Thứ ba, 30/04/2024 03:16 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/11/2023

MTĐT -  Thứ năm, 30/11/2023 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, hiện tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi 726,61/791,40ha đất, đạt 91,81%. Ban đã tiếp nhận hơn 654/726,61ha mặt bằng, đạt 90,02%. Các nhà thầu thi công huy động cả nghìn công nhân triển khai đồng loạt trên 29 mũi, bao gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu.

Tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai), tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án là 111,46ha (gồm huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông). Hiện nhiều đoạn tuyến đang phải thi công “xôi đỗ”. Trong đó, riêng gói thầu số 3/QL6-XL (Km22+220 - Km25+030), nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng 1,52km/2,81km để thi công.

tm-img-alt
Thi công dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa). Ảnh: Internet.

Sau hơn một năm khởi công, dự án hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng đã thực hiện được 35% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ kế hoạch. Hàng trăm kỹ sư, công nhân đang ép cọc ván thép hai đốt cuối hầm hở U8, U9 và dự kiến đến cuối tháng 12-2023 sẽ hoàn thành phạm vi hầm hở phía bên Đầm Hồng. Đốt hầm kín H10A và các đốt hầm hở từ U6 đến hầm kín đã được nhà thầu cơ bản hoàn thiện phần kết cấu. Theo kế hoạch, dự án có thời gian xây dựng trong 3 năm (2022-2025).

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, tổng số dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 sau điều chỉnh gồm 42 dự án thuộc 11 lĩnh vực, trong đó có 15 dự án thuộc lĩnh vực giao thông. Trong số này, mới chỉ có dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã hoàn thành.

Đà Nẵng: Phát triển quận Liên Chiểu thành đô thị văn minh, hiện đại

Chiều 29/11, phát biểu kết luận buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh gắn với thực hiện tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn quận Liên Chiểu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn ghi nhận, đánh giá cao kết quả quận đạt được thời gian qua. Đồng thời, đề nghị tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển quận Liên Chiểu đến năm 2030 và những năm tiếp theo để Liên Chiểu trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là trọng điểm về du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính và kinh tế biển của thành phố.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Internet.

Quận nhanh chóng xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái ven sông Cu Đê gắn với làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô và các di tích lịch sử trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc thực hiện xây dựng các chung cư, nhà trọ, nhà ở xã hội; chủ động phối hợp các sở, ban, ngành về quy hoạch phân khu trên địa bàn.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc gắn với việc thực hiện chính quyền đô thị, đặc biệt đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và phát huy tốt vai trò người đứng đầu.

Đầu tư 1.400 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp QL28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng

Bộ GTVT vừa phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp QL28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026, điểm đầu tại Km0 giao QL1 tại Km 1656+900, thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối tại Km 68+1000 giao với QL20 tại Km 185+690, thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 68km không bao gồm đoạn Km 6+870 - Km 7+990 thuộc dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang xây dựng. Trong đó qua tỉnh Bình Thuận khoảng 51km; đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 17km. Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạngiai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí gần 1.300 tỷ đồng; bao gồm + Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 117 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 1.100 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 135 tỷ đồng. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch; giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, tăng cườngliên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung.

Chủ đầu tư dự án là Cục Đường bộ VN, quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 5. Bộ GTVT yêu cầu hai đơn vị này lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án, tuân thủ quy định, phù hợp với tiến độ triển khai, hoàn thành dự án và kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Xây dựng, đăng ký nhu cầu vốn hàng năm đảm bảo cân đối, bố trí đủ vốn cho dự án. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơnvị có liên quan để kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.

Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh Thành phố thông minh Việt Nam

Ngày 30/11, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2023 cho các thành phố/đô thị tại Việt Nam năm 2023 vì những thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển "thành phố thông minh".

Giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam" (Smart City Award Vietnam) được VINASA tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư bất động sản, doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân. Đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 được phát động từ ngày 20/7/2023. Sau 3 tháng triển khai, Ban tổ chức đã lựa chọn trao giải thưởng Thành phố thông minh 2023 tại các lĩnh vực như Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

tm-img-alt
Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đại diện cho Đà Nẵng nhận Giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2023.

Căn cứ các kết quả, Hội đồng chung tuyển cũng thống nhất trao giải thưởng Thành phố thông minh 2023 cho Đà Nẵng. Đây là giải thưởng duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị. Như vậy, Đà Nẵng là địa phương lần thứ 4 liên tiếp vinh dự được trao giải thưởng danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị tại Việt Nam.

Bên cạnh giải thưởng chính, Đà Nẵng còn xuất sắc đoạt giải thưởng chuyên đề ở 3 lĩnh vực, gồm: thành phố điều hành, quản lý - hạ tầng - dịch vụ công thông minh; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng với Đà Nẵng, TP.HCM cũng được vinh danh ở lĩnh vực ứng dụng thông minh đã/đang triển khai/áp dụng thực tế đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội đối với Hệ thống thu phí sử dụng hạ tầng, công trình, dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển và thành phố Tây Ninh được vinh danh ở lĩnh vực thành phố điều hành và quản lý thông minh IOC.

tm-img-alt
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thu Trang

Theo báo cáo Bộ Xây dựng năm 2022, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh; hơn 40 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.

Hậu Giang khởi công gói thầu số 2 dự án cao tốc trục ngang

Chiều 29/11, tại xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp), Sở GTVT tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ khởi công gói thầu xây lắp số 2 của dự án thành phần 3 (thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1).

Theo Sở GTVT tỉnh Hậu Giang (chủ đầu tư), dự án thành phần 3 được chia thành hai gói thầu xây lắp. Đến nay, cả hai gói thầu đã hoàn thành công tác lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán.

Trong đó, gói thầu xây lắp số 1 gần 3.480 tỉ đồng đã tổ chức khởi công vào ngày 17/6, thời gian hoàn thành trong 46 tháng. Hiện nhà thầu đã triển khai các hạng mục, như: đào đất hữu cơ, thi công đường công vụ, tập kết máy móc thiết bị vào công trường... Cạnh đó, đang tập trung thi công các cầu: KH9, Xà No, cầu vượt Quốc lộ 61C, cầu Nàng Mau 2, cầu Thới An... Ước tổng khối lượng thực hiện khoảng 42 tỉ đồng.

Thông tin về gói thầu số 2 giá trị hơn 2.810 tỉ đồng, chủ đầu tư cho biết đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 1.130/1.150 hộ bị ảnh hưởng. Đồng thời, đã có 1.018 hộ bàn giao mặt bằng, với diện tích hơn 250ha đạt tỉ lệ 96,11%.

tm-img-alt
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức khởi công gói thầu xây lắp số 2 của dự án thành phần 3. (Ảnh: Internet)

Tại buổi lễ, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành, cùng với tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, tuyến đường này sẽ hình thành hai trục kết nối Hậu Giang với các tỉnh trong khu vực và cả nước, góp phần phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại.

Dự án cũng sẽ tạo ra không gian nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và là nền tảng để các tỉnh trong khu vực kết nối với cảng Trần Đề xuất khẩu hàng hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và kêu gọi nhân dân nơi có dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo làn sóng mới trong thu hút đầu tư.

Chủ đầu tư, các đơn vị tham gia dự án phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể, triển khai từng hạng mục theo từng tháng, bám sát tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, có giải pháp xử lý ngay những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiến độ.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang khẳng định sẽ quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ của chủ đầu tư, huy động mọi nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh.

Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành, địa phương và nhân dân tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án; chia sẻ và tiếp tục đồng tình ủng hộ dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; tiến tới xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh đề nghị đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai từng hạng mục của dự án; bố trí nhân lực, máy móc thiết bị phục vụ tốt việc thi công theo kế hoạch đề ra; thực hiện chặt chẽ quy trình về kỹ thuật theo quy định; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Dự án đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang (Dự án thành phần 3) có điểm đầu tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, điểm cuối dự án tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp. Dự án đi qua huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp với tổng chiều dài 36,9 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.601 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1 đầu tư trước một bên với quy mô 4 làn xe có dải phân cách giữa, chiều rộng nền đường 4 làn xe là 17m.

Dự án có 3 nút giao liên thông để kết nối với mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh là nút giao với Quốc lộ 61C tại xã Tân Hòa, nút giao với đường bộ cao tốc Cần thơ – Cà Mau tại xã Bình Thành và nút giao với đường tỉnh 927 tại thị trấn Cây Dương.

Dự án thành phần 3 chia thành 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu xây lắp số 1 đã tổ chức khởi công ngày 17/6/2023 do Liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là đơn vị thi công, giá trị gói thầu là 3.479 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành gói thầu trong 46 tháng.

Trồng hơn 15.000 cây hoa hướng dương ở bờ sông Sài Gòn đón tết

Các công nhân đang tất bật với các công đoạn trồng hoa hướng dương từ xới đất, căng dây, trồng cây, tưới nước,.... Dự kiến, khu vực này sẽ hoàn thiện việc trồng 15.000 cây hoa hướng dương.

Các cây hoa hướng dương có chiều khoảng 30 cm theo luống, các cây này đã được ươm tại vườn hơn một tháng. Để giữ cành cây đứng thẳng không bị gió quật ngã, công nhân cắm thêm cây đỡ, giăng dây cố định.

Khu vực trồng cây trên bãi đất trống dọc bờ sông Sài Gòn gần cầu Ba Son, khu đô thị Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, phía đối diện là công viên Bạch Đằng, quận 1.

tm-img-alt
Trồng 35.000 cây hoa hướng dương dọc bờ sông Sài Gòn.  (Ảnh: Internet)

Theo kế hoạch, đợt 1, đơn vị thi công dự kiến trồng khoảng 15.000 cây hoa hướng dương để phục vụ người dân dịp Tết Dương lịch 2024. Sau đó sẽ tiếp tục trồng bổ sung cho đợt 2 để phục vụ người dân tham quan chào đón Tết Nguyên đán. Dự kiến tổng 2 đợt sẽ trồng khoảng 35.000 cây hoa hướng dương.

Cây hướng dương sau khi trồng được các công nhân tưới nước hai lần mỗi ngày, vào sáng sớm và buổi chiều. Dự kiến hoa nở rộ vào giữa tháng 1 Dương lịch, một số cây có nụ có thể nở sớm hơn.

Ngoài hạng mục trồng hoa hướng dương, UBND TP Thủ Đức còn san lấp mặt bằng, làm bó vỉa hè, chiếu sáng, xây công viên ven sông cùng với các công trình cầu tàu, công viên đá, đài phun nước...

BTV

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...