Thứ sáu, 26/04/2024 09:23 (GMT+7)

Thực trạng, giải pháp quản lý, sử dụng đất nghĩa trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

MTĐT -  Thứ hai, 05/12/2022 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Đà Nẵng trong những năm qua quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và ngày càng mạnh mẽ, quỹ đất dành cho nghĩa trang cũng bị ảnh hưởng.

tm-img-alt
Trận mưa lịch sử vào ngày 14-10-2022 đã tạo lũ quét, sạt lở nghiêm trọng tại Nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

1. Văn bản nhà nước về quản lý, sử dụng đất nghĩa trang

Quản lý đất nghĩa trang là một dạng quản lý đặc biệt mang tính văn hóa tâm linh do cơ quan Nhà nước, tổ chức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường, thỏa mãn nhu cầu về việc an táng, giữ được phong tục tập quán tốt, văn minh, hiện đại.

Thành phố Đà Nẵng trong những năm qua quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và ngày càng mạnh mẽ, quỹ đất dành cho nghĩa trang cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết về mặt áp dụng pháp luật liên quan, công tác quản lý bị buông lỏng sẽ dẫn đến việc sử dụng đất nghĩa trang bừa bãi, thiếu đất nghĩa trang trong dài hạn, tạo nên rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội và gây ra những bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.

Trên cơ sở quy định tại Điều 162 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng đã quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang. Việc đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, pháp luật về đất đai, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

Căn cứ các quy định nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 04/6/2021 về Quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố.

Đây là văn bản quan trọng, cơ sở để thành phố quản lý, sử dụng đất nghĩa trang theo đúng quy định pháp luật và đã làm thay đổi hoàn toàn, cơ bản quan điểm của Lãnh đạo thành phố cũng như nhận thức trong nhân dân về sử dụng đất nghĩa trang. 

2. Thực trạng quản lý, sử dụng đất nghĩa trang trên địa bàn thành phố

Trước đây, từ năm 2020 về trước công tác sử dụng, bố trí đất nghĩa trang thực hiện theo chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 7964/UBND-QLĐBGT ngày 12/12/2011, cụ thể: “Bố trí đất tăng thêm với diện tích đất được bố trí cải táng mồ mả di dời để dự phòng cho người thân, cụ thể: Họ, tộc có số mộ di dời dưới 100 mộ được bố trí tăng thêm 20%; Họ, tộc có số mộ di dời từ 100 mộ đến dưới 200 mộ được bố trí tăng thêm 15%; Họ, tộc có số mộ di dời từ 200 mộ trở lên được bố trí tăng thêm 10%”.

Sau khi nhận đất các hộ, gia tộc tự xây dựng tường rào, cổng ngõ, tự mở lối đi, tự sắp xếp bố trí lô hàng mộ và xây dựng bia mộ theo các mẫu khác nhau, màu sắc, quy mô khác nhau tùy theo khả năng kinh tế.

tm-img-alt
Đà Nẵng hiện có 3 nghĩa trang nhân dân nằm ở các xã Hòa Khương, Hòa Ninh và Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) nhưng phần lớn đã khai thác hết quỹ đất. Ảnh Nghĩa trang Hòa Sơn. ITN

Nhiều trường hợp xây dựng khuôn viên nhưng cải táng mộ không đảm bảo theo số lượng được bố trí, hoặc thu hẹp diện tích bố trí cho lô mộ để dành trống khuôn viên cho mục đích khác, chuyển nhượng đất trái quy định. Nhìn chung, việc sử dụng đất nghĩa trang nêu trên khá lộn xộn, không theo quy hoạch, mất mỹ quan, ảnh hưởng lớn đến môi trường, an ninh trật tự.

Hiện nay, từ khi Ban Nghĩa trang chuyển về trực thuộc Sở Xây dựng, công tác quản lý, sử dụng đất nghĩa trang tuân thủ theo quy hoạch được duyệt và Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Sau khi thành phố ban hành Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 04/6/2021 về Quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố, việc bố trí đất và chôn cất thực tế tuân thủ theo đúng sơ đồ bố trí lô mộ theo quy hoạch chi tiết, Quy chế quản lý nghĩa trang được phê duyệt.

Việc thay đổi cách thức quản lý, sử dụng đất nghĩa trang ban đầu gây phản ứng trong nhân dân và một số địa phương. Tuy nhiên, đến nay người dân đã tuân thủ theo quy định, việc cải táng dần đi vào nề nếp, đảm bảo theo đúng quy hoạch, tạo cảnh quan và môi trường chung.

3. Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian đến

Thứ nhất, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện thành phố đang triển khai quy hoạch chuyên ngành nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các chương trình 5 năm, kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện.

Nội dung chính của đồ án quy hoạch nghĩa trang đã đề cập trong Nhiệm vụ được phê duyệt chủ yếu như:

- Đánh giá thực trạng các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ trên toàn thành phố, hạ tầng kỹ thuật, các công trình chức năng, các tác động ảnh hưởng đến môi trường. 

- Dự báo nhu cầu táng, các hình thức táng, yêu cầu quỹ đất sử dụng theo từng giai đoạn quy hoạch.

- Xác định vị trí, quy mô nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ (xây dựng mới, cải tạo, di dời hoặc đóng cửa); cơ cấu sử dụng đất, các nguyên tắc cơ bản về phân bố, giải pháp, ranh giới quy hoạch đối với từng khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cảnh quan, môi trường và các quy định hiện hành.

-  Xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với từng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

- Xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên, sơ bộ tổng mức đầu tư, đề xuất hình thức đầu tư, dự kiến nguồn vốn và kế hoạch thực hiện.

Thứ hai, hoàn thành xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng trên địa bàn thành phố. Xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ để quản lý, sử dụng, khai thác đất và các dịch vụ nghĩa trang khoa học, chính xác, phục vụ nhu cầu nhân dân. 

Thứ ba, đề xuất thành phố đầu tư trồng cây xanh, điện chiếu sáng, duy tu bảo dưỡng đường giao thông, mương thoát nước hằng năm tại các nghĩa trang Hòa Sơn, An Châu, Hòa Ninh.

Thứ tư, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy định.

Thứ năm, hướng dẫn quận huyện quản lý, sử dụng nghĩa trang theo phân cấp. 

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố./.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng, giải pháp quản lý, sử dụng đất nghĩa trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.