Thứ bảy, 27/04/2024 06:01 (GMT+7)

Địa Kinh tế - đô thị biển phát triển bền vững, động lực cho nền kinh tế quốc gia

MTĐT -  Thứ hai, 28/11/2022 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nghiên cứu cho thấy ĐỊA KINH TẾ vô cùng quan trọng cho phát triển đô thị, đặc biệt là ĐÔ THỊ BIỂN. Các Quốc gia có biển, là một lợi thế địa kinh tế rất mạnh, cần được khai thác hợp lý, phát triển đô thị biển tạo động lực cho nền kinh tế Quốc gia.

Tóm tắt:

Sự hình thành và phát triển đô thị là một bước tiến hoá của loài người, đô thị phát triển đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng, các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều có tỷ lệ đô thị hoá rất cao. Hầu hết các đô thị lớn trên Thế giới đều được phát triển ở vị trí đắc địa.

Các nghiên cứu cho thấy ĐỊA KINH TẾ vô cùng quan trọng cho phát triển đô thị, đặc biệt là ĐÔ THỊ BIỂN. Các Quốc gia có biển, là một lợi thế địa kinh tế rất mạnh, cần được khai thác hợp lý, phát triển đô thị biển tạo động lực cho nền kinh tế Quốc gia. Việt Nam cũng là một Quốc gia có biển, cần thiết phải phát huy tiềm năng để phát triển Đô thị biển bền vững, trụ cột động lực cho nền kinh tế.

ĐÔ THỊ HOÁ VÀ TĂNG TRƯỞNG

Quá trình phát triển của mỗi quốc gia, đô thị luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và nâng cao trình độ nhận thức của mỗi các nhân trong từng xã hội. Đô thị hoá được xem xét ở hai khía cạnh: Đô thị hoá theo chiều rộng. Và đô thị hoá theo chiều sâu.

Đô hị hoá theo chiều rộng gắn với vấn đề mở rộng không gian đô thị và hình thành lên hệ thống đô thị theo vùng của quốc gia. Đô thị hoá theo chiều sâu gắn với quy hoạch không gian đô thị nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, trình độ và hiệu quả kinh tế, chất lượng môi trường sống của cư dân trong từng đô thị. [6]. Có nhiều lý thuyết về đô thị hoá, tuy nhiên, lý thuyết đô thị hoá gắn liền với lý thuyết về hiện đại hoá đã chiếm ưu thế.

Thế giới đã có một thời kỳ chuyển hoá từ thế kỷ 19 đến nay, công nghiệp phát triển ngày càng hiện đại, đồng thời với các hoạt động dịch vụ, thúc đẩy đô thị hoá gia tăng nhanh chóng, nhiều quốc gia ở châu Âu chỉ trong mấy thập kỷ đã có số dân sống trong đô thị tăng gấp nhiều lần. Lý thuyết về toàn cầu hoá đô thị cũng chỉ ra sự phát triển đô thị đồng thời với tăng trưởng kinh tế ở các siêu đô thị là các cực tăng trưởng, sự tác động của các quốc gia có nền kinh tế lớn trên toàn cầu cũng thể hiện sự chi phối đến đô thị hoá toàn cầu.

VAI TRÒ ĐÔ THỊ TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC GIA

Đô thị không chỉ còn là nơi cung cấp không gian sống có chất lượng tốt cho người dân mà còn là nơi cung cấp những cơ hội để phát triển toàn diện con người cũng như là động lực để phát triển kinh tế của quốc gia.

Trên thực tế, không có quốc gia nào đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững mà không có sự phát triển và đóng góp của các thành phố hay đô thị. Với lợi thế về nhiều mặt như cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và xã hội vượt trội, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, sự tập trung các trung tâm chức năng và tổ chức không gian chức năng hiệu quả, các thành phố/ đô thị đang tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn.

Hiện nay, các đô thị đang tạo ra đến 80% GDP toàn cầu, trong đó 100 thành phố lớn nhất hàng đầu có thể chiếm 35% GDP toàn cầu; 1.000 thành phố hàng đầu có thể chiếm 68% GDP toàn cầu và 2.000 thành phố hàng đầu có thể chiếm 75 phần trăm GDP toàn cầu [5]

Lợi thế của nền kinh tế đô thị được thể hiện rõ nhất ở các vùng đô thị lớn nơi tập trung cao độ những trung tâm kinh tế, chính trị, tài chính, đối mới sáng tạo, văn hóa, giáo dục, đào tạo, giải trí - nơi thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp với các chuỗi giá trị có thể lên đến quy mô liên vùng, liên quốc gia, nơi tạo ra cũng như cung cấp mối quan hệ thường xuyên và nhu cầu liên tục đối với hàng hóa, tiêu dùng.

Các quốc gia có mức độ đô thị hóa cao thường có xu hướng đóng góp vào tăng trưởng GDP đô thị mạnh nhất. Hình dưới đây mô tả một dự báo mức tăng trưởng GDP đô thị vào năm 2025 cho thấy các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP thành thị mạnh nhất có xu hướng là quốc gia có dân số và mức độ đô thị hóa cao. Theo đó các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil và Mexico với lợi thế về đô thị hóa sẽ có mức tăng trưởng GDP đô thị cao nhất vào năm 2025. Có thể nói, đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ khăng khít, hệ quả và các đô thị đang là động lực phát để triển kinh tế. [4].

tm-img-alt
Năng suất lao động và tỉ lệ đô thị hóa giai đoạn 2010-2020. nguồn: [4]
tm-img-alt
Xu hướng đóng góp GDP của đô thị trên thế giới đến 2025. Nguồn: [5]

Tại Việt Nam, đô thị cũng đang tích cực đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng GDP quốc gia và ngày càng thể hiện tầm quan trọng của nó trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tăng trưởng kinh tế bình quân ở khu vực đô thị từ 12% đến 15% trung bình năm, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân chung cả nước. Các đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế cả nước. Giai đoạn 2016-2020, hai đô thị loại đặc biệt là thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh và 3 đô thị trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, và Cần Thơ đã có mức đóng góp gần 50% GDP cả nước.

Đánh giá mối quan hệ phát triển đô thị và phát triển kinh tế, Ngân hàng thế giới đã có nghiên cứu trên bản đồ ghi nhận ánh sáng của hệ thống đô thị Việt Nam vào ban đêm. Với góc nhìn kinh tế, mật độ ánh sáng ban đêm tại các đô thị có thể cho biết thực trạng các hoạt động kinh tế đang diễn ra. Theo nghiên cứu này, dữ liệu ánh sáng ban đêm của các khu vực đô thị của Việt Nam đã mở rộng nhiều hơn bốn lần trong bảy năm từ 2010 đến 2017 so với mức mở rộng trong 14 năm trước, từ 1996-2010.

Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy ưu thế vượt trội của thủ đô Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế thể hiện qua mật độ và phạm vi lan rộng của sáng ban đêm. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, mặc dù có sự mở rộng phát triển về đô thị, nhưng mật độ dân số đô thị Việt Nam vẫn ở mức thấp do vậy các hoạt động kinh tế cũng chưa thực sự tối ưu, chưa phát huy được lợi thế từ quá trình đô thị hóa.

tm-img-alt

Ưu thế vượt trội của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế đô thị thể hiện qua bản đồ ánh sáng đêm. [4]

Phát triển đô thị trong bối cảnh chung thế giới

Có thể nói, đô thị ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để phát triển đô thị hiệu quả, cần phải đánh giá toàn diện bối cảnh quốc tế và trong nước để có những định hướng chiến lược phù hợp và mang tính hội nhập cao.

Về bối cảnh quốc tế, xu thế đô thị vẫn là xu thế tất yếu và quá trình đô thị hóa có vai trò lớn trong việc định hình thế giới cũng như giải quyết các vấn đề có tác động liên quốc gia, liên lục địa và toàn cầu. Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng vẫn là một vấn đề nóng áp lực trực tiếp tác động lên hệ thống đô thị, đòi hỏi đô thị cần đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến cân bằng trong phát triển và bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái tự nhiên.

Những vấn đề khác như dịch bệnh, chiến tranh cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đang làm thay đổi tư duy về vai trò, chức năng, cách vận hành của đô thị khi có cú sốc xảy ra. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học 4.0 đang tạo ra những thay đổi rất lớn trong đời sống kinh tế xã hội, làm thay đổi cách con người nhìn nhận, thấu hiểu, phân tích, khảm phá về thế giới và các hiện thực xung quanh cũng đang tác động lớn đến cách vận hành, quản lý và tổ chức chức năng cũng như cung cấp các dịch vụ trong đô thị và phát triển lấy con người làm trọng tâm. Trong xu thế này, đô thị thông minh là một giải pháp cần được chú trọng để có thể đưa ra những quyết định khoa học, kịp thời nhanh chóng, phù hợp với năng lực và tiềm lực của đô thị.

Đô thị biển- Địa kinh tế - động lực quốc gia

Nói về Địa lợi người ta có nói đến Địa Kinh tế, Địa Chính Trị, Địa Quốc phòng vv.. Tuy nhiên trong phần phân tích này tập trung về Địa kinh tế. Nói đến Biển, trước tiên phải nói đến cảng biển, bởi từ xa xưa con người đã trinh phục được đại dương và khai phá các vùng đất mới bằng các chiến thuyền, cảng biển là các vị trí địa kinh tế quan trọng nhất mà các quốc gia có biển đã không ngừng khai thác phát triển.

Điểm qua một số quốc gia có nền kinh tế tiến tiến nhất trên Thế giới như Hoa Kỳ, CHLB Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Trung Quốc Singapore, Hongkong, Nhật, Hàn Quốc...vv đều là những quốc gia có biển và các đô thị biển lớn và siêu lớn. Nhiều đô thị đã trở thành những thành phố toàn cầu, có sức chi phối đến kinh tế toàn cầu.

Có thể sơ sở hình thành từ cảng biển, qua quá trình lịch sử tích tụ các hoạt động dịch vụ cảng, thương mại, tài chính, du lịch cũng đồng thời phát triển, tạo thành một hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ. Nhiều thành phố cảng biển nổi tiếng đã thành thương hiệu, với những công trình kiến trúc không gian cảng có quy mô to lớn, và có những đặc trưng riêng, tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình ở mỗi khu vực đó.

tm-img-alt
Ảnh: Getty Images. [8]

Rotterdam là thành phố cảng gần sông Maas, là thành phố lớn nhất thuộc tỉnh Nam Hà Lan (Zuid- Holland). Được tuyên bố thành lập năm 1328, Rotterdam ngày nay là một trong những hải cảng lớn của thế giới. Cảng Rotterdam lớn nhất châu Âu và lớn nhất thế giới từ năm 1962 nhưng năm 2004 đã bị cảng tại Thượng Hải đoạt lấy danh hiệu này

tm-img-alt
Ảnh: Reuters. [8]

Yokohama của Nhật Bản cũng là một đô thị cảng. Nơi đây là cảng biển quy mô nhất Nhật Bản, vận hành trung tâm thương mại tầm vóc trong Vùng thủ đô Tokyo. Thành phố nằm bên Vịnh Tokyo, phía Nam Tokyo, trong khu vực Kanto của đảo chính Honshu.

Đô thị biển có thể có một hoặc nhiều chức năng kinh tế tổng hợp như cảng biển, công nghiệp, dịch vụ, tài chính thương mại, và du lịch, tuy theo vị trí và quy mô để phát triển. Mặc dù hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về đô thị biển, ví dụ như một số cho rằng đô thị biển là đô thị phải có tiếp giáp với biển, cũng có người cho rằng nói về đô thị biển cần có một không gian đủ lớn có tính chất vùng ven biển, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp với biển, cũng có sự phân theo cách đô thị biển bao gồm đô thị ven biển và đảo vv.. .

Như đã nói ở trên, các đô thị được hình thành và phát triển vùng ven biển và hải đảo, nhờ vị trí địa lợi, có thể hoạt động một cách có hiệu quả và hiệu suất cao các chức năng kinh tế đô thị biển nêu trên là thuộc nhóm Đô thị biển, là các điểm động lực trong vùng và quốc gia. Một số thành phố biển nổi tiếng trên Thế Giới ở các quốc gia như Italy, Hà Lan, Trung Quốc đã phát triển thành công những mô hình đô thị biển. Các thành phố đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nhờ hoạt động du lịch và cảng biển.

Địa kinh tế là khoa học nghiên cứu các đặc điểm địa lý ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế của một vùng, một quốc gia, thậm chí một khu vực, đây là khái niệm rất cơ bản trong nền kinh tế thị trường.

Trong quy hoạch đô thị có những khu vực chưa thật sự áp dụng, hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa của nó, chỉ quan tâm đến lý thuyết hình thái đô thị, hay cách lựa chọn đất xây dựng đô thị, chỉ quan tâm lựa chọn khu vực có cao độ hợp lý, hạn chế đào đắp để suất đầu tư thấp.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư rất thực tế, họ áp dụng triệt để lý thuyết về địa kinh tế, nếu vị trí địa lý đó có thể địa hình trũng ngập, phải đào đắp nhiều, suất đầu tư cao, nhưng là vị trí sau khi đầu tư sẽ có lợi nhuận cao hơn rất nhiều bởi vị trí địa kinh tế của nó.

tm-img-alt
Ảnh: Getty Images. [8]

Thành phố Rio de Janeiro của Brazil nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, được xây dựng trên một eo biển thuộc vịnh Guanabara. Thành phố từng là thủ đô của Brazil cho đến năm 1960. Phong cảnh tự nhiên và các bãi biển giúp Rio de Janeiro trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch của đất nước.

tm-img-alt
Ảnh: Getty Images. [8]

Barcelona là thành phố lớn thứ hai Tây Ban Nha, tọa lạc tại Cormaca của Barcelonès, dọc theo bờ Địa Trung Hải.

Thành phố là một trung tâm vận tải với cảng Barcelona là một trong những cảng biển chính của châu Âu và cảng hành khách nhộn nhịp nhất châu Âu

Đất ven biển ở những vị trí địa kinh tế có giá trị rất cao, diện tích lại rất hạn chế, trong khi nhu cầu phát triển càng ngày càng cao, các hoạt động kinh tế tập trung mật độ lớn, do đó nhiều đô thị trên Thế giới có những biện pháp gia tăng quy mô đô thị bằng cách lấn biển, tạo thêm nền tảng đất đai đô thị biển ở những vị trí địa lợi. Ví dụ như ở Trung Quốc

tm-img-alt
Thành phố Thâm Quyến- Trung Quốc

“Tình trạng lấn biển từ lâu đã thành thông lệ ở Trung Quốc. Trong nửa cuối thế kỷ 20, Trung Quốc không ngừng khai hoang, lấn biển thêm hơn 12.000km2, trung bình khoảng 240km2 một năm. Kể từ thập niên 90, khi ngành công nghiệp bất động sản cất cánh, đất khai hoang được dùng để phát triển công nghiệp và đô thị… Lấn biển là một lợi thế để phát triển kinh tế mà không một thành phố ven biển nào có thể bỏ qua, bởi vì xét từ mọi khía cạnh, đây là giải pháp tiện lợi và kinh tế nhất sau hàng thập kỷ phát triển công nghiệp và mở mang đô thị nhanh chóng. Bởi vì, cách này không vấp phải rắc rối về công tác tái định cư, không phải ép buộc thu hồi đất, không phải bồi thường cho người dân sở tại và không phải trả một số tiền lớn phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất. … Trong đó, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông là một minh chứng. Nhiều vùng đất ven biển do con người khai hoang ở thành phố này đã phát triển thành đô thị lớn”. [3]

Thâm Quyến là thành phố nằm bên bờ đông của cửa sông Châu Giang tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trước khi trở thành đặc khu kinh tế, Thâm Quyến còn là một làng chài. Thâm Quyến là một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới vào thập niên 1990, 2000. Thành phố có hệ thống cảng lớn thứ 3 toàn cầu, là trung tâm tài chính thứ 9 thế giới và trung tâm công nghệ hàng đầu. Ảnh: Getty Images. [8]

Tình hình và tiềm năng phát triển đô thị Việt Nam

Tình hình phát triển đô thị Việt Nam

Bối cảnh trong nước, mặc dù quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị của Việt Nam không có được nền tảng và lịch sử lâu dài như các đô thị tại Châu Âu, lịch sử khách quan trải qua các cuộc chiến tranh làm phát triển đô thị Việt Nam bị chậm lại và chỉ thực sự phát huy mạnh mẽ trong vòng 35 năm gần đây từ sau khi có những chính sách Đổi mới (1986).

Tuy nhiên, đô thị Việt Nam cũng đang có những lợi thế phát triển nhất định. Lợi thế đi sau giúp đô thị Việt Nam có thể học hỏi những bài học kinh nghiệm của các quốc gia đã phát triển, hạn chế những sai lầm. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua đang giúp cho Việt Nam củng cố vị thế về đô thị cũng như là những khích lệ và động lực cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Cụ thể như: diện mạo đô thị thay đổi theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, văn hóa hơn; chất lượng sống tại các khu vực đô thị được cải thiện đáng kể; phúc lợi xã hội, đời sống kinh tế thu nhập của người dân đô thị được nâng cao; nền kinh tế đô thị được cải thiện cả về quy mô và chất lượng; đô thị có sự đóng góp lớn cho nền kinh tế của quốc gia; không gian đô thị mở rộng, hệ thống đô thị có sự phát triển toàn diện hơn và đồng bộ hơn, khoảng cách giữa các đô thị và giữa đô thị với nông thôn ngày càng thu hẹp. Đặc biệt cuộc sống ở đô thị ngày càng trở thành giấc mơ của nhiều người dân.

Tuy nhiên, những khó khăn mà đô thị Việt Nam cần phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới là không nhỏ. Thời gian qua, mặc dù đô thị hóa nhanh chóng nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ đô thị hóa cao.

Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của Việt Nam đến đầu năm 2022 mới chỉ khoảng 40,5% còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Đến tháng 6 năm 2021, hệ thống đô thị đã có 870 đô thị, gồm: 02 loại đặc biệt; 22 loại I; 32 loại II; 48 loại III; 90 loại IV; và 676 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa (tính theo phường và thị trấn) của cả nước đạt khoảng 40,5%) [1].

Chất lượng đô thị hóa còn hạn chế, nhiều đô thị chưa đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ cho đời sống cộng đồng; Mô hình tăng trưởng đô thị còn phụ thuộc vào nguồn lực đất đai; Quá trình đô thị hóa theo chiều rộng vẫn chiếm ưu thế, diện tích đất đô thị tăng nhanh hơn tốc độ dân số dẫn đến mật độ thấp làm giảm hiệu quả của đầu tư phát triển đô thị; năng suất và độ tự chủ của nền kinh tế của đô thị còn chưa cao; ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải, ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng, thiếu hạ tầng xã hội; … còn khá phổ biến ở nhiều đô thị. Đặc biệt đợt đại dịch Covid vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đô thị Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề về quy mô dân số hợp lý, mật độ dân cư trong khu đô thị, tổ chức không gian chức năng, hạ tầng và dịch vụ đô thị, môi trường đô thị để nâng cao khả năng thích ứng trước rủi ro liên quan đến dịch bệnh.

Tiềm năng phát triển của đô thị Việt Nam

Bên cạnh những điểm tích cực và hạn chế trên, tiềm năng phát triển của đô thị Việt Nam cũng được khẳng định. Hệ thống đô thị của Việt Nam phát triển tương đối hợp lý trên 6 vùng kinh tế xã hội, đã định hình 2 vùng đô thị lớn là Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng thành phố Hồ Chí Minh; hình thành rõ nét các mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng, xác định đô thị hạt nhân, đô thị động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của từng vùng trên cả nước.

Trong đại dịch Covid vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng và có tốc độ phục hồi sau đại dịch tốt, tiếp tục nằm trong nhóm có tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá đang là điểm đến hấp dẫn đang thu hút sự đầu tư của nước ngoài….

Ngày 24/01/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đây không chỉ là nghị quyết đánh dấu lần đầu tiên vấn đề phát triển đô thị được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Bộ Chính trị bằng một nghị quyết chuyên đề với sự chỉ đạo toàn diện về phát triển đô thị mà còn là sự kiện quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của đô thị Việt Nam trong bối cảnh mới, tạo cơ hội pháp lý để thúc đẩy quá trình đô thị hóa Việt nam trong thời gian tới.

Nghị quyết đã quan tâm chỉ đạo đến các vấn đề trọng tâm như: nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của đô thị, đổi mới công tác quy hoạch; phát triển đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh; phát triển hạ tầng đô thị đi trước một bước; nâng cao chất lượng đô thị, tập trung vào cải tạo tái thiết đô thị trong thời gian tới; chú trọng công tác quản lý phát triển đô thị và chuyên môn hóa trong quản lý phát triển đô thị; đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại địa phương, chú trọng phát huy nguồn lực phát triển đô thị…

Đô thị biển Việt Nam, cơ hội và thách thức

Cơ hội phát triển đô thị biển Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có biển, với hơn 3260 km chiều dài bờ biển, có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, vũng, vịnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hoà, nhất là khu vực phía Nam, nắng ấm nhẹ và mát mẻ quanh năm rất thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển đa dạng. Việt Nam là một trong những Quốc gia có địa kinh tế rất mạnh.

Hiện có 28/63 tỉnh thành Việt Nam có biển, dọc theo bờ biển đã và đang phát triển, trong đó có thành phố lớn nhất là Tp Hồ Chí Minh (đô thị đặc biệt), thành phố cảng lớn như TP Hải Phòng (TP loại I trực thuộc TW), thành phố Đà Nẵng (TP loại I trực thuộc TW), thành phố du lịch biển Hạ Long (đô thị loại I) có vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên Thế giới, thành phố du lịch biển Nha Trang (đô thị loại I) có vịnh đẹp được TG xếp hạng vv.. đặc biệt là Đô thị biển đảo Phú Quốc (đô thị loại II).

Ngoài ra Việt Nam đã và đang phát triển gần 20 khu kinh tế tập trung ven biển với quy mô lớn, như Vân Đồn- Quảng Ninh, Nghi Sơn – Thanh Hoá, Chân Mây- TT Huế, Chu Lai- Kỳ Hà - Quảng Nam, Dung Quất- Quảng Ngãi, Vịnh Vân Phong- Khánh Hoà vv.. đây là tiền đề tạo lập nên những đô thị biển lớn trong tương lai.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Sự quan tâm tập trung chỉ đạo của Đảng và Chính phủ

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã ban hành về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.[2]

Theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Thách thức

Vấn đề toàn cầu hoá: Toàn cầu hoá đã tác động trực tiếp đến hệ sinh thái xuất nhập khẩu hàng hoá trên Thế giới, Toàn bộ hệ thống đô thị cảng biển Việt Nam cũng sẽ chịu tác động của nền kinh tế toàn cầu, khả năng hàng thông cảng là vấn đề sống còn của các đô thị cảng biển. Sự cạnh tranh với các quốc gia trong vùng rất lớn, đặc biệt là các quốc gia đang có sự tăng trưởng kinh tế khá mạnh như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc Nhật Bản vv..

Toàn cầu hoá cũng thúc đẩy và tạo cơ hội cho nhiều quốc gia phát triển đô thị biển như những siêu đô thị, đô thị tài chính, đô thị toàn cầu… đòi hỏi các đô thị Việt Nam cũng phải vươn lên nhanh chóng để phù hợp với xu thế phát triển chung trong khu vực và toàn cầu. Trong điều kiện kinh tế xã hội của VN còn hạn chế, phát triển nóng sẽ dễ có nhiều nguy cơ hệ luỵ, thiếu bền vững.

Vấn đề biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu thực sự đang là thách thức không chỉ của Việt Nam mà là thách thức của toàn cầu, Tuy nhiên Việt Nam nói chung và đô thị biển Việt Nam nói riêng nằm trong khu vực chịu tác động mạnh nhất của các biểu hiện cực đoan do biến đổi khí hậu (ví dụ gần nhất như trận mưa bão ngày 14 tháng 10 năm 2022 vừa qua ở khu vực miền Trung, với trận mưa lớn lịch sử với lượng mưa khoảng 700mm, các đô thị Đà Nẵng, Hội An ngập sâu trong nước, nhiều bờ biển Cửa Đại- Hội An bị xói lở lớn…). Hướng ra biển, nhưng mưa bão, sóng thần.vv.. từ biển tác động cũng là thách thức rất lớn cho các đô thị biển.

Vấn đề dịch bệnh và an toàn sức khoẻ: Dịch bệnh thông thường cũng đã là những thách thức cho con người, tuy nhiên đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm cả Thế giới chao đảo, không chỉ tác động ảnh hưởng trực tiếp con người mà làm tê liệt hầu hết các hoạt động kinh tế… đặc biệt là hoạt động cảng, du lịch, dịch vụ…Các đô thị biển trong hai năm dịch Covid-19 đã gần như đóng của tất cả các dịch vụ, tổn hại kinh tế - xã hội rất lớn. Đô thị biển là điểm giao tiếp, của ngõ với Thế giới, do đó là khu vực nhậy cảm dễ bị dịch xâm nhập nhất, do đó đây cũng là một thách thức đáng kể cần quan tâm.

tm-img-alt
Thành phố Hạ Long, không gian lấn biển. Ảnh: Hùng Sơn
tm-img-alt
Thành phố Rạch Giá - Kiên Giang. Ảnh: Hùng Sơn

Vấn đề lạm dụng tài nguyên, khai thác cạn kiệt: Cơ chế thị trường, hoạt động đầu cơ bất động sản trong những năm vừa qua đã phát triển tràn lan, và nhiều khu vực đầu tư, phá hệ sinh thái tự nhiên một cách bất chấp (như ở Bán đảo Sơn Trà- Đà nẵng, Núi Cô Tiên, TP Nha Trang vv.., núi Bài Thơ- Hạ Long…).

Hầu hết các dải đất ven biển có bãi cát đẹp suốt từ Bắc và Nam, đều đã giao dự án, nhưng việc đầu tư đảm bảo cân bằng sinh thái thì còn rất hạn chế. Nhiều dự án chiếm toàn bộ đất bãi biển, khai thác cạn kiệt, làm nhiều hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng, các hoạt động khai thác du lịch hay cảng biển quá lớn cũng làm cho tài nguyên sinh thái biển bị chết, ví dụ như quanh đảo hòn Mun – Nha Trang vv.. Đất khu vực ven biển bị chia lô cho các chủ đầu tư, xây dựng bao kín không gian biển của thành phố. Đất dự trữ phát triển hầu như rất hạn chế, không đảm bảo cân bằng cho các thế hệ tương lai phát triển

Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh: Cạnh tranh để phát triển là cần thiết, tuy nhiên trong bối cảnh các tỉnh và các đô thị, các nhà đầu tư đều muốn phát triển nóng, các tỉnh tích cực quy hoạch và “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư, các đô thị cũng cố “thổi phồng” nhu cầu của đô thị đưa quy mô đô thị và đất đai lên cao hơn thực tế để có nhiều quỹ đất đầu tư, một số nhà đầu tư “thổi giá” … gây thị trường “bong bóng” .. thực tế có rất nhiều nhà đầu tư “ôm” rất nhiều dự án có quy mô lớn, nhưng không đủ khả năng triển khai, làm mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của đô thị.

Vấn đề nguồn vốn đầu tư hạn chế, đầu tư dàn trải: Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, nguồn thu từ sản xuất chưa cao, các địa phương có nguồn thu trước mắt vẫn chủ yều là tài nguyên, do đó vốn đầu tư hệ thống hạ tầng lớn chủ yếu vẫn là vốn vay ODA.

Song song với việc phát triển các đô thị hiện hữu, hệ thống hạ tầng liên kết vùng, việc dàn trải 19 khu kinh tế tập trung ven biển là một thách thức quá lớn, nguồn ngân sách không thể đủ cung cấp, việc huy động vốn tư nhân và vốn khác là vấn đề rất phức tạp, bởi đây hầu hết là các khu vực động lực (cực phát triển) tiền đề cho đô thị biển trong tương lai, 19 khu đều là các khu vực địa kinh tế, địa chính trị và địa quốc phòng quan trọng. Mặc dù thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, nhưng phát triển cùng lúc hàng loại khu kinh tế với quy mô lớn như vậy, khó hiệu quả, sẽ là thách thức lớn.

Vấn đề hạ tầng kỹ thuật và xã hội: Hệ thống khung hạ tầng quốc gia đang được tích cực đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là tính liên kết vùng chưa cao, các tuyến đường cao tốc chưa đảm bảo kỹ thuật cao, chưa có tàu cao tốc như các nước tiên tiến, các đô thị hầu như chưa có hệ thống tàu điện công cộng ngầm hoặc trên cao (TP HCM và Hà Nội đang bắt đầu triển khai).

Các đô thị biển đang phát triển nhanh chóng, quy mô các sân bay ngày một quá tải, mặc dù mới được xây dựng như sân bay Cam Ranh, Phú Quốc (đã có dấu hiệu quá tải)… Hầu như chưa có các tuyến đường riêng vận tải hậu cảng, cho lưu thông hàng hoá, do đó cũng còn hạn chế cho các hoạt động cảng biển, khó khăn hơn đối với các đô thị có chức năng tổng hợp.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội bị quá tải ở hầu hết các đô thị lớn, đặc biệt là đô thị ven biển vào các mùa du lịch. Hạ tầng chưa đồng bộ, vào các mùa mưa lũ, tác động của BĐKH các đô thị thường bị ngập lụt. Việc nâng cao và phát triển từ khung hạ tầng quốc gia đến hệ thống liên kết vùng và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn, và thời gian, đây cũng là thách thức rất lớn

Vấn đề năng lực quản lý, và nhận thức cộng đồng: Quản lý đô thị nói chung đã rất phức tạp, nhưng quản lý đô thị biển còn phức tạp hơn nhiều. Về pháp quy, các văn bản từ Luật đến các văn bản dưới Luật được thay đổi cập nhật liên tục để đảm bảo xu hướng phát triển của đất nước, nhiều Nghị quyết, Chiến lược vv… cần thực hiện trên cùng một địa phương đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, cán bộ quản lý đô thị phải nâng cao trình độ, nhất là hướng tới quản lý đô thị theo mô hình đô thị thông minh, bền vững trong nền kinh tế số 4.0, trình độ quản lý phải nâng cao hơn nữa, đồng bộ với các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng.

Quản lý đô thị có sự tham gia của cộng đồng là biện pháp cần thiết, nhưng không đơn giản. Nhiều khu vực đô thị biển mới được hình thành từ khu vực nông thôn, chuyển ngay thành các khu đô thị và du lịch cao cấp, do đó phương thức quản lý hoàn toàn khác nhau, cán bộ quản lý đô thị ở địa phương cần được đào tạo và cần có thời gian. Thực tế đang rất bất cập trong quản lý đô thị, đặc biệt là vấn đề đất đai (đất vàng) ven biển, đặc biệt là sự cạnh tranh của cơ chế thị trường BĐS thiếu sự quản lý bền vững.

Phát triển đô thị biển sinh thái, thông minh bền vững

Quan điểm và nguyên tắc:

Xu thế tất yếu trong tương lai, Việt Nam hướng tới mô hình đô thị biển sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Để phát triển theo mô hình trên một số nguyên tắc và quan điểm như sau:

- “Cần xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số cho đô thị thông minh. Khi xuất hiện Covid-19, đô thị biển chính là nơi lý tưởng để người dân bảo đảm an toàn về sức khỏe. Tất nhiên, nếu có đầy đủ về nền tảng số, những khu đô thị biển sẽ trở nên hoàn thiện hơn”.[6]

- “Phát triển đô thị biển không chỉ hiểu là đô thị thông thường mà thực sự là cực đô thị tăng trưởng kinh tế (trên cả 3 mảng: Không gian biển, đảo, ven biển), nhưng phải phát triển đô thị kinh tế biển xanh- bền vững, không làm ảnh hưởng tới môi trường…” [6]

- Phát triển kinh tế đô thị biển phải đồng thời với nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị

- Sử dụng đất và tài nguyên ven biển phải đảm bảo cân bằng sinh thái ven biển và đới bờ

- Phát triển các hoạt động kinh tế không gian ven biển phải có sự liên kết với các không gian lân cận, núi đồi, vịnh đảo, là một hệ sinh thái bền vững.

- Phân bố cơ cấu không gian biển phải có đủ không gian công cộng hợp lý cho sinh hoạt của dân địa phương, kể cả các bãi tắm có chất lượng.

- Các công trình xây dựng cần có thiết kế đẹp trước biển, tạo ấn tượng và thương hiệu cho thành phố, công trình đảm bảo các tiêu chí công trình xanh. Các công trình xây dựng trước biển cần có khoảng cách hợp lý với biển, và giữa các công trình. Cần quy hoạch chính xác một số điểm có thể cho xây cao tầng (không hạn chế) tạo điểm nhấn phù hợp với không gian chung của vùng.

- Đô thị có thể vươn ra biển (theo hướng nổi), nhưng không làm tổn hại môi trường dưới biển. Các khu vực lấn biển bằng phương pháp lấp biển cần phải có đánh giá kỹ môi trường vùng, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường ven bờ các khu vực chịu ảnh hưởng (thay đổi dòng hải lưu, dễ gây xói lở khu vực khác).

Một số biện pháp cơ bản

Rõ ràng là vùng ven biển và đảo là vùng sinh thái đặc biệt, tiềm năng để phát triển kinh tế biển vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, Việt Nam cũng đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, hệ thống đô thị lớn, và gần 20 khu kinh tế biển hầu hết tập trung ở không gian ven biển, là các cực động lực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Do đó rất cần phải có các biện pháp đổi mới trong quy hoạch và quản lý đô thị như sau:

Về quy hoạch: (i)Thế chế hiện hành của Việt Nam, thực hiện theo Luật quy hoạch, và Luật quy hoạch đô thị, tuy nhiên rất cần thiết phải có quy hoạch tổng thể vùng duyên hải, bao gồm. không gian ven biển, biển và hải đảo, hệ thống đô thị biển; (ii) Xác định các cực tăng trưởng có phân loại phân cấp theo các chức năng kinh tế cũng như tiềm năng phát triển, phân loại theo lý thuyết địa kinh tế để có định hướng chiến lược phát triển hợp lý; (iii) Quy hoạch các không gian dự trữ phát triển, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; (iv) Quy hoạch các đô thị biển có cấu trúc không gian cân bằng giữa các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tối đa không gian công cộng, đặc biệt đối với đô thị du lịch; (v) Quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết vùng hợp lý và hiện đại đáp ứng nhu cầu trước mắt và tương lai lâu dài, đặc biệt là các tuyến đường gần biển;

Về quản lý vùng, khu kinh tế và đô thị biển: Hiện VN không có phân cấp hành chính theo Vùng, tuy nhiên để tăng cường công tác kiểm soát phát triển vùng và liên vùng, Chính phủ đã có thành lập các Hội đồng Điều phối các vùng trong lãnh thổ và có các quy chế hoạt động kèm theo. Tuy nhiên lịch sử nhiều năm cũng đã có các Ban chỉ đạo vùng… nhưng gần như không hiệu quả. Công tác quản lý rất cần thiết phải có những quyền quyết định trực tiếp, giám sát chặt chẽ và có chỉ đạo thực hiện chiến lược mạnh mẽ, đặc biệt là cần xác định toàn bộ vùng duyên hải là một hệ vùng kinh tế biển có chỉ đạo thống nhất, điều phối cho các cực kinh tế tăng trưởng hợp lý;

Quản lý các khu kinh tế biển: hiện vẫn theo mô hình Ban quản lý, kết hợp với chính quyền địa phương (chủ yếu cấp huyện, xã). Mặc dù đây là nền tảng manh nha của sự hình thành đô thị tổng hợp, một số khu kinh tế có quy mô lớn và rất lớn, có đầy đủ các chức năng, như cảng biển, sân bay, khu chế xuất, công nghiệp, Tài chính, dịch vụ du lịch, khu dân cư vv.., thậm chí quy mô lớn tương đương với đô thị loại II. Do đó rất cần thiết phải có một mô hình quản lý đô thị đặc thù hiện đại ngay từ khi đang hình thành đô thị này, với trình độ quản lý cao cấp thống nhất quyền lực hành chính.

Quản lý đô thị biển: Các đô thị biển vẫn được quản lý theo phương pháp cũ, quản lý theo đơn vị hành chính, thậm chí là ranh giới từ các xã lên phường vv.., quản lý đất đai cũng vẫn theo kiểu đất đô thị thông thường, mà không có sự phân biệt giá trị đặc biệt của đất ven biển, ven vịnh, đất biển, đảo. Trong sự cạnh tranh của thị trường bất động sản, các không gian ven biển có cảnh quan đẹp cần được đánh giá và kiểm soát nghiêm ngặt hơn, Nhà nước cần có biện pháp đánh giá và phân loại giá trị đất ven biển theo từng lớp tiếp cận với biển để quản lý, không chỉ là vấn đề quản lý hành chính mà còn quản lý về sử dụng đất, xây dựng, sử dụng tài nguyên cảnh quan, mối quan hệ xã hội, dịch bệnh, an toàn, an ninh vv…

Cũng như các khu kinh tế biển, khu vực ven đô thị biển hầu như đang được quy hoạch phát triển mở rộng, rất nhiều dự án khu du lịch cao cấp 5-6 sao…khu dân cư cao cấp đang hình thành trên các khu vực đất nông thôn, dưới sự quản lý của các bộ máy chính quyền Huyện, xã vv.. (theo kiểu nông thôn). Do đó ngay từ khi có quy hoạch, và chủ trương phát triển mở rộng đô thị, đặc biệt là đô thị biển, cần thiết phải có một bộ phận chính quyền đô thị quản lý theo đúng kiểu quản lý phát triển đô thị.

Về thể chế: Các khu kinh tế Biển, đô thị biển, và đô thị biển đảo, (i) Xây dựng tiêu chí cụ thể để chỉ dẫn cho các đô thị phát triển hướng tới sinh thái, thông minh và bền vững. (ii) Rà soát lại và bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch đô thị và xây dựng công trình đối với đô thị biển, kể cả các khu kinh tế biển (nền tảng hình thành đô thị biển tương lai); (iii) Bổ sung các điều khoản luật về quản lý đô thị biển, đảo (khác với các đô thị thông thường); (iv) Xây dựng cơ chế bộ máy và cán bộ quản lý đô thị biển hợp lý, kể cả các khu vực đang hình thành đô thị; …

Tóm lại: ĐÔ THỊ BIỂN là loại đô thị đặc thù, được hình thành và phát triển ở các vị trí ĐỊA KINH TẾ quan trọng của quốc gia, đô thị biển có tiềm năng và vai trò đóng góp rất cơ bản cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều tác động tích cực và tiêu cực, rất nhậy cảm đối với đô thị biển, do đó việc định hướng quy hoạch và quản lý đô thị biển rất cần thiết phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn và có sự quan tâm thích đáng đối với hệ sinh thái ven biển đảo nói chung và các đô thị biển nói riêng. Hướng tới nền kinh tế số 4.0, các đô thị biển cần thiết phải có một nền tảng số hoá để phát triển theo mô hình đô thị thông minh và thích ứng linh hoạt trong tương lai./.

PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

TS.KTS Đào Ngọc Như
Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Xây dựng “Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2022 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025”, 2019

2. Bộ Chính trị “Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

3. Cafeland (ANTG, Mạng Internet) “ Trung Quốc tham vọng lấn biển”, 2022

4. Ngân hàng thế giới: “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, bình đẳng và dân chủ” 2016.

5. McKinsey Global Institute, Big data: “The next frontier for innovation, competition, and productivity”, 2011.

6. Michael Spence, Patriccia Clarke Annez, Robert M. Buckley, “ Đô thị hoá và Tăng trưởng”, NXB Dân Trí” 2010

7. Đỗ Tú lan “ Đô thị Biển- Không gian Kiến trúc và con người”

8. Thảo Phương/Zing.vn “ Những đô thị biển nổi tiếng trên Thế giới” 22021

9. Reatime.vn “ Phát triển đô thị Biển Việt Nam thời kỳ mới”, Hội Thảo 2022

10. Nguyễn Hữu Thái, “Xu hướng mới Kiến Trúc - Đô thị Thế giới và Việt Nam thời Hội nhập” 2003. XBXD

11. UBND tỉnh Khánh Hòa “ Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ III” 2011, Kỷ yếu hội thảo

Bạn đang đọc bài viết Địa Kinh tế - đô thị biển phát triển bền vững, động lực cho nền kinh tế quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới