Thứ tư, 01/05/2024 04:54 (GMT+7)

Đầu tư hiện đại, hướng đến công nghiệp xanh, thân thiện, bền vững

MTĐT -  Thứ ba, 05/12/2023 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kể từ khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2004, các khu công nghiệp (KCN) của thành phố đón nhiều thời cơ, vận hội mới và có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đầu tư hiện đại, hướng đến công nghiệp xanh, thân thiện, bền vững
Ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ

Chia sẻ về những kết quả đạt được cũng như đề ra định hướng phát triển các KCN của thành phố trong giai đoạn mới, ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho biết:

- Trải qua 20 năm phát triển, tính đến năm 2023, TP Cần Thơ quy hoạch phát triển 8 KCN, với tổng diện tích khoảng 2.260,3ha. Trong đó đã thành lập 7 KCN, với tổng diện tích khoảng 1.157ha, diện tích đất công nghiệp đã triển khai khoảng 837,01ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 68%. Có 1 KCN đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 - diện tích 293,7ha), đây là KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên được đầu tư ở ĐBSCL và được định hướng xây dựng theo mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững.

Các KCN tập trung của thành phố đã và đang được định hướng phát triển ngày càng hiện đại, thân thiện môi trường, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp (DN) chiến lược, đặc biệt là DN công nghệ nước ngoài và nhà đầu tư hạ tầng tầm cỡ để tạo mũi nhọn phát triển các KCN hiện đại, KCN xanh, thân thiện, bền vững.

* Xin ông cho biết thêm về lĩnh vực hoạt động cũng như những kết quả nổi bật của các DN trong các KCN của thành phố?

- Các KCN của thành phố hiện có 258 dự án đầu tư. Trong đó có 228 dự án đầu tư trong nước, 29 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án ODA. Các DN FDI trong KCN đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Bahamas, Samoa, Seychelles, Marshall Islands, Hàn Quốc, Trung Quốc và 5 liên doanh: Việt Nam - Hồng Kông, Việt Nam - Đài Loan, Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Singapore. Các DN hoạt động chủ yếu trong các ngành: thủy sản, may mặc, giày da, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến phụ phẩm, bia rượu, nước giải khát, DN kinh doanh hạ tầng và các lĩnh vực khác (ngân hàng, bưu điện, điện lực, kho…).

Cuối năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong các KCN của thành phố đạt 357 triệu USD, chiếm 58,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt 195 triệu USD, chiếm 63,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các DN trong KCN nộp thuế cho Nhà nước 586 tỉ đồng, chiếm 35,7% tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố. Đến cuối năm 2005, các KCN thu hút 128 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 386 triệu USD, vốn thực hiện trên 169 triệu USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các DN trong KCN thu hút 13.324 lao động vào làm việc. Lũy kế đến nay, các KCN Cần Thơ có 258 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,899 tỉ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 1,139 tỉ USD chiếm 60% tổng vốn đầu tư đăng ký, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 41.000 lao động. Ước đến cuối năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong các KCN đạt 1.916 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 735 triệu USD. Các DN trong KCN nộp thuế cho Nhà nước 1.900 tỉ đồng.

Đầu tư hiện đại, hướng đến công nghiệp xanh, thân thiện, bền vững
VSIP Cần Thơ giới thiệu về KCN Vĩnh Thạnh trong khuôn khổ Hội chợ, triển lãm “TP Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển”.

* Trong quá trình phát triển các KCN, thành phố gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

- Thời gian qua, lãnh đạo Trung ương, các bộ ngành, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn quan tâm hỗ trợ, tích cực đồng hành để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các KCN TP Cần Thơ. UBND thành phố quan tâm, tích cực chỉ đạo công tác lập quy hoạch, thu hồi, giao, cho thuê lại đất đối với các dự án KCN. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng những chính sách ưu đãi để thu hút các DN đầu tư vào các KCN. Trên địa bàn thành phố có các khu đô thị được quy hoạch hoàn chỉnh, đi kèm các dịch vụ tài chính, ngân hàng, trường học, bệnh viện, các khu dân cư đang phát triển là nguồn cung cấp nhân lực, lao động dồi dào và các dịch vụ cho KCN.

Tuy nhiên, quá trình phát triển các KCN cũng gặp khó khăn khi thời gian qua, hạ tầng giao thông đường bộ chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL. TP Cần Thơ trong tình trạng “kẹt đường bộ, nghẽn đường sông”, các tuyến cao tốc liên kết giao thương trong khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện; giao thông thủy cũng không đạt được kỳ vọng do luồng đường thủy kênh Chợ Gạo chưa được đầu tư nạo vét, mở rộng; cửa Định An thường xuyên bị bồi lắng ảnh hưởng đến việc đưa tàu tải trọng lớn vào vận chuyển hàng hóa. Chi phí logistics của hoạt động sản xuất cao. Hiện nay chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN đầu tư vào KCN chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo sự bứt phá để phát triển các KCN. Do đó, thành phố đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến cao tốc kết nối khu vực ĐBSCL; hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương có liên quan nạo vét kênh Chợ Gạo, luồng Định An, tạo điều kiện để giảm các chi phí logistics. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cát san lấp cho các công trình giao thông trọng điểm, các KCN, có chính sách bình ổn giá cát, nghiên cứu giải pháp vật liệu thay thế để phục vụ các công trình trọng điểm.

* Xin ông cho biết, trong trung và dài hạn, thành phố có những định hướng gì để phát triển hiệu quả các KCN, đưa Cần Thơ phát triển xứng tầm là trung tâm công nghiệp của vùng ĐBSCL?

- Để phát triển các KCN trên địa bàn thành phố xứng tầm là trung tâm công nghiệp của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, chú trọng vào công tác quy hoạch phát triển các KCN. Theo định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cần Thơ sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN, nâng tổng diện tích quy hoạch phát triển các KCN trên 7.200ha. Trong đó, tập trung mở rộng phát triển hệ sinh thái các KCN hiện đại, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc trọng điểm của vùng, Cảng hàng không quốc tế, bến cảng…; quy hoạch phát triển ở những khu vực có quỹ đất lớn, giá đất và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp nhằm tạo lợi thế trong thu hút đầu tư, tập trung tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh với tổng diện tích trên 5.400ha, Cờ Đỏ - Thới Lai trên 1.000ha.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, cảng nội địa, gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, từ đó giảm chi phí logistics để phục vụ cho việc phát triển các KCN.

Thứ ba, tập trung vào công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước có năng lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển các KCN, với hệ sinh thái các doanh nghiệp thứ cấp đa dạng, khả năng lấp đầy nhanh. Đối với các dự án thứ cấp thì ưu tiên phát triển những loại hình công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp xanh; sản xuất, chế biến sâu nông - thủy - hải sản; công nghiệp hỗ trợ; dược phẩm; dược liệu; cơ khí hỗ trợ nông nghiệp; điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; năng lượng sạch; sản xuất hàng tiêu dùng…

Thứ tư, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, thường xuyên tổ chức đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch.

Thứ năm, giải quyết tốt vấn đề thu hút lao động phục vụ cho các khu công nghiệp, gắn kết việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề với nhu cầu việc làm của các khu công nghiệp, tạo cầu nối giữa 3 nhà “nhà đầu tư - nhà trường - nhà nước”. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đã chủ động ký kết biên bản hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố trong công tác đào tạo để chủ động cho việc giải quyết nhu cầu việc làm cho các KCN cũng như giải quyết đầu ra cho nhà trường. Đồng thời, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại cho DN.

Tôi tin rằng với những giải pháp nêu trên, TP Cần Thơ sẽ phát triển xứng tầm là trung tâm công nghiệp của vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

* Xin cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư hiện đại, hướng đến công nghiệp xanh, thân thiện, bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.