Thứ bảy, 27/04/2024 06:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/7/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 26/07/2019 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/7/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/7/2019.

Sét đánh chết 51 người tại Ấn Độ

Kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ ngày 25/7 đưa tin đã có ít nhất 51 người dân nước này tử vong do sét đánh tại bang Bihar và Jharkhand trong vòng 48 giờ qua.

NDTV dẫn lại số liệu báo cáo của cảnh sát địa phương cho biết những trận sét nổ vang trời đã tước đi sinh mạng của 39 người ở Bihar và 12 người ở Jharkhand, đồng thời khiến nhiều người bị thương nặng.

Giới chức địa phương cho biết họ sẽ hỗ trợ tiền cho gia đình của các nạn nhân thiệt mạng và bị thương do sét đánh.

Khu vực Nam Á đã hứng chịu đợt mưa bão gây thiệt hại lớn kỷ lục trong vòng 10 năm vào cuối tháng 6 vừa qua. Mưa bão và ngập lụt đã làm hư hại nhiều tòa nhà, gây nhiều thương vong và ảnh hưởng đến giao thông.

Tính đến ngày 22/7, số người thiệt mạng do lũ lụt nghiêm trọng ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đã tăng lên trên 300 người, trong bối cảnh mưa bắt đầu ngớt và mực nước lũ rút dần tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mưa lớn khiến các con sông tràn bờ đã gây ngập lụt trên diện rộng ở miền Đông Ấn Độ trong hơn một tuần qua. Giới chức Ấn Độ cho biết, tính đến thời điểm này, tổng cộng 102 người ở bang Bihar đã thiệt mạng, tăng 35 người so với con số thống kê của chính phủ trước đó 4 ngày.

Mưa lũ khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập nặng

Đến chiều 25/7, TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) tiếp tục huy động lực lượng công an, bộ đội, dân quân, thanh niên giúp đỡ người dân dọn dẹp lại nhà cửa, khắc phục hậu quả do trận mưa lớn gây lũ lụt vừa xảy ra.

Trước đó, trận mưa lớn kéo dài khoảng 5h (từ 22h đêm 24/7 đến 3 giờ sáng 25/7) đã gây ra lũ quét tại các thôn 1, 2, 3, xã Đại Lào và các thôn tại xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc). Nước lũ dâng nhanh khiến gần 200 hộ dân thuộc thôn 1, xã Đại Lào bị nước dâng cao tràn vào nhà, ngập từ 0,5 - 1,2m. Nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt bị nước nhấn chìm làm hư hỏng và cuốn trôi mất tích. Khoảng 60ha cây trồng các loại, hơn 10 ao cá của người dân cũng bị nước lũ tràn qua chưa thể thống kê được thiệt hại.

Nước lũ cũng gây ngập nặng tại các xã Madagui, Đạ Oai, Đạ Tồn và thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai). Trong đó, xã Madagui bị thiệt hại nặng nề nhất, với gần 200 hộ dân bị nước tràn vào nhà nhấn chìm nhiều tài sản. Lũ lụt còn cuốn trôi hơn 1.200 con gia cầm các loại, nhiều nhà nuôi tằm của người dân địa phương và khoảng 7 tấn cá cũng bị cuốn trôi. Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả, các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại do trận mưa lớn gây ra.

Hơn 110.000 hộ dân các tỉnh miền Trung thiếu nước sinh hoạt

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hơn 20.000 ha đất canh tác và 115.940 hộ dân tại các tỉnh miền Trung đang bị hạn hán, thiếu nước. Trong khi đó, dông lốc và sét ở miền núi phía Bắc và miền Nam đã gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu vụ Hè Thu năm 2019, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp kéo dài tại các tỉnh khu vực Trung Bộ, đặc biệt là các đợt nắng nóng từ ngày 9 đến 12/6, từ ngày 20 đến 23-6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40oC, một số nơi có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong đó, ở khu vực Bắc Trung Bộ, hiện có 5.240 ha (lúa 3.400 ha, rau màu 1.840 ha) đang bị hạn hán, thiếu nước (Quảng Bình 1.580 ha, Quảng Trị 2.800 ha, Thừa Thiên Huế 860 ha).

Ngoài ra còn có 61.100 hộ bị thiếu nước sinh hoạt (Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 2.600 hộ, Quảng Bình 30.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên Huế 9.000 hộ). 

Tại khu vực Nam Trung bộ, tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 16.340 ha (lúa 15.930 ha, rau màu 410 ha), chiếm 4,6% diện tích lúa và cây hàng năm. Địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Phú Yên với 5.600 ha; Quảng Nam 3.100 ha, Quảng Ngãi 3.000 ha, Bình Định 4.060 ha. Trong đó, diện tích cây trồng bị chết là 516 ha (Bình Định 481 ha, Phú Yên 35 ha).

Hiện 52.840 hộ dân ở khu vực Nam Trung bộ bị thiếu nước sinh hoạt (Đà Nẵng 340 hộ, Quảng Nam 23.700 hộ, Quảng Ngãi 11.600 hộ, Bình Định 10.100 hộ và Phú Yên 6.800 hộ, Khánh Hòa 300 hộ).

Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa

Ngày 25/7, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp du lịch Hải Phòng giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Theo báo cáo, trên thế giới mỗi năm có 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, tám triệu tấn thải ra đại dương.

Chỉ trong một ngày làm sạch bờ biển các đội tình nguyện quốc tế đã thu gom được 4.600 tấn thải, trong đó 60% lượng chất thải là rác nhựa (túi bọc, hộp đựng thực phẩm, chai, lọ, túi nilon, nhựa dùng một lần), 80% chất thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền.

Tại Việt Nam, nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của muôn loài, trong đó du lịch là một trong những hoạt động gây phát thải rác thải nhựa rất lớn.

Bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Câu lạc bộ Phát triển xanh (Green Hub), cho biết: Quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến tự nhiên của một lượng lớn rác thải các loại từ đất liền do nước từ các cửa sông cuốn ra, từ các hoạt động du lịch, dịch vụ, sản xuất, sinh hoạt của con người trên các đảo, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng và từ các tàu bè hoạt động trên vịnh thuộc đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long trôi sang.

Bên cạnh đó, tại các nhà hàng ở Cát Bà trung bình trong mỗi bữa ăn một người thải ra 0,2 kg rác. 80% rác do khu vực nhà bếp thải ra.

Để giảm thiểu rác thải nhựa, ngoài việc hạn chế phát thải loại rác này thì các cơ quan, đơn vị, các nhà nghiên cứu khoa học cũng cần tích cực trong việc tìm các giải pháp để xử lý rác thải nhựa tồn đọng cũng như rác thải nhựa sẽ tiếp tục phát sinh.

Việt Nam sẵn sàng cùng quốc tế giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Thông tin về hợp tác giữa ASEAN trong việc chống lại rác thải nhựa trên đại dương và quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, chiều 25/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết vào ngày 22/6 vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN và Khung hành động ASEAN về rác thải biển.

Trong đó, có cam kết về thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng rác thải biển, trong đó có rác thải nhựa; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, giữa Nhà nước và tư nhân, xây dựng năng lực, chia sẻ thực tiễn tốt đẹp giữa các nước ASEAN, huy động sự hỗ trợ của các đối tác; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, thúc đẩy các chương trình hành động quốc gia và khu vực nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu, quản lý tình trạng rác thải biển.

Việt Nam coi rác thải biển là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển; sẵn sàng cùng cộng đồng khu vực và quốc tế xây dựng các cơ chế, quy định nhằm thúc đẩy hợp tác giải quyết về vấn đề rác thải biển. Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa với mục tiêu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025.

Về xử lý phế liệu nhập khẩu, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang ban hành các văn bản pháp luật theo hướng yêu cầu chất lượng phế liệu cao hơn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới