Thứ bảy, 27/04/2024 10:03 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Cô bé không tay, viết cuộc đời bằng đôi chân

Đào Tấn -  Thứ năm, 16/07/2020 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên chiếc chiếu trước bục giảng, em Linh Thị Hồng (sinh năm 2001) ở thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc bị cụt cả hai tay, nắm cây bút viết cuộc đời bằng đôi chân…

Nghị lực phi thường

Câu chuyện về cô bé Linh Thị Hồng (SN 2001) trú tại thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc, học sinh lớp 1 trường tiểu học Ngọc Thanh C. đã khiến không ít người cảm động. Bị khuyết tật bẩm sinh tay từ khi mới lọt lòng, những tưởng Hồng chẳng thế đến trường chỉ với đôi chân lành lặn, thế nhưng bằng nghị lực và sự giúp đỡ từ gia đình, thầy cô, em đã vượt lên nghịch cảnh và tự viết cuộc đời bằng đôi chân.

Dù không có tay, nhưng em Linh Thị Hồng tập viết bằng chân

Nhấp chén trà đắng, anh Linh Văn Ba, bố của bé Hồng nghẹn ngào chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, khi mới chào đời, cháu Hồng đã bị dị tật bẩm sinh, bị cụt cả hai tay lên tới khuỷu tay. Trong gia đình không có ai bị dị tật gì cả, cháu Hồng là con gái lớn đầu tiên, khi sinh ra được một ngày bác sĩ mới cho gia đình biết là con bị dị tật ở tay. Lúc đó, hai vợ chồng buồn lắm nhưng là con của mình nên dù thế nào cũng phải chăm sóc và nuôi nấng cho con lớn lên thành người. Thấy con gái tuy khiếm khuyết ở tay nhưng khỏe mạnh, vợ chồng cũng yên lòng...” .

"Vì là con đầu lòng nên mọi thứ đều khó khăn. Những năm trước, cháu đã phải nằm viện gần như một năm trời vì bệnh đại tràng. Thực sự rất thương con, gia đình đã cho cháu xuống viện Nhi Hà Nội để khám và điều trị. Thật may mắn, tình trạng sức khỏe hiện tại của cháu đã ổn định hơn rất nhiều”, anh Ba chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì được biết, gia đình anh Ba có 3 người con. Bé Hồng là con gái đầu và 2 em trai năm nay học lớp 3 và mẫu giáo. Theo lời kể của anh Ba, từ khi đứa con trai thứ hai, bé Linh Thanh Bình (sinh năm 2009) bắt đầu đi học thì Hồng cũng bắt đầu học theo em. Viết, tô vẽ, khâu vá… bé đều tự làm rất thành thạo.

Nhìn thấy các bạn tung tăng cắp sách đến trường, cô bé Hồng cũng khao khát được đến lớp. Thấy mấy đứa trẻ quanh xóm đều đi học mầm non, con tôi cũng đòi đến trường. Nhiều ngày liền, nó đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp thèm khát được đi học khiến vợ chồng tôi không cầm được nước mắt", anh Linh Văn Ba kể lại.

Ước mơ đến trường

“Năm 2007, cháu Hồng tròn 6 tuổi, tôi đưa cháu đi xin học mầm non, mới đầu nhà trường từ chối tiếp nhận chỉ vì con tôi là trẻ khuyết tật. Năn nỉ mãi, sau khi kiểm tra trí nhớ, khả năng sử dụng chân của Hồng nên nhà trường mầm non đã quyết định đồng ý tiếp nhận cháu. Tuy nhiên do sức khỏe yếu vợ chồng tôi đành ngậm ngùi đưa cháu về nhà tạm nghỉ học một thời gian”.

Cô bé có nghị lực phi thường cặm cụi viết những nét chữ ngay ngắn

Nhiều năm trời trước sự khát khao được học con chữ của bé Hồng, vợ chồng anh Ba gõ cửa khắp nơi tìm trường cho con học, nhưng họ đều bảo nên đưa về nhà với lý do duy nhất: Đôi tay của Hồng đều bị cụt tới khuỷu tay, co quắp không cầm bút được thì khó đến lớp. Hành trình khổ luyện viết chữ bằng chân của cô bé bắt đầu từ đó.

“Khi kèm chữ cháu Bình ở nhà, cháu Hồng cũng muốn ngồi học chữ cùng em nên tôi đã mua luôn sách tập viết và tập tô cho cháu. Cháu rất thích viết và chữ tô cũng rất đẹp. Cháu đã tự viết được mà không cần bố mẹ phải giúp đỡ gì nhiều”, anh Ba tự hào khi nói về cô con gái đầu lòng.

Nói về khoảng thời gian xin đi học của Hồng, anh Ba chia sẻ đó là khoảng thời gian tương đối khó khăn vì không có trường học nào trong xã phù hợp để cho bé đi học và giáo viên nói không có đủ năng lực để dạy những bé khuyết tật như Hồng. Không nản chí, gia đình vẫn kiên trì khuyến khích bé học ở nhà.

“Do cháu không có cả 2 tay nên việc dạy viết chữ trở nên vô cùng khó khăn. Tập đọc thì cháu học rất nhanh nhưng cứ mỗi khi tập viết thì gặp khó khăn. Tập cho cháu viết chân phải để cho thuận lợi nhưng cháu lại quen chân trái, thế là đành phải tập bằng chân trái”, anh Ba cho biết.

Không phụ tấm lòng thương yêu con của anh Ba và gia đình, Hồng đã được một cô giáo của trường Tiểu học Ngọc Thanh A (TX. Phúc Yên) nhận dạy học vì lòng nhiệt huyết và ý chí vượt lên khó khăn của em.

Đối với những đứa trẻ bình thường, khi mới bắt đầu tập viết chữ đã khó, với cô bé không có tay, việc tập viết bằng chân lại càng khó khăn hơn. Hàng ngày, Hồng tự đến trường, khi lên lớp, em được các thầy cô giáo sắp xếp cho ngồi một chỗ và có bàn học riêng.Tất cả các môn học từ Tiếng Việt, Toán… Hồng đều dùng bằng đôi chân để làm.

Điều làm cho nhiều giáo viên cũng như các bạn học sinh trong trường vô cùng cảm phục về Hồng đó là cháu có thể làm được rất nhiều việc bằng đôi chân.

Viết cuộc đời bằng đôi chân

Anh Ba nhớ lại, khi Hồng lên 8 tuổi, thấy ai trong nhà làm gì, Hồng cũng để ý làm theo. Khi thấy vở của anh nhà bên cạnh đi học về để ở bàn, Hồng tò mò xem và xin người anh cây bút chì, cuốn vở để tập viết chữ bằng chân. Lúc đầu, cô bé Hồng tập trung cao độ để tập luyện viết bằng ngón chân. Khi viết nét chữ còn méo mó, hàng lối còn ngoằn ngoèo, nắn nót mỏi chân mà cả buổi chưa viết được chữ nào hoàn chỉnh.

Nét chữ được viết bằng chân của em Linh Thị Hồng

Những ngày đầu tập viết, người Hồng cong lên theo từng nét chữ, mồ hôi chảy dài trên má. Đặc biệt, những tháng đầu mới tập viết, hai ngón chân kẹp bút của Hồng rướm máu nhưng vẫn không chịu dừng bút. Sự kiên trì của Hồng cuối cùng cũng không uổng. Dần dần, Hồng luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn. Thấy con ham học, vợ chồng anh Ba đã dò hỏi các giáo viên tiểu học mua sách về hướng dẫn cho con tập đọc, tập viết bằng chân trên tấm bảng đen ở một góc nhà.

Khi được hỏi về dự định tương lai cho con, anh Ba nói: “Trước mắt gia đình chỉ mong con được đi học cho bằng bạn bằng bè và cháu có thể biết chữ. Cháu có rất nhiều ước mơ như hát, vẽ và gia đình sẽ luôn theo dõi và ủng hộ cháu”.

Hàng ngày không quản ngày nắng hay ngày mưa, Linh Thị Hồng vẫn đều đặn đến trường. Chẳng đếm xuể những lần Hồng vấp ngã, mình mẩy tứa máu  bởi những bước đi xiêu vẹo. Trường học luôn là mục tiêu để Hồng đứng dậy. Em lại tiếp tục chặng đường đến trường với những bước đi đầy niềm đam mê.

“Cháu xem ti vi thì thấy nhiều anh chị lớn tuổi cũng có hoàn cảnh như mình mà đánh máy chữ vi tính bằng chân rất giỏi. Ngã đau lắm, nhưng cháu thích đi học để tương lai trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, cháu không nghỉ ở nhà đâu” -  em Linh Thị Hồng nghẹn ngào.

Chia tay gia đình thì trời đã sẩm tối, đằng sau chúng tôi là hình ảnh về cô bé khuyết tật nhưng có nghị lực phi thường. Hy vọng bằng nỗ lực của bản thân, sự động viên khích lệ từ phía gia đình em sẽ viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình bằng đôi chân kỳ diệu.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Cô bé không tay, viết cuộc đời bằng đôi chân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề