Chủ nhật, 28/04/2024 15:56 (GMT+7)

Một thế kỷ phòng chống động đất tại Nhật Bản

MTĐT -  Thứ hai, 11/09/2023 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhật Bản nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có các hoạt động địa chấn mạnh trải dài qua Đông Nam Á và vùng lòng chảo Thái Bình Dương.

tm-img-alt
Các tòa nhà ở Tokyo, Nhật Bản, được thiết kế để phòng chống động đất.

Trận động đất kinh hoàng hồi năm 1923 là lời cảnh tỉnh Nhật Bản nói chung và thủ đô Tokyo nói riêng phải tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai và bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân. Kể từ đó, nước này đã nghiên cứu thiết kế lại các công trình nhà ở, văn phòng có khả năng chống chịu động đất.

Công trình phòng chống động đất

Anh Takashi Hosoda ở trong một nhà chọc trời ở Tokyo, Nhật Bản, khi trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra vào ngày 11/3/2011. Tuy nhiên, kiến trúc sư kỳ cựu này không quá lo ngại bởi những tòa nhà cao tầng hiện đại ở Nhật Bản được thiết kế để bảo vệ cư dân khỏi những trận động đất.

Một thế kỷ sau khi Tokyo bị tàn phá bởi Đại Động đất Kanto năm 1923, thủ đô Nhật Bản ngày nay không còn giống với thành phố từng bị san bằng bởi rung chấn 7,9 độ richter khiến 105.000 người thiệt mạng.

Nhật Bản nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có các hoạt động địa chấn mạnh trải dài qua Đông Nam Á và vùng lòng chảo Thái Bình Dương. Do đó, quốc gia này là một trong những nước ghi nhận nhiều địa chấn nhất thế giới.

Bởi vậy, nước này chú trọng đầu tư đáng kể cho công tác giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Các kiến trúc sư, kỹ sư Nhật Bản đã không ngừng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thiết kế mới để giảm chấn cho các công trình giúp tòa nhà trụ vững trong những trận động đất mạnh.

Ông Yoshiaki Nakano, chuyên gia kỹ thuật động đất tại Viện Nghiên cứu Khoa học Trái đất và Phục hồi thiên tai (NIED), nhận định, thảm họa động đất ngày 1/9/1923 đã đánh dấu “bình minh của những công trình thiết kế chống địa chấn tại Nhật Bản”.

Một năm sau thảm họa, Nhật Bản đã ban hành quy định xây dựng phòng chống động đất. Những tiêu chuẩn này thường xuyên được mở rộng từ sau đó, dựa trên bài học rút ra từ các trận địa chấn lớn nhỏ khác nhau tại Nhật Bản.

Theo chuyên gia Nakano, quy định xây dựng chống địa chấn của Nhật Bản là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới. Các tòa nhà có hai mức độ chống chịu chính. Thứ nhất là khả năng chịu đựng các trận động đất nhỏ, thường gặp 3 - 4 lần trong vòng đời. Thứ hai là khả năng chống chịu những trận động đất dữ dội và hiếm gặp hơn.

Về cơ bản, các nhà cao tầng ở Nhật Bản cần độ bền cao hơn so với những nơi khác. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc theo dõi chặt chẽ quá trình tuân thủ luật. Hệ thống giám sát kiểm tra thiết kế và thi công tại chỗ là yếu tố chủ chốt nhằm đảm bảo chất lượng công trình và hiệu suất của các tòa nhà trong động đất.

Trận động đất năm 2011 kéo theo những đợt sóng thần mạnh dọc vùng ven biển Đông Bắc nhưng thiệt hại tại Tokyo rất hạn chế. Các tòa nhà cao tầng chao đảo trong vài phút nhưng không bị đổ.

Lý do là các công trình gia cố cơ bản đã được thêm thắt nhiều biện pháp an toàn phức tạp thường gặp ở nhà chọc trời hiện đại. Lớp đệm cao su mềm được lắp đặt bên dưới nền móng để cách ly chúng với rung động nền đất. Bộ giảm chấn nằm rải rác khắp sàn nhà. Một số tòa nhà được đặt những quả lắc nặng vài trăm tấn trên đỉnh, làm đối trọng với chuyển động của tòa nhà trong động đất.

Tháp Toranomon Hills Mori, được xây dựng vào năm 2014, cao 247m là một ví dụ về việc trang bị hệ thống chấn rung động đất như vậy. Tháp được lắp đặt 516 bộ giảm chấn bằng dầu, mỗi bộ bao gồm một xilanh dài 1,7m. Thiết bị này sẽ chuyển động lên xuống nhiều lần nếu động đất xuất hiện.

Anh Kai Toyama, quản lý kỹ thuật công trình tại Công ty bất động sản Mori Building, giải thích: Khi bộ giảm chấn chuyển động, nó sẽ ấm dần lên, đồng nghĩa năng lượng của động đất đã chuyển hóa thành dạng nhiệt và được giải phóng. Kết quả là rung động của tòa nhà có thể được kiểm soát.

Lời cảnh tỉnh với người dân Nhật

Sau trận động đất ở Kobe năm 1995 khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, Nhật Bản chú trọng tăng cường tiêu chuẩn chống động đất đối với nhà gỗ mới và nâng cấp các tòa nhà cũ từ trước năm 1981. Trận động đất Kanto năm 1923 được cho là “lời cảnh tỉnh đối với Nhật Bản, không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh với các kỹ sư mà cả với người dân”.

Từ năm 1960, Nhật Bản chọn ngày 1/9 làm Ngày phòng chống thiên tai toàn quốc. Mỗi năm vào ngày này, học sinh, nhân viên văn phòng và người dân làm việc trong các cơ quan chính phủ sẽ tiến hành tập mô phỏng để chuẩn bị cho động đất lớn.

Nước này cũng chú trọng đến phương pháp cảnh báo sớm động đất, sóng thần để giảm thiểu thương vong. Những cảnh báo này đều được nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy...

Ngoài ra, tại Nhật Bản, người dân lẫn các doanh nghiệp và cơ quan địa phương đều tích trữ đồ dùng khẩn cấp. Tính đến ngày 1/4/2023, chính quyền địa phương ở Tokyo đã tích trữ 9,5 triệu đồ ăn (như mỳ gói và bánh quy) ở 400 nhà kho.

Các biện pháp phòng ngừa tiếp tục được tăng cường sau trận động đất năm 2011, gây ách tắc giao thông trên diện rộng ở Nhật Bản khiến hàng triệu người dân không thể về nhà.

Bất chấp những nỗ lực trên, theo một số chuyên gia, Tokyo vẫn dễ bị tổn thương bởi động đất và thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn trước các thảm họa thiên nhiên khác như lũ lụt. Các quận phía Đông thủ đô được xây trên nền đất kém ổn định và dễ ngập, đồng thời tập trung nhiều ngôi nhà gỗ cũ.

Nhà địa chấn học Massayuki Takemura từng phản ánh việc tái thiết Tokyo sau chiến tranh nhằm ưu tiên phát triển kinh tế thay vì xây dựng một thành phố “kiên cường”. Thành phố đang quá tập trung vào việc xây dựng các tòa nhà chọc trời và xây dựng các khu dân cư trên đảo nhân tạo nhưng điều này làm tăng nguy cơ bị cô lập khi thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Các chuyên gia cũng lưu ý có 70% khả năng một trận động đất lớn sẽ diễn ra ở Tokyo trong vòng 30 năm tới.

Theo Nguyễn Minh / Giáo dục và Thời đại

Bạn đang đọc bài viết Một thế kỷ phòng chống động đất tại Nhật Bản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.