Thứ ba, 30/04/2024 02:00 (GMT+7)

Nhiều điểm mới trong Luật Đất đai 2024 kỳ vọng gỡ vướng tình trạng quy hoạch treo

MTĐT -  Thứ bảy, 13/04/2024 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều nội dung đổi mới trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho tình trạng quy hoạch treo gây nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Nhiều điểm mới trong Luật Đất đai 2024 kỳ vọng gỡ vướng tình trạng quy hoạch treo
Luật Đất đai 2024 quy định đối với một số dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Hiện nay, tình trạng quy hoạch treo dự án treo gây khó khăn cho cuộc sống của dân diễn ra tại khắp các địa phương trên cả nước. Vấn nạn quy hoạch treo tại nhiều địa phương gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân. Có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong ranh quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, Nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan đến quy hoạch và xây dựng, chất lượng lập quy hoạch còn thấp, công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, trách nhiệm của các cấp chính quyền chưa được phát huy triệt để. Do đó, Luật Đất đai 2024 đã quy định chi tiết, cụ thể hơn nhiều nội dung để tháo gỡ tình trạng này.

Theo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên Đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có 7 nội dung đổi mới quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập đồng bộ ở 3 cấp hành chính, bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, thay vì được lập 2 cấp hành chính như hiện nay. Để đảm bảo kế thừa và đồng bộ với pháp luật về quy hoạch, các nội dung mà pháp luật về quy hoạch đã quy định đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thì Luật dẫn chiếu nhằm đảm bảo tính liên tục trong áp dụng pháp luật, đối với những nội dung cần phải chỉnh sửa, bổ sung, Luật Đất đai hoàn thiện theo hướng sửa đổi trực tiếp nội dung của các Luật khác có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch tại Luật này; ngoài ra, tại Luật Đất đai cũng đã đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.

Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia chỉ xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân bổ đến vùng kinh tế - xã hội đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó xác định diện tích một số loại đất quan trọng có diện tích lớn, vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo mật độ che phủ rừng và đảm bảo yêu cầu an ninh, quốc phòng như: Đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất an ninh, đất quốc phòng, còn lại các chỉ tiêu đất khác phân cấp cho cấp tỉnh và cấp huyện trên cơ sở hiện trang, thực tiễn quản lý của địa phương để tự xác định trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ ba, về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, Luật Đất đai cũng đã quy định cụ thể, theo hướng linh hoạt, theo đó Quốc hội chỉ quyết định đối với Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, còn đối với kế hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia giao Chính phủ phê duyệt. Việc quy định này nhằm đảm bảo tính linh hoạt chủ động cho Chính phủ trong việc điều chỉnh quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu điều hành kinh tế vĩ mô khi cần thiết.

Thứ tư, đối với quy hoạch sử dụng đất an ninh, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, Luật Đất đai quy định nội dung lập quy hoạch sử dụng đất an ninh, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, còn đối với kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh sẽ được phân kỳ và lập lồng ghép vào nội dung quy hoạch sử dụng đất và được trình phê duyệt cùng với nội dung quy hoạch sử dụng đất. Quy định như vậy để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với kế hoạch sử dụng đất, giảm bớt chi phí, công sức, đảm bảo đồng bộ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ năm, đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Luật Đất đai quy định cụ thể giao trách nhiệm thẩm quyền nhiều hơn cho cấp tỉnh, theo đó ngoài việc phải đảm bảo các chỉ tiêu do quốc gia phân bổ, còn phải dựa vào điều kiện của địa phương xác định các chỉ tiêu đến đơn vị hành chính cấp huyện để đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cũng được cải cách theo hướng thuận lợi, linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của cấp tỉnh theo đó nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được phân kỳ, lập, lồng ghép và phê duyệt cùng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy định như vậy để đảm bảo kế thừa và tránh trùng lặp, lãng phí trong quá trình lập các quy hoạch. Đồng thời, để đảm bảo chủ động, linh hoạt, Luật Đất đai còn quy định rõ việc quyết định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ thay vì trước đây là Chính phủ.

Thứ sáu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được quy định chặt chẽ, khoa học hơn, nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện ngoài việc phải đảm bảo các chỉ tiêu do quy hoạch cấp trên phân bổ còn phải căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lợi thế, tiềm năng đất đai để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể, việc xác định này đảm bảo yêu cầu cụ thể đến cấp xã… Mặt khác, để đảm bảo kế thừa và đồng bộ, tránh trùng lặp, lãng phí, Luật Đất đai đã quy định đối với quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Đặc biệt lần này Luật Đất đai chú trọng đến việc quy định cụ thể nội dung của kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo hướng và linh hoạt, theo đó nội dung kế hoạch sử dụng đất đơn giản hơn, ngoài việc phải đảm bảo quỹ đất cần trong năm kế hoạch, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, Luật Đất đai còn quy định đối với một số dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 67 thì được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Quy định này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, linh hoạt thống nhất làm căn cứ để thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý Nhà nước về đất đai. Người sử dụng đất sẽ chủ động trong việc sử dụng đất, người có đất bị thu hồi sẽ biết trước kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước để chủ động trong việc sử dụng đất, thực hiện quyền của mình, ổn định đời sống, sản xuất.

Thứ bảy, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều điểm mới trong Luật Đất đai 2024 kỳ vọng gỡ vướng tình trạng quy hoạch treo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Báo Xây dựng

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...