Thứ bảy, 27/04/2024 09:00 (GMT+7)

Rác nghẹt cống, Sài Gòn ngập nước!

MTĐT -  Thứ ba, 19/06/2018 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực trạng quá nhiều rác, dẫn đến việc nước không thoát, gây ngập nước trên rất nhiều tuyến đường đang là vấn nạn của TP. HCM.

Mới đây, UBND TP. HCM đã buộc phải có quy định… bảo vệ khu vực máy bơm “khủng” chuyên dùng bơm nước chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Trong đó, xuất phát từ lý do có quá nhiều rác trôi về, gây nghẹt các họng cống dẫn nước, gây ra tình trạng nước không đổ về máy bơm… Thực trạng quá nhiều rác, dẫn đến việc nước không thoát, gây ngập nước trên rất nhiều tuyến đường đang là vấn nạn của TP. HCM.

Gần 40% công suất cống thoát nước bị triệt tiêu vì… rác

Theo ông Bùi Quang Trường - Trưởng phòng Quản lý hệ thống nước mưa TP. HCM (Cty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM): “Rất nhiều người dân đã vô ý thức, khi vứt rác hoặc để vật cản như: gạch, gỗ, bao nilon ở miệng cống thoát nước, nhằm tránh mùi hôi… Mỗi mùa mưa, công nhân chúng tôi lại phải thường xuyên kiểm tra những vị trí bị bít lại. Thế nhưng, nhiều khi công nhân đến lấy những vật cản đi, người dân không cho hoặc sau đó dùng vật khác che lại, nói trời mưa sẽ tháo dỡ nhưng rồi họ lại “quên”. Vì vậy, cứ hễ mưa lớn hay mưa vừa là rác lập tức theo dòng nước xuống cống, lại thêm miệng cống bị bít nên gây ngập là đương nhiên”.

Một miệng cống ở TP. HCM bị tắc nghẽn vì có quá nhiều rác. Ảnh: C.H.

Theo ông Trường, ở các điểm thường xuyên ngập, công ty cử công nhân vớt rác trước, trong và sau khi mưa; nhưng cũng chỉ được một phần của 1.400km cống và 80.000 hầm ga mà đơn vị này quản lý. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia về môi trường, rác thải làm giảm gần 40% năng lực thoát nước của những cống thoát nước trên đường phố TP. HCM.

Thật vậy, khảo sát tại nhiều tuyến đường của các quận Bình Thạnh, Tân Bình và đặc biệt là khu vực quận 5, quận 6 - khu Chợ Lớn, hiện tượng rác thường xuyên bị vứt, xả lấp miệng cống thoát nước là rất phổ biến. Anh Nguyễn Duy Sinh - Việt kiều Mỹ, mới về thăm quê đã hết sức bức xúc kể lại: “Trưa nay, tôi đi trên bộ trên một con đường trung tâm quận 1, thấy nhiều nhà mặt tiền cho thuê làm cửa hàng, nhân viên cửa hàng buổi trưa ăn cơm hộp xong, đi ra vứt rác ngay miệng cống. Không có miệng cống nào không có rác. Ai cũng bàn tán vụ chiều qua mưa ngập. Ai cũng nhăn nhó nói khổ. Nói tại quy hoạch thế này thế kia. Thật ra khu này người Pháp quy hoạch từ xa xưa, cứ khoảng 20m là có 1 cái miệng cống, nhưng lúc đó họ chưa nghĩ ra được là 100 năm sau, người dân sẽ hàng ngày dùng rác bịt cống lại. Hồi trưa thấy bạn trẻ đem 3 hộp cơm ăn xong để ngay miệng cống, tôi hỏi sao bạn không  bỏ vô thùng rác, bạn nhún vai nói "mắc công". Đầu giờ chiều, mưa một trận tơi tả, tôi chạy xe ngang qua, thấy bạn ấy đang hì hục tát nước, vì cống bị nghẹt, đầy rác, không thoát nước".

Anh Lê Văn Long - công nhân Cty TMHH MTV Thoát nước đô thị - cho biết: "Chỉ một tháng, sau khi trầm mình xuống vét rác dưới các kênh rạch ở một quận A, thì rác lại đầy. Vậy rác do ai quăng xuống? Chẳng lẽ do các cư dân ở quận B, C cách đó 5-7 km mang tới quăng? Chỉ có chính những người ở tại chỗ bỏ xuống thôi. Khi bị hôi thối, phát sinh bệnh tật, ngập nước... họ lại đổ lỗi cho chính quyền không quan tâm môi trường sống của họ; họ chối không biết rác rưởi do ai bỏ xuống. Người ta xem miệng các hầm ga thu nước là thùng rác, nên mọi thứ rác rưởi người ta đều nhét vào đó. Đem cái hôi thối đó bỏ ra ngoài đường để mọi người chịu thay. Rồi xe cộ qua lại, cán phải, rác bị cuốn đi khắp phố phường; gặp mưa chui hết vào cống, đó là nguyên nhân gây ngập, rồi lại trách chính quyền".

Phải có chế tài, xử lý nghiêm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Tiến sĩ Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP HCM) - nói: “Phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác - nhất là không tự tiện vứt xả rác xuống miệng cống thoát nước - cho người dân, bằng những biện pháp thiệt thực, cụ thể.v.v… Song song với đó, là phải có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm minh hành vi xả rác, lấp miệng cống thoát nước. Thậm chí, quy trách nhiệm phải bảo vệ miệng cống thoát nước tại khu vực những hộ dân nào gần miệng cống thoát nước. Việc này thực hiện bằng cách giao về từng tổ dân phố, từng phường để tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân. Nếu người nào không chấp hành thì cứ phạt nặng. Có luật nhưng xưa nay mình cứ “tình nhiều hơn lý” nên khó duy trì được xã hội văn minh. Vì vậy, cứ mỗi khi mưa xuống, rác ngập cống, nước không thoát được, nên Sài Gòn ngập thôi”.

Trong lúc đó, ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - cho rằng: “Do cách quản lý, cách giao nhiệm vụ và cơ chế thu gom rác ở miệng hố ga, trên đường phố hiện nay chưa rõ ràng… Những đơn vị của Sở Giao thông - Vận tải hiện nay chỉ có nhiệm vụ bảo trì đường, mà không có trách nhiệm hốt rác ngay miệng hố ga (?).

Công nhân vệ sinh môi trường đang khai thông cống do rác quá nhiều. Ảnh: C.H.

Trong khi công nhân vệ sinh môi trường, lại chỉ quan tâm việc thu gom rác trên đường, còn hố ga có khi lơi lả... Vì vậy, thành phố nên đấu thầu thu gom rác và phân trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị trúng thầu: không chỉ thu gom rác trên đường phố, lề đường mà phải thu gom rác, bao gồm ngay tại hố ga. Nếu rác vẫn còn trong miệng hố ga và gây tắc cống thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm”.

Trong Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội gần đây, có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong. Ông Phong cũng hết sức băn khoăn, trước nguyên nhân gây ngập nặng trên nhiều tuyến phố, được xác định là do mưa lớn bất thường, lượng mưa vượt quá công suất của hệ thống thoát nước; đồng thời, rác quá nhiều đổ xuống các cống rãnh, gây ra tình trạng tắc nghẽn dòng chảy, ngập nước trên diện rộng ở TP. HCM.

Hơn bao giờ, chuyện xử lý hành vi xả rác lấp cống, việc tuyên truyền, giáo dục người dân không xả rác, không lấp miệng cống thoát nước lại trở nên bức bách như bây giờ; mặc dù, cái việc ấy chỉ là một hành vi, cử chỉ rất nhỏ trong cả một hệ thống của công tác bảo vệ môi trường - đô thị nơi thành phố lớn nhất nước này.

Theo báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết Rác nghẹt cống, Sài Gòn ngập nước!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới