Thứ sáu, 26/04/2024 21:39 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/3/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 06/03/2020 07:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/3/2020.

Bắc Âu trải qua mùa Đông ấm kỷ lục

Các quốc gia Bắc Âu đang phải trải qua một mùa Đông ấm chưa từng thấy sau nhiều tuần ghi nhận nhiệt độ cao bất thường.

Anh đào ra hoa sớm từ tháng 1 khi nền nhiệt độ tại nhiều khu vực của Thụy Điển cao hơn từ 6 - 7oC so với nền nhiệt thông thường. Khu vực miền Nam và miền Trung Thụy Điến cũng đang trải qua mùa Đông ấm nhất trong lịch sử. Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan ghi nhận mức nhiệt cao bất thường, khí hậu ấm áp chưa từng thấy với nền nhiệt cao hơn 7 - 8oC so với mức trung bình và đây là tháng 1, tháng 2 đầu tiên không có tuyết được ghi nhận tại thủ đô Helsinki.

Dù nhiệt độ ấm áp nhưng đây cũng là một trong những mùa Đông ẩm ướt nhất tại khu vực Bắc Âu với lượng mưa đo được cao hơn 70% so với mức bình thường, gây lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều vùng đất nông nghiệp và hàng triệu tòa nhà.

Australia phát triển vệ tinh dự báo cháy rừng

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ Đại học Quốc gia Australia ngày 4/3 cho biết một nhóm nhà nghiên cứu đang chế tạo vệ tinh có kích thước tương đương hộp đựng giày, có khả năng đo độ che phủ rừng dưới mặt đất và độ ẩm không khí bằng máy đo hồng ngoại.

Các nhà khoa học hy vọng công nghệ này sẽ giúp xác định khu vực dễ bùng phát đám cháy và nơi khó có khả năng dập lửa nếu xảy ra hỏa hoạn. Dự kiến 5 năm tới, các nhà khoa học mới có thể sử dụng dữ liệu từ loại vệ tinh này.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Công nghệ có thể được điều chỉnh cụ thể để phát hiện những thay đổi thực vật tại Australia, như bạch đàn – một loại cây rất dễ cháy”.

Theo chuyên gia viễn thám Marta Yebra, Đại học Quốc gia Australia có dự định hợp tác với khu vực tư nhân để phóng vệ tinh mới này vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Dữ liệu sẽ được chia sẻ với các nhân viên cứu hỏa.

Bà Marta nói: “Công nghệ và dữ liệu hồng ngoại hiện chưa có sẵn này sẽ giúp kiểm soát mục tiêu cháy, từ đó có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của đám cháy cũng như tác động lâu dài của chúng đối với người dân, nền kinh tế và môi trường Australia”.

Trong những năm gần đây, Australia đã phải trải qua mùa hè khắc nghiệt khi tình trạng cháy rừng bùng phát nhiều hơn và ngày càng nguy hiểm hơn.

Phế liệu tồn đọng đã giảm 65%

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số container tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày (tính đến 21/2/2020) là 3.423 container, con số này đã giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019.

Đây là nỗ lực của cơ quan Hải quan cùng các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn phế liệu không đạt tiêu chuẩn vào Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi tối đa để thông quan nhanh đối với các lô hàng đủ điều kiện.

Có thể thấy, công tác quản lý phế liệu trong thời gian qua tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý của cơ quan Hải quan. Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo thống nhất trong toàn Ngành thực hiện ngăn chặn từ xa không cho hạ bãi các lô hàng phế thải, phế liệu không đủ điều kiện; tăng cường công tác kiểm tra lấy mẫu phân tích; tăng cường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để quản lý chặt chẽ, phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thông quan nhanh đối với các lô hàng đủ điều kiện.

Trên cơ sở Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 7402/TCHQ-GSQL ngày 27/11/2019 hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu nhập khẩu đúng quy định, thống nhất, cơ bản không phát sinh các vướng mắc mới.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác liên ngành xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển Việt Nam. Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 6632/TCHQ-GSQL hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu để rà soát, thực hiện thông báo tìm chủ hàng và kiểm kê, phân loại thông báo tìm chủ hàng, thành lập hội đồng xử lý hàng tồn.

Đồng thời, hướng dẫn cơ chế xử lý đối với các lô hàng đủ điều kiện nhập khẩu, kiên quyết yêu cầu hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam các lô hàng không đủ điều kiện.

Với sự kiểm soát chặt chẽ, tình trạng phế liệu tồn đọng, lưu giữ tại cảng đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, khi Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu có hiệu lực thi hành, Tổng cục Hải quan đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Bến Tre: Hạn mặn bủa vây, người dân thiếu nước ngọt

Ngày 4/3, Đoàn công tác liên ngành do ông Trần Văn Sinh, Trưởng ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre để nắm bắt về tình hình hạn mặn đang diễn ra rất gay gắt trên địa bàn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam- ảnh hưởng của mặn rất gay gắt, nghiêm trọng, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, làm thiệt hại rất lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là sản xuất nông nghiệp; nước ngọt khan hiếm gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình hạn mặn hiện nay vô cùng khốc liệt, hạn mặn xảy ra với thời gian kéo dài, độ mặn cao hơn đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô 2016. Tuy người dân có sự chuẩn bị, trữ nước mưa trong các lu hồ, mương vườn nhưng tình trạng thiếu nước ngọt vẫn đang khá nghiêm trọng.

Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn trên 2‰. Theo thống kê, tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 57.000 hộ, với 205.000 người dân sống xa nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ. Ngoài ra, trên 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân có nguy cơ mất trắng. Khoảng 20.000 ha cây ăn trái; hơn 72.000 ha dừa; gần 1.500 ha rau màu; hơn 100.000 cây giống, hoa kiểng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Dự báo của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, mặn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao. Theo đó, trong tháng 3/2020, độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 85km, độ mặn 1‰ bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre. Hiện sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Một số hộ dân tự ý xuống giống lúa vụ 3 gần như bị thiệt hại hoàn toàn.

Được biết, nguồn nước ngọt chở về để bán cho người dân với giá tại bến là 100.000 đồng/m3. Sau đó, tiền công thuê xe để chở 1m3 nước đến nhà các hộ dân nằm trong khu vực nội ô TP Bến Tre là 100.000 đồng. Như vậy, người dân tại trung tâm của TP Bến Tre phải mất 200.000 đồng mới có được 1m3 nước ngọt sử dụng. Trong khi đó, ở các huyện vùng nông thôn tỉnh Bến Tre cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông, rồi đưa đến tận hộ gia đình bằng xe tải, xe lôi, xe máy kéo với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/m3, tùy theo đoạn đường vận chuyển xa, gần.

Hiện nay tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu. Hồ Kênh Lấp (huyện Ba Tri) - hồ nhân tạo trữ nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long có sức chứa gần 1 triệu m3 nước, với vốn đầu tư 85 tỷ đồng cũng bị nhiễm mặn trên 2‰. Trong khi đó, huyện Chợ Lách là địa phương nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, nhưng cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4 - 6‰.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới