Thứ ba, 30/04/2024 02:14 (GMT+7)

Hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán

An Nhiên -  Thứ ba, 16/04/2024 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

30 năm xây dựng và phát triển của một tổ chức chưa phải là chặng đường dài, nhất là với một tổ chức chưa từng có tiền lệ, song được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Sự ra đời của KTNN vào ngày 11/7/1994 theo Nghị định số 70-CP của Chính phủ đánh dấu khởi điểm thêm một công cụ mới, đắc lực, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát nhằm đáp ứng yêu cầu và tình hình bối cảnh của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và minh bạch nền tài chính quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc KTNN phải độc lập theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Hiến pháp năm 2013, củng cố và xác lập địa vị pháp lý thì phải hoàn thiện khuôn khổ quy định nghề nghiệp góp phần gia tăng chất lượng ý kiến kiểm toán về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực của quốc gia.

Hoàn thiện khuôn khổ quy định nghề nghiệp

Theo khuyến cáo của INTOSAI, các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên (các SAI) cần phải xây dựng và ban hành hệ thống khuôn khổ quy định nghề nghiệp hay hệ thống các văn bản quy định về chuyên môn nghiệp vụ để trở thành một cơ quan thực hiện kiểm toán lĩnh vực công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại.

Để cung cấp cơ sở cho các các SAI thành viên xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn kiểm toán chất lượng cao chuyên nghiệp, INTOSAI đã xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế và không ngừng cập nhật, hoàn thiện theo yêu cầu thực tiễn và bối cảnh quốc tế. Trên cơ sở Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI, các SAI thành viên đã xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của mình phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế cũng như trình độ và thực tiễn hoạt động kiểm toán của từng quốc gia.

Là thành viên của INTOSAI từ năm 1996, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ các quy định về chuyên môn nghiệp vụ, KTNN Việt Nam luôn tham khảo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn chuyên môn của INTOSAI một cách phù hợp theo từng thời kỳ. Khuôn khổ quy định nghề nghiệp của KTNN bao gồm: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN), Quy trình kiểm toán của KTNN, các quy định về tổ chức và hoạt động kiểm toán, các quy định về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đánh giá chất lượng kiểm toán...

Trong hệ thống các văn bản quy định về chuyên môn nghiệp vụ, Hệ thống CMKTNN luôn là kim chỉ nam hành động cho kiểm toán viên nhà nước trong quá trình kiểm toán; đảm bảo kiểm toán viên nhà nước tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp; giữ gìn và nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ các CMKTNN sẽ đảm bảo chất lượng kiểm toán, kết quả kiểm toán chính xác, trung thực tạo niềm tin cho công chúng và người sử dụng báo cáo kiểm toán, uy tín và vị thế của KTNN được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó. Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã ban hành ba hệ thống CMKTNN (Hệ thống CMKTNN năm 1999, Hệ thống CMKTNN năm 2010 và Hệ thống CMKTNN năm 2016); các Hệ thống CMKTNN ban hành sau ngày càng hoàn thiện hơn và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN; đồng thời quy định cho cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Hiện nay, trước những yêu cầu mới, KTNN tiếp tục sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN theo hướng cập nhật với Hệ thống chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành; tuân thủ Luật KTNN và luật pháp của Việt Nam có liên quan; phù hợp với thể chế, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện, môi trường hoạt động và trình độ phát triển của KTNN.

Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hệ thống CMKTNN, KTNN đã xây dựng và hoàn thiện Quy trình kiểm toán của KTNN. Quy trình kiểm toán của KTNN quy định trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện; được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật KTNN, Hệ thống CMKTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Quy trình kiểm toán của KTNN là căn cứ để xây dựng các hướng dẫn kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán của KTNN như: Hướng dẫn kiểm toán ngân sách bộ, ngành, cơ quan trung ương; Hướng dẫn kiểm toán ngân sách địa phương; Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Hướng dẫn kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia của KTNN; Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp; Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng; Hướng dẫn kiểm toán công nghệ thông tin; Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Hướng dẫn kiểm toán môi trường; Hướng dẫn kiểm toán báo cáo tổng quyết toán; Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương…

