Thứ tư, 01/05/2024 11:24 (GMT+7)

Câu chuyện của người lính thời kháng chiến chống Mỹ

Phạm Thuyên -  Thứ ba, 23/01/2024 14:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng nghìn câu chuyện mang theo những ký ức về "một thời hoa lửa” vẫn vẫn vọng vang trong hồi ức của những người lính thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Mỗi một câu chuyện là một cuộc đời chiến sĩ có máu, nước mắt và vinh quang…

Câu chuyện của cựu Đại tá Phạm Quang Thọ- người con của vùng quê Tiên Lãng thành phố Cảng Hải Phòng là câu chuyện như thế….

tm-img-alt
Đại tá Phạm Quang Thọ

Chúng tôi về thăm Đại tá Phạm Quang Thọ, người cựu chiến binh ở một vùng quê Tiên Lãng giàu truyền thống cách mạng. Ông tiếp chúng tôi trong căn phòng có bức ảnh kỷ niệm chụp cùng các đồng đội của mình được lồng khung kính cẩn thận. Trong bức ảnh ấy có những người mất liên lạc, có người đã mãi nằm xuống chiến trường không về…;  và cùng với đó là những Giấy khen, Bằng khen, Huân chương Chiến công... được lồng khung treo trang trọng.

tm-img-alt
Mỹ thả bom tại chiến trường

Cựu Đại tá Phạm Quang Thọ bồi hồi nhớ lại: năm 1964, thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hưởng ứng khí thế sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam phát động, ông cũng như nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi của huyện Tiên Lãng tạm biệt cha mẹ, gia đình và quê hương lên đường hành quân vào chiến trường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

tm-img-alt
Ông Phạm Quang Thọ thời trẻ sau khi nhập ngũ.

Sau khi biên chế vào trung đoàn 24 A Tây nguyên, ông Thọ cùng đồng đội của mình, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sau gần hai tháng vượt núi, băng rừng, dưới làn mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù; Đồng thời chấp nhận những bữa ăn chủ yếu là rau rừng và những cơn sốt rét hành hạ… cuối cùng ông cùng đồng đội đã đến được nơi đóng quân, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị .

tm-img-alt
Ông Thọ chụp ảnh với đồng đội trong chiến trường miền Nam

Nhớ lại những ký ức hào hùng đã qua, ông Thọ chia sẻ: “Tôi may mắn là một trong những người “lành lặn” trở về sau chiến tranh, nhưng những hồi ức thời kháng chiến vẫn luôn trong trái tim. Tôi nhớ 82 ngày đêm chiến đấu trên mặt trận thành cổ, dưới  mưa bom bão đạn đúng với nghĩa đen của nó, chúng tôi bám trụ giành giật từng tấc đất, suốt đêm không chợp mắt để phục kích địch lấn đất. Có nhiều hôm, khi trời chưa sáng rõ mà máy bay giặc đã bắn phá dữ dội vào các thôn ấp; tiếp đến là máy bay trinh sát L19, VO10 lượn lờ trên bầu trời…Cùng lúc đó, đại bác của địch bắn ngăn chặn liên hồi, khói lửa mù mịt. Trời tối đen như mực. Những đồng chí cứu thương phải mò mẫm tìm thương binh, đồng chí nào cũng vấp ngã dúi dụi, chân tay xây xát nhiều chỗ; có đồng chí vấp ngã bị  gốc sậy cắm vào người khá sâu máu lênh láng, nhưng tự băng bó qua loa rồi vẫn gắng chịu đau để đưa thương binh về trạm an toàn”… Trong một lần như thế, Tiểu đội của ông bị trúng bom của địch, đồng đội hy sinh hết, chỉ mình ông sống sót… Ông Thọ xúc động: “Tôi bị lạc đơn vị , sau nay trở về địa phương tôi mới biết mình có giấy báo tử… ở thời điểm đó, khi đơn vị không có tin tức gì của tôi… nên đã gửi giấy báo tử về địa phương...”

tm-img-alt
 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất

Hình như trong ký ức của ông vẫn còn ngồn ngộn những câu chuyện về một thời bom đạn chiến trường, với ông nó như mới xảy ra ngày hôm qua, cái thời ông cũng như lứa trai làng ông vẫn còn tuổi thanh xuân Mười Tám… Những hoài niệm ấy mãi theo ông trong suốt cuộc đời.

tm-img-alt
 Huân chương chiến công hạng nhất

Trải qua nhiều năm tháng gian lao phục vụ trong quân ngũ gắn đời mình với binh nghiệp, với các chiến trường, năm 1989, ông được Nhà nước  phong quân hàm Đại tá, giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ sư đoàn - Sư đoàn trưởng sư đoàn 329 trực thuộc Quân Khu 3 và được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng Huân chương chiến công giải phóng Hạng Nhất.

Trong thời gian tại ngũ, là một bí thư Đảng bộ của một sư đoàn, Sư trưởng của đơn vị huấn luyện quân, ông rất gương mẫu , luôn giáo dưỡng cán bộ chiến sĩ sống và làm việc theo lý tưởng của Đảng, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh . Luôn động viên các bộ , chiến sĩ sống trong tình yêu thương đồng chí đồng đội , giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.

tm-img-alt
 Đại tá Phạm Quang Thọ cùng đồng đội ôn lại những ký ức ở chiến trường.

Năm 1994, nghỉ hưu về sinh sống tại quê hương Tiên Lãng, tiếp tục cùng với gia đình tham gia xây dựng quê hương. Năm 1996, ông tiếp tục được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh quyết định tặng Huân chương chiến công Hạng Nhất

Đại tá Phạm Quang Thọ cũng như nhiều đồng đội của ông là những nhân chứng sống của thời kỳ lịch sử chống Mỹ cứu nước.  Với 81 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, bản thân cựu Đại tá Phạm Quang Thọ là tấm gương sáng, phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 3 nói riêng. Đồng thời là tấm gương giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ đất Cảng và toàn quốc học tập noi theo.

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện của người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới