Thứ sáu, 26/04/2024 21:31 (GMT+7)

Nhiều mô hình làng nghề sản xuất chất lượng cao

MTĐT -  Thứ sáu, 11/09/2020 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để không bị hàng “ngoại” cùng chủng loại lấn lướt, doanh nghiệp Việt cần từng bước tỏ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học, công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh.

Độc đáo mây, tre đan Phú Nghĩa

Xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có 7/7 làng đều làm nghề mây, tre đan từ hơn 400 năm nay. Sản phẩm do những người thợ tài hoa ở Phú Nghĩa làm ra được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi sự tinh xảo, thân thiện với môi trường. Năm 2019, xã có 16 sản phẩm mây, tre đan của 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang và Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn cùng được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Từ nguyên liệu đơn sơ: Tre, nứa, vầu, trúc, bương, song, mây, … qua nhiều công đoạn, những người thợ tài hoa ở Phú Nghĩa tạo nên những sản phẩm độc đáo: Chân dung, khung ảnh, đồ gia dụng (khay, đĩa, rổ, rá…), đồ nội thất (bàn ghế, bình hoa, đèn ngủ…). Những năm gần đây, một số nghệ nhân ở Phú Nghĩa còn sáng kiến kết hợp tinh hoa từ 2 làng nghề (gốm Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh) tạo nên sản phẩm mới “gốm đan mây”…

Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (thôn Phú Vinh), sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa có mẫu mã đẹp, tính ứng dụng cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở xã không ngừng đổi mới mẫu mã, khắc phục hạn chế của sản phẩm, từ đó đưa sản phẩm mây tre đan đến với nhiều thị trường “kỹ tính”, đồng thời gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng cho biết, hiện xã Phú Nghĩa có 7/7 làng được công nhận làng nghề truyền thống, thu hung 2.900 hộ tham gia. Nhờ nghề truyền thống, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Việc được công nhận sản phẩm OCOP đã giúp sản phẩm khẳng định thương hiệu, tăng giá trị và vị thế trên thị trường trong nước và thế giới.

Cao Dương chú trọng phát triển làng nghề

Để thực hiện mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân, thời gian qua xã Cao Dương không ngừng khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi cho các làng nghề trên địa bàn phát triển, như: Nghề nón lá truyền thống tại các thôn: Mục Xá, Cao Xá, Thị Nguyên; nghề mộc cổ truyền tại thôn Áng Phao. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển nghề chế biến gỗ, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế sắt...

Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho biết, cùng với phát triển nghề truyền thống, xã hỗ trợ người dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Cao Dương hình thành một số vùng chuyên canh như sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả và các loại cây màu có giá trị kinh tế. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân của Cao Dương đạt 51 triệu đồng/người/năm.

Để tiếp tục hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2021, theo Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương Nguyễn Văn Thanh, từ đầu năm 2020 đến nay, xã tập trung triển khai thực hiện 10 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (2 dự án chuyển từ năm 2019 sang), trong đó 6 dự án cơ bản hoàn thành gồm: Nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc của UBND xã; hệ thống đường, rãnh thoát nước dân sinh tại xóm Cầu Sang (thôn Thị Nguyên); cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa các thôn: Đa Ngư, Mục Xá... Nhằm hỗ trợ người dân cải tạo nguồn nước sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường, xã Cao Dương đang đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai cho 354 hộ gia đình trong xã vay hơn 5,2 tỷ đồng để xử lý bể lọc, bể chứa nước, công trình vệ sinh.

"Về định hướng phát triển kinh tế của địa phương, xã tiếp tục xây dựng thêm mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác; tạo điều kiện các làng nghề truyền thống phát triển thông qua việc hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đầu tư khoa học công nghệ vào các nghề mộc, may mặc... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường", ông Nguyễn Văn Thanh thông tin thêm.

Trồng trọt, cây ăn quả, chăn nuôi của Chương Mỹ

Liên kết các hộ nông dân thành lập hợp tác xã; hỗ trợ nguồn vốn và công nghệ cho nông dân; hướng nông dân xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao… là những hoạt động cụ thể của Hội nông dân Chương Mỹ triển khai thời gian qua. Nhờ các hoạt động trên, nhiều vùng trồng hoa, rau, cây ăn quả, trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn dần hình thành…

Xã Nam Phương Tiến là vùng trồng bưởi Diễn quy mô lớn của huyện Chương Mỹ. Để giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Hội Nông dân xã Nam Phương Tiến đã xây dựng dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất bưởi sạch. Ông Tống Nguyên Lương ở thôn Đồi Miễu chia sẻ, ngoài được Hội Nông dân hỗ trợ vốn vay (40 triệu đồng/hộ), các hộ được tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây bưởi theo quy trình VietGAP, kỹ thuật bảo quản bưởi sau thu hoạch nên năng suất, chất lượng bưởi được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Phương Tiến Phùng Mạnh Thường cho biết, dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất bưởi sạch xã Nam Phương Tiến có 10 hộ tham gia với quy mô 6,1ha, được triển khai từ năm 2018 tại thôn Đồi Miễu. Qua hơn 2 năm triển khai, lợi nhuận thu được của dự án đạt hơn 1,61 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ thu 161 triệu đồng). Đây là dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn” do Hội Nông dân thành phố phát động.

Tương tự, hằng năm hội viên nông dân chăn nuôi gà theo hướng an toàn, chất lượng tốt tại xã Lam Điền đều được hỗ trợ vay vốn để mở rộng mô hình. Đơn cử năm 2020, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ hỗ trợ vật tư và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đối với 5 hộ nuôi 9.000 con gà. Với mô hình này, gà chỉ ăn ngô, thóc và được nuôi thả trong vườn rộng nên thịt thơm ngon, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Theo tính toán, mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn đạt hiệu quả cao hơn mô hình nuôi gà truyền thống 50-100 triệu đồng/năm, tùy theo quy mô chăn nuôi.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng cho biết: Thông qua hoạt động hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình, đến nay huyện Chương Mỹ đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo chuỗi giá trị, cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trồng lúa chất lượng cao với bộ giống mới: J01, J02, QR15 tại các xã: Nam Phương Tiến, Đồng Phú… Hay như mô hình cà chua ghép cà tím tại một số xã, thị trấn đạt năng suất gấp 2 lần so với trồng giống thường; mô hình trồng giống hoa lan rừng, lan hồ điệp được nuôi cấy mô cũng phát triển mạnh trên địa bàn huyện, giá trị đạt hơn 10 tỷ đồng/ha/năm…

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ đã hỗ trợ nông dân xây dựng được 15 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 4 hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và 11 tổ hợp tác. Đáng chú ý, các mô hình đều được lập dự án cho vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, qua đó hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa, mô hình theo chuỗi, bảo đảm chất lượng cao. Có thể khẳng định, các hoạt động hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Chương Mỹ đã góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo hiệu quả, bền vững trên địa bàn.

“Trà Bắc Sơn” sản phẩm OCOP 4 sao

Triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã lựa chọn và tập trung phát triển cây chè thành sản phẩm chất lượng, thương hiệu của địa phương. Năm 2019, sản phẩm “Trà Bắc Sơn” của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Với địa thế vùng đồi gò, khí hậu mát mẻ, xã Bắc Sơn có nhiều lợi thế để phát triển cây chè và đây được xem là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương. Hiện, toàn xã có khoảng 1.500/3.300 hộ trồng chè, trong đó Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn đang quản lý 100 hộ với 30ha chè an toàn và 10ha chè VietGAP.

Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết: Trước đây, chè của Bắc Sơn chủ yều trồng tập trung tại vườn nhà, nhỏ lẻ, manh mún khiến việc xây dựng mô hình thâm canh chè an toàn theo hướng hàng hóa, tập trung gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các vườn chè trong mô hình thâm canh chè an toàn đều đã trên 10 năm tuổi nên già cỗi, năng suất kém. Từ năm 2012, người dân Bắc Sơn đã được hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây chè theo hướng VietGAP; được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ khi chuyển sang trồng chè sạch, thu nhập trên cùng 1 diện tích chè được tăng lên, sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng được bảo đảm. Nếu như trước đây, 1kg chè chỉ có giá khoảng 100 nghìn đồng thì nay tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cách làm truyền thống. Hiện giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 400 đến 550 triệu đồng/ha/năm.

Tham gia Chương trình OCOP, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn mong muốn được các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để “Trà Bắc Sơn” trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Hà Nội vận hành 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố Hà Nội giao, đoàn công tác do Sở Công Thương làm trưởng đoàn có các buổi làm việc, thống nhất phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 tại các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Gia Lâm, Quốc Oai và Sơn Tây. Kết quả đoàn kiểm tra đã thống nhất đưa vào khai trương, vận hành 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề tại các địa phương trước 10/10/2020.

Sở Công Thương đề nghị UBND các địa phương có sản phẩm OCOP và sản phẩm đang xây dựng OCOP giao phòng kinh tế quận, huyện, thị xã hướng dẫn các chủ thể chủ động liên hệ, làm việc với đầu mối 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đưa vào khai trương trong năm 2020, thống nhất phương thức quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của địa phương tại các điểm quảng bá và bán sản phẩm.

Công bố danh sách 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng vừa ký quyết định về việc trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 cho 63 nông dân thuộc 63 tỉnh, TP trên cả nước. Đại diện của thành phố Hà Nội nhận danh hiệu này là ông Triệu Quang Trung ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Theo Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong số 149 ứng cử viên được đề cử tham gia bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 có 13 nữ, 136 nam. Đáng chú ý, độ tuổi ứng cử viên chiếm đông nhất (90 nông dân) là từ 46 - 60 tuổi; ứng cử viên trẻ tuổi nhất là 29 tuổi và lớn tuổi nhất là 76 tuổi.

Trong số 8 tiêu chí xét bình chọn nông dân xuất sắc năm nay, tiêu chí trồng trọt, chăn nuôi có nhiều ứng viên nhất với 62 nông dân (chiếm 41,6%); trang trại tổng hợp (29 người); thủy - hải sản (12 người); sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (29 người); phát minh, sáng kiến (9 người); xây dựng nông thôn mới (7 người); bảo vệ an ninh Tổ quốc (1 người).

Trên đây là giới thiệu một số mô hình làng nghề và các địa phương vừa qua đã có nhiều biến đổi, làng nghề đã có các bước phát triển.

Từ ngàn xưa, Hà Nội được mệnh danh là vùng đất “Tụ khí anh hoa”, “Địa linh nhân kiệt” nay lại trơ thành vùng “đất trăm nghề”, với những địa danh và con người đã đi vào lịch sử. Mọi người biết tới một Hà Nội xưa gồm Bát Tràng, mộc mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xá, dát quỳ vàng Kiêu Kỵ… thì Hà Nội ngày nay có thêm lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất động, sơn mài Hạ Thái.

Hiện nay, Hà Nội có 1.300 làng có nghề, trong đó 244 làng có nghề truyền thống, 272 làng đã được công nhận là làng nghề theo tiêu chí với đội ngũ 116 nghệ nhân Hà Nội được phong tặng và hàng nghìn thợ giỏi. Mỗi làng nghề mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản  sắc văn hóa dân tộc được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới ưa chuộng như các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan… Ngoài ra, Hà Nội đang có các sản phẩm của các công nghiệp hiện đại. (Tập KH-CN, Bách Khoa thư Hà Nội phần mở rộng).

Quán triệt quan điểm, mục tiêu phát triển nghề và làng nghề, cần định hướng phát triển nghề và làng nghề thành phố Hà Nội theo hướng sau:

- Về thị trường: Tăng cường khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thông qua hình thức quảng cáo, triển lãm hội chợ trong nước và quốc tế, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt và cung cấp thông tin về thị trường như các thông tin hàng hoá; tăng cường sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tạo sự gắn kết hữu cơ giữa các cơ sở sản xuất  trong làng nghề với nhau, giữa các cơ sở sản xuất của làng nghề với các doanh nghiệp ở đô thị hoặc ở các vùng khác, với các tổ chức xúc tiến thương mại, tạo nên hệ thống hoàn chỉnh từ cung cấp nguyên, vật liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

          - Về nguồn nguyên liệu: Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở thực hiện phân công lao động và chuyên môn hoá sản xuất, đồng thời cần phải tiêu chuẩn hoá các loại nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm cho sản xuất. Hình thành các chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu cho làng nghề.

          - Về phát triển làng nghề gắn với bảo tồn và văn hoá dân tộc: Các nghề thủ công của Hà Nội từ lâu đã trở thành một bộ phận không tách rời với truyền thống văn hoá dân tộc. Truyền thống đó không chỉ thể hiện trên sản phẩm mà còn là cách sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, cách chế tác và sử dụng công cụ lao động, các bí quyết nghề.v.v… Bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc thể hiện trên sản phẩm thông qua màu sắc, hoa văn, hình dáng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và tạo sự khác biệt của sản phẩm thủ công và đó là lý do cơ bản để khách hàng lựa chọn và quyết định mua. Vì thế phát triển nghề thủ công không chỉ quan tâm đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến các yếu tố văn hoá, nghệ thuật của sản phẩm. Ngoài ra phát triển nghề và làng nghề còn góp phần bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các giá trị văn hoá truyền thống, các công trình văn hóa.

          - Về phát triển cụm sản xuất  làng nghề tập trung: Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể của Thủ đô; tạo mặt bằng cho các cơ sở và các tổ chức dịch vụ làng nghề, nâng cao sự phân công và hợp tác sản xuất  giữa các cơ sở sản xuất với nhau, giữa các cơ sở sản xuất  với các cơ sở dịch vụ; đồng thời xử lý có điều kiện xử lý ô nhiễm môi trường tập trung.

          - Về môi trường: phát triển, mở rộng sản xuất các làng nghề phải đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống khu vực cư dân tại địa phương có làng nghề. Nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Để trụ vững trên thị trường của mình, nâng cao chất lượng của hàng nội địa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, nhà nước đã đầu tư 13 dự án, hỗ trợ phát triển hàng nội địa. Hy vọng với sự quan tâm của nhà nước, lòng yêu nước, yêu các hàng hóa sản xuất trong nước, người tiêu dùng Việt Nam sẽ góp phần tích cực cho hàng hóa nội địa không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Để không bị hàng “ngoại” cùng chủng loại lấn lướt, doanh nghiệp Việt cần từng bước tỏ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học, công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập. Từ đó mới có thể vươn lên cạnh tranh và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nhiều mô hình làng nghề sản xuất chất lượng cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới