Thứ bảy, 27/04/2024 07:24 (GMT+7)

Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Thủ đô

MTĐT -  Thứ năm, 23/04/2020 10:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay hầu hết các làng nghề ở Việt Nam đều bị ô nhiễm môi trường trừ các làng nghề không sản xuất hoặc dùng các nguyên liệu không gây ô nhiễm như thêu, may…

Nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng vốn có truyền thống từ lâu đời. Truyền thống đó luôn được gắn với những tên làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường, mà còn là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nó được tạo nên bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công. Nhiều sản phẩm truyền thống có tính nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật trong đó chứa đựng những nét đặc sắc và biểu trưng của nền văn hoá dân tộc mang sắc thái riêng, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của dân tộc và đặc trưng của mỗi làng nghề truyền thống. Đặc biệt nghề thủ công mỹ nghệ là những di sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và truyền lại cho các thế hệ sau như khi nhắc đến gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuyên Mỹ, gỗ mỹ nghệ Vân Hà.

Làng nghề Hà Nội. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thành phố Hà Nội hiện có làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đã, đang đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bối cảnh hội nhâp quốc tế sâu rộng đòi hỏi các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề liên kết chặt chẽ để phát triển toàn diện.

Thông qua sản phẩm thủ công tinh xảo, được chế tác khéo léo, mang phong cách văn hoá riêng, các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề góp phần củng cố, tăng cường và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, giới thiệu được nét đẹp văn hoá Việt Nam với văn hoá thế giới. Sản phẩm làng nghề truyền thống còn lan toả phát triển sang các vùng lân cận, phụ cận.

Bên cạnh đó, làng nghề là cả một môi trường văn hoá - kinh tế - xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Môi trường văn hoá của làng nghề là khung cảnh của làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, các hoạt động phường hội, phong tục tập quán, nếp sống đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Làng nghề là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và các kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác. Trong quá trình phát triển, các làng nghề luôn gắn liền với sự phát triển của văn hoá dân tộc và từ lâu làng nghề đã làm phong phú thêm truyền thống văn hoá Việt Nam.

Mỗi làng dệt có thể nổi tiếng về một mặt hàng, như the của làng La, vải của làng Canh… nhưng nhìn chung đã là làng dệt đểu có thể dệt thành thạo nhiều mặt hàng khác nhau:

… Lượt, là, lĩnh lụa, xuyến lương
Ấy là thứ lụa mặc thường của ta
Thứ trơn này lại thứ hoa
Quế, vân, gấm, vóc, băng sa, cầu kỳ…

Ngày nay, đề tài khảm trai thường chọn các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như Chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long, các danh lam ở Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Những sản phẩm độc đáo mang đậm nét truyền thống của Chuyên Mỹ đã làm say đắm và nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa.

“Khảm trai trên gỗ trên đồng
Mà như khảm cả tấm lòng vào tranh”
(Ca dao)

Làng nghề Vạn Phúc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy vậy, làng nghề Hà Nội vẫn còn những hạn chế, kìm hãm sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đang rất yếu về khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; mỹ thuật bao bì còn đơn điệu; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao và khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường…

Trong thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các làng nghề đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm.

Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường làng nghề, đòi hỏi hệ thống cơ sở dữ liệu phải được cập nhật chính xác về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ môi trường làng nghề trên quy mô quốc gia, từ đó có các định hướng và biện pháp phù hợp để bảo vệ môi trường làng nghề một cách hiệu quả, bền vững.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề:
- Làng nghề phải đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường sau:
+ Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề;
+ Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
+ Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.
- Cở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do Chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Vấn đề môi trường các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư ở các vùng lân cận. Hiện nay hầu hết các làng nghề ở Việt Nam đều bị ô nhiễm môi trường trừ các làng nghề không sản xuất hoặc dùng các nguyên liệu không gây ô nhiễm như thêu, may…

Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy: “46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm và 27% ô nhiễm nhẹ”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra ở các dạng phổ biến sau đây:
Ô nhiễm nước: ở Việt Nam, các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước chủ yếu là quá trình xử lý công nghiệp như: chế biến lương thực, thực phẩm, mây tre, dệt, in, nung nấu kim loại, tẩy giấy và nhuộm… Thường thì nước thải bị nhiễm màu nặng và gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu. Hơn nữa là sự vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với các hàm lượng BOD, COD, SS và coliform, các kim loại nặng… ở các nước mặt và nước ngầm, làm chết các sinh vật thủy sinh và chứa các mầm bệnh nguy hại cho con người.

Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề đã tạo việc làm cho nhiều lao động, song mặt trái là công tác bảo vệ môi trường chưa đảm bảo. Vì vậy, cử tri nhiều địa phương rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại các làng nghề…

Qua khảo sát, thành phố có 40 làng nghề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, 12 làng nghề ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Vấn đề này đã được UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quận, huyện, thị xã có làng nghề rà soát, có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Riêng vấn đề xử lý nước thải, thành phố đang triển khai một số dự án có quy mô lớn. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), công suất 20.000m3/ngày-đêm đã vận hành từ tháng 10/2016. Hiện thành phố đang chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%.

Sự quan tâm chỉ đạo của thành phố trong vấn đề xử lý nước thải của làng nghề là đáng ghi nhận. Song thực tế tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải còn chậm, do dự án cần nguồn vốn lớn, khó bảo đảm tiến độ vì phải cân đối nguồn lực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Cùng với đó, các hộ sản xuất phân tán nhỏ lẻ trong làng nghề, hầu hết đều tận dụng diện tích để ở để làm nhà xưởng với quy mô nhỏ, tự phát cũng là một khó khăn.

Để giải quyết “bài toán” ô nhiễm làng nghề đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn của các cơ quan chức năng cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân địa phương. Bởi thực tế, việc thu gom, xử lý chất thải sản xuất ở nhiều nơi vẫn được thải chung với đường cống thoát nước sinh hoạt của làng nghề và không qua xử lý. Nếu thực tế trên không giải quyết sớm, việc khắc phục sẽ càng khó khăn và tốn kém hơn.

Theo Tạp chí Môi trường, số 3/2016: Trung bình mỗi ngày, hoạt động sản xuất trong các làng nghề thải ra từ 300 đếm 500 tấn bã, hơn 15.000m3 nước thải, hàng trăm tấn chất thải rắn chứa các chất tẩy rửa hóa học quá quá trình phân hủy tạo ra những mùi hôi thối. Phần lớn các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp xen kẽ với khu dân cư, quy trình thô sơ, lạc hậu, chủ yếu tận dụng sử dụng sức lao động trình độ thấp, ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, tác động đến môi trường sống, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó kết cấu hạ tầng nông thôn như đường sá, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, chất thải không được thu gom và xử lý, dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng cảnh quan thiên nhiên được phá vỡ đê nhường chỗ cho mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải. Chất thải từ các làng nghề đặc trưng theo theo hoạt động sản xuất của mỗi loại hình làng nghề và tác động đế môi trường nước, không khí và đất trong khu vực ở những mức độ khác nhau. Các làng nghề đang có xu hướng bị ô nhiễm nặng nặng nề do nước thải từ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, đặc biệt là nước thải từ khâu lọc tách bã, tách bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn, dong riềng.
Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ mây tre đan, tái chế giấy. Nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng… Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề lại đến từ việc sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp), sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất, khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2, NOx, và chất hữu cơ bay hơi.

Lâu dài Hà Nội cần có chiến lược xử lý rác thải sinh hoạt rõ ràng, lâu dài, bền vững. Phải khẩn trương có công nghệ mới thân thiện với môi trường như đốt rác kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, giảm tỷ lệ chôn lấp.

Quan điểm là phải coi rác thải là tài nguyên. Hậu quả của chôn lấp rác thải là lãng phí tài nguyên, gây tốn kém quỹ đất, nước rỉ không xử lý tốt sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm. Đoàn giám sát của HĐNDTP Hà Nội cũng đưa ra dự báo đến năm 2020, nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.

Các công ty môi trường được giao nhiệm vụ phải hợp tác với các địa phương tổ chức tốt công tác thu gom rác, phải phạt nặng việc đổ trộm rác ra đường phố hoặc kênh mương .
Công ty môi trường phải luôn đổi mới công nghệ không để khói bụi hay nước rác ô nhiễm môi trường.

Các công nghệ xử lý môi trường phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, không để triển khai nửa chừng phải dừng vì do công nghệ lạc hậu.

Các dự án phải được thẩm định cẩn thận, khi đã nhận được phép đầu tư, không chậm trễ đầu tư, không chậm trễ tiến độ, tránh gây khó khăn cho địa phương và thành phố.

Tùy theo tính chất của tầng loại làng nghề mà các loại khí thải gây ô nhiễm không khí phát sinh khác nhau. Ngành sản xuất có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại. Quy trình tái chế và gia công gây phát sinh các khí độc như hơi Axit, kiềm, oxit kim loại (pho, ZnO, Al2O3).

- Các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa thải ra tao nên các khí như SO2, NO2, H2S, NH2... các khi này có mùi hôi tanh rất khó chịu, điển hinh như làng trống da Lâm Yên (Đại Lộc Quảng Nam).
-Các làng nghề ươm tơ, dệt vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2.
Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh, từ quá trình xử lý chố mốc cho các sản phẩm mây tre đan do sử dụng lưu huỳnh khi sấy nguyên liệu.
Chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Chất thải rắn làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau, phụ thuộc vào nhiều nguồn phát sinh và mang đặc tính của loại hình sản xuất.

Cùng với sự gia tăng số lượng chất thải làng nghề ngày càng đa dạng và phức tạp về thành phần, có thể thấy rằng chất thải làng nghề bao gồm những thành phần chính như: phế phụ phẩm từ chế biến lương thực, thực phẩm, chai lọ, thủy tinh, nhựa, nilon, vỏ bao bì đựng nguyên liệu, gốm sứ, gỗ, kim loại.

Phát triển nghề, làng nghề và các dịch vụ nông thôn là động lực xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm tăng thu nhập, tăng sức mua của người dân. Tạo sự chuyển dịch cơ cấu ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Lựa chọn để phát triển một số ngành nghề và làng nghề theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, mang những nét văn hóa độc đáo riêng của địa phương và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ.
Tuy nhiên để phát triển làng nghề thành phố, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội bảo tồn duy trì những di sản văn hóa truyền thống của địa phương, xử lý tốt môi trường cần chú ý một số vấn đề sau:
Về kỹ thuật, công nghiệp: tăng cường nghiên cứu ứng dụng đổi mới công nghệ sản xuất của làng nghề, nhằm tăng chất lượng, số lượng sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo về giá trị truyền thống đặc trưng của làng nghề Hà Nội.
Về sử dụng lao động và đào tạo lao động: Sử dụng tốt nguồn lao động tại chỗ, hạn chế di dân tự do, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Thành lập trung tâm giới thiệu việc làm ở nông thôn để cung cấp các thông tin về việc làm cho người lao động, giúp người lao động tìm việc làm phù hợp với trình độ và khả năng nghề nghiệp của mình. Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề theo nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau, trên cơ sở lập kế hoạch và nhu cầu lao động cần được đào tạo trong tường ngành nghề. Hình thành đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, trình độ tổ chức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, tạo mẫu mã sản phẩm tại các làng nghề.

Về phát triển cụm sản xuất làng nghề tập trung: Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể của Thủ đô, tạo mặt bằng cho các cơ sở và các tổ chức dịch vụ làng nghề, nâng cao sự phân công của hợp tác sản xuất giữa các cơ sở sản xuất với các cơ sở dịch vụ, đồng thời có điều kiện xử lý ô nhiễm môi trường tập trung.

Về môi trường: phát triển, mở rộng sản xuất các làng nghề phải đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống khu vực dân cư tại địa phương có làng nghề. Nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới