Thứ năm, 28/03/2024 19:06 (GMT+7)

Nhiều điểm nghẽn trong phát triển cụm công nghiệp tại Đồng Nai

MTĐT -  Thứ tư, 22/03/2023 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cho đến hiện tại, Đồng Nai có 15 cụm công nghiệp (CCN) có dự án hoạt động trong số 27 CCN được quy hoạch, nhưng mới chỉ có 4 cụm hoàn thiện hạ tầng. Thực tế này cho thấy việc đầu tư, phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh còn khá gian nan.

Vướng mắc về thủ tục, chính sách, bồi thường, vốn đầu tư lớn đang cản bước các DN khi muốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN.

Chậm do khâu hồ sơ thủ tục

Tính đến tháng 12-2022, toàn tỉnh có 27 CCN được quy hoạch với tổng diện tích gần 1,5 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê khoảng 943,5ha. Hiện 15 CCN (855,7ha) đã có 190 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư, trong đó 146 dự án đã đi vào hoạt động; 40 dự án đang triển khai thủ tục pháp lý về đầu tư và xây dựng; 44 dự án tạm ngưng hoạt động.

Tiến độ thực hiện phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh rất chậm, chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Nguyên nhân là do thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài, DN muốn đầu tư hạ tầng CCN phải đảm bảo nhiều bước như: quy trình thủ tục đầu tư, thành lập, cấp phép quy hoạch, quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai, cấp phép xây dựng, khởi công, thẩm định xây dựng...

Trung bình tổng thời gian để hoàn tất hồ sơ khoảng 2-3 năm, nhiều cụm lâu hơn vì gặp khó khăn về vấn đề đất đai, mặt bằng do không thỏa thuận được giá bồi thường. Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ đầu tư thực hiện khởi công xây dựng mất thêm từ 1-2 năm mới tiếp nhận dự án sản xuất, kinh doanh vào đầu tư. Theo tính toán của các DN, đầu tư hạ tầng cho CCN không thua kém so với đầu tư khu công nghiệp nhưng diện tích cho thuê lại nhỏ, đa số dưới 70ha nên hiệu quả đầu tư thấp.

Cũng có những CCN có đất công nằm xen kẽ trong cụm hiện chưa có phương án xử lý cụ thể, dẫn đến kéo dài trong công tác cấp chủ trương đầu tư như: CCN Trị An, CCN Vĩnh Tân. Một số trường hợp khác thì quy hoạch CCN trên cơ sở đã có DN hiện hữu và không mời gọi được nhà đầu tư hạ tầng, việc huy động vốn góp của các DN này để đầu tư chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật rất khó khăn.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, qua tổng hợp, khảo sát nhu cầu của các địa phương trong tỉnh, một số CCN quy hoạch lâu năm nhưng chưa triển khai thực hiện đang được rà soát, kiến nghị loại bỏ. Đồng thời, một số CCN được đề nghị mở rộng, bổ sung nhằm đảm bảo tính khả thi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như có khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật sẵn có tại địa phương như đường cao tốc, sân bay, cảng...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật lẫn an sinh xã hội

Rà soát, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CCN trên địa bàn là rất cần thiết để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong 10 năm qua, việc phát triển CCN còn hạn chế, nên điều chỉnh và bổ sung nhằm đảm bảo phân bổ và tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu của các DN, nhà đầu tư, phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh vấn đề thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất, vấn đề không kém phần quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội, việc quy hoạch những khu vực để phục vụ nhu cầu cho người lao động, nhất là nhà ở phải đặc biệt quan tâm.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cho rằng, khi các CCN đi vào hoạt động sẽ có thêm nhiều lao động làm việc tập trung, kéo theo nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ khác. Nếu không quản lý tốt, có thể dẫn đến việc tái diễn xây dựng trái phép trên đất không phù hợp với quy hoạch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, thế khó hiện nay cho các nhà đầu tư hạ tầng là giá đất nhiều khu vực đã tăng quá cao khiến cho tiến độ bồi thường thực hiện chậm, một số khu vực quy hoạch nhưng không thu hút được nhà đầu tư. Tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Công thương và các địa phương rà soát lại từng CCN làm rõ lý do loại bỏ hoặc bổ sung vào quy hoạch của từng CCN và điều kiện triển khai. Trên cơ sở đó, trình Ban TVTU xem xét, cho ý kiến trước khi tích hợp, bổ sung vào quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện.

Theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ để thúc đẩy việc hình thành, phát triển CCN. Theo đó, các CCN chưa có chủ đầu tư sẽ được hỗ trợ 100% vốn bồi thường từ Quỹ Phát triển đất tỉnh để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung CCN với 3 hình thức, nhưng tối đa không quá 50 tỷ đồng/cụm./.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều điểm nghẽn trong phát triển cụm công nghiệp tại Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Đồng Nai

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.