Đối với một số CMKTNN mang tính chuyên môn sâu như đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, thu thập bằng chứng kiểm toán, lấy mẫu kiểm toán, hình thành ý kiến kiểm toán…, KTNN đã cụ thể hóa thành các Hướng dẫn cụ thể hơn như: Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư; trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp; trong kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng; trong kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán…

tm-img-alt

Bên cạnh đó, các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động kiểm toán và kiểm soát hoạt động kiểm toán cũng thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán; Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán của KTNN; Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN; Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; Quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán; Quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; Quy chế sử dụng cộng tác viên KTNN; Quy chế ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán; Quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại Thành viên đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn KTNN…

Ngoài ra, với vai trò tài liệu hóa hoạt động kiểm toán, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán cũng được xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong ghi chép, phản ánh diễn biến, nội dung, kết quả kiểm toán, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, góp phần chính quy và chuyên nghiệp hoá hoạt động kiểm toán.

Có thể nói, trong 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các văn bản chuyên môn nghiệp vụ của KTNN đã không ngừng được hoàn thiện một cách toàn diện và từng bước chuyên nghiệp phù hợp với trình độ phát triển của KTNN cũng như chuẩn mực và thông lệ quốc tế; góp phần cùng với Luật KTNN tạo nên sự thống nhất và đồng bộ của khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Mặc dù vậy, trong nhiều thời điểm các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, các văn bản quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN còn chưa được cập nhật kịp thời, rà soát thường xuyên khi có sự thay đổi của các quy định trong Luật KTNN và các luật liên quan; đồng thời, quá trình áp dụng vào thực tiễn hoạt động của KTNN còn có những vướng mắc, bất cập nhất định cần tiếp tục phải được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.

Với tầm quan trọng của hệ thống quy định nghề nghiệp tác động trực tiếp tới chất lượng kiểm toán, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định: “Giai đoạn 2021-2025:… tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN như: Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro theo từng lĩnh vực kiểm toán; tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán; hệ thống các Quy trình kiểm toán, Chuẩn mực KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số, trong đó tập trung rà soát hệ thống CMKTNN đã ban hành, xây dựng Cẩm nang kiểm toán, Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán cho từng lĩnh vực. Giai đoạn 2026-2030:… rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng KTNN”.

Ngày 03/4/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký quyết định số 346/QĐ-KTNN thành lập Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN và quyết định số 347/QĐ-KTNN thành lập Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN.

Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN gồm 14 thành viên, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo là Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Phó trưởng Ban là GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Hệ thống CMKTNN năm 2016, 10 thành viên là lãnh đạo cấp Vụ của KTNN vừa am hiểu lý thuyết kiểm toán, vừa tinh thông nghiệp vụ kiểm toán, một số người đã tham gia Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Hệ thống CMKTNN năm 2016 và 01 thư ký Ban Chỉ đạo.

Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN gồm 35 thành viên với Tổ trưởng Tổ soạn thảo là ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chát lượng kiểm toán, và chia thành 04 Nhóm. Tổ soạn thảo cũng thành lập Thường trực Tổ soạn thảo để giúp việc cho Ban Chỉ đạo đồng thời tổ chức và điều hành Tổ soạn thảo.

Theo kế hoạch, Tổ soạn thảo hoàn thiện Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trong tháng 6/2024 - chào mừng 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024)./.

Những điểm mới của Hệ thống Chuẩn mực được sửa đổi năm 2024 so với Hệ thống Chuẩn mực ban hành năm 2016

Hệ thống Chuẩn mực KTNN hiện hành đã ban hành được gần 8 năm. Đến nay, đã có những thay đổi về môi trường pháp lý, pháp luật KTNN, điều kiện và thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN. Đồng thời, qua 8 năm áp dụng Chuẩn mực KTNN, KTNN tổng kết, đánh giá những vấn đề phù hợp, không phù hợp, phân tích nguyên nhân để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, cập nhật. Cùng với đó, Hệ thống ISSAI cũng đã được sửa đổi và ban hành thành Khung các Tuyên bố chuyên môn của INTOSAI (IFPP) năm 2019. Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN.

Để đảm bảo yêu cầu đó, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết hơn 7 năm áp dụng Hệ thống Chuẩn mực KTNN ban hành năm 2016, KTNN tiến hành rà soát, sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi và phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động kiểm toán, các quy định pháp luật mới hiện hành. Đồng thời, Tổ soạn thảo cũng sẽ cập nhật, bổ sung những nội dung mới theo ISSAI - Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành năm 2019 và có hiệu lực gần đây nhất. Như vậy, đây là hướng sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN để đáp ứng được các yêu cầu mới.

Hệ thống Chuẩn mực được sửa đổi lần này có một số điểm mới so với Hệ thống Chuẩn mực ban hành năm 2016. Thứ nhất, KTNN cập nhật, bổ sung những nội dung mới trong Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành năm 2019, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thứ hai, đối với những quy định hoặc vấn đề mang tính chất hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mặt kỹ thuật, tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ không đưa vào Hệ thống Chuẩn mực sửa đổi lần này. Những vấn đề đó sẽ được nghiên cứu, xây dựng thành các hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn các nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật cũng như vấn đề về tổ chức, quản lý trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo tính ổn định, tính linh hoạt trong việc thực hiện chuẩn mực sau này.

Thứ ba, để đảm bảo phù hợp với ISSAI, KTNN sẽ thay đổi số hiệu của Chuẩn mực KTNN cho phù hợp với số hiệu hệ thống ISSAI. Đồng thời, số lượng chuẩn mực sửa đổi lần này cũng tăng do bổ sung những chuẩn mực mới theo ISSAI. Đặc biệt, những nội dung cụ thể trong các chuẩn mực cũng sẽ được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới cũng như ISSAI mới.

Vấn đề cuối cùng, khi sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực, các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của KTNN, kiểm toán viên nhà nước cũng như các đơn vị được kiểm toán và các đối tượng có liên quan sẽ được quy định một cách rõ ràng hơn, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện tính minh bạch trong vấn đề tổ chức hoạt động kiểm toán.

tm-img-alt

Đến nay, Tổ soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo lần 1 Hệ thống Chuẩn mực KTNN sửa đổi, bổ sung, trình Ban Chỉ đạo cho ý kiến. Dự kiến, trong tháng 3/2024, Dự thảo sẽ được đăng trên Cổng thông tin của KTNN để lấy ý kiến góp ý trong và ngoài Ngành. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Tổ soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký, ban hành đúng vào kịp kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN.

Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững về tổ chức, hoạt động cũng như nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trong thời gian tới.

Trước hết, Hệ thống Chuẩn mực KTNN là cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động kiểm toán. Đồng thời, đây là điều kiện để đảm bảo cho tổ chức, hoạt động kiểm toán được minh bạch, rõ ràng, tăng trách nhiệm giải trình của KTNN, kiểm toán viên nhà nước cũng như các đơn vị được kiểm toán và các đối tượng liên quan.

Hệ thống Chuẩn mực được sửa đổi là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tạo dựng lòng tin, độ tin cậy của lãnh đạo các cấp, các đơn vị được kiểm toán và cộng đồng xã hội đối với hoạt động KTNN.

Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực cũng góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán. Điều này đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên nhà nước phải nâng cao năng lực, trình độ của mình. Đồng thời, việc sửa đổi các chuẩn mực còn hướng tới đáp ứng yêu cầu về đổi mới công nghệ kiểm toán, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức hoạt động kiểm toán; đảm bảo hài hòa với ISSAI, tạo thuận lợi để KTNN Việt Nam hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN năm 2024: Trước hết, phải khẳng định rằng, Hệ thống Chuẩn mực KTNN không chỉ đóng vai trò là kim chỉ nam cho tổ chức, hoạt động của KTNN, mà đặc biệt giá trị về mặt pháp lý (là văn bản quy phạm pháp luật) cho hoạt động kiểm toán của KTNN; là điều kiện đảm bảo tính chuyên nghiệp hoạt động kiểm toán của KTNN; đồng thời cũng là điều kiện để đảm bảo các vấn đề có tính nền tảng triết lý kiểm toán công.

Đây là cơ sở pháp lý cũng như các quy định có tính nguyên tắc và chuẩn chỉ, mực thước, mang tính bắt buộc đối với tổ chức, hoạt động KTNN, kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng liên quan. Đồng thời, Hệ thống Chuẩn mực cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề về phát triển bền vững cũng như nâng cao uy tín và độ tin cậy của KTNN.

Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững về tổ chức, hoạt động cũng như nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trong thời gian tới./.

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...