Thứ sáu, 26/04/2024 20:21 (GMT+7)

Kiên quyết ngăn chặn sự du nhập các loài ngoại lai

MTĐT -  Thứ năm, 30/05/2019 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phạm vi sống về địa lý của nhiều loài được giới hạn bởi các hàng rào do chính các yếu tố môi trường và khí hậu tạo ra ngăn cản sự phát tán.

I. THẾ NÀO LÀ LOÀI NGOẠI LAI
Phạm vi sống về địa lý của nhiều loài được giới hạn bởi các hàng rào do chính các yếu tố môi trường và khí hậu tạo ra ngăn cản sự phát tán. Các loài động vật có vú sống ở Bắc Mỹ không thể nào vượt qua Trung Mỹ để đến được Thái Bình Dương để đến được Ha-oai, các loài cá biển tại vùng biển Caribê không thể vượt qua Trung Mỹ để đến được Thái Bình Dương và các loài cá nước ngọt trong các hồ của Châu Phi không có cách nào vượt cạn để đến những hồ biệt lập lân cận. Các đại dương, sa mạc, đỉnh núi và những dòng sông đều đã ngăn cản sự di chuyển của các loài. Do sự cách ly địa lý, quá trình tiến hoá được phân ly theo các hướng khác nhau trên những khu vực chính của Trái đất; ví dụ như các loài sinh vật ở khu vực châu Úc - Niu Ghinê khắc hẳn với chính các loài ở khu vực Đông Nam Á lân cận. Các hòn đảo, những nơi cư trú biệt lập cách ly hoàn toàn có xu hướng phát triển các loài sinh vật đặc hữu.

Tôm hùm đất, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng là những loài ngoại lai xâm hại. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những người Châu Âu đến một vùng thuộc địa mới mang theo và thả ra hàng trăm các giống chim thú của Châu Âu đến các nơi như New Zealand, châu Úc, Nam Mỹ để làm cho phong cảnh ở đây trở nên thân quen với họ cũng như để tạo ra thú vui săn bắn.
Rất nhiều loài cây được mang đến và trồng lại tại những vùng đất mới như cây cảnh, cây nông nghiệp hoặc cây cho chăn nuôi gia súc. Rất nhiều loài trong số đó thoát vào tự nhiên và thâm nhập vào các quần thể bản địa [1].

Có nhiều loài được con người vận chuyển một cách không chú ý; ví dụ thường xảy ra nhất là các hạt cỏ vô tình bị thu hoạch cùng với các hạt ngũ cốc được đem bán và được gieo trên những địa bàn mới. Chuột, các loài côn trùng “cư trú” bất hợp pháp trên máy bay, tàu thuỷ, các vectơ truyền bệnh, các động vật ký sinh được vận chuyển cùng với các động vật chủ của chúng. Các tàu thuyền thường mang theo các loài ngoại lai trong các khoang hầm. Các túi đất để dằn tàu lấy thăng bằng được chon tại các khu vực cảng thường mang theo các hạt cỏ và các ấu trùng sống trong đất. Các túi nước để dằn tàu đổ ra ở cảng thường đem theo các loại rêu, tảo, động vật không xương sống và các loài cá nhỏ. Nước để giữ thăng bằng cho tàu thải ra ở vịnh Coos, Oregon đã chứa 367 loài sống ở biển có xuất xứ từ Nhật Bản (Carlton và Geller, 1993).

II. NHỮNG BÀI HỌC ĐẮT GIÁ VÌ DU NHẬP CÁC LOÀI NGOẠI LAI

Rất nhiều vùng trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loài du nhập. Có khoảng 4600 loài thực vật du nhập ở quần đảo Ha - oai, số lượng này nhiều gấp ba lần tổng số loài bản địa sống ở đây (St.John,1973). Nhiều khu đất ngập nước của Bắc Mỹ hoàn toàn bị xâm chiếm vĩnh viễn bởi các loài du nhập: loài cỏ hoa đỏ (loosestrife) của châu Âu chiếm những vùng đầm lầy tại Đông Bắc Mỹ, còn loài cây kim ngân Nhật Bản mọc lại dày đặc tại các vùng đất của Đông Nam Mỹ. Quá nửa số loài cá nước ngọt tại Massachusett được mang đến từ rất nhiều nơi, các loài này chiếm phần lớn cơ cấu của sinh khối về cá (Hartell, 1992). Các loài côn trùng được du nhập cố ý như ong mật, ông nghệ, và không cố ý như kiến lửa, và ong mật châu Phi, có thể lập thành một quần thể lớn. Tác hại của những côn trùng du nhập này là chúng có thể phá hoại và tiêu diệt nhiều loại côn trùng bản địa (Porter và Savignado 1990). Tại một số địa điểm ở Nam châu Mỹ, mức đa dạng của các loai côn trùng giảm đến 40% sau khi khu vực này bị loài kiến lửa du nhập chiếm lĩnh [1].
Việc du nhập các loài thuỷ sinh vật từ lãnh thổ bên ngoài vào nước ta cũng đang trở thành yếu tố ảnh hưởng đến ĐDSH. Trước hết, có thể có những loài có khả năng cạnh tranh cao hơn những loài bản địa, làm thu hẹp vùng phân bổ, có khi tiêu diệt loài bản địa, làm thay đổi cấu trúc của xích thức ăn trong các hệ sinh thái hay trở thành dịch hại, nhất là những loài ăn thịt; hiện tượng lai tạp giữa loài bản địa và loài di nhập làm mất vốn gen tốt của những dòng thuần, đã từng tiến hóa và phát triển tại địa phương; sự nhập nội còn kéo theo những loài kí sinh trùng và mầm bệnh mới tiềm ẩn, gây tác hại cho loài địa phương. Trong nửa thế kỷ qua, nước ta đã nhập tới 114 loài thuỷ sinh vật từ nước ngoài vào, gồm 27 loài cá nước ngọt và cá biển, 1 loài artemia, 4 loài lưỡng cư và bò sát, 29 loài thực vật nổi nước ngọt, nước mặt và 2 loài động vật nổi nước mặn. Những mặt tích cực và tiêu cực của việc du nhập bước đầu đã xuất hiện ở những loài khác nhau và trong những mức độ khác nhau. Đối với bất cứ một quốc gia nào, khi sản xuất nông lâm ngư nghiệp đều có giao lưu, trao đổi, mua bán… các sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi với các quốc gia khác hoặc giữa các vùng khác nhau. Sinh vật di nhập này có thể nhân lên nhanh chóng trong điều kiện mới để thích ứng với môi trường (Cục Môi trường, 2002). Năm 2000, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã báo cáo về việc thu hẹp và mất giống cam bản địa do du nhập và trồng hơn 400 ha táo Srilanka vào xã Tân Tiến. Thiệt hại này tính đến hàng trăm tỷ đồng.
Những rủi ro tương tự cũng xảy ra với sinh vật du nhập. Những sinh vật này không thích nghi với điều kiện sinh thái của môi trường sống mới nên thường bị thoái hoá hay phát sinh những đặc điểm không mong đợi trong quá trình thích ứng với điều kiện sống mới. Điều này phải kể đến nạn dịch ốc bươu vàng. Loài nhuyễn thể này được nhập vào Việt Nam với mục đích làm thực phẩm và phòng chống sinh học. Trong quá trình thích ứng và phát triển, ốc bươu vàng đã phát triển nhanh chóng mặt với mật độ quần thể lớn và phá hoại mùa màng, ảnh hưởng nghiêm trọng của việc nhập nội loài lạ là việc phá vỡ cân bằng hệ sinh thái vốn đã thích ứng bền vững với loài bản địa và thu hẹp vùng phân bố của loài bản địa.[2]
Chuột hải li (Myocastor coypus) là loài gặm nhấm, đào hang sống ở bờ sông, bờ đê, đập, cắn phá và gây thiệt hại trầm trọng thảm thực vật ngập nước. Hơn nữa lại là vật chủ truyền bệnh xoắn khuẩn gây sốt vàng da rất nguy hiểm. Chuột hải li được nhập vào nước ta từ năm 2000 nhưng đã bị Chính phủ cấm và tiêu diệt do thấy rõ tác hạ của chúng. Không rõ có con nào xổng ra ngoài tự nhiên hay không.
Sáo đá xanh (Sturnus vulgaris): là loài chim phàm ăn và hầu như ăn mọi thứ, do đó làm giảm các loài côn trùng bản địa (là thiên địch của sâu bệnh), vì thế sáo đá xanh là thủ phạm phá hoại mùa màng. Tại Việt Nam đã thấy sáo đá xanh xuất hiện ở Hải Dương, Hưng Yên. Cần theo dõi để có giải pháp thích hợp.
Hoa ngũ sắc (Lantana camara Linn): Hoa ngũ sắc thuộc họ cúc được trồng làm cây cảnh ở nhiều nơi trên đất nước ta. Loài hoa này phát triển rất nhanh như một loài cỏ dại, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của hơn 50 nước trên thế giới.
Bèo Nhật Bản (Eichomia crassipes (Mart). Solms): Còn gọi là bèo tây, lục bình, nguồn gốc Nhật Bản, xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1930 theo đường biển và đến nay đã lan tràn hầu hết ao hồ nước ngọt. Bèo tây phát triển nhanh, cản trở giao thông, che kín anhsangs làm các loài thuỷ sinh bị chết.
Bọ hung đen nhỏ, có nguồn gốc từ Đài Loan theo giống mía nhập về Thạch Thành - Thanh Hoá, bùng phát thành dịch, tàn phá khoảng 500ha mía năm 2001 và có nguy cơ lan rộng.
Bọ dừa (Brontispa sản phẩm ) xâm nhập vào Việt Nam theo cây cau cảnh. Bọ dừa Brontispa sản phẩm . chuyên ăn diệp lục của lá dừa non còn trong bọc lá, bùng phát thành dịch từ năm 1999, tàn phá nặng nề rừng dừa nước ta từ Phú Yên trở vào. Thiệt hại nhất là rừng dừa Khánh Hoà và Bến Tre. Hiện nay chưa có cách gì tiêu diệt họ dừa Brontispa sp. vì giá dừa quá rẻ nên người trồng dừa không quan tâm lắm đến phòng trừ dịch hại. Vả lại bọ đừa Brontispa sp. trưởng thành biết bay, dễ dàng rờibỏ than cây bị xử lý bằng hoá chất sang cây khác [2].
- Cá hổ cảnh: Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu nguồn lợi thuỷ sản II cho biết, cá hổ (Piranha) xuất hiện cuối năm 1996, đầu năm 1997 tại thị trường cá cảnh TP Hồ Chí Minh với số lượng ít, được bán chủ yếu tại một vài gian hang cá cảnh tại khu vực Chợ Lớn, quận 5. Do loài cá này rất hung dữ nên không được ưa chuộc làm cá cảnh. Tuy nhiên, hiện nay chúng vẫn còn được nuôi tại bể cảnh của một số gia đình chơi và kinh doanh cá cảnh tại quận 5 và quận 8… (Hà Thanh Tùng, Báo Khoa học và Đời sống, số 34(1234)).

Sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm, đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp, môi trường và đa dạng sinh học. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 - Trong năm 1995 và 1996, qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh một lượng lớn thóc giống đã được nhập vào nước ta mà không qua kiểm dịch và giám định thực vật. Kết quả tại Trung tâm Kiểm dịch và giám định thực vật Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như tại Viện Sinh thái học và Tài nguyên sinh vật đã cho thấy: Nghiên cứu với 12 giống lúa nhập qua con đường tiểu ngạch của Trung Quốc về thấy có 10 giống bị nhiễm tuyến trùng gây bệnh bạc trắng đầu lá lúa, số lượng tuyến trùng gây bạc trắng đầu lá lá trong 100 hạt là từ 2 - 424 cá thể. Trong đó 6 giống lúa có số lượng tuyến trùng cao hơn nhiều so với giới hạn cho phép. Nếu như lúc bấy giờ, nhà nước ta không có các biện pháp kịp thời thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. (Vũ Thanh, Báo Khoa học và Đời sống số 21)
III. CẦN CHẶN ĐỨNG VIỆC DU NHẬP CÁC LOÀI NGOÀI LAI

Tại sao các loài du nhập lại dễ dàng xâm nhập và chiếm lĩnh các nơi cư trú và thay thế các loài bản địa đến vậy? Một trong những lý do quan trọng là ở nơi cư trú mới chưa có các loài thiên địch của chúng như các động vật là kẻ thù, các loài côn trùng và các loài động vật ký sinh, nấm bệnh. Ví dụ như khi thỏ được mang đến châu Úc chúng phát triển đến mức không kiểm soát được, ăn sạch các loài cỏ bản địa bởi vì không có một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và khống chế sự phát triển của chúng. Để kiểm soát số lượng thỏ ở đây người ta lại phải nhập một số tác nhân gây bệnh dịch đã từng khống chế được số lượng thỏ tại quê hương của chúng.
Một nguyên nhân khác khiến loài nhập cư phát triển mạnh là bản thân vùng sống của chúng được mở rộng trong lục địa do chúng rất thích nghi với môi trường bị con người làm thay đổi (Soule, 1990). Tại phía Bắc châu Mỹ, việc chia cắt các cánh rừng, phát triển các vùng ngoại ô và sự tiếp cận dễ dàng với rác thải đã cho phép các loài như sói nhỏ, cáo đỏ, chim cắt, chim mòng phát triển với số lượng lớn. Các loài ăn thịt này đã phát triển và lấn át các loài bản địa có tính cạnh tranh kém hơn và không chống trả được với kẻ thù.
Một dạng khác nữa của các loài nhập cư là các loài có quan hệ gần gũi vớic các loài bản địa. Khi các loài nhập cư này được lai ghép với các loài bản địa, thì các genotype độc nhất của loài bản địa cót hể bị loại trừ khỏi các quần thể địa phương, sự khác biệt về hình thái trong các con lai có thể trở nên không rõ ràng.[1]
Loại lạ không có biên giới chính trị, song lại có biên giới sinh - địa lý. Trong một nước phân vùng sinh địa lý đã được tự nhiên phân định cho các loài bản địa, việc chống nhập loài lạ phải được đặc biệt quan tâm. Một loài lạ có thể tiêu diệt một số loài bản địa và ổ sinh thái của các loài đó. Những rủi ro từ loài nhập nội đang ngày một tăng từ các hợp đồng thương mại. Điều này cần được giải quyết theo Pháp lệnh Bảo vệ giống cây trồng và Pháp lệnh Kiểm dịch thực vật ban hành năm 2001, 2013.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Đề án Tập trung tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai là kiểm soát và lập danh mục, hồ sơ theo dõi các loài ngoại lai nhập khẩu vào Việt Nam; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp lãnh đạo và chuyên viên quản lý chuyên môn công tác tại các Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý Khu bảo tồn về công tác ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Nghiêm túc thực hiện Quyết định 1896 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT chỉ đạo Tổng cục Môi trường triển khai các hoạt động xây dựng năng lực về quản lý sinh vật ngoại lai. Thời gian qua, trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án khu vực “Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ khu vực Đông Nam Á” của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Tổng cục Môi trường đã tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo tăng cường năng lực để thiết kế chương trình nâng cao năng lực phù hợp cho các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đánh giá này, Tổng cục Môi trường tổ chức chương trình đào tạo cho các cơ quan quản lý cấp Trung ương, địa phương về việc ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo rộng rãi không được nhập khẩu các loại tôm hùm càng đỏ và tôm đất từ Trung Quốc. Đây là loại sinh vật giá trị dinh dưỡng thấp nhưng rất hung dữ, chúng có thề tấn công các sinh vật nội địa, đào hang sâu ngay cả việc phá hoại đê điều. Nhưng do giá rẻ nên một số người hám lợi đã bất chấp sự cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà nhập về. Đề nghị Nhà nước và các địa phương phải tịch thu và xử phạt thật nặng.

Từ bài học kinh nghiệm vừa qua, đề nghị các cơ quan Nhà nước đặc biệt là Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và công nghệ cần phải xây dựng các quy chế nghiêm ngặt, phải mạnh tay xử nặng với những kẻ cố tình vi phạm, thậm chí phải áp dụng luật hình sự những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà phá hoại sinh thái và an ninh môi trường nước nhà./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Richard. B. Primack - “Cơ sở sinh học bảo tồn” - NXB Khoa học - Kỹ thuật.
2. Cục Môi trường - “Sinh vật lạ xâm lấn” - Hà Nội - 2002.

Bạn đang đọc bài viết Kiên quyết ngăn chặn sự du nhập các loài ngoại lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới