Thứ ba, 30/04/2024 09:16 (GMT+7)

Mùa thu và mùa xuân có thể ‘biến mất’ ở Nhật Bản, gây hệ lụy báo động

MTĐT -  Thứ ba, 28/11/2023 16:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bốn mùa rõ rệt trong năm của Nhật Bản – vốn truyền cảm hứng cho biết bao tục lệ truyền thống, nền ẩm thực và văn hóa phong phú – lại đang bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Những tán lá ngả vàng, ngả đỏ đặc trưng của mùa thu Nhật Bản. Ảnh: EPA

Một chuyên gia thậm chí còn cảnh báo rằng xứ sở hoa anh đào đang trên đà trở thành “đất nước có hai mùa” là mùa hè và mùa đông, trong khi mùa xuân và mùa thu sẽ trôi qua chớp nhoáng.

Lời dự báo trên được đưa ra sau khi Nhật Bản phải đối mặt với mùa hè oi bức kéo dài vào năm 2023. Tại thủ đô Tokyo đã liên tục ghi nhận 143 ngày hè có nhiệt độ cao kỷ trên 25 độ C, kéo dài tương đương gần 5 tháng.

Ngày nắng nóng cuối cùng như vậy là hôm 7/11, khi nhiệt độ của thành phố này tăng vọt lên 27,5 độ C. Những loài côn trùng như muỗi vẫn hoạt động bất thường.

Tuy nhiên, nhiệt độ đã giảm đáng kể chỉ trong vài tuần. Đến ngày 26/11, nhiệt độ ở Tokyo là 5 độ C.

Mùa thu “mất tích”

Sự thay đổi nhiệt độ muộn và đột ngột đã ảnh hưởng đến hiện tượng cây cối chuyển màu lá vàng, lá đỏ đặc trưng của Nhật Bản. Ở Sapporo, mùa lá đỏ cao điểm đã đến vào ngày 13/11, muộn hơn hai tuần so với thường lệ.

Tại Miyajima của Hiroshima, hiện là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm lá phong. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền địa phương phải báo trước cho du khách rằng khung cảnh chưa thể rực rỡ như mọi năm. Họ cho biết: “Mặc dù hiện nay là thời điểm tốt nhất để ngắm lá phong nhưng nhiều cây đã rụng lá mà chưa đạt được màu sắc trọn vẹn”.

Tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở những thắng cảnh ngắm lá mùa thu khác trên khắp đất nước từ Kyoto, Kanazawa đến Karuizawa, cũng như ở vùng cao nguyên Tochigi và Nagano.

Nhà dự báo Hiroki Ito tại Tập đoàn Khí tượng Nhật Bản, nơi cung cấp dự báo về hai sự kiện lá đổi màu và hoa anh đào nở, nói với The Straits Times rằng đỉnh điểm của tán lá mùa thu đã xuất hiện muộn hơn trung bình vào năm 2023 do các kiểu thời tiết bất thường.

Lá phong chuyển màu khi sắc tố xanh diệp lục, được sử dụng trong quá trình quang hợp, dần dần bị phân hủy khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Màu sắc đậm hơn khi sắc tố đỏ anthocyanin được tổng hợp ở nhiệt độ dưới 10 độ C.

Chú thích ảnh
Mùa lá đỏ năm nay ở Nhật Bản đến muộn khoảng hai tuần. Ảnh: Reuters

Còn quá sớm để chỉ ra những tác động tức thì từ tình trạng “mùa thu mất tích” trên đối với ngành du lịch, ngoài việc các sự kiện chiếu sáng sẽ bị dời lịch và du khách phải tính toán lại lịch trình.

Nhưng ông Ito thậm chí còn cảnh báo rằng những tán lá đỏ thường thấy vào mùa thu có thể bị chuyển dịch đến tận thời điểm chuyển giao Năm mới. Ông nói: “Nếu mùa hè kéo dài hơn nữa trong tương lai, thời điểm đẹp nhất để ngắm lá mùa thu sẽ còn bị trì hoãn hơn nữa”.

Năm 2023, Tokyo dự kiến đón mùa lá thu đẹp nhất vào ngày 1/12, muộn hơn ba ngày so với trung bình. Vào những năm 1950, những tán lá như vậy xuất hiện từ ngày 8 – 15/11.

Ở Cao nguyên Nasu ở Tochigi, phía Bắc Tokyo, dự báo cảnh sắc lá đỏ mùa thu đẹp nhất sẽ diễn ra vào ngày 22/10. Nhưng năm nay, hầu hết lá cây vẫn còn xanh vào thời điểm đó.

Giám đốc điều hành Shuichi Sakai của quán Cafe Madoka, nơi có góc nhìn ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nói với TV Asahi: “Thông thường trời khá lạnh sau tháng 9 nên lá sẽ chuyển sang màu đỏ, nhưng năm nay thì không như vậy. Không có mùa thu, mùa đông dường như đột nhiên ập tới”.

Nước này cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông ấm áp với lượng tuyết rơi thấp hơn mức trung bình vào năm 2023, theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hôm 21/11.

Nhưng tình hình trên cũng không làm giảm khả năng xảy ra những trận bão tuyết bất ngờ. Các mô phỏng cho thấy vùng nước ấm hơn bình thường xung quanh Nhật Bản có thể bốc hơi và ngưng tụ thành mây tuyết ở một frông lạnh, dẫn đến tuyết rơi dày đặc.

Chú thích ảnh
Mùa thu ở Nhật Bản thường kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 11. Ảnh: AFP

Những hệ lụy về kinh tế

Những vùng nước ấm hơn cùng với mùa hè nóng hơn đã gây tổn hại cho ngành nông nghiệp và ngư nghiệp Nhật Bản. Sản lượng đánh bắt hải sản mùa thu như cá hồi và cá thu đao Thái Bình Dương đã giảm mạnh. Ví dụ, lượng cá thu đao Thái Bình Dương ở thành phố Choshi, quận Chiba, là bằng 0 vào năm 2022. Đây là lần đầu tiên thành phố Choshi mất mùa cá thu đao kể từ những năm 1950 khi bắt đầu lưu trữ hồ sơ.

Cùng lúc đó, chất lượng của nông sân như gạo, khoai lang cũng bị ảnh hưởng.

Theo dữ liệu cấp tỉnh, Niigata, vùng trồng lúa hàng đầu của Nhật Bản, đã phải chịu thiệt hại lên tới 13,5 tỷ yên vào năm 2023, tương đương 13% trung bình doanh thu, do năng suất lúa thấp hơn và hạt gạo kém chất lượng khiến giá rẻ hơn.

Tại Namegata, nơi sản xuất khoai lang hàng đầu quốc gia, Giám đốc hợp tác xã địa phương Yuji Kuriyama nói với Straits Times rằng đã có một số trường hợp ruột của khoai lang bị thâm đen.

“Chúng tôi sẽ không biết điều đó cho đến khi khách hàng cắt khoai lang ra”, ông lưu ý thêm rằng khoai lang bị ảnh hưởng cũng có thể ăn được nhưng hương vị không ngon và có thể làm mất uy tín thương hiệu.

Chú thích ảnh
Nhật Bản là một trong những nơi có tán lá mùa thu đẹp nhất thế giới. Ảnh: ST

Sự xuất hiện của những kiểu thời tiết không thể đoán trước này có nghĩa là các ngành chăn nuôi cần phải học thích nghi. Nông dân và ngư dân ở Nhật Bản đang thử nghiệm các loại cây trồng và nuôi thủy sản chịu được thời tiết khắc nghiệt.

Về mặt du lịch, các sự kiện văn hóa đang bị thay đổi. Một số lễ hội pháo hoa, trải nghiệm mùa hè Nhật Bản, được tổ chức theo truyền thống vào tháng 8, đã được dời sang tháng 10 khi buổi tối tương đối mát mẻ hơn.

Đó cũng là trường hợp của Cuộc thi pháo hoa Tsuchiura của Ibaraki và Lễ hội pháo hoa Tamagawa của Tokyo. Người tổ chức cuộc thi cho biết sự điều chỉnh trên là nhằm tránh nắng nóng bất thường của mùa hè, sau khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.

Nhiệt độ ấm hơn trong những năm gần đây cũng có nghĩa là mùa xuân đang đến sớm hơn ở Nhật Bản, khi năm tài chính và học tập bắt đầu vào tháng 4 theo chủ ý trùng với thời điểm hoa anh đào nở rộ để báo hiệu một khởi đầu mới.

Thay vào đó, hoa anh đào sẽ nở vào khoảng từ giữa đến cuối tháng 3 ở Tokyo.

Nhà khí tượng học Ito cho biết: “Cả cái lạnh của mùa thu đông lẫn sự ấm áp đầu xuân đều cần thiết để hoa anh đào nở”. Những nụ hoa đang ngủ yên được đánh thức bởi thời tiết lạnh giá và sau đó nở bung khi nhiệt độ ấm lên. Ông Ito đồng thời lưu ý rằng nhịp sinh học cho thấy rằng hoa anh đào sẽ nở sớm hơn ở những khu vực ấm lên nhanh hơn.

Nhà khí tượng học Yoshihiro Tachibana tại Đại học Mie nói với TBS News: “Nhật Bản là đất nước mà bạn thực sự có thể tận hưởng các mùa, với hoa anh đào vào mùa xuân và lá rụng vào mùa thu. Tuy nhiên, điều đó có thể sớm không còn nữa, khi thời tiết khắc nghiệt trở thành điều bình thường. Chẳng bao lâu nữa, Nhật Bản có thể trở thành một quốc gia chỉ có hai mùa”.

Bạn đang đọc bài viết Mùa thu và mùa xuân có thể ‘biến mất’ ở Nhật Bản, gây hệ lụy báo động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Xuân Chi/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.