Thứ bảy, 27/04/2024 08:45 (GMT+7)

Chào mừng ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

MTĐT -  Thứ sáu, 26/02/2021 14:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 24-2, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương và trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” lần thứ 13.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch. Ảnh: soyte.hanoi.gov.vn

Tới tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, đại diện các sở, ngành chức năng của thành phố.

Tôn vinh những “chiến sĩ áo trắng” của Thủ đô

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã trao danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” tặng 3 cá nhân là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Dung, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh và các đồng chí lãnh đạo thành phố trao danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" tặng 43 cá nhân. Đây là những “chiến sĩ áo trắng” luôn tận tâm, tận tình khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, bảo đảm an sinh xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-2021 được kỷ niệm trong mùa xuân mới với dấu ấn rất thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cũng trong những ngày này, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế ngày đêm căng mình trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. 

Nhắc lại tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân và đạo đức của người thầy thuốc, đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định: "Ít có nghề nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như nghề y. Bởi, người thầy thuốc phải có kiến thức sâu rộng, tấm lòng nhân ái, bao dung, sự từng trải và kinh nghiệm, vì mọi công việc dù là nhỏ nhất, đều có liên quan đến tính mạng, sinh mệnh con người". Đặc biệt, danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" là danh hiệu cao quý nhất để dành tặng cho các cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đạt thành tích nổi bật nhiều năm liền. Sự cống hiến của họ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của ngành y tế.

Đồng chí Chu Ngọc Anh lưu ý, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành, của Thành ủy, UBND thành phố, ngành Y tế Thủ đô phải luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu - Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Từ đó, toàn ngành không ngừng nỗ lực vươn lên về mọi mặt, phấn đấu xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với truyền thống vẻ vang, nhân văn của ngành y tế.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh được gửi lời chúc mừng tới đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế Thủ đô; đồng thời ghi nhận, biểu dương sự cống hiến cao cả mà thầm lặng của họ, đặc biệt là những "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú".

Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, đơn vị là bệnh viện hạng I của Thủ đô Hà Nội với quy mô hơn 850 giường bệnh và trên 1.000 nhân viên. Bệnh viện  luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương và thành phố Hà Nội nên cơ sở vật chất của bệnh viện đã không ngừng được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều trang thiết bị hiện đại. Hằng năm, số bệnh nhân khám tại bệnh viện là hơn 500.000 lượt người, số bệnh nhân điều trị nội trú là hơn 80.000 lượt người. Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh của bệnh viện tiếp tục là “mũi nhọn” không chỉ của Sở Y tế Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước.

Trao tặng hoa chúc mừng các y, bác sĩ nhân viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Bệnh viên đa khoa Xanh Pôn đã nỗ lực, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện không ngừng được nâng lên, có thể sánh với những bệnh viện tuyến đầu trực thuộc Bộ Y tế.

Nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm của dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến mong muốn, Bệnh viện duy trì hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, bởi nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao, khi lượng bệnh nhân và người nhà ra vào viện hằng ngày rất lớn; chia sẻ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền để thân nhân và bệnh nhân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới, bệnh viện cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động điều trị, chăm sóc sức khỏe phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến gửi lời chúc sức khỏe dồi dào, nhiều niềm vui, hạnh phúc tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thủ đô. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói riêng, ngành Y tế Thủ đô nói chung sẽ nâng cao hơn nữa nghiệp vụ, y đức, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. (Hiền - Ly, HNM 25/2/2021).

17 năm đón Tết tại bệnh viện

Vì tính chất công việc, trong hơn 20 năm làm nghề đã 17 lần anh đón Tết tại bệnh viện. Tết năm nay khác hơn bởi anh đón giao thừa tại nơi đất khách. “Tết vừa rồi thực sự đặc biệt, không chỉ với tôi mà với rất nhiều đồng nghiệp. Nói không buồn là nói dối vì ngày Tết ai chẳng mong về với gia đình. Nhưng nếu chúng tôi rời bỏ chiến tuyến thì ai lo cho bệnh nhân? Xung quanh tôi lúc bấy giờ còn rất nhiều người dân dù không phải ở lại thực hiện nhiệm vụ như y bác sĩ cũng không thể về quê do ở trong các vùng bị phong tỏa. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng để cùng vượt qua”, bác sĩ Cấp nói. Anh là vậy, luôn kiệm lời, nhưng cũng luôn quyết đoán, mạnh mẽ trong các quyết định sống còn với tính mạng bệnh nhân. Với đồng nghiệp, anh chính là vị thủ lĩnh tin cậy và can trường.

“Với tôi niềm vui là khi chữa khỏi cho người bệnh. Những niềm vui nho nhỏ hằng ngày cứ dày lên như vậy khiến tôi quên đi những áp lực, mệt mỏi, thậm chí đã quá quen với áp lực nên giờ tự tôi cũng không còn cảm thấy stress nữa. Công việc vất vả, chỉ cần có chút thời gian cho gia đình, hay chỉ cần được ngủ một giấc đầy thế đã là thỏa mãn lắm”. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Ngay trong đêm 28/1, cùng các đồng nghiệp, bác sĩ Cấp không một phút nghỉ ngơi, phải bằng mọi cách chuyển Trung tâm y tế thành Bệnh viện Dã chiến số 1 - cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong thời gian 10 tiếng từ 22 giờ đêm 28 đến 8 giờ sáng 29/1 phải hoàn thiện một núi công việc như lên kế hoạch chuyển bệnh nhân đang điều trị sang cơ sở y tế khác, phòng chống chống lây nhiễm, chiến lược tổ chức bệnh viện dã chiến và kế hoạch đào tạo tập huấn để các đồng nghiệp ở địa phương có thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ ngày 29/1.

Kinh nghiệm từ 2 đợt dịch COVID-19 vừa qua đã hình thành phản xạ nhạy bén trong suy nghĩ của bác sĩ Cấp trước những tình huống bất ngờ như vụ dịch ở Hải Dương. “Khi nghe thông tin mình có thể phân tích được phạm vi của nó. Ví dụ như tại Hà Nội ai cũng biết khi xảy ra thì gánh nặng chủ yếu là phong tỏa và giải quyết hệ lụy của việc phong tỏa. Còn trong vụ dịch Đà Nẵng xảy ra tại bệnh viện với quá nhiều bệnh nhân nặng thì gánh nặng chính là điều trị. Còn tại Chí Linh khi tôi nhận được thông tin có vụ dịch xảy ra tại nhà máy có mấy nghìn công nhân thì ngay trước khi xuống mình biết số bệnh nhân sẽ rất đông và gia tăng rất nhanh”.

“Nhân viên y tế mỏng, bệnh nhân đông, làm thế nào tiết kiệm y bác sĩ một cách tối đa nhưng điều trị cho bệnh nhân phải đạt hiệu quả tối ưu nhất” là điều mà anh trăn trở. Ban đầu phần lớn các nhân viên y tế tại địa phương vẫn còn lúng túng. Vì thế những ngày đầu tiên đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cùng các bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ đã trực tiếp chỉ đạo điều trị trên từng bệnh nhân, song song với việc đào tạo, tập huấn online về chuyên môn và điều trị. Nhờ đó đội ngũ y bác sĩ địa phương từng bước tiếp cận các khía cạnh đặc thù của điều trị bệnh nhân COVID-19. Đội ngũ chuyên gia hằng ngày cũng thường xuyên vào khu vực điều trị để giám sát, uốn nắn từng thao tác của nhân viên y tế để đảm bảo tốt việc phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện. Nhóm chuyên gia cũng phải thường xuyên trực tuyến 24/24 để có thể hỗ trợ các đồng nghiệp trực tiếp điều trị bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Là năm thứ 2, dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở nước ta đúng vào thời điểm 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cũng như năm ngoái, năm nay ngành Y tế tiếp tục “nói không” với tiếp khách và nhận hoa dịp này, bởi họ đang tập trung chống dịch. Dù không có những bó hoa tươi thắm như một lời tri ân gửi đến những từ mẫu, nhưng với đội ngũ bác sĩ, ngày nào họ cũng là những thần tượng (idol) của mọi người, mọi nhà rồi.

Tại sao trong rất nhiều nghề nghiệp hấp dẫn, thú vị, bọn trẻ con luôn có chung ước mơ “Con muốn được làm bác sĩ để cứu người”, khi mình đưa ra câu hỏi “Lớn lên con thích làm nghề gì?” hay “Ước mơ của con sau này sẽ làm gì?”. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao. Với chúng, chỉ cần một người được cứu sống, sẽ có tất cả vũ trụ!

Đôi khi, chính những mơ ước giản đơn của trẻ con lại chính là thực tế đang diễn ra trong cuộc sống. Tại Việt Nam, từ ngày xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên, là những ngày đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, các khu cách ly, phải ăn ngủ chung với dịch bệnh. Hình ảnh của họ không chỉ được người dân trong nước ngưỡng mộ, mà cả thế giới ngợi khen. Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền đã ví von về đội ngũ y bác sĩ Việt Nam rằng: Cái tâm “từ mẫu” của họ đã đi xuyên biên giới. Và quả đúng như vậy.

Từ sự kiện bệnh nhân Trung Quốc mắc COVID-19 đã được chữa khỏi tại Việt Nam cho đến hình ảnh phi công người Anh mắc bệnh đã có thể về nước sau hơn 3 tháng chiến đấu tại bệnh viện, vào một số thời khắc nhất định các bác sĩ đã có những tiên lượng rất xấu. Và, hàng trăm bệnh nhân trong nước được chữa khỏi… Tất cả những hành động, hình ảnh đó đọng lại sau cuối trong tâm trí nhiều người dân Việt Nam là niềm tự hào, sự ngưỡng mộ.

Tại một buổi lễ tri ân đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch diễn ra cuối năm 2020, người theo dõi khó cầm được nước mắt khi một điều dưỡng kể câu chuyện con nhỏ đã quên mất mẹ vì mẹ đi “chống dịch” quá lâu trong bệnh viện. Hay hình ảnh những chiến sĩ áo trắng dây nhợ chằng chịt, đồ bảo hộ vướng víu 24/24 trong những ngày “trực chiến”, khiến chúng ta buốt lòng.

Lúc này đây, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, trong nước nguy cơ vẫn còn nhiều thì có lẽ bác sĩ sẽ còn phải mải miết với trực chiến. Một bác sĩ không thuộc tuyến đầu chống dịch, càng không phải là bác sĩ thăm khám điều trị hàng ngày cho bệnh nhân COVID nhưng mỗi ngày đều đặn bác sĩ ấy vẫn nhắc nhở mọi người trên trang facebook của mình rằng, hãy rửa tay, khẩu trang, không tụ tập… Công việc dặn dò đều đặn đến nhàm chán đó tưởng chỉ có ở những người mẹ lo lắng bảo vệ con mình hằng ngày.

Nhiều bác sĩ vẫn thường ngồi gõ những bài viết chỉ cách phòng dịch. Thậm chí có những bác sĩ còn kiêm luôn nhiệm vụ động viên tư vấn người dân trước sự hoang mang mỗi khi có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm ở đâu đó trong vùng.

Sáng 24/2, facebook bác sĩ Trương Hữu Khanh đăng tải mấy câu mộc mạc: “Rồi ngày bình thường sẽ đến /Có hoang mang mới biết ta cần nhau/ Cần chia sẻ cần đồng lòng vượt khó/ Rồi sẽ đến, sẽ không xa lắm đâu…”. Cá nhân tôi cùng nhiều bạn đọc cũng sẽ cảm nhận được sự động viên, khích lệ tinh thần trong “mùa dịch” khi đọc những lời chia sẻ đó. “Chỉ cần vậy thôi, đủ để ta nói lời cảm ơn rồi”, một thanh niên phát biểu.

Anh bạn tôi, cũng là một bác sĩ, khiêm tốn chia sẻ, ngày 27/2 không mang ý nghĩa là ngày mà mọi người tri ân, biết ơn người thầy thuốc, nghề y. Với anh, ngày nào còn được lao động,  cống hiến, được bảo vệ sức khỏe cho mọi người, thì đó sẽ là ngày 27/2, là sứ mệnh, trách nhiệm, niềm tự hào của một bác sĩ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. Hiền - Ly, “Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955 - 27/2/2021”, Hà Nội Mới 25/2/2021
2. Thái Hà, “Người thủ lĩnh can trường”, Tiền phong 25/2/2021
3. Ngọc Lâm, “Khi bác sĩ là Idol”, Tiền phong 25/2/2021

Bạn đang đọc bài viết Chào mừng ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới