Thứ sáu, 26/04/2024 20:09 (GMT+7)

Tin đô thị 2/5:Hà Nội, 4 bến xe lớn sẽ thành bãi đỗ xe, điểm xe buýt

MTĐT -  Thứ tư, 02/05/2018 17:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội 4 bến xe lớn sẽ thành bãi đỗ xe, điểm xe buýt, TP HCM ô nhiễm tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép… là một số tin đô thị trong ngày.

TP HCM: Ô nhiễm tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép

Kết quả đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường của Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù là khoảng thời gian ít phương tiện lưu thông nhất (từ 22h đến 6h sáng hôm sau) nhưng tiếng ồn đo được vẫn vượt quá giới hạn gấp nhiều lần.

Riêng tại 6 trạm quan trắc tại ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh do Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM thực hiện, với số lần đo nhiều lần đạt trên 85dB, vượt ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép.

Theo nhiều nghiên cứu, người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh tật. Khi bị mất ngủ, stress kéo dài, cơ thể sẽ bị suy yếu, nguy cơ tăng huyết áp, loét bao tử, rối loạn tâm thần cao.

Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực có tiếng ồn thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng.

Đường sắt giảm giá vé cho thí sinh thi đại học

Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị đang thực hiện chương trình hỗ trợ cho học sinh đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đi thi và nhập học vào các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề mùa thi 2018.

Cụ thể, đơn vị này giảm 10% giá vé trên các đoàn tàu khách do công ty quản lý cho tất cả học sinh đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông; đi thi và nhập học vào các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề và thân nhân đi cùng. Theo đó, mỗi giấy báo thi hoặc thẻ dự thi đối với học sinh đi thi, học sinh được mua vé giảm giá một lượt đi và một lượt về cho bản thân và một vé giảm giá cho cho thân nhân đi cùng.

Tương tự, mỗi giấy báo nhập học đối với học sinh nhập học, học sinh được mua vé giảm giá một lượt đi cho bản thân và cho thân nhân đi cùng. Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, học sinh đi thi và nhập học, khi mua vé và đi tàu mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh để tiện đối chiếu.

Hà Nội: 4 bến xe lớn sẽ thành bãi đỗ xe, điểm xe buýt

Theo báo Giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình UBND TP phê duyệt, 4 bến xe khách liên tỉnh hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô như hiện nay.

Về lâu dài, các bến xe này sẽ được được chuyển chức năng thành các điểm đầu mối phục vụ giao thông công cộng (bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt...). Thay thế vào đó sẽ là các bến xe ở khu vực đường vành đai 4.

Cụ thể: Bến xe liên tỉnh Gia Lâm (diện tích 1,45ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi); Bến xe khách Mỹ Đình (diện tích 3,5ha) dự kiến sau năm 2025 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Mỹ Đình sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Nội Bài, Phùng và bến xe phía Tây.

Bến xe khách Giáp Bát (diện tích 3,65ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của Bến xe Giáp Bát này sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Yên Nghĩa và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi); Bến xe Nước Ngầm sẽ được âng cấp cải tạo trong giai đoạn trước mắt, dự kiến sau năm 2025 khi xây dựng mới bến xe phía Nam thì chuyển thành đầu mối giao thông công cộng. Các tuyến của Bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển về Bến xe Cổ Bi và Bến xe phía Nam.

Đến thời điểm này, đồ án quy hoạch đã được Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP 3 lần. Dự kiến, đồ án sẽ được phê duyệt trong quý 2/2018.

TP Huế: Gia tăng tình trạng học sinh đi xe máy đến trường

Theo VTV, tại TP. Huế, việc học sinh chưa đủ 18 tuổi đi xe máy phân khối lớn đến trường, không chấp hành Luật Giao thông là tình trạng khá phổ biến.

Đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…, không khó để bắt gặp những hình ảnh này mỗi khi tan học tại một số trường THPT ở TP. Huế. Hiện việc học sinh đi xe máy phân khối lớn tại đây cũng không còn là điều quá xa lạ. Để thuận tiện cho việc đi học, nhiều phụ huynh không ngần ngại giao xe cho con em. Các điểm trông xe tư nhân ở ngay sát trường học sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gửi xe của học sinh.

Tình trạng lộn xộn này diễn ra từ lâu, gây mất an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc là điều không tránh khỏi. Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lạnh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy đang bị kém hiệu quả khi gia đình, các bậc phụ huynh đồng thuận với con em.

Bên cạnh đó, ở không ít nơi, cảnh sát giao thông cũng xem nhẹ lỗi này và thường xuyên bỏ qua, khiến tình trạng này ngày càng lan rộng.

Đề xuất xây tổ hợp căn hộ, khách sạn 36 tầng cạnh Hồ Tây

Theo Tiền Phong đưa tin, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây dựng Tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng tại khu đất số 200 đường Yên Phụ thuộc phường Yên Phụ và Quảng An (quận Tây Hồ). Khu vực này trước đây là khách sạn Thắng Lợi, hiện đã đổi tên Hilton Hanoi Westlake.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội nhận được văn bản của Công ty cổ phần Khách sạn Thắng Lợi đề nghị chấp thuận đề xuất nghiên cứu lập và triển khai dự án. Trong hồ sơ, tại bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên khối công trình cao 1-3 tầng đã xây trên đất có mặt nước.

Tuy nhiên, khối dịch vụ khách sạn một tầng tại trung tâm khu đất được đề xuất dỡ bỏ để xây mới công trình 36 tầng với chức năng tổ hợp dịch vụ, thương mại, khách sạn và căn hộ dịch vụ.

Khu đất có tổng diện tích hơn 42.000 m2. Trước đó, từ năm 2015, UBND thành phố đã đồng ý cho đơn vị này thuê để tiếp tục sử dụng làm khách sạn.

Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho rằng, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian Hồ Tây.

Khách sạn Thắng Lợi thuộc loại công trình có kiến trúc đặc biệt, bảo tồn không gian và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan. Hơn nữa, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND TP ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị 2/5:Hà Nội, 4 bến xe lớn sẽ thành bãi đỗ xe, điểm xe buýt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới