Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/11/2023

MTĐT -  Thứ năm, 30/11/2023 16:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 30/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Không khí lạnh tiến sát biên giới, miền Bắc chuyển rét trong nhiều ngày tới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (30/11), bộ phận không khí lạnh đã tiến sát đến biên giới phía Đông Bắc nước ta. Dự báo khoảng chiều tối ngày 30/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6.

Từ đêm 30/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.

tm-img-alt
Miền Bắc chuyển rét từ đêm nay, kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trên biển, từ chiều tối ngày 30/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2,0-3,5m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Từ ngày 01/12, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-5,0m, biển động.

Về diễn biến mưa lớn ở miền Trung, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ chiều tối ngày 30/11 đến ngày 02/12, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và Bình Định đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 200mm; khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm.

Chất lượng không khí Thủ đô nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng

Sáng ngày 30/11, Hà Nội tiếp tục bao phủ bởi bụi mịn. Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Cũng trong ngày này, theo bảng xếp hạng của hệ thống quan trắc chất lượng không khí AirVisual Hà Nội là thành phố xếp thứ 2 về ô nhiễm không khí chỉ đứng sau Thành phố Lahore (Pakixtan).

Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí khác cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm của Hà Nội ở mức có hại ở mức đỏ và mức rất có hại - tím. Một vài nơi còn hiển thị mức độ ô nhiễm ngưỡng nguy hại – mức cao nhất và nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí.

tm-img-alt

Điểm đo tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy), hai điểm đo tại Tây Hồ và điểm đo ở Trâu Quỳ (Gia Lâm) đều ghi nhận chỉ số AQI ở mức nguy hại. Ngoài ra, Hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở ngưỡng rất xấu và nguy hại tại Hà Nội.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay (30/11), bộ phận không khí lạnh đã báo tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Khoảng chiều ngày 30/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6.

Từ đêm 30/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.

Để chất lượng không khí xấu trên địa bàn thủ đô không gây hại đến sức khỏe con người, Bộ Y tế khuyến cáo trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Phú Thọ: 20 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ tả sông Thao

Báo Nhân dân đưa tin, trước tình hình sạt lở kè Hợp Hải thuộc địa bàn xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao khiến nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và tiến hành xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở tại khu vực này.

tm-img-alt
Đơn vị thi công đang khẩn trương xử lý tình trạng sạt lở kè Hợp Hải thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

Để ngăn chặn kịp thời sự cố sạt lở, bảo vệ an toàn tuyến kè Hợp Hải, giữ ổn định tuyến đê tả sông Thao (đồng thời là Quốc lộ 2D), bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực, tỉnh Phú Thọ đã đầu tư 20 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp, kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở. Thời gian thực hiện từ nay đến hết tháng 3/2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng; khẩn trương chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai; rà soát, tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí để thực hiện công trình khẩn cấp.

Ủy ban nhân dân huyện Lâm Thao phối hợp các đơn vị liên quan, duy trì thực hiện việc cảnh báo, lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông (nếu cần thiết); thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; trường hợp phát hiện các hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phải báo cáo ngay về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; chịu trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (nếu có) để bảo đảm tiến độ thi công xây dựng công trình khẩn cấp; tiếp nhận và quản lý công trình sau khi công trình hoàn thành theo quy định….

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, tuyến kè Hợp Hải đoạn tương ứng từ Km78+500-Km79+500 đê tả sông Thao thuộc địa bàn xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao được đầu tư xây dựng từ năm 2006; chân kè bằng lăng thể đá hộc, mái kè bằng đá hộc lát khan trong khung bê-tông.

Tuyến kè có nhiệm vụ bảo vệ khu dân cư tập trung hiện có và bảo vệ trực tiếp tuyến đê tả sông Thao, đây là tuyến đê cấp II bảo vệ trực tiếp cho huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì.

Thông tin về vụ cá chết hàng loạt nổi trắng mặt ao ở Sơn La

Theo báo cáo của UBND huyện Mai Sơn, ngày 28/11, đoàn liên ngành của huyện đã phối hợp với UBND xã Mường Bon, Trung tâm Quan trắc - Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh tình trạng cá chết tại ao của hộ ông Nguyễn Bá Mạnh tại bản Mứn Đoàn Kết, xã Mường Bon.

Quá trình kiểm tra xác định, nguồn nước dẫn vào ao cá nhà ông Mạnh lấy từ nguồn suối chảy từ xã Chiềng Ban, Chiềng Mung chảy qua bản Lẳm Cút và bản Mứn Đoàn Kết. Lực lượng chức năng sau đó lấy 2 mẫu nước mặt tại suối, ao cá nhà ông Mạnh và một mẫu nước dưới đất của hộ ông Lò Văn Cới, bản Mứn Đoàn Kết (cách ao cá khoảng 200m).

tm-img-alt
Cá chết hàng loạt tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La).

“Nội dung phản ánh của báo chí về ô nhiễm nguồn nước suối khi vào niên vụ cà phê hàng năm và tình trạng cá chết tại xã Mường Bon là có cơ sở. Ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quả tươi của các hộ gia đình, cá nhân là vấn đề không mới và thường xuyên tái diễn khi vào vụ. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều khó khăn”, báo cáo UBND huyện Mai Sơn nêu rõ.

Theo UBND huyện Mai Sơn, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê quả tươi diễn ra từ đầu tháng 11 đến nay. Ngày 9-11/10, đoàn liên ngành của huyện kiểm tra địa bàn, tuy nhiên, thời điểm này chưa phát hiện trường hợp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tiếp đó, ngày 21/11, UBND huyện Mai Sơn phối hợp với tổ công tác của UBND tỉnh Sơn La kiểm tra, xác minh tình trạng ô nhiễm môi trường suối Hong, Khom Lốm trên địa bàn xã Chiềng Ban. Thời điểm kiểm tra, nước suối có màu đen, mùi hôi, bọt trắng, nghi ô nhiễm do nước thải sơ chế cà phê và nước thải sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã lấy 2 mẫu nước thải tại 2 vị trí để đánh giá, xác định nguyên nhân.

Ngày 22/11, UBND xã Chiềng Ban đã rà soát khu vực đầu nguồn suối dẫn về xã Chiềng Mai phát hiện 3 hộ hoạt động sơ chế cà phê không có giải pháp xử lý nước thải sơ chế cà phê. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động và niêm phong toàn bộ máy móc liên quan đến hoạt động sơ chế cà phê quả tươi.

Vào tối 22/11, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Mai Sơn kiểm tra đột xuất hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quả tươi của các cơ sở nhỏ lẻ tại xã Chiềng Ban, qua đó đã phát hiện hành vi xả nước thải sản xuất ra hệ thống thoát nước chung. Đoàn liên ngành đã lập biên bản, thu một mẫu nước để xác định mức độ ô nhiễm làm căn cứ xử lý, đồng thời yêu cầu đơn vị dừng hoạt động, khẩn trương khắc phục lỗi vi phạm.

UBND huyện Mai Sơn giao UBND xã Chiềng Mai, Mường Bon, Chiềng Ban, Chiềng Mung khuyến cáo người dân không thực hiện dẫn nước từ các suối bị ô nhiễm vào ao, hồ nuôi cá.

Đồng thời, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra hoạt động sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn, đình chỉ hoạt động sản xuất và xử lý các cơ sở không có các hồ sơ thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, không có các công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải (nước thải, bã vỏ cà phê) đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Kịp thời cứu sống 3 ngư dân bị chìm tàu trên biển

Chiều ngày 30/11, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng của đơn vị phối hợp với ngư dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã cứu thành công 3 ngư dân Quảng Ngãi bị rơi xuống biển do tàu cá bị chìm và đã đưa các ngư dân vào bờ an toàn.

tm-img-alt
Các ngư dân được cứu hộ, cứu nạn kịp thời đưa vào bờ an toàn và được chăm sóc y tế.

Theo đó, vào lúc khoảng 22h ngày 29/11, Đồn Biên phòng Roòn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nhận được tin báo về tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu: Qng 98024-TS, do ông Nguyễn Sỹ Bảy (SN 1969), quê xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi là chủ tàu khi đang trên hành trình vào cảng Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình để tránh trú gió to, sóng lớn.

Do thời tiết sương mù, tầm nhìn quan sát bị hạn chế nên tàu cá Qng 98024-TS của ông Nguyễn Sỹ Bảy đã đâm vào rạn đá khiến tàu bị nước tràn vào và chìm. Trên tàu lúc này ngoài thuyền trưởng là anh Nguyễn Tấn Tiến (SN 1973), quê xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi còn có 2 thuyền viên, đều rơi xuống biển.

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Roòn đã nhanh chóng triển khai lực lượng cùng phối hợp với ngư dân xã Quảng Đông đi tàu ra vị trí tàu cá đang gặp nạn để cứu hộ, cứu nạn. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được tàu gặp nạn và kịp thời cứu hộ, đưa các ngư dân vào bờ an toàn để chăm sóc y tế.

Hà Nội: Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón

Hiện một số hộ nông dân vẫn tự mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại các cửa hàng kinh doanh ở khu vực sinh sống. Theo bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai), khi mua thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết người dân đều không phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, đều phụ thuộc vào tư vấn của người bán hàng. Gia đình bà trồng 3 sào rau, vụ nào cũng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; khi có nhu cầu, chỉ cần kể triệu chứng sâu bệnh, chủ cửa hàng sẽ tư vấn dùng loại nào.

tm-img-alt
Kiểm tra sâu bệnh trên rau ở Thụy Hương huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Ảnh: NNVN

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 2 xưởng sản xuất gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, 139 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 101 doanh nghiệp phân bón, 92 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và gần 1.800 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhiều, trong khi thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ các tỉnh biên giới, giáp ranh với Hà Nội luôn có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát.

Bên cạnh đó, trình độ, nhận thức người dân còn hạn chế, khó phân biệt thuốc thật - giả mà chỉ sử dụng theo thói quen khi vào giai đoạn chăm sóc cây trồng; số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Để siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn, đại diện UBND huyện Thường Tín cho hay, huyện đã yêu cầu các xã khuyến cáo cho người dân mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, nông dân sau khi mua sắm vật tư nông nghiệp cần giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng, khi phát hiện có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng cần báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thông tin, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống nhân viên, kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức điều tra, nắm bắt tình hình lưu thông và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành