Thứ năm, 02/05/2024 05:00 (GMT+7)

Hải Phòng: Khai thác đá, cần bảo tồn di tích dịch sử

Phong Linh -  Thứ tư, 18/08/2021 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cụm di tích Trại Sơn đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố ngày 11/5/2005; hiện đang bị doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụm di tích Trại Sơn gồm: hang Đốc Tít, hang Huyện Uỷ, hang Công An, động Cửa Vua, địa điểm chùa Kim Liên tại xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố ngày 11/5/2005; hiện đang bị doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có mặt tại Cụm di tích lịch sử Trại Sơn trong những ngày đầu tháng 8/2021, phóng viên đã nhìn thấy một mảng sườn núi rộng bị Công ty TNHH Kiên Ngọc khai thác. Càng đi sâu vào trong, càng thấy rõ mức độ tàn phá ghê gớm của hoạt động khai thác này. Khoảng 11h trưa, sau một tiếng nổ lớn là bụi bay ra bủa vây xóm làng, bao trùm lên những ngôi nhà của các hộ dân và Cụm di tích. Nằm trong cụm di tích Trại Sơn, chùa Kim Liên cũng chung tình cảnh, sau mỗi đợt nổ mìn lại xuất hiện những vết nứt mới. Ngôi mộ của dòng họ Mạc nằm trong vùng lõi của di tích cũng bị nứt nát từ trong ra ngoài, xiêu vẹo, biến dạng. Đỉnh lăng còn bị rơi hẳn ra ngoài.

Ngôi mộ của dòng họ Mạc nằm trong vùng lõi của di tích cũng bị nứt nát từ trong ra ngoài, xiêu vẹo, biến dạng (Ảnh - Mạc Văn Quý)

Được biết, cụm di tích Trại Sơn, gồm: hang Đốc Tít, hang Huyện Uỷ, hang Công An, động Cửa Vua, địa điểm chùa Kim Liên tại xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố ngày 11/5/2005.

Ngày 29/1/2013, UBND TP Hải Phòng quyết định cho Công ty TNHH Kiên Ngọc được khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực phía Tây Nam khu B, núi Trại Sơn, xã An Sơn, Thuỷ Nguyên (Giấy phép khai thác khoáng sản số 246/GP-UBND). Cụ thể, diện tích thực hiện dự án khai thác khoáng sản là 16,64ha (trong đó: diện tích khu vực khai thác khoáng sản là 10,03ha; diện tích khu vực các công trình phụ trợ là 6,61ha). Thời hạn khai thác là 12 năm 7 tháng, công suất khai thác 300.000m3/năm đá nguyên khai.

Khu vực khai thác đá của Cty TNHH Kiên Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đăng - Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: “Cụm di tích lịch sử Trại Sơn nằm gần vị trí mỏ khai thác đá của Công ty Kiên Ngọc. Thời gian qua, theo phản ánh của người dân về tình trạng các công trình khai thác đá xâm hại đến khu di tích, UBND xã cùng các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra tại hiện trường nhưng chưa phát hiện các hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, hoạt động nổ mìn khai thác gần khu vực cửa hang thì không thể tránh khỏi việc đá văng và bụi, gây ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Công ty Kiên Ngọc khi khai thác đã có giấy phép hoạt động và cắm mốc tại những vị trí được khai thác. Quan điểm của địa phương là phải bảo vệ di tích lịch sử, không để doanh nghiệp động vào đó.”

Theo bản đồ khu vực khai thác khoáng sản của cơ quan đo vẽ, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường có thể thấy, hang Huyện Uỷ, hang Đốc Tít nằm sát diện tích 10,03ha khu vực khai thác khoáng sản của Công ty Kiên Ngọc. Có thể hình dung, có 3 quả núi sát nhau, một bên là quả núi chứa hang Huyện Uỷ, một bên là quả núi chứa hang Đốc Tít nhưng UBND TP Hải Phòng lại cấp phép cho doanh nghiệp khai thác quả núi ở giữa. Hay có thể hiểu, một quả núi chia thành 2 nửa, một nửa là di tích, một nửa lại được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác. Việc người dân hoài nghi, khi doanh nghiệp khai thác hết khu vực được cấp phép thì nơi đó sẽ chẳng còn lại di tích nữa là hoàn toàn có cơ sở, hoặc di tích có còn lại thì cũng nham nhở, chẳng còn sự liên kết.

Ông Trần Văn Quynh – Giám đốc khai thác mỏ Công ty TNHH Kiên Ngọc cho biết, bụi và đá văng là việc không thể tránh được khi nổ mìn khai thác đá. Hiện, doanh nghiệp cũng cảm thấy rất khó khăn, mệt mỏi khi cứ vài hôm lại có người nói hoạt động của chúng tôi gây ảnh hưởng đến di tích. Vì thế doanh nghiệp đề nghị TP Hải Phòng cần xác định rõ mốc giới của di tích. Chúng tôi chấp nhận điều chỉnh lại vị trí, toạ độ khai thác,… để tránh xâm hại đến di tích, yên tâm sản xuất.

Hoà thượng Thích Quảng Tùng – Trụ trì chùa Dư Hàng, Đại biểu HĐND TP Hải Phòng cho biết, “Tới đây thầy cũng sẽ có ý kiến kiến nghị về việc khai thác đá gây ảnh hưởng đến di tích tại địa phương này. Theo tôi thì nên chấm dứt hoạt động khai thác tại đó. Bao nhiêu di tích lịch sử ở bên đó lại phá đi. Phá đi thì dễ nhưng để có được quả núi như thế thì đâu phải dễ, cần phải giữ lại cho con cháu đời sau ”.

Việc nổ mìn khai thác của doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến di tích có thể một phần lỗi từ khâu cấp phép, công nhận di tích của UBND TP Hải Phòng. Hiện các cấp các ngành vẫn kết luận việc khai thác của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu xâm phạm đến di tích nhưng về lâu về dài việc nổ mìn khai thác gần cụm di tích chắc chắn sẽ làm thay đổi hiện trạng của di tích.

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Khai thác đá, cần bảo tồn di tích dịch sử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới