Thứ sáu, 26/04/2024 20:14 (GMT+7)

Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức

Lam Vy -  Thứ sáu, 23/04/2021 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều ngày 22/4, Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Nước sạch là vấn đề then chốt của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch, nước máy. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư tiếp cận được với nước sạch, 14% cư dân chưa tiếp cận được nước sạch, nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.

Buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Thực trạng ngành nước và vệ sinh môi trường ở Việt Nam, Đánh giá lợi ích các dự án công nghệ nước sạch hiện nay. Các giải pháp: về cơ chế (quy định, pháp luật, chính sách..); về đầu tư; hợp tác công tư; liên ngành; quy hoạch; nhu cầu tháo gỡ độc quyền và thu hút đầu tư xã hội từ đòi hỏi thực tế và kinh nghiệm quốc tế.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt, là tại các thành phố lớn. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nước sạch đang ngày càng tăng nhất là tại các đô thị. Trong khi đó, nước là nguồn tài nguyên vô cùng qúy giá nhưng không phải là vô tận.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, hiện nay, tài nguyên nước đang chịu sức ép nặng nề do biến đổi khí hậu, tốc độ gia tăng dân số, sự phát triển của các hoạt động kinh tế, đời sống có liên quan đến sử dụng nước và tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ngày càng trầm trọng.

Theo dự báo, mùa khô năm 2020 - 2021 cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn cao (23%), chất lượng nước nhiều nơi còn hạn chế.

Hơn nữa, tỷ lệ xử lý nước thải qua các trạm xử lý tập trung còn thấp, mới đạt 12% nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, việc úng ngập ở các thành phố lớn cũng đang gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý,… là thách thức rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam đã có bài phát biểu tại Tọa đàm về nội dung “ Những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về nước sạch và các vấn đề lớn đặt ra?”. Ông Huân, cho biết, hiện tỷ lệ cung cấp nước sạch tập trung khu vực đô thị đạt 89-90%; tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước hợp vệ sinh khoảng 88%. Tổng công suất xử lý nước thải là hơn 1.181.380 m3/ngày, tỷ lệ xử lý 14% trên tổng lượng nước thải 8 tỷ m3/năm... Sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới.

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100%, ở khu vực nông thôn là 75%. Đây là cơ hội lớn cũng như dư địa lớn cho việc tăng trưởng của các DN ngành cấp nước.

Thời gian qua, các chính sách, chủ trương của Nhà nước cũng đã được đưa ra để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào ngành nước. Kể từ năm 2005, các công ty cấp nước đô thị đã được cổ phần hóa trên cả nước, hiện chỉ còn 10/111 công ty chưa được cổ phần hóa (9%).

Ngoài ra, có khoảng 100 công ty tư nhân đã được huy động vốn tại khu vực đô thị tại 63 tỉnh/thành và hàng trăm công ty tư nhân đầu tư vào cung cấp nước sạch khu vực nông thôn. Tuy nhiên, DN ngành nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Huân, vẫn còn khá nhiều những vướng mắc cần tháo gỡ như: chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định; Thực hiện luật và chính sách không triệt để; Không có chế tài xử lý các hành vi sai trái; Không có quy hoạch chi tiết và tuân thủ quy hoạch; Cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ; Cơ chế thông tin minh bạch mời gọi đầu tư; Nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; các doanh nghiệp tư nhân tự do cạnh tranh không lành mạnh trên một khu vực hẹp; Khó khăn tiếp cận vốn;tiếp cận công nghệ mới

Về định hướng phát triển bền vững theo ông Huân có một số lưu ý về chính sách giá, cơ chế ưu tiên công nghệ mới, tiêu chuẩn nước sạch sau xử lý và cuối nguồn, hướng dẫn công nghệ phù hợp với đặc thù từng địa phương, minh bạch thông tin để xoá cơ chế xin cho….

Về tiến bộ kỹ thuật trong ngành nước Việt Nam, hiện ngành nước Việt Nam chủ yếu dựa vào các công nghệ xử lý nước và phân phối nước truyền thống và đã được chứng minh.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Huân đã đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, công bố thông tin minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương, cần hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập.

Thứ hai, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải.

Thứ ba, cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần.

Thứ năm, cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội, đồng thời nêu cao đạo đức kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được sử dụng nước an toàn.

“Để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị, các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước, nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước thì phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ” – ông Huân nói.

Bên cạnh đó, ông Huân kiến nghị: “ Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội đồng thời nêu cao tinh thần đạo đức trong kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững bà người dân được an toàn trong sử dụng.

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: “Ở Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch, nước máy. Ngay ở khu vực đô thị, cũng chỉ có khoảng 86% dân cư được tiếp cận với nước sạch. Chính vì thế ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất nước sạch, các doanh nghiệp cũng tiến hành cổ phần hóa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ sức khỏe cho người dân.”

Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Về mặt cấp nước, ông Điệp cho rằng chúng ta đã huy động lượng vốn lớn để thực hiện cấp nước, nhưng lượng xử lý nước thải mới chỉ chiếm khoảng 10%. Do đó, việc xã hội hoá làm sao để thu hút nguồn vốn xử lý nước thải cũng là bài toán rất lớn.

Thực tế cho thấy, sau khi cổ phần hóa DN nước sạch thì năng suất lao động cao lên, hiệu quả đầu tư cao hơn, lương tăng hơn, DN có nhiều cơ hội thực hiện các dự án cấp thoát nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít thách thức như: Nguồn vốn, mô hình thực hiện, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là thể chế. Nhà nước cần đưa ra được cơ chế thu hút nguồn vốn từ DN. Do đó, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, cần có sự tổng hợp đánh giá mô hình nào được và chưa được trong thực tế hiện nay của ngành nước, để từ đó lựa chọn được mô hình thích hợp cho cấp thoát nước ở Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới