Chủ nhật, 28/04/2024 06:39 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/11/2023

MTĐT -  Thứ tư, 29/11/2023 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội bổ sung 3 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025

Đợt này, Hà Nội phê duyệt thêm 12 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Trong đó, 8 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025, ba dự án dự kiến hoàn thành sau giai đoạn 2025 và một dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Ba dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được cập nhật, gồm: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT4, CT5 thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Dự án có tổng diện tích 2,03 ha, gồm 562 căn hộ. Hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị đầu tư thi công xây dựng nhà cao tầng tại ô đất CT4, CT5, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Cùng trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT6B, Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) có tổng mức đầu từ 1.293 tỷ đồng, trên diện tích 10,85 ha.  Dự án có tổng diện tích sàn 33.120 m2 với 552 căn hộ và đang thực hiện thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2027.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô CT7 và CT8 Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Dự án có tổng mức đầu tư 1.394 tỷ đồng với 937 căn hộ. Hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2027.

Tổng cộng, 3 dự án nhà ở xã hội trên sẽ cung ứng ra thị trường 2.051 căn hộ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, trong đợt 1, có 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được cập nhật, gồm: Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm huyện Đông Anh; Khu nhà ở Minh Đức phần nhà ở xã hội tại ô đất CT tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh;  Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh huyện Đông Anh; Khu nhà ở xã hội Đức Thượng tại thôn Phú Đa xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; Khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi huyện Gia Lâm; Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Tây Tựu tại phường Tây Tựu quận Bắc Từ Liêm.

Các dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.114 tỷ đồng; tổng diện tích hơn 27 ha; tổng diện tích sàn 485.120 m2, tương ứng 5.572 căn hộ chung cư/phòng ở. Thời gian hoàn thành dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2029.

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở trong ba năm tới. Trong đó, nhà ở xã hội thêm khoảng 12.000 căn. 

Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023

Sáng nay 29/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023.

tm-img-alt
Các đại biểu trao đổi, thảo luận về các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh

Vietnam - Asia Smart City Summit 2023 với phiên khai mạc và 9 phiên chuyên đề, hơn 80 diễn giả, chuyên gia, cùng hơn 1.000 đại biểu là các lãnh đạo, nhà quản lý đến từ 11 nền kinh tế, Bộ và cơ quan ngang Bộ; 15 Sở, ban, ngành của 18 tỉnh thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng, chuyên gia, viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các phiên hội nghị, gần 30 gian hàng triển lãm giới thiệu các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và khu vực. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, việc khai thác dữ liệu số, xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với mọi cấp chính quyền, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, mô hình Thành phố thông minh bền vững mà Thành phố Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Đồng thời xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cùng với đó là lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hà Nội đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa như giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân…

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, đặc tính bền vững của Thành phố sẽ được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”. Trong bối cảnh đó, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ những nội dung về mô hình Hà Nội có thể tham khảo hay những chính sách, khuyến nghị, công nghệ phù hợp cũng như vai trò của công nghệ số, chuyển đổi số và đặc biệt là dữ liệu số.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ.

Theo đó, để đạt được những mục tiêu đô thị thông minh thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Thứ trưởng cũng lưu ý, việc phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Quá trình này đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương. Trong đó, Hội nghị ngày hôm nay sẽ là cơ hội bàn thảo, trao đổi thông tin từ nhiều chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ về các giải pháp, đề xuất để xây dựng thành phố thông minh bền vững, cũng như các địa phương có kinh nghiệm.

Diễn ra trong 2 ngày (29-30/11), Hội nghị với chủ đề “Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” và 3 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; Công nghệ, Dữ liệu và kết nối; Hợp tác và phát triển.

Sự kiện sẽ tạo diễn đàn chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, qua đó giúp Thành phố Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời các tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự cũng sẽ có thêm góc nhìn mới trong định hướng xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.

Hà Nội hướng đến mục tiêu 100% khu công nghiệp có nhà ở công nhân

Đó là mục tiêu tại Kế hoạch triển khai chỉnh trang các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, do UBND TP. Hà Nội vừa mới ban hành.

Theo đó, thành phố phấn đấu 100% các KCN được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, thành phố thực hiện rà soát, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các KCN đang hoạt động trên địa bàn. Việc chỉnh trang cần phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan tại KCN và sự phát triển chung của khu vực; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động trong KCN.

Theo kế hoạch, hạng mục chỉnh trang các KCN sẽ bao gồm rà soát, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào KCN, cải tạo xây dựng hạ tầng đồng bộ và xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân lao động.

Việc rà soát, chỉnh trang xây dựng hạ tầng các KCN được thực hiện hàng năm. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 các KCN sẽ được xây dựng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Ngoài ra, đến năm 2025, thành phố phấn đấu xây dựng thêm được 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các KCN đang hoạt động. Đến năm 2030, toàn bộ các KCN của thành phố có nhà ở cho công nhân lao động kèm theo các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của công nhân lao động trong các KCN.

Hiện nay, trong số 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha có 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng (tỷ lệ lấp đầy 100%), 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tích cực thu hút dự án đầu tư.

Song, tại 10 khu công nghiệp này mới có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác, sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở. Hiện, thành phố đã hoàn thành 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp đang hoạt động nhằm tăng mức độ thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và người lao động.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiến hành triển khai các nội dung thực hiện chỉnh trang các khu công nghiệp, gồm: rà soát, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp; cải tạo xây dựng hạ tầng đồng bộ trong khu công nghiệp; xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân lao động…

Việc rà soát, chỉnh trang xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp được thực hiện hàng năm, phấn đấu đến năm 2030 các khu công nghiệp của thành phố được xây dựng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Trước mắt, đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động.

Thành phố giao Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành và các quận, huyện có khu công nghiệp rà soát tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp và chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng hoàn thiện các phần hạ tầng chưa xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Đồng thời, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành rà soát về nhu cầu nhà ở công nhân, rà soát điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất cho nhà ở công nhân và các công trình thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết theo Chương trình Phát triển Nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Thành phố phấn đấu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 10% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.

Trên cơ sở Chương trình Phát triển Nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.

Đáng chú ý, theo Đề án "Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn, gồm 18.700 căn giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026-2030.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 0,869 triệu m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,689 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức triển khai lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 277ha.

Dự kiến, 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng từ 2-2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố và góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội theo Đề án trên của Chính phủ.

Hà Nội: Thí điểm hạn chế tốc độ 30km/h trước cổng cụm trường Xuân Đỉnh

Trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông (ATGT) đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 - 2025, Sở GTVT Hà Nội thí điểm các giải pháp đảm bảo ATGT trước cổng cụm trường học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Theo đó, Sở GTVT thiết kế lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường tại khu vực cổng trường học.

Kết cấu của lối đi là bê tông nhựa (atphalt), chiều cao 9cm, vuốt nối êm thuận với mặt đường hiện trạng. Nhằm tăng khả năng nhận diện cho người tham gia giao thông, lối đi bộ qua đường được kẻ bằng sơn dẻo nhiệt màu trắng, vàng, có phản quang. Trước cổng Trường THPT Xuân Đỉnh, Sở GTVT tạo lối đi bộ bằng hàng cọc tiêu trụ dẻo có phản quang.

tm-img-alt
Thí điểm giới hạn tốc độ 30 km tại cụm cổng trường Xuân Đỉnh (Ảnh: Internet)

Để hạn chế tốc độ các phương tiện qua khu vực cổng trường học không vượt quá 30km/h, đơn vị thi công sẽ cắm biển báo và bố trí các cụm gờ giảm tốc trên đường. Cùng với các giải pháp về hạ tầng, dự án sẽ tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn đến học sinh, giáo viên của trường.

Dự án sẽ thu thập thông tin, khảo sát (bằng ảnh, phim, phiếu khảo sát, điều tra) để theo dõi trước, trong và sau khi thực hiện thí điểm; từ đó đưa ra đánh giá kết quả của chương trình thí điểm.

Thời gian thi công các giải pháp hạ tầng đảm bảo ATGT trước cổng cụm trường học Xuân Đỉnh sẽ bắt đầu từ ngày 6/12/2023. "Đơn vị thi công bố trí đầy đủ biển báo, rào chắn, đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo từ xa, người hướng dẫn,... không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn giao thông, đảm bảo ATGT cho các phương tiện đi qua khu vực trong quá trình thi công. Sau khi thi công xong, tiếp tục bố trí nhân lực lượng để hướng dẫn, phân luồng giao thông theo phương án thí điểm; kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị tại khu vực trường học", Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

TP Bắc Giang mở rộng là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô

Ngày 28/11, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cùng đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng.

TP Bắc Giang mở rộng là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Theo dự thảo Quy hoạch, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (đô thị Bắc Giang).

Ranh giới cụ thể, phía Đông giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Việt Yên; phía Nam giáp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (Sông Cầu); phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên.

Diện tích lập quy hoạch khoảng 25.830 ha, trong đó TP Bắc Giang: 6.656 ha, huyện Yên Dũng: 19.174 ha.

Các giai đoạn thực hiện quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.

Về tính chất, đô thị Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

TP Bắc Giang mở rộng là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô
TP Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP

Đô thị Bắc Giang là đô thị loại I (thành phố trực thuộc tỉnh), trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang.

Đồng thời là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế (vùng Tây Nam của tỉnh) với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - nghỉ dưỡng, có sức lan tỏa mạnh, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang sẽ có khoảng 472.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 370.000 người, chiếm 78,39% tổng dân số. Đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 596.000 người, chiếm 89,49% tổng dân số.

Đến năm 2030, đất dân dụng có khoảng 4.100 ha, đạt bình quân khoảng 100 m2/người. Đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 5.960 ha, đạt bình quân khoảng 100 m2/người.

Theo dự thảo, đô thị Bắc Giang phát triển theo mô hình đô thị đa cực - đa trung tâm, theo nét đặc trưng riêng của từng khu vực, với nhiều trung tâm khác nhau, có tính chất độc lập hoặc phụ thuộc lẫn nhau, mỗi trung tâm đều có tiêu chí của đô thị nén và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng.

Đô thị có tính liên kết giữa không gian TP Bắc Giang hiện hữu và khu vực huyện Yên Dũng mở rộng, với mục tiêu xây dựng TP Bắc Giang trở thành đô thị loại I. Mô hình cấu trúc đô thị được phân bố thành 3 trung tâm bao gồm: Khu vực lõi TP Bắc Giang hiện hữu; khu vực thị trấn Tân An; và khu vực thị trấn Nham Biền.

Không gian đô thị Bắc Giang định hướng phát triển theo mô hình 3 cực phát triển đô thị và các trung tâm kết nối thông qua 3 hành lang giao thông là các tuyến đường vành đai. Các trung tâm đô thị phát triển dựa trên cấu trúc khung tự nhiên với trái tim là núi Nham Biền và dòng sông Thương.

Toàn đô thị Bắc Giang (TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng) có 34 đơn vị hành chính với diện tích 25.830 ha.

Trong đó: Khu vực nội thị hiện trạng có 10 phường. Diện tích: 2.174 ha, chiếm 8,42%. Đến năm 2030, định hướng thêm 14 đơn vị hành chính lên phường nội thị, nâng lên tổng 24 phường nội thị. Diện tích: 14.464,87 ha, chiếm 56%. Đến năm 2045, dự kiến thêm 3 đơn vị hành chính lên phường nội thị, nâng lên tổng 27 phường nội thị. Diện tích: 18.450,62 ha, chiếm 71,43%.

Khu vực ngoại thị: Đến năm 2030, các xã ngoại thị còn 10 đơn vị hành chính. Diện tích: 11.364,96 ha, chiếm 44%. Đến năm 2045, các xã ngoại thị còn 7 đơn vị hành chính. Diện tích: 7.378,72 ha, chiếm 28,57%.

Hải Dương: Bổ sung 142 dự án nhà ở vào quy hoạch nhà ở năm 2024

Sở Xây dựng Hải Dương vừa có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xem xét đưa 142 dự án phát triển nhà ở thương mại vào Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 và chuyển tiếp 10 dự án nhà ở xã hội năm 2023 sang năm 2024.

Cụ thể, có 11 dự án với diện tích đất ở là 32,71 ha trong Kế hoạch phát triển nhà ở thương mại giai đoạn 2023 – 2025 đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, có bố trí kế hoạch sử dụng đất và 131 dự án với tổng diện tích đất ở là 422,87 ha trong Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đề nghị chuyển tiếp sang năm 2024.

Sở Xây dựng Hải Dương cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép cập nhật diện tích quy hoạch, diện tích đất ở vào Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2023 – 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm cho phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Internet.

Đối với 33 dự án do địa phương đề xuất đã có trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2023 – 2025 nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa bố trí kế hoạch sử dụng đất, Sở Xây dựng Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các địa phương rà soát và báo cáo trong năm 2024 đối với các dự án đủ điều kiện.

Đối với các danh mục dự án do địa phương đề xuất chưa có trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2023 – 2025, Sở Xây dựng đề nghị được phối hợp các địa phương rà soát, đảm bảo phù hợp với hạn mức đất ở khi lập điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương, báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung vào Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2023 – 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm trong năm 2024 với các dự án đủ điều kiện.

Về dự án phát triển nhà ở xã hội, có 10 dự án với tổng diện tích đất ở 18,38 ha thuộc danh mục dự án trong Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho phép tiếp tục thực hiện các dự án này trong năm 2024.

Đồng thời, đề xuất bổ sung 8 dự án phát triển nhà ở xã hội với diện tích đất ở 6,59 ha vào Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn năm 2023-2025, thực hiện năm 2024 với điều kiện phải đảm bảo thực hiện được trong năm 2024.

Đề xuất về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Dự thảo quy định rõ về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Theo đó, nhà thầu tham dự thầu gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu đó, bao gồm: lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design - thiết kế FEED); thẩm định giá; giám sát thực hiện hợp đồng, kiểm định; lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu; dịch vụ tư vấn liên quan trực tiếp tới gói thầu gồm tư vấn quản lý dự án, quản lý hợp đồng, tư vấn khác.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Internet.

Nhà thầu tham dự thầu gói thầu tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu đó, bao gồm: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà thầu; dịch vụ tư vấn liên quan trực tiếp tới gói thầu, gồm tư vấn quản lý dự án, quản lý hợp đồng và tư vấn khác.

Nhà thầu tham dự gói thầu EPC, EP, EC phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Nhà thầu lập, thẩm tra, thiết kế FEED; Nhà thầu lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi trong trường hợp không lập thiết kế FEED; Nhà thầu lập, thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật trong trường hợp không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không lập thiết kế FEED theo quy định của pháp luật về xây dựng; Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, tư vấn quản lý hợp đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc do chủ đầu tư, bên mời thầu thuê.

Nhà thầu tham dự gói thầu chìa khóa trao tay phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với: Nhà thầu lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, tư vấn quản lý hợp đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc do chủ đầu tư, bên mời thầu thuê; Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; nhà thầu tư vấn khác tham gia trực tiếp trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu…

Bộ GTVT yêu cầu rà soát nâng tốc độ cao tốc 4 làn xe lên 90km/h

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam, Quản lý đầu tư xây dựng và các Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long rà soát đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên) để có thể khai thác với vận tốc 90km/h theo TCCS42:2022.

Các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ GTVT trước ngày 31/12.

Theo Bộ GTVT, hiện nay một số tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe cơ giới với làn dừng khẩn cấp không liên tục, được đầu tư và đưa vào vận hành khai thác với tốc độ tối đa 80km/h.

Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức giao thông đối với đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cơ giới, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng rà soát các yếu tố kỹ thuật có liên quan của công trình đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư đang khai thác hoặc đang chuẩn bị thực hiện đầu tư có 4 làn xe cơ giới để đánh giá tính phù hợp và quyết định việc nâng tốc độ khai thác lên 90km/h.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư chủ động điều chỉnh phương án tổ chức giao thông hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật như điều chỉnh biển báo, vạch sơn, đáp ứng việc nâng tốc độ khai thác khi đưa vào sử dụng.

Các Ban QLDA có trách nhiệm phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp kết quả thí nghiệm, báo cáo đánh giá theo yêu cầu, có trách nhiệm thực hiện rà soát và kiến nghị đối với dự án thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, bổ sung các hạng mục công trình theo ý kiến của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, để bảo đảm điều kiện ATGT khi nâng tốc độ khai thác phương tiện.

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, các đơn vị phải báo cáo kết quả rà soát trước ngày 31/12/2023. Sau khi nhận báo cáo, Bộ GTVT sẽ xem xét chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư điều chỉnh phương án tổ chức giao thông hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết, điều chỉnh biển báo, vạch sơn, đáp ứng việc nâng tốc độ khai thác khi đưa vào sử dụng.

Bộ GTVT cho biết, hiện các đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào khai thác với tốc độ tối đa cho phép 80km/h, tốc độ tối thiểu cho phép 60km/h là: đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Sơn - QL45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90km/h, theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Tốc độ thiết kế được xác định, lựa chọn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường và là giá trị không đổi trong suốt quá trình xây dựng và khai thác của dự án. Tốc độ khai thác được xác định, lựa chọn trong quá trình tổ chức vận hành, khai thác các tuyến đường và được thường xuyên đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn khai thác.

Bổ sung gần 1.000 tỷ đồng vốn trung hạn cho dự án sân bay Long Thành

Sáng 29/11, 100% đại biểu có mặt đã bấm nút tán thành, thông qua nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV.

Ở Nghị quyết này, Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12/2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án.

“Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, số liệu báo cáo Quốc hội; chỉ đạo Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp, thực hiện và hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan”, Nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết cũng cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30 /6/ 2024 - nghị quyết nêu rõ.

Quốc hội đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

tm-img-alt
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Internet.

Tại nghị quyết này, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, là yêu cầu tiếp theo được nêu tại nghị quyết.

Quốc hội cũng yêu cầu phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được Quốc hội giao tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra việc tạm đình chỉ không đúng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự bảo đảm thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính, Nghị quyết nêu rõ.

BTV

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề