Chủ nhật, 28/04/2024 21:59 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/12/2023

MTĐT -  Thứ năm, 28/12/2023 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

14 dự án cao tốc sẽ được khởi công năm 2024

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là chủ quản sẽ khởi công trong năm 2024, gồm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

14 dự án cao tốc sẽ được khởi công năm 2024- Ảnh 1.
Sẽ có 14 dự án cao tốc được khởi công trong năm 2024

Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (Bắc Kạn) dài 28,8 km, điểm đầu kết nối đường Thái Nguyên - Chợ Mới, tại xã Thanh Thịnh, H.Chợ Mới; điểm cuối giao QL3B, kết nối dự án đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Dự án có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 20,5 m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, một số đoạn địa hình thuận lợi có tốc độ 100 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.750 tỉ đồng bằng vốn ngân sách, trong đó chi phí xây dựng hơn 4.140 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 490 tỉ đồng, còn lại chi phí tư vấn, dự phòng.

Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn sẽ kết nối tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và Thái Nguyên - Chợ Mới tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực này.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) dài khoảng 60 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư 8.365 tỉ đồng.

Đây là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây nguyên. Hai dự án thành phần còn lại trên tuyến này là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cũng đã được tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư.

Tuyến Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay, giúp giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên QL20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ (Cần Thơ) thuộc dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía tây ĐBSCL từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang). Trong đó, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) có tổng mức đầu tư 750 tỉ đồng. Tuyến đường dài 51,5 km, hiện tại quy mô 4 làn xe, sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao tốc.

Đặc biệt, năm 2024 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.

14 dự án cao tốc sẽ được khởi công năm 2024- Ảnh 2.
Phối cảnh thiết kế cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn, Cao Bằng) dài 93 km sẽ khởi công ngày 1.1.2024, giai đoạn một có tổng mức đầu tư 14.300 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Điểm đầu tuyến đường tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, H.Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao QL3, xã Chí Thảo, H.Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Giai đoạn một, cao tốc được thiết kế 80 km/giờ, mặt đường rộng 17 m; đoạn địa hình khó khăn, mặt đường rộng 13,5 m. Trên tuyến bố trí 7 nút giao, 4 trạm dừng nghỉ, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn 24 năm 10 tháng.

Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ô tô di chuyển mất 5 - 6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, nối thông cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn còn 2,5 - 3 giờ.

Cao tốc Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, dài 60 km, bao gồm cả tuyến kết nối đến cửa khẩu Tân Thanh, do tỉnh Lạng Sơn làm chủ quản, đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km, do tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản, đang trình hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 74 km, do tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình dài 26 km, do tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, đang lập chủ trương đầu tư.

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình dài 61 km, đang chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129 km, do tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản, đang chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cao tốc TP.HCM - Chơn Thành dài 60 km, do tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản, chuẩn bị trình chủ trương đầu tư.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 65 km, do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình dài 34 km, do UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan chủ quản, chuẩn bị phê duyệt nghiên cứu khả thi.

Dự án cao tốc Vành đai 4 TP.HCM dài 199 km, gồm 5 dự án độc lập, do 5 địa phương là cơ quan chủ quản. Trong đó dự án qua Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án đang chuẩn bị chủ trương đầu tư. Dự kiến sẽ khởi công đoạn qua tỉnh Bình Dương trước, tiếp đến trên địa bàn các tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Hà Nội: Xe buýt, đường sắt đô thị phục vụ xuyên Tết Dương lịch 2024

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) vừa ban hành kế hoạch tổ chức vận tải hành khách công cộng trong dịp Tết Dương lịch năm 2024.

Dự báo nhu cầu đi lại bằng xe buýt của một bộ phận người dân sẽ tăng cao. Trong những ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ, lưu lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng tăng cao hơn so với ngày thường khoảng 25-30%. Trong các ngày nghỉ lễ, lưu lượng hành khách dự báo duy trì ở mức ổn định.

Trên cơ sở dự báo, HPTC xây dựng thời gian hoạt động và lịch chạy xe trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024 như sau:

Ngày 30/12/2023 và ngày 1/1/2024 có lịch chạy xe giống nhau. Thời gian mở bến từ 4h45, đóng bến 22h35, tần suất chạy xe 5-20 phút/lượt tuỳ từng tuyến. Riêng ngày 31/12/2023, tần suất chạy xe 10 - 15 - 20 phút/lượt.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông mở bến từ 5h30, đóng bến lúc 22h, tần suất 10 phút/lượt.

HPTC dự kiến dự phòng tăng cường là 47 xe với 96 lượt trên 29 tuyến để tăng cường giải tỏa hành khách khi nhu cầu tăng cao. Trong đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đảm trách tăng cường trên 16 tuyến (tuyến buýt số 01, 02, 03A, 04, 06A, 10A, 11, 16, 17, 20B, 28, 29, 32, 54, 103 và tuyến buýt nhanh BRT01).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Liên Ninh 2 tuyến (tuyến số 21A, 37); Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội 3 tuyến (tuyến số 27, 34, 35A); Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến 2 tuyến (tuyến số 58, 60B); Công ty liên doanh vận chuyển Quốc tế Hải Vân 1 tuyến (tuyến số 74); Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây 1 tuyến (tuyến số 72); các tuyến buýt không trợ giá gồm 4 tuyến (tuyến số 68, 70A, 78, 86).

Cũng theo HPTC, trong quá trình triển khai phục vụ, tùy theo tình hình thực tế phát sinh sẽ điều chỉnh linh hoạt hoặc huy động các tuyến buýt có liên quan khác ngoài danh sách các tuyến nêu trên.

Huyện Thường Tín xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng

Thông tin từ UBND huyện Thường Tín cho biết, thực hiện theo Quyết định 3200/QĐ/HU ngày 16/6/2023 của Huyện ủy về việc xử lý vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã thực hiện tuyên truyền, vận động thành công cũng như tổ chức cưỡng chế công trình tại các xã Minh Cường, Lê Lợi, Ninh Sở… Từ tháng 8/2022 đến nay, đã có hàng loạt cán bộ ở các xã: Liên Phương, Ninh Sở, Thắng Lợi, Hồng Vân, Minh Cường… bị kiểm điểm, kỷ luật, thể hiện sự cương quyết của lãnh đạo huyện Thường Tín không khoan nhượng với vi phạm.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng tiến hành xử lý một công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn huyện Thường Tín

Đại diện lãnh đạo UBND xã Minh Cường thông tin, tại xứ đồng Dộc, thôn Trần Phú có 32 hộ gia đình đang quản lý, sử dụng khoảng 8.000m2 đất nông nghiệp ở gần khu dân cư. Năm 2022, có 9/32 trường hợp có đất nông nghiệp ở đây cố tình xây dựng, hoàn thiện công trình trên diện tích 1.600m2 đất được thực hiện vào thời điểm những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022 đã gây bức xúc cho dư luận.

Sau hơn 3 tháng, UBND xã Minh Cường cùng các cơ quan chuyên môn của huyện Thường Tín đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, củng cố chặt chẽ hồ sơ vi phạm, xác định công trình thuộc thẩm quyền của xã và thẩm quyền huyện.

Trên cơ sở vừa củng cố hồ sơ, vừa vận động, tuyên truyền, đối thoại nhằm đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch vụ việc đã giúp các hộ gia đình nhận thức rõ vấn đề. Qua đó, có một số hộ đã tự tháo dỡ công trình vi phạm, còn 4 hộ khác tháo dỡ một số hạng mục và chỉ còn 1 hộ cố tình giữ nguyên công trình vi phạm.

Để xử lý dứt điểm các vi phạm đất đai, xây dựng xảy ra ở xã Minh Cường và một số vi phạm trên địa bàn các xã khác, UBND huyện Thường Tín đã thành lập tổ công tác rà soát hồ sơ, nắm bắt bản chất sự việc. Ngày 6/7/2023, UBND huyện Thường Tín triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giải quyết, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, môi trường trên địa bàn theo Quyết định 3200-QĐ/HU ngày 16/6/2023 của Huyện uỷ.

Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, môi trường và đối với cả những cá nhân không chấp hành phối hợp thực hiện các quyết định thu hồi đất thực hiện dự án trọng điểm trên địa bàn.

Cùng đó, UBND huyện Thường Tín ra Thông báo 1170-TB/BCĐ ngày 16/6/2023 về việc phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo và Kế hoạch số 174-KH/BCĐ chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, từ 10/6-30/8/2023, các đơn vị, địa phương đã triển khai rà soát, phân loại, xử lý vi phạm cũ và mới từng giai đoạn.

tm-img-alt
Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín khẳng định: Thường trực Huyện ủy quyết liệt chỉ đạo tăng cường trách nhiệm cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị để ngăn chặn, xử lý vi phạm. 

Đúng ngày 15/8, lực lượng chức năng của huyện Thường Tín và xã Minh Cường tiến hành xử lý cưỡng chế 5 công trình nhà xưởng, nhà ở trên đất nông nghiệp tại xứ đồng Dộc, thôn Trần Phú. Trong tháng 9-10/2023, UBND huyện Thường Tín cũng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp của 65/288 hộ ở xứ đồng Cửa Đình, thôn Từ Vân, xã Lê Lợi để tạo quỹ đất sạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá 15.125,9m2 đất. 

Để thực hiện giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, UBND huyện tổ chức cưỡng chế 5 trường hợp có đất nông nghiệp và tài sản trên đất nằm trong phạm vi ở các xã: Ninh Sở, Vân Tảo…

Huyện và các xã đã tích cực tuyên truyền, vận động được 14 trường hợp ở các xã: Hiền Giang, Văn Phú, Hòa Bình… chấp hành tự tháo dỡ công trình rồi bàn giao đất để xây dựng các khu đô thị và khu đấu giá QSD đất ở.

Từ ngày 1/8/2022 đến hết tháng 11/2023 toàn huyện có 420 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng và cả những trường hợp không chấp hành thực hiện quyết định thu hồi đất UBND huyện đã ban hành theo quy định để thực hiện các dự án.

Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín khẳng định: Thường trực Huyện ủy quyết liệt chỉ đạo tăng cường trách nhiệm cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị để ngăn chặn, xử lý vi phạm. Các cơ quan tích cực giám sát, kiểm tra, phối hợp tốt với 29 xã, thị trấn giải quyết vấn đề quản lý đất đai, xây dựng.

Đồng thời, các phòng ban, đơn vị chủ động phối hợp phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn lập hồ sơ vi phạm để xử lý đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, và giải toả dứt điểm vi phạm mới phát sinh. Thường Tín xác định không có vùng cấm trong xử lý vi phạm đất đai, xây dựng.

Nơi nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời thì UBND huyện sẽ kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật cán bộ theo quy định, nhất là với người đứng đầu UBND xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn để làm gương cho những địa phương, cán bộ khác. Thực hiện quyết liệt nội dung này sẽ đẩy lùi được vi phạm.

Bắc Giang chuẩn bị triển khai dự án khu đô thị trị giá hơn 700 tỷ đồng

Dự án sẽ được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên khu đất có diện tích 28,68/33,78 ha, bao gồm nhiều hạng mục như san nền, đường giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, cây xanh, hè đường, khuôn viên cây xanh và trạm xử lý nước thải.

Dự án được dự kiến phân thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (khoảng 15,42 ha) sẽ bao gồm các hạng mục như san nền, đường giao thông, thoát nước mưa, cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, cây xanh, hè đường, khuôn viên cây xanh, cây xanh cách lý (khu vực trạm xử lý nước thải), bãi đỗ xe, đất giáo dục, đất nhà văn hóa, đất HTKT và trạm xử lý nước thải.

Giai đoạn 2 (khoảng 13,25 ha) bao gồm các hạng mục tương tự.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án cung cấp bất động sản chuyển nhượng và bán nhà ở trong phạm vi khu đất, gồm 534 lô với tổng diện tích khoảng 6,2 ha. Trong đó, có 372 lô đất ở liền kề không xây thô và 162 lô đất ở và nhà ở xây thô, hoàn thiện mặt tiền. Dự án dự kiến đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 2.136 người.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 771,2 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 115,6 tỷ đồng và phần còn lại là vốn vay và vốn hợp pháp khác.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, và thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Thanh Hóa đầu tư 647 tỷ đồng xây cầu vượt đường sắt Bắc - Nam

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây, TP. Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 647 tỷ đồng. Dự kiến, Dự án thực hiện trong 4 năm.

Dự án gồm 16 gói thầu, trong đó gói thầu số 16 thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình có quy mô lớn nhất (hơn 518 tỷ đồng), dự kiến tổ chức đấu thầu rộng rãi trong quý II/2024, hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh.

Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm an toàn giao thông qua tuyến đường sắt Bắc - Nam; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây theo quy hoạch để tăng cường kết nối giao thông trong khu vực; kết nối với tuyến đường trục chính đô thị, thị trấn Rừng Thông để tạo thành trục đường liên thông từ Quốc lộ 45 đến Quốc lộ 1A.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Được biết, dự án cầu vượt đường sắt Bắc – Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông. Tổng bề rộng cầu 25m, bao gồm 4 làn xe giới, 2 làn xe hỗn hợp. Hoàn thiện tổng thể nút giao giữa đường Trịnh Kiểm và tuyến Đại lộ Đông Tây và các tuyến giao thông lân cận.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa cũng đã tiến hành tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình dự án này. Qua thi tuyển, phương án dự thi của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - hầm đã đạt giải Nhất của cuộc thi và được lựa chọn đầu tư xây dựng.

TP.HCM dự kiến triển khai 59 dự án giao thông quan trọng vào năm 2024

Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải, theo tinh thần của Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030. Việc lập kế hoạch đầu tư các dự án cũng nhằm bảo đảm tiến độ triển khai theo lộ trình những năm tới.

Dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024- 2025 tập trung chuẩn bị đầu tư 51 dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư 19 dự án đã được bố trí kế hoạch trung hạn 2021 – 2025; đồng thời triển khai thực hiện các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án.

Theo đó, 59 dự án giao thông trọng điểm vừa được TP.HCM đưa vào danh mục đề xuất ưu tiên bố trí vốn, tập trung thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2024-2030 sắp tới.

Cụ thể, dự kiến có 4 đường cao tốc, 3 đường quốc lộ, 5 đường vành đai, 8 nút giao, cầu, 25 dự án đường xuyên tâm trong danh mục 59 dự án trọng điểm được Tp.HCM ưu tiên tập trung, ghi vốn thực hiện từ năm 2024.

Các dự án này không bao gồm các tuyến đường sắt đô thị (metro) vì metro sẽ làm theo đề án phát triển hệ thống đường sắt Tp.HCM.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Nhóm đường cao tốc gồm 4 cao tốc: Cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài với tổng vốn 20.100 tỷ đồng; cao tốc Tp.HCM - Chơn Thành (đoạn đường dẫn qua Tp.Thủ Đức), tổng vốn 1.940 tỷ đồng; dự án mở rộng cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), tổng vốn 2.350 tỷ đồng; dự án mở rộng đường dẫn cao tốc Tp.HCM - Trung Lương (đoạn đường dẫn từ Bình Thuận - Chợ Đệm và đoạn Tân Tạo - Chợ Đệm), tổng vốn 1.037 tỷ đồng.

Nhóm đường quốc lộ ưu tiên làm 3 dự án, đó là: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 Tp.HCM); dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh giới tỉnh Long An).

Nhóm đường vành đai gồm 5 dự án: Dự án khép kín 3 đoạn tuyến của Vành đai 2; dự án đường nối từ Vành đai 3 tới đường Võ Nguyên Giáp; dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 (đoạn cầu qua sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai, gồm cầu vượt sông Sài Gòn). Tổng nguồn vốn cho 5 dự án này khoảng 26.800 tỷ đồng.

Nhóm kết nối liên vùng có 3 đường nối liên vùng (cầu Rạch Dơi; xây dựng đường mở mới phía tây bắc; đường trục đông tây nối dài từ quốc lộ 1 - Long An); ưu tiên xây dựng tuyến đường trên cao số 5 (đoạn từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương).

Các dự án khác bao gồm 8 dự án nút giao thông, cầu lớn và 25 dự án tuyến đường trục chính, xuyên tâm có sự góp mặt của nhiều dự án trọng điểm, như: cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu và đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Trường Chinh, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý,…

Ngoài ra là 5 dự án bến bãi giao thông tĩnh và 4 dự án đường thủy (gồm cảng cạn, nạo vét luồng tuyến) cũng được xác định ưu tiên đầu tư từ nay đến 2030.

Ngoài ngân sách nhà nước chiếm 156.500 tỷ đồng và chiếm 67,8% còn lại là vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP (cho 21 dự án), dự kiến 70.126 tỷ đồng (khoảng 30,4%); vốn ngân sách trung ương (3 dự án), vốn dự kiến 4.361 tỷ đồng (chiếm chừng 1,9%).

Ở giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo của dự án theo quy định, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời Thành phố sẽ triển khai áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98 và những quy định pháp luật có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm mục tiêu, phát huy hiệu quả của các dự án.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.