Thứ tư, 01/05/2024 14:06 (GMT+7)

Chữa bệnh “lỗi thời” cho các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ năm, 11/04/2024 10:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, song hầu hết các khu công nghiệp “đời đầu” ở Việt Nam đều đã lỗi thời về phát triển bền vững, chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

tm-img-alt

Khu công nghiệp bền vững là đòi hỏi tất yếu

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/02/2024, cả nước đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, song hầu hết các KCN “đời đầu” ở Việt Nam đều đã lỗi thời về phát triển bền vững, chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Một số vấn đề tồn tại hiện nay như: hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ, ô nhiễm khí thải, ô nhiễm không khí, chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh, thiếu diện tích cây xanh... Nguyên nhân chính do quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối…

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), số KCN đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) là 29 KCN. Nguyên nhân do tỷ lệ lấp đầy KCN thấp; chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng HTXLNTTT hoặc chưa có nguồn vốn để đầu tư. Các KCN chưa xây dựng HTXLNTTT chủ yếu tại các địa phương có khó khăn về thu hút đầu tư và nguồn vốn ngân sách.

Chữa bệnh “lỗi thời” cho các khu công nghiệp

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ Trần Thị Tố Loan chỉ ra, tại các KCN truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Năng lượng sử dụng thường phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; xử lý chất thải theo cách phổ biến là chôn lấp hoặc đốt cháy không kiểm soát.

Trong khí đó, mô hình KCN bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Do đó, phát triển mô hình KCN bền vững đang là đòi hỏi tất yếu hiện nay.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Tố Loan cho biết, việc chuyển đổi hay phát triển KCN bền vững đang gặp nhiều khó khăn, trước hết đến từ vấn đề nguồn vốn, tài chính. Các KCN phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu. Do đó, đầu tư hệ thống các phân khu chức năng, hệ thống xử lý nước thải và hệ thống hoàn thiện điện nước cần nguồn vốn rất lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng vướng phải nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý, do nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong chuyển đổi mô hình.

Chỉ ra lỗ hổng pháp lý cản trở sự phát triển KCN bền vững, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, tính pháp lý về quy định khung đối với khu KCN, Khu kinh tế (KKT) chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới “dừng lại” ở loại hình văn bản dưới luật. Trong khi đó, hoạt động của KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai... Mặt khác, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thể thao, văn hóa, cơ sở giáo dục mầm non phục vụ người lao động làm việc trong các KCN, KKT chưa đủ sức hấp dẫn.

Không chỉ vậy, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến còn chỉ ra, chất lượng, hiệu quả quy hoach phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN cần có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; đặt trong mối quan hệ tương quan với các ngành kinh tế khác, với sự phát triển vùng và với xã hội. Về quản lý, sử dụng đất chưa đặt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm nền tảng cho tất cả các nội dung quy hoạch khác, mà vẫn trên cơ sở quy hoạch ngành.

Gỡ vướng chuyển đổi mô hình

Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam Trương Khắc Nguyên Minh cho rằng, để tận dụng cơ hội thu hút FDI, đẩy mạnh phát triển toàn ngành công nghiệp, đóng góp vào phát triển chung của quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách; đồng thời điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát KCN, KKT để thích ứng với bối cảnh mới.

“Mục tiêu xây dựng một KCN mà ở đó tất cả mọi người, từ các cá nhân làm việc và sinh hoạt trong KCN đến các doanh nghiệp đều có thể sống tốt, phát triển mà không làm hại đến môi trường, hành tinh và tương lai” – ông Trương Khắc Nguyện nhấn mạnh.

Mô hình KCN bền vững không thể được thực hiện bởi duy nhất mong muốn của nhà đầu tư phát triển hạ tầng, mà đòi hỏi sự hợp tác và cam kết từ tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, vận hành trong KCN từ nhà máy sản xuất đến các công ty cung ứng dịch vụ KCN - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ Trần Thị Tố Loan nêu quan điểm.

Hiến kế phát triển KCN bền vững, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư. Nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước các cấp về vai trò, vị trí của KCN trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế của đât nước.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN, KKT.

Song song với đó, cần có chính sách xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng... Các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi; quy định đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tê – xã hội, môi trường.... phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT Vương Thị Minh Hiếu, vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, KKT là rất quan trọng. Đồng thời, ban quản lý các KCN, KKT tại các tỉnh thành phố cần hỗ trợ thực hiện giải pháp KCN sinh thái của. Ban quản lý có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện khu công nghiệp sinh thái.

Bạn đang đọc bài viết Chữa bệnh “lỗi thời” cho các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Phương Nga/Kinh tế & Đô thị

Cùng chuyên mục

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Tin mới