Thứ sáu, 26/04/2024 20:08 (GMT+7)

Hậu đấu giá VCG: Tương lai các doanh nghiệp ra sao?

MTĐT -  Thứ sáu, 30/11/2018 08:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau phiên đấu giá cổ phiếu VCG do SCIC thoái vốn đầu tư, giới đầu tư quan tâm đến quỹ đất khủng, cổ đông lớn chưa tung chiêu, tương lai các doanh nghiệp chưa rõ ràng...

Chiều 22/11/2018 đã diễn ra phiên đấu giá cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex). Theo đó, Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) đã mua 254,9 triệu cổ phiếu VCG từ SCIC để trở thành cổ đông chi phối khoảng 57,7% thị phần VCG.

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam có trụ sở tại số 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội

Điều bất ngờ là An Quý Hưng (AQH) đã mua với giá rất bất thường (28.900 đồng/CP), cao hơn 36% so với giá khởi điểm và 56% so với giá thị trường (giá khởi điểm là 21.300 đồng/cp, giá đang giao dịch trên sàn chứng khoán là 18.500 đồng/cp). Tổng giá trị AQH mua hơn 7.360 tỷ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường khoảng 2600 tỷ.

Giới đầu tư đồn đoán AQH “quyết” thâu tóm VCG do “nhắm” vào quỹ đất khủng của thương hiệu này.

Sự thật về quỹ đất khủng của Vinaconex

Theo Thời báo chứng khoán, nhìn vào kết quả kinh doanh VCG, lũy kế đến quý 3/2018 VCG chỉ đạt 274 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 55% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2018. Theo dữ liệu quá khứ, hiệu quả hoạt động của VCG không có đột biến (ngoại trừ năm 2017). Nếu loại trừ lợi nhuận từ hoạt động tài chính thì ROE của VCG chỉ đang ở mức 7% đến 8%, một con số quá khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành như Coteccons, Hòa Bình. Đồng thời, khi áp dụng con số bình quân thì lợi nhuận từ hàng tồn kho tối đa cũng chỉ mang lại lợi nhuận khoản hơn 450 tỷ cho tương lai.

Tính đến 30/6/18, các tài sản này có giá trị sổ sách chỉ khoảng 2.650 tỷ. Những nguồn lực chủ yếu là 310ha đất ở khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thạch Thất, gần 3.500 m2 đất tại Trung Hòa - Nhân Chính (phần lớn là các diện tích đất thuê, làm ăn không mấy hiệu quả).

Phối cảnh tổng thể dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc. 

Ngoài ra, nguồn lực là tài sản khác mà VCG đang nắm giữ là 50% vốn của liên doanh Bắc An Khánh, chủ đầu tư khu Splendora ở Hoài Đức với diện tích khoảng 264 ha. Dự án này được đầu tư cách đây hơn 10 năm, tạm ngừng 5 năm nay và đối mặt với nhiều vấn đề từ lỗ luỹ kế hàng ngàn tỉ đồng, nợ lớn tới 6.000 tỉ đồng, các vấn đề rủi ro về pháp lý và nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn.

Được biết, VCG hoạt động trong lĩnh vực xây dựng vốn liên quan nhiều đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ và NHNN đã có những động thái để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào ngành này, gây ra một số bất lợi lớn đến hoạt động kinh doanh bất động sản của VCG.

Ngoài ra, lượng căn hộ được xây mới quá lớn ở hiện tại (năm 2017 bằng 15 năm trước cộng lại – CBRE) đẩy thị trường bất động sản Việt Nam vào viễn cảnh không mấy sáng sủa trong 1 vài năm tới.

Hậu đấu giá, tương lai của các doanh nghiệp ra sao?

Về khả năng thanh toán cho SCIC số tiền đấu giá muộn nhất là ngày 4/12/2018, VietTimes đưa ra giả thiết gồm 2 khả năng: Với quy mô tổng tài sản đạt chưa đầy 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 456 tỷ đồng vào cuối năm 2017, hẳn đến thời điểm hiện tại, quy mô tài sản của An Quý Hưng khó có thể vượt con số 2.000 tỷ đồng. Như mức giả định này, thì kể cả có sử dụng đòn bẩy thì “tự thân” An Quý Hưng sẽ khó có thể thu xếp nổi 7.366 tỷ đồng để thanh toán cho SCIC.

Một khả năng khác, khả dĩ hơn, đó là An Quý Hưng chỉ là cái tên đại diện cho một nhóm các nhà đầu tư trong thương vụ thoái vốn Vinaconex của SCIC. Khách quan mà nói, trong một “game” lớn như thế này, sự liên minh là điều dễ hiểu.

Trước đó, VietTimes đã đưa tin Công ty TNHH An Quý Hưng vừa thực hiện thế chấp một tài sản lớn của họ vào ngân hàng. Động thái này xảy ra trước khi An Quý Hưng quyết định bỏ giá 7.366 tỷ đồng và trở thành nhà đầu tư trúng đấu giá trong phiên đấu giá trọn lô 255 triệu cổ phiếu Vinaconex của SCIC. Việc này khiến không ít thành viên thị trường nghĩ đến kịch bản: An Quý Hưng đang “gom” tiền để hoàn tất thương vụ.

Đồng thời, VietTimes cũng không quên đặt vấn đề, rất có thể An Quý Hưng sẽ có thực tâm muốn làm chủ Vinaconex, gắn bó lâu dài để phát triển Vinaconex hoặc quyết lấy cho bằng được cổ phần “quá bán” ở Vinaconex để “lướt”.

Tuy nhiên, dù An Quý Hưng có muốn phát triển Vinaconex với 57,71% cổ phần (sau khi thanh toán xong), thì cũng chưa đủ để họ “muốn gì được nấy” ở Vinaconex. Bởi, tại phiên thoái vốn Vinaconex của Viettel, một nhà đầu tư – được cho là đại diện của một tỷ phú – đã trúng đấu giá 21,3% cổ phần Vinaconex, ở sát giá khởi điểm.

Hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán, nhà đầu tư này cùng với An Quý Hưng sẽ trở thành hai cổ đông lớn nhất ở Vinaconex. Liệu họ có ngồi lại với nhau, đoàn kết với nhau để quản trị, điều hành và phát triển Vinaconex?

Khả năng cao sẽ là vậy, nhưng về lâu về dài, cũng không loại trừ chuyện “đồng sàng dị mộng” dẫn đến kết cục một nhóm ở và một nhóm rút… Tương lai của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam hiện vẫn là một bức tranh mờ nhạt.

Cẩm Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Hậu đấu giá VCG: Tương lai các doanh nghiệp ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới