trình dinh dưỡng và đặc biệt là làm suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái...

Hiện nay, do sức ép của phát triển kinh tế - xã hội (đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, giao thông, nuôi trồng thuỷ sản...) và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã khiến RNM tại Việt Nam đang bị đe dọa rất nghiêm trọng. Trong đó, suy thoái RNM đang xảy ra cục bộ ở nhiều khu vực ven biển từ Móng Cái tới mũi Cà Mau và Kiên Giang,...

PV: Những đánh giá trên dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

TS. Phạm Hồng Tính: Tôi và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Đánh giá sự suy thoái RNM sử dụng hình ảnh WorldView-2 cho Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam"; kết quả bước đầu của nghiên cứu này đã được báo cáo tại Hội thảo khoa học Quốc tế GIS - IDEA 2023 vừa qua. Công nghệ viễn thám và GIS kết hợp với điều tra thực địa đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong quản lý, giám sát tài nguyên và môi trường, trong đó bao gồm cả RNM.

Đối với các nghiên cứu trước đó khi sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải thấp và trung bình như Landsat hay Sentinel đã cho chúng ta cái nhìn tổng quan về sự phân bố RNM và giám sát biến động RNM trên phạm vi một vùng hay toàn quốc, nhưng với mức độ chính xác chưa cao.

Trong khi ảnh vệ tinh WorldView-2 có khả năng nhận biết một cách sắc nét các đối tượng trên bề mặt Trái đất có kích thước nhỏ (cỡ 45cm) ở kênh toàn sắc và thu nhận các kênh ảnh đa phổ ở độ phân giải 2,5m, do đó có thể đánh giá chính xác sự phân bố và biến động của các lớp phủ bề mặt, trong đó có RNM. Đặc biệt là ở những khu vực RNM bị phân mảnh hoặc chia cắt thành các mảnh nhỏ rời rạc với kích thước chỉ vài mét như tại Đồng bằng sông Cửu Long.

z4927195398929_efe1dd84c71ac70360e9ec74706954bd.jpg
Hình ảnh vệ tinh WorldView-2 có độ phân giải chính xác giúp đánh giá được tình trạng suy thoái rừng ngập mặn tại Việt Nam

Chúng tôi đã nhận được nguồn ảnh WorldView-2 miễn phí từ Đại học Minesota thông qua hợp tác với Cục lâm nghiệp Hoa Kỳ, để đánh giá sự phân bố, biến động diện tích và chất lượng rừng ngập mặn của 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

PV: Theo ông, những nghiên cứu này đã mở ra những kết quả như thế nào?

TS. Phạm Hồng Tính: Nghiên cứu này đã đánh giá được sự phân bố và biến động diện tích RNM của 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá sự thay đổi chất lượng RNM thông qua phân tích các chỉ số thực vật. Các kết quả nghiên cứu này đều được đánh giá chi tiết đến từng xã.

Nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám và sử dụng nguồn dữ liệu ảnh WorldView-2, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu đã xác định được chính xác vị trí RNM mất đi hoặc bị suy thoái, đồng thời tính toán diện tích và tỷ lệ mất rừng, suy thoái rừng cho các xã ven biển có RNM thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ kết quả nghiên cứu này, một nhóm nghiên cứu khác của chúng tôi đã thực hiện điều tra, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ở những khu vực có RNM bị mất và suy thoái cao để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, song song với bảo vệ và phục hồi RNM.

Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng là nguồn tham khảo tốt, hỗ trợ các nhà quản lý trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới bảo tồn, phục hồi và phát triển RNM. Một phần kết quả nghiên cứu đã được báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế GIS-IDEAS 2023 tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và được các đại biểu đánh giá là có nhiều triển vọng ứng dụng trong quản lý, giám sát RNM.

PV: Vậy ông có đề xuất gì đối với việc bảo vệ và giảm thiểu suy thoái RNM hiện nay?

TS. Phạm Hồng Tính: Nếu nhìn bức tranh chung thì diện tích RNM của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng tăng lên trong những năm gần đây, nhưng khi đánh giá chi tiết, suy thoái RNM vẫn diễn ra cục bộ, quy mô nhỏ ở nhiều khu vực do tác động tổng hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và tác động của tự nhiên, BĐKH,...

Từ kết quả nghiên cứu tại Đồng bằng sông Cửu Long, để bảo vệ và có những giải pháp giảm thiểu suy thoái RNM, trước hết, cần có những nghiên cứu đánh giá, xác định chính xác vị trí, phạm vi và mức độ suy thoái RNM, đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển RNM phù hợp với từng khu vực, và lồng ghép các kết quả đó vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của Trung ương và địa phương; các quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, huyện có RNM.

Đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực có RNM như xây dựng cơ sở hạ tầng đường điện, giao thông, bến cảng, khu đô thị, công nghiệp hay dân cư cần đánh giá đầy đủ nguy cơ tác động và có giải pháp giảm thiểu, cũng như tăng cường giám sát để ngăn chặn kịp tới những tác động tiêu cực, làm mất hoặc suy giảm chất lượng RNM. Đối với hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản dưới tán rừng, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng thủy hải sản, đồng thời bảo vệ phát triển RNM...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Cần giải pháp cho tình trạng suy thoái rừng ngập mặn tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề