Thứ bảy, 27/04/2024 04:55 (GMT+7)

Tin môi trường 13/3: Phát hiện điểm chôn rác thải trái phép gần 2ha

MTĐT -  Thứ ba, 13/03/2018 17:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong lúc xúc đất bãi sông đi san lấp, người dân tại xã Hiệp Cát (Nam Sách, Hải Dương) bất ngờ phát hiện một điểm chôn lấp rác thải trái phép rộng gần 2 ha.

Hải Dương: Phát hiện điểm chôn lấp trái phép hàng chục nghìn mét khối rác thải

Trong lúc xúc đất bãi sông đi san lấp, người dân bất ngờ phát hiện một điểm chôn lấp rác thải trái phép rộng gần 2 ha. Hàng chục nghìn m3 rác thải công nghiệp, sinh hoạt được chôn lấp từ nhiều năm qua ở khu vực ngoài đê sông Thái Bình, thuộc thôn Đại Lã, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo ghi nhận của PV báo TN&MT, rác thải được chôn lấp ở đây chủ yếu là rác thải công nghiệp như vụn vải, vụn da may mũ giầy, rác thải xây dựng, rác sinh hoạt… được thu gom ở các doanh nghiệp khu vực lân cận về chôn lấp. Diện tích bãi rác rộng khoảng 2 ha, nằm sát bờ sông. Rác chôn có độ sâu từ 2 - 4 mét, ước có khoảng trên 50.000 m3 rác thải lẫn đất được chôn lấp ở đây.

Bãi chôn lấp rác thải trái phép. - Ảnh: Báo TN&MT.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát thừa nhận, rác ở đây được chôn lấp trái phép từ nhiều năm qua. Đối tượng thu gom thường đóng vào container, vận chuyển bằng ô tô kín đáo, tổ chức chôn lấp vào ban đêm. Nay đối tượng này không còn làm ăn trên địa bàn huyện.

Theo phản ánh của người dân, không chỉ có đối tượng thu gom rác, có cả cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến việc chôn lấp rác thải ở đây.

Phát thải trong chăn nuôi cao gấp gần 4 lần rác thải sinh hoạt

Tại Hội thảo Quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi và chất thải chăn nuôi thực trạng và giải pháp do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội mới diễn ra sáng nay (13/3), ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, cho biết theo thống kê, hoạt động chăn nuôi đang phát thải khoảng trên 80 triệu tấn, gấp nhiều lần so với lượng rác thải sinh hoạt hàng năm với 23 triệu tấn.

Đáng lưu ý, trong số chất thải phát sinh từ quá trình chăn nuôi, chỉ có 60 % được xử lý nhưng không đạt chuẩn cho phép, còn lại 40 % chất thải không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến môi trường nước, đất, không khí xung quanh vùng chăn nuôi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, ở các cơ sở chăn nuôi lợn đang phát thải khoảng 70 - 90 % khí nitơ và cùng nhiều kim loại nặng có trong thức ăn được thải ra môi trường.

Nguy cơ mất dần mệnh danh “đảo ngọc”

Đảo Bình Ba (xã đảo Cam Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa) được mệnh danh là hòn đảo ngọc, một trong các điểm du lịch đang hút khách của tỉnh Khánh Hòa từ vài ba năm nay nhờ vẻ đẹp hoang sơ, nguồn hải sản tươi ngon và giá cả khá “mềm”. Thế nhưng, lợi thế và sự hấp dẫn đó lại đang có nguy cơ mất dần do vấn nạn rác thải.

Theo thông tin trên báo Bảo vệ PL, nhiều năm nay rác nổi trôi trên mặt nước, ngập dưới chân cầu cảng, vương vãi trên sườn núi, dọc những đường mòn bao quanh đảo. Đặc biệt, vùng nước ven bờ phía hai bên cầu cảng Bình Ba, rác ngồn ngộn và “thường trực” hầu như quanh năm.

Hòn đảo ngọc sắp biến thành bãi rác. - Ảnh: BVPL.

Đặc biệt là sau Tết Mậu Tuất, bờ biển tại vị trí này trở thành một bãi rác đúng nghĩa. Rác trải dài cả trăm mét ngay vị trí mặt tiền của đảo, ngập dưới chân những cầu gỗ dẫn ra các bè nổi. Rác dày đến độ sóng không thể vỗ được vào bờ.

Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, đảo Bình Ba có trên 800 hộ với 3.200 nhân khẩu. Người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt, NTTS với khoảng 5.000 - 6.000 lồng nuôi. Xưa nay, người dân vẫn dùng bị bóng (túi ni lông) để đựng thức ăn cho tôm. Nếu trung bình mỗi lồng chỉ sử dụng một bị bóng một ngày, thì riêng trên vùng biển của đảo, có hàng ngàn bị bóng được thải ra mỗi ngày.

Lãnh đạo xã Cam Bình cũng cho biết, đã hoàn thành thi công công trình lò đốt rác thải rắn, trị giá bạc tỷ, dự định sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 3/2018. Tuy vậy, vấn đề rác thải trên đảo sẽ còn là vấn đề lớn và nan giải, bởi ý thức người dân tại chỗ vẫn là yếu tố có tính chất quyết định.

Bà Rịa -  Vũng Tàu: Phạt đơn vị xử lý chất thải gần 700 triệu đồng

Ngày 13/3, ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Kbec Vina (khu xử lý 100 ha xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT) trao đổi với báo TN&MT cho biết, công ty đã nhận được Quyết định số 596/QĐ- XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực môi trường do đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký.

Theo ông Hiền, ngày 14/3, Công ty TNHH Kbec Vina sẽ thực hiện nghiêm túc việc đóng phạt số 682 triệu đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Trước đó, ngày 19/12/2017, tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, huyện Tân Thành, Công ty TNHH Kbec Vina có hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 400 m3/ngày đêm.

Ngoài hình thức phạt tiền, Kbec Vina còn phải chịu các hình thức phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty trong thời hạn 3 tháng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu công ty phải thu gom toàn bộ nước sau xử lý đã bơm lên cánh đồng tưới để lưu giữ và tiếp tục xử lý sau khi hệ thống xử lý nước thải đã cải tạo.

Hòa Bình: Lối vào Đền thờ Tam Vị Chúa Mường trở thành bãi rác

Theo báo MT&CS, người dân tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã liên tục phản ánh về tình trạng những bãi rác trái phép ngang nhiên hình thành trên con đường dẫn vào Khu di tích lịch sử Đền thờ Tam Vị Chúa Mường.

Tình trạng này đang là mối tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm mất đi nét đẹp văn hóa của khu di tích.

Theo ghi nhận thực tế, rác thải sinh hoạt được tập trung thành nhiều đống, chạy dọc theo con đường dẫn vào Khu di tích Đền thờ Tam Vị Chúa Mường. Rác thải được người dân gom lại và chở bằng xe công nông đổ thẳng xuống dưới chân cầu Bến Ngãi dẫn đến tình trạng ứ đọng rác thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc và gây cản trở lối thoát nước.

Qua quan sát, rác thải được đựng trong những túi nilon chất thành từng đống với những loại rác khác nhau kể cả bỉm của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình còn sử dụng bao tải lớn để đựng xác động vật chết lâu ngày rồi vứt tại đây. Mùi hôi thối từ xác động vật bốc lên kèm theo đó là ruồi muỗi tập trung bu kín cả đoạn đường, gây mất mỹ quan cũng như ảnh hưởng trực tiếp môi trường khu vực này.

Anh Hà Minh Hải – nhân viên Trung tâm nghiên cứu và sản xuất ngô giống Sông Bôi cho biết: Những bãi rác này đã hình thành được nhiều năm nay và chưa có các cơ quan chính quyền nào đứng ra để xử lí hay thấy đoàn cán bộ nào đến phong tỏa và yêu cầu, ngăn cản không cho người dân đến đổ rác.

Gia Lai: Dân lại phản đối hoạt động của công ty 30/4 vì gây ô nhiễm môi trường

Sau một năm dừng hoạt động của lò sấy gỗ cao su vì gây ô nhiễm môi trường (vào tháng 3/2017), đến nay, khi hoạt động trở lại, công ty TNHH 30.4 Gia Lai lại tiếp tục gây ô nhiễm khói bụi từ lò sấy gỗ này, khiến hàng chục hộ dân tại tổ 1, phường Thắng Lợi, TP Pleiku vực vô cùng bức xúc.

Ngày 12/3, hàng chục người dân trú tại tổ 1, phường Thắng Lợi kéo nhau đến tại trụ sở UBND phường Thắng Lợi để phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhà máy chế biến gỗ cao su của Công ty TNHH MTV 30.4 Gia Lai (609 Lê Duẩn, TP Pleiku), làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhiều hộ dân trong khu vực. Buổi đối thoại giữa người dân và doanh nghiệp được tổ chức ngay tại UBND phường Thắng Lợi và có sự tham gia của đại diện UBND phường.

Theo nhiều người dân tổ 1, trước việc công ty 30.4 hoạt động lò sấy phát tán khói bụi, ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ dân xung quanh, người dân đã nhiều lần phản ánh trực tiếp đến công ty, cũng như có đơn phản ánh đến chính quyền địa phương cấc cấp của tỉnh Gia Lai. Công ty 30.4 đã hứa sẽ khắc phục và di dời nhà máy chế biến gỗ vào cuối năm 2017, nhưng gần 1 tuần nay lại tiếp tục đưa lò sấy gỗ vào hoạt động, khiến bà con bức xúc, phản đối gay gắt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn An – Giám đốc công ty TNHH 30.4 Gia Lai thì khẳng định rằng công ty không hề gây ô nhiễm môi trường: “Công ty hoạt động có Báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ. Quá trình kiểm tra của lực lượng Cảnh sát Môi trường tỉnh đã cho thấy các chỉ tiêu về chất lượng khí thải của công ty đều nằm trong quy chuẩn quy định”.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch phường Thắng Lợi (TP Pleiku) cho biết, công ty 30.4 đã hoạt động nhiều năm trên địa bàn và bắt gây ô nhiễm từ khoảng 2 năm nay khi nhà máy chế biến gỗ của công ty này đi vào hoạt động. “Phường Thắng Lợi đã nhiều lần nhận được kiến nghị, phản ánh từ người dân. Phường đã có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Quan điểm của chính quyền địa phương là kiên quyết yêu cầu nhà máy di dời đến vị trí khác”, ông Quang cho biết.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 13/3: Phát hiện điểm chôn rác thải trái phép gần 2ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới