Thứ bảy, 27/04/2024 04:49 (GMT+7)

Lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian thiền sư Việt

Diệp Anh -  Thứ sáu, 11/12/2020 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn là dịp người Việt trong và ngoài nước tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Trong dịp Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, được sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự ủng hộ của Đại diện UNESCO tại Việt Nam và Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Mạng xã hội dành cho cộng đồng Phật tử Butta.vn, Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt, Công ty CP Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp (TTV), Công ty CP Gốm Cổ Luy Lâu Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Mono Stars, Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Evacom tổ chức Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Hành trình cung rước Tôn tượng Phật Hoàng từ ngày 7-12 đến 20-12 (23-12 đến 7-11 Canh Tý), trải dài gần 2000 km từ Đền Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa (Thôn Vạn Khoảnh xã Mỹ Phúc - Mỹ Lộc - Nam Định) đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

Chiều ngày 6-12 (22.10 Canh Tý), khởi đầu hành trình cung rước và an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là lễ dâng hương các vị tiên hiền nhà Trần tại Đền Thái Tổ Trần Thừa (Nam Định). Tối cùng ngày, để mừng sự kiện văn hóa, tâm linh đặc biệt này, chương trình nghệ thuật - võ thuật Ngút trời Hào khí Đông A đã được thực hiện với quy mô cộng đồng. Kịch bản: Nhà báo Thái Hà. Đạo diễn: Văn Long. Dẫn chương trình: Hải Ninh (VTC) và Thanh Phong (VOV).

Chương trình được dàn dựng công phu với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ đến từ nhiều đoàn nghệ thuật, tiêu biểu là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định, Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Câu lạc bộ Giai điệu xanh thành phố Nam Định... Ngút trời hào khí Đông A hội tụ nhiều võ sư và võ sinh của Liên đoàn Võ thuật Hà Nội. Đặc biệt, Thiền dưỡng sinh tâm thể Trần Nhân Tông được sân khấu hóa do nhiều thiền sinh của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt cùng Liên đoàn Võ thuật Hà Nội thực hiện. Chỉ đạo và huấn luyện: võ sư Nguyễn Mạnh Hùng. Âm nhạc: Nhạc sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh. Tỏa sáng trong đêm diễn này là hai "đặc sản văn hóa dân tộc": Quan họ và Chầu văn, đều được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chương trình được livestream trên mạng xã hội dành cho cộng đồng phật tử Butta.vn.

Sáng ngày 7-12, tại Đền Thái Tổ Trần Thừa, Lễ khởi kiệu cung rước tôn tượng Phật hoàng về phương Nam được Ban Tổ chức tiến hành trong không khí trang nghiêm với sự tham dự của con cháu họ Trần đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Mở đầu chương trình, Á hậu Doanh nhân thế giới người Việt 2018 Trần Bảo Linh (đại diện hình ảnh Chương trình Thiền dưỡng sinh tâm thể Trần Nhân Tông) đọc thông điệp từ Ngài Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, gửi tới Ban Tổ chức và cộng đồng Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Thông điệp nhấn mạnh: "Xin trân trọng chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mỗi Phật tử Việt Nam nhân dịp tổ chức ngày hội này, ngày hội của tinh thần hòa ái, lan tỏa tư tưởng và lời dạy của Đức Phật hoàng dọc theo đất nước, và nỗ lực phục dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt... Sống ở Việt Nam, tôi được biết rằng Phật giáo là một trong những nền tảng của văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng đạo đức dân tộc, và là cội nguồn của các nguyên tắc sống với lòng từ bi, bình đẳng, hòa bình và khoan dung...".

Trong buổi lễ này, Thượng tọa Thích Thanh Thịnh Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, đã giới thiệu khái quát về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng và nhấn mạnh: "Phật Hoàng Trần Nhân Tông là đức vua - thiền sư đời đạo lưỡng toàn".

Lễ khởi kiệu cung rước tôn tượng Phật hoàng được tổ chức trang nghiêm với sự tham gia đông đảo tăng ni, phật tử, quan khách thập phương và du khách quốc tế.

Trưa 7-12, sau khi thực hiện Lễ khởi rước tại Đền Thái Tổ Trần Thừa, tôn tượng Phật hoàng tiếp tục được cung rước đến Việt Nam Quốc Tự (244 đường 3-2 quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) và ngự tại đây trong 2 ngày 13 và 14-12 (29-10 và 1-11 Canh Tý) để các Phật tử tại Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam chiêm bái. Lịch cụ thể như sau:

- 7h30 ngày 13-12: Lễ đón rước tượng Phật hoàng được tổ chức trang trọng theo nghi thức Phật giáo.

- 8h30 ngày 14.12: Tôn tượng Phật hoàng được chiêm bái và vinh danh trong Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

- 9h ngày 20.12 (7-11 Canh Tý): Lễ đặt đá xây dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông theo nghi thức Phật giáo tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang).

Tôn tượng Phật hoàng được cung rước trong dịp này làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi lớn nhất từ trước đến nay (cao 2,2m), thể hiện hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông cởi bỏ hoàng bào bên suối quy Phật. Bức tượng “độc nhất vô nhị” này được Nghệ nhân quốc gia, họa sĩ Nguyễn Đăng Vông trải qua nhiều tháng lao động nghệ thuật, tác tạo rất công phu.

Sức sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông thật đáng nể - khó có thể thống kê hết những sản phẩm gốm rất đỗi kỳ công do anh thực hiện như Long đầu linh vật lớn, Tượng Hương Vân Cát Bồ Tát... Tiêu biểu độc đáo phải kể đến tác phẩm đạt kỷ lục "Chiếc ngọc bình lớn nhất Việt Nam" tại Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với chiều cao 4,2 m, đường kính 2,1 m, nặng 2,2 tấn. Ngọc bình gồm năm phần: nắp, miệng, cổ, thân, đế kết hợp hài hòa với nhau. Ðất làm chiếc ngọc bình được nghệ nhân kỳ công lấy từ 63 tỉnh, thành phố trên khắp đất nước kết hợp với đất Hà Mãn, đất gốm Luy Lâu vùng Kinh Bắc. Những hoa văn trên ngọc bình khái quát lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với những chiến công hiển hách của ông cha. Ðặc biệt, ngọc bình đắp phù điêu 1.000 nhân vật văn hóa trong lịch sử. Trên vai ngọc bình là hình ảnh đôi rồng thời Lý vươn mình, thể hiện sức mạnh và vị thế Thăng Long - Hà Nội cùng với hình ảnh vua Lý Công Uẩn với Chiếu dời đô và chiến thắng Như Nguyệt hào hùng trên phòng tuyến sông Cầu. Tác phẩm cũng thể hiện đặc biệt sinh động cảnh sinh hoạt và lễ hội đặc trưng cùng các danh lam thắng cảnh chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Ðô... nổi tiếng vùng Kinh Bắc...

Điểm đến của hành trình hiếm có này là một trong những thiền viện lớn ở nước ta: Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang). Công trình văn hóa tâm linh này được xây dựng từ năm 2012 trên diện tích hơn 50 ha theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thiền viện có 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Trong đó khu ngoại viện bao gồm nhiều hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông,… với tổng diện tích hơn 47.000m vuông. Trong đó, Chánh điện của Thiền Viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người.

Điểm nhấn quan trọng trong toàn thể kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác này là bốn Thánh tích Phật giáo thế giới (hay còn gọi là Tứ động tâm) được xây dựng theo tỉ lệ 6/10 với nguyên mẫu tại Ấn Độ và Nepal. Bốn thánh tích này gồm vườn Lâm Tì Ni nơi Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân, Câu Thi Na nơi Phật nhập diệt.

Sau khi an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại địa linh này là lễ đặt đá xây dựng “Quần thể Không gian Thiền sư Việt”. Lịch sử Thiền Việt trải gần 2 thiên niên kỷ được thể hiện qua hệ thống chân dung các vị thiền sư: Mãn giác thiền sư, Tuệ Trung thượng sĩ, tam tổ Trúc Lâm... và 18 vị La Hán chùa Tây Phương..., nhiều bia đá với những bài kệ của nhiều Thiền sư Việt danh tiếng cùng với “Tứ động tâm” - 4 di sản Phật giáo đỉnh cao của thế giới - thì việc tạo dựng "Quần thể Không gian Thiền sư Việt” là điểm sáng tôn vinh bản sắc văn hóa tâm linh Việt.

Nét độc đáo của quần thể này là sự phục dựng lại thánh địa Ngọa Vân - nơi Đức Vua Trần Nhân Tông hóa Phật - bằng chất liệu chủ yếu là gốm cổ Luy Lâu - địa danh phát tích Phật giáo Việt Nam... Công trình văn hoá tâm linh thuần Việt này được nhóm kiến trúc sư tiêu biểu, có uy tín do Công ty cổ phần Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp TTV mời sáng tạo ý tưởng, thiết kế, quy hoạch và phối hợp với Thiền viện thực hiện.

Trong buổi lễ an vị tượng Phật hoàng, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức màn trình diễn Thiền Dưỡng sinh Tâm thể Trần Nhân Tông được sân khấu hóa với sự tham gia của nhiều thiền sư và 500 thiền sinh. Nhiều năm qua, tiếp thụ nét tinh hoa của Thiền Trúc Lâm ứng dụng vào việc chăm sóc thân tâm cho phật tử và nhiều đối tượng, Viện Nghiên cứu Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt, Mạng xã hội dành cho cộng đồng Phật tử Butta.vn, Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định đã và đang từng bước phổ cập dòng thiền này tới nhiều địa phương trong cả nước. Với định hướng "an lạc và sức khỏe", tu tập thiền để "tâm an, trí minh, lực cường", dòng Thiền Phật Hoàng đã góp phần hình thành tâm tính hòa ái, sống lợi người, ích mình cho các thiền sinh. Tuệ trung Thượng sỹ Trần Quốc Tung, một trong những người thầy của Trần Nhân Tông, trong Phật Tâm ca để lại câu: “…Tâm là phật / Phật là tâm / Đi cũng thiền / Ngồi cũng thiền / Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng...”.

Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với sự kiện Cung rước, chiêm bái và an vị tượng Phật Hoàng là dịp người Việt trong và ngoài nước tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; học tập, phát huy tinh thần nhập thế “đạo gắn với đời” của Phật Hoàng; đặng cùng nhau chung lòng xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng.

Một số hình ảnh tại Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn:

Bạn đang đọc bài viết Lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian thiền sư Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.

Tin mới