Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 (GMT+7)

Kon Tum: Hạ tầng các khu công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường

Bảo My -  Thứ bảy, 15/04/2023 11:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, tỉnh Kon Tum đang đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”, tăng “sức hấp dẫn” cho các khu, cụm công nghiệp.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Tỉnh Kon Tum hiện có 4 khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum) có quy mô 60ha, Khu công nghiệp Sao Mai (thành phố Kon Tum) quy mô 150ha, Khu công nghiệp Đăk Tô (huyện Đăk Tô) quy mô 150ha và Khu công nghiệp Bờ Y (thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y) quy mô 70.438ha. Tính đến nay, có 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Toàn tỉnh cũng có 14 cụm công nghiệp; trong đó có 8 cụm công nghiệp đang được khai thác với tổng diện tích 505.325ha.

Thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành chức năng chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; tăng cường thực hiện cải cách hành chính nên 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị đã đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, đơn vị phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam xây dựng ứng dụng, cập nhật dữ liệu dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức bản đồ số địa điểm đầu tư của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp tỉnh Kon Tum lên trang http://vsmartinvest.gov.vn/; http://bandosodautu.gov.vn để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin về xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư.

Đến nay, tại các khu công nghiệp có tổng số 106 dự án với trên 92 doanh nghiệp đầu tư; tổng số vốn đầu tư đăng ký vào các khu công nghiệp, khu kinh tế vào khoảng 2.757,5 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút được 41 doanh nghiệp, 426 cơ sở sản xuất vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 69%.

Các khu công nghiệp giúp tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, tại các cụm công nghiệp cũng có khoảng 2.400 lao động đang làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, dù đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Một số dự án vẫn chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng khó thu hồi. Hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp thiếu đồng bộ, nhất là chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường, nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, chứ chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nguyên nhân là cơ chế, chính sách thay đổi nhiều, thiếu ổn định làm cho nhà đầu tư không yên tâm khi đầu tư. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, khó tháo gỡ do vậy thiếu quỹ đất sạch để tiếp nhận dự án đầu tư.

Ông Vũ Mạnh Hải cho biết: Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, bảo đảm tính kết nối, liên thông trong chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tập trung nguồn lực, trong đó, ưu tiên kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai dự án trong khu, cụm công nghiệp;100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc phạm vi quản lý được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh.

Theo định hướng phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, có tính đến năm 2030, tỉnh ta phấn đấu đến cuối năm 2025 khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm khoảng 32-33% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; góp phần nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 118.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 941,76ha; 33 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.733,825ha.

Vì vậy, cùng với việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp thì việc tạo môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng sẽ tạo sức hút với các nhà đầu tư. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tạo “cú huých” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Hạ tầng các khu công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp kêu trời vì không có sổ đỏ trong khu công nghiệp
Đổ vốn đầu tư vào khu công nghiệp, hoạt động lâu nay nhưng doanh nghiệp vẫn chờ… sổ đỏ. Đó là một trong những vấn đề được quan tâm tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2024 do Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa tổ chức.
Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp Khu kinh tế Nghi Sơn
Thời gian qua, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tại Thanh Hóa đã chủ động cơ cấu, tối ưu hóa quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động. Qua triển khai thực hiện, ngành công nghiệp xứ Thanh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành