Thứ ba, 30/04/2024 14:52 (GMT+7)

Những “người hùng” thầm lặng góp sức giúp Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường (bài 3)

Quang Huy - Thúy Nguyễn -  Thứ sáu, 15/09/2023 21:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tranh thủ cuối tuần, nhiều nhóm người yêu môi trường ở Đà Nẵng, trong đó có các cháu nhỏ và người khuyết tật lại rong ruổi khắp các đường phố, bãi biển để nhặt rác. Họ chính là những “người hùng” thầm lặng góp sức giúp thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Năm 2023, Đà Nẵng đón nhận tin vui khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước với tổng điểm đánh giá theo bộ chỉ số PEPI là 79,82 điểm.

Trước đó, cuối năm 2021, Đà Nẵng cũng dẫn đầu cả nước với tổng điểm đánh giá theo PEPI là 79,82 điểm; là một trong 5 tỉnh, thành phố được xếp hạng ở mức tốt - mức cao nhất.

tm-img-alt
Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành phố môi trường.

Đây là “quả ngọt” và là sự công nhận xứng đáng mà Đà Nẵng “gặt hái” được nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hành trình 15 năm nỗ lực xây dựng “Thành phố môi trường”.

Để đạt được kết quả này, bên cạnh vai trò quản lý của chính quyền thì sự đồng thuận và chung tay, góp sức của người dân từ những những việc làm, hành động nhỏ cũng là một trong những nền tảng quan trọng giúp Đà Nẵng sớm đạt được mục tiêu trở thành thành phố môi trường.

Từ “biệt đội nhí”xin rác gây quỹ từ thiện…

Suốt 5 năm qua, cứ chiều chủ nhật hằng tuần, hàng chục em nhỏ chỉ từ 6 - 15 tuổi lại háo hức cùng nhau đẩy chiếc xe tự chế len lỏi khắp các ngỏ hẻm của khu dân cư Bình Phước 1 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) để thu gom rác tài nguyên.

Ông Phạm Công Lương (SN 1956), người tạo nên "Biệt đội môi trường nhí" là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và hiện đang là Bí thư chi bộ khu dân cư Bình Phước.

tm-img-alt
"Biệt đội nhí" gom rác tài nguyên để gây quỹ từ thiện.

Ông Lương cho biết, khu dân cư mình sống có hơn 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu, do đó lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày rất lớn. Sau thời gian dài ấp ủ ý tưởng, đến năm 2019, “Biệt đội nhí bảo vệ môi trường" chính thức ra đời. Mục đích của CLB là tạo cho các cháu có ý thức, hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, tập cho các cháu thói quen sinh hoạt cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn và tận dụng nguồn tài nguyên này để gây quỹ hoạt động từ thiện.

Hiện, “Biệt đội môi trường nhí” đã có "biên chế" gần 50 em nhỏ và 3 xe đẩy cùng rất nhiều cộng tác viên. Từ khi được "kết nạp" vào CLB này, ý thức giữ gìn môi trường của mỗi thành viên nhí và cả người dân tại khu dân cư này đều được nâng cao rõ rệt. Giờ đây, thành thói quen, nhiều hộ gia đình đã tự phân loại vỏ lon, vỏ chai, giấy vụn,… để gọn gàng trước cổng nhà mỗi chiều cuối tuần, đợi chiếc xe thu gom của "biệt đội nhí" đến thu gom.

tm-img-alt
Từ ngày có Đội môi trường nhí, ý thức người dân nâng lên rõ rệt, họ phân loại rác tài nguyên để ủng hộ các cháu.

Đặc biệt, trong các dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, nhiều du khách cũng rất ấn tượng và thích thú với hình ảnh đội môi trường nhí hằng đêm đều có mặt trên nhiều tuyến đường, để vừa giúp các cô chú công nhân môi trường dọn vệ sinh làm sạch đô thị, vừa thu gom rác tài nguyên.

“Lúc trước, việc phân loại rác thải còn lẻ tẻ, nhưng từ khi có CLB Môi trường nhí thì gần 100% hộ gia đình trong khu phố đều thực hiện và ủng hộ các cháu nên số tiền thu được ngày càng tăng. Mừng nhất là thông qua việc này, không chỉ để các cháu biết rác cũng là nguồn tài nguyên có giá trị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của bản thân và lan tỏa đến mọi người xung quanh, mà còn giúp các cháu hạn chế sử dụng nhiều điện thoại, máy tính… để có nếp sinh hoạt lành mạnh. Mình phải giáo dục lớp trẻ văn minh thì Đà Nẵng mới thật sự trở thành nơi đáng sống", ông Lương bộc bạch.

tm-img-alt
"Biệt đội nhí" bảo vệ môi trường gồm các thành viên chỉ từ 6-15 tuổi, các thành viên đều được trang bị găng tay, khẩu trang kỹ càng trong lúc gom rác.

Được biết, từ khi thành lập đến nay, “Biệt đội môi trường nhí” đã thu gom hàng tấn rác tài nguyên đem bán, thu về được tổng hơn 200 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, đội thu về khoảng 30 - 50 triệu đồng từ tiền bán phế liệu, tương đương 16-20 tấn rác không phải vận chuyển chôn lấp.

Cứ mỗi buổi gom rác và mang bán, ông Lương lại công khai tài chính rạch ròi để các cháu phấn khởi vì thành quả của mình. Ông còn thành lập 2 đội bóng mini, thuê sân đá bóng để các cháu rèn luyện sức khỏe trong dịp hè và các ngày cuối tuần.

tm-img-alt
Số tiền bán rác tài nguyên được "biệt đội nhí" mua gạo hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho các học sinh nghèo,...

Vậy là, nhiều năm nay, các cháu tại khu phố này không chỉ hoàn toàn “tự chủ” về kinh phí cho các hoạt động vui chơi của mình, mà còn dư ra một nguồn quỹ lớn để giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, tặng quà cho người nghèo, khuyết tật, ốm đau,… Không chỉ vậy, trong năm 2021 và 2022, các cháu còn tặng tiền bác sĩ trên tuyến đầu chống Covid-19 và hỗ trợ gạo cho những gia đình khó khăn trong đại dịch. CLB cũng thường xuyên trích tiền mua nhiều chậu hoa giấy, cây cảnh để trang trí các tuyến đường trong khu phố thêm xanh – sạch – đẹp.

đến những người khuyết tật tử tế với môi trường…

Suốt 4 năm nay, người dân ở Đà Nẵng đã quen thuộc với hình ảnh một nhóm bạn trẻ khuyết tật cứ đến cuối tuần lại tập tễnh nhặt rác khắp các khu vực công cộng. Họ là những thành viên của nhóm Hòa Nhập Xanh.

Anh Mai Huỳnh Quốc Thống (SN 1988), trưởng nhóm cho biết, nhóm được thành lập vào đầu tháng 5/2019, có khoảng 20 thành viên chính thức, người bị khuyết tật tay chân, bạn thì khuyết tật nghe nhìn,… nhưng tất cả đều có điểm chung là yêu môi trường và muốn được cống hiến.

tm-img-alt
Với việc làm ý nghĩa, nhóm Hòa Nhập Xanh cũng đã thu hút nhiều bạn trẻ khỏe mạnh khác tham gia vào các hoạt động nhặt rác của mình.
tm-img-alt
Những con người tàn nhưng không phế, nhiệt huyết với công tác bảo vệ môi trường ở Đà Nẵng.

Hằng ngày, mỗi người đều có công việc riêng, lại sống ở mỗi quận, huyện khác nhau nhưng cứ đến sáng chủ nhật, tất cả đều tập trung tại địa điểm đã hẹn trước. Sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác ở hàng trăm mét bờ biển, công viên. Từ bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái đến âu thuyền Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà,... đều đã in hằn dấu chân họ.

“Dù gặp một số khó khăn trong đi lại, nói chuyện nhưng hầu hết các bạn đều rất năng nổ, nhiệt tình trong việc nhặt rác. Cái tên Hòa Nhập Xanh là mong muốn của chính những người khuyết tật như tôi, nơi mà các thành viên có thể hòa nhập, không còn khoảng cách với người bình thường, quên đi mặc cảm, tự ti và cùng nhau hành động vì một môi trường sống xanh - sạch - đẹp”, anh Thống chia sẻ.

tm-img-alt
Anh Mai Huỳnh Quốc Thống - Trưởng nhóm Hòa Nhập Xanh khẳng định: "Chúng tôi muốn tạo nên môi trường sống xanh và chúng tôi đã, đang và sẽ hành động vì điều đó".

Từ khi thành lập đến nay, nhóm Hòa Nhập Xanh đã tổ chức và tham gia hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng ở Đà Nẵng. Theo các tình nguyện viên, khó khăn lớn nhất là tại những “điểm đen” về rác thải cũng chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ kim tiêm. Vì vậy, mọi người luôn nhắc nhở nhau phải trang bị bảo hộ an toàn, bảo vệ bản thân trong mỗi lần dọn rác.

Với những đóng góp tích cực cho môi trường, nhóm Hòa Nhập Xanh đã được UBND TP Đà Nẵng tuyên dương là một trong những gương mặt tiêu biểu năm 2019.

Là một người khuyết tật tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên, chị Đặng Thị Mỹ Trinh (SN 1982) chia sẻ, bản thân bị khuyết tật vận động bẩm sinh nhưng suốt 4 năm nay, chị vẫn đều đặn tự đạp xe đến điểm nhặt rác mỗi cuối tuần. Rác sau khi nhặt được nhóm phân loại ngay tại chỗ và đưa về đúng nơi tập kết để mang đi xử lý. Riêng những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa sẽ được thu gom bán gây quỹ, mua găng tay bảo hộ, mũ, dụng cụ gắp rác,…

tm-img-alt
Những người khuyết tật trong nhóm Hòa Nhập Xanh không chỉ tử tế với môi trường sống mà họ còn giúp lan tỏa, truyền thông tích cực về ý thức bảo vệ môi trường cho người lành lặn.

“Do sức khỏe yếu nên nhiều lần nhặt rác về thì cơ thể khá mệt mỏi, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc vì chúng tôi cần những hoạt động tích cực để mạnh mẽ hơn trong cộng đồng của mình. Đồng thời, thông qua hoạt động nhặt rác, nhóm muốn truyền đi thông điệp rằng người khuyết tật vẫn góp sức bảo vệ môi trường, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng sạch đẹp trong mắt du khách”, chị Trinh trải lòng.

… và nhóm “phượt” nhặt rác dưới đáy biển, giải cứu san hô

Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) với hệ sinh thái biển phong phú và khá nguyên sơ đã và đang là địa điểm thu hút ngày càng nhiều du khách tìm đến khám phá. Đặc biệt, nơi đây có rất nhiều rạn san hô tuyệt đẹp và là ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật biển cần được bảo vệ và gìn giữ. Tuy nhiên, hiện biển Đà Nẵng nói chung và bán đảo Sơn Trà nói riêng không tránh khỏi việc bị tác động sinh trưởng bởi nhiều loại rác thải khác nhau do người dân và du khách vứt bỏ bừa bãi.

Trước thực trạng trên, hơn 10 năm qua, anh Đào Đặng Công Trung (SN 1980, ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã tình nguyện dành 2 tiếng mỗi ngày để “vệ sinh” đáy biển.

"Giống trên cạn, rác dưới biển cũng đủ loại như túi nylon, chai lọ và ngư lưới cụ hư hỏng bị rơi. Nếu không được xử lý, những rác thải này sẽ tàn phá môi trường sống của các loại sinh vật biển. Đặc biệt, lưới ma là kẻ thù của san hô nên cần phải loại bỏ, bởi chỉ cần gặp cơn sóng đánh vào bờ là sẽ giật gãy san hô", anh Trung chia sẻ.

tm-img-alt
Anh Đào Đặng Công Trung là người tiên phong nhặt rác dưới đáy biển Đà Nẵng.

Tuy nhiên, suốt 1 thập kỷ âm thầm "giải cứu" đại dương, nhận thấy rác chìm dưới biển rất nhiều trong khi sức người có hạn, nếu làm một mình sẽ không xuể, vì mỗi buổi lặn anh cũng chỉ vớt được khoảng 10 kg rác. Sau nhiều lần trăn trở, nghĩ đến việc cần phải lan tỏa hành động này, tháng 6/2023, anh Trung cùng với vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Trà My (SN 1996, trú quận Sơn Trà) đã thành lập nhóm DaNang Free Diving để tìm thêm tình nguyện viên.

Hành động ý nghĩa này nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của rất nhiều bạn trẻ có khả năng bơi lội. Đến nay, nhóm có hơn 2.000 thành viên, trong đó có hơn 100 người tham gia thường xuyên. Đây là những người yêu biển, yêu thiên nhiên và đều có kinh nghiệm hoạt động dưới nước. Thành viên của nhóm ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất là em Trần Băng Băng, 11 tuổi.

Vào dịp cuối tuần, mọi người lại nhắn tin trong nhóm chat, thúc giục nhau ra Bãi Nam dưới chân bán đảo Sơn Trà để cùng nhau đi "phượt" dưới đáy biển, vừa lặn nhặt rác, vừa "cởi trói" cho san hô.

tm-img-alt
--
tm-img-alt
Rác thải nhựa và các loại chai lọ sẽ hủy hoại môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh vật biển nếu không được xử lý.

Anh Trung chia sẻ, việc nhặt rác dưới nước đòi hỏi nhiều kỹ năng chứ không chỉ bơi lặn giỏi, đặc biệt phải biết thích nghi với việc thay đổi áp suất. Bản thân có kinh nghiệm đi lặn và được Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) cấp chứng chỉ, nên mỗi lần tổ chức đi gom rác dưới biển anh Trung đều chủ động hướng dẫn các tình nguyện viên tham gia một số kỹ năng nhất định.

Tùy vào khả năng của từng người, anh Trung sẽ tìm cách cho họ tham gia cùng mình. Với những tình nguyện viên chưa có kinh nghiệm, anh phân công túc trực trên bờ vớt rác trôi nổi hoặc giữ túi đựng rác. Còn ai đã có kỹ năng lặn biển, anh hướng dẫn để họ cùng mình xuống độ sâu 5 - 15 mét lấy rác lên.

tm-img-alt
Các thành viên nhóm Danang Freediving hầu hết là dân bơi lặn chuyên nghiệp, yêu môi trường và biển.

Anh cũng thường xuyên nhắc nhở các tình nguyện viên phải khéo léo để không gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của biển và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của san hô, bởi mỗi năm san hô chỉ sinh trưởng được khoảng 1cm. Đặc biệt, với những đoạn lưới có bào tử san hô đang sinh trưởng thì không nên cắt mà phải giữ lại để san hô phát triển.

"Sau gần 2 tiếng ngụp lặn, chúng tôi thu gom được hơn 200 kg rác mắc kẹt vào san hô. Nhìn san hô sạch rác, cá bơi đẹp khiến tôi vô cùng hạnh phúc", anh Trung thổ lộ và cho biết thời gian tới, bản thân mình và nhóm nhóm DaNang Free Diving  sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng có thêm hoạt động ý nghĩa khác để góp phần bảo vệ môi trường tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng.

Bạn đang đọc bài viết Những “người hùng” thầm lặng góp sức giúp Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường (bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.