Chủ nhật, 28/04/2024 09:35 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/10/2023

MTĐT -  Thứ năm, 26/10/2023 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/10/2023. Cập nhật môi trường mới nhất hôm nay 26/10/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Điện Biên: Mường Lay diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn

Sáng nay 26/10, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng thị xã Mường Lay tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại phường Sông Đà.

Cuộc diễn tập được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tổ chức chuẩn bị ứng phó cháy rừng, họp bàn các phương án, kế hoạch. Giai đoạn 2, tổ chức thực hành chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.

tm-img-alt
Các lực lượng tham gia phối hợp với phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó, xử lý cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.

Tình huống giả định là: Thời tiết hanh khô kéo dài, một số bà con đốt nương và các đối tượng xấu chặt phá rừng đã gây hỏa hoạn. Người dân phát hiện cháy rừng đã hô hoán, đánh kẻng kêu gọi người dân xung quanh đến dập lửa. Đồng thời, ngay sau khi nhận được tin báo, Đảng ủy, chính quyền phường Sông Đà ngay lập tức tổ chức họp bàn, thảo luận kế hoạch, huy động lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” tiến hành khống chế, dập tắt cháy rừng.

Thông qua buổi diễn tập đã nâng cao năng lực lãnh đạo, ứng biến của cán bộ, người dân và các lực lượng trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm về tổ chức, phối hợp cũng như đề ra các phương án bảo vệ, phòng chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tiếp theo.

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

tm-img-alt
Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Trước khi tiến hành thảo luận, các ĐBQH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 chương, 86 điều, bổ sung 07 điều, bỏ 04 điều, tăng 03 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ý kiến các ĐBQH tập trung vào các nội dung như: Đề nghị quan tâm tới quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; làm rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt, gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh quốc gia; thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.

Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giải pháp phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt…

Đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trước khi Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Chương trình kỳ họp, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 25/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024./.

Bắc Giang: Chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 2 dự án

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Tổng diện tích đất rừng được chuyển mục đích sử dụng là hơn 2,1 ha để thực hiện 2 dự án gồm:

Dự án cải tạo đường dây 220 kV Nhiệt điện Phả Lại- Bắc Giang 1 mạch thành 2 mạch; địa điểm thực hiện trên địa bàn huyện Yên Dũng và huyện Lục Nam (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư).

Vị trí thực hiện thuộc khoảnh 4, tiểu khu 115 xã Đan Hội (Lục Nam); khoảnh 1, tiểu khu 7723 xã Lãng Sơn; khoảnh 1, tiểu khu 7702 xã Quỳnh Sơn và khoảnh 1, tiểu khu 7720 xã Trí Yên (cùng huyện Yên Dũng). Diện tích chuyển mục đích sử dụng là 0,1734 ha rừng trồng cây bạch đàn, keo. Chủ quản lý, sử dụng là hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng ổn định, lâu dài.

Dự án đầu tư tuyến đường kết nối từ đường tỉnh 295 đến quốc lộ 37 được thực hiện trên địa bàn 2 xã Tân Hưng, Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư).

Vị trí thực hiện thuộc khoảnh 20, tiểu khu 91C xã Hương Sơn và khoảnh 1, tiểu khu 7417 xã Tân Hưng. Diện tích chuyển mục đích sử dụng là 1,94 ha rừng trồng bạch đàn, keo. Chủ quản lý, sử dụng là hộ gia đình, cá nhân.

Động đất ở Quảng Bình diễn biến phức tạp

rung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, sáng ngày 25/10, xảy ra trận động đất 4 độ Richter tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cấp độ của trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.

Cụ thể, trận động đất xảy ra tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có độ lớn 4 độ Richter, tại tọa độ: 17,868 độ Vĩ Bắc - 106,392 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu 12km.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: động đất có thể được phân làm hai loại là có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân...

tm-img-alt

Qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.

Hiện tượng động đất kích thích từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi.

“Dự báo động đất ở Quảng Bình sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ Richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này”, ông Xuân Anh lưu ý.

Đồng thời cho rằng, trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hàng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Quảng Bình và lân cận. Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030

Tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực môi trường đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 về "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020". Trong trường hợp cần thiết trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định trên.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030 và lấy ý kiến của các địa phương, Bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã trình bày dự thảo Đề án. Đề án sẽ tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học môi trường trong quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường; sản xuất chế phẩm, vật liệu sinh học xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường; sản xuất sản phẩm sinh học và xử lý chất thải trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tái chế và sản xuất các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường. Qua đó, tạo ra sản phẩm sinh học và và sản xuất ở quy mô công nghiệp để phục vụ cho lợi ích của con người, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Quang cảnh cuộc họp

Trao đổi và góp ý tại cuộc họp, đại diện các các đơn vị liên quan thuộc Bộ TN&MT, các chuyên gia đều nhấn mạnh sự cần thiết của Đề án trong giai đoạn phát triển hướng đến bền vững, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái. Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, trong bối cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay, đề án cần có cách tiếp cận theo hướng bổ sung các mục tiêu về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và chú trọng hơn các sản phẩm công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao như nhiên liệu sinh học hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, nhựa sinh học, nguyên liệu sinh học thân thiện môi trường.

Ban soạn thảo đề án cần đánh giá các kết quả triển khai Quyết định 1160 và chỉ ra các hạn chế, nguyên nhân; làm cơ sở đề ra nhiệm vụ, giải pháp đúng và trúng; bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan cùng tham gia thực hiện Đề án. Việc đề ra các mục tiêu đến 2030 cần cụ thể hơn.

Ông Phan Việt Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cho phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đã đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc đưa các ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất quy mô lớn và trở thành một ngành công nghiệp có đóng góp đáng kể cho GDP của đất nước. Dù chỉ 1 sản phẩm của Việt Nam nhưng làm chủ toàn bộ thị trường thì đúng nghĩa với phát triển công nghiệp hơn. Đề án nên đặt mục tiêu với chỉ số về việc Việt Nam sẽ làm chủ bao nhiêu % thị trường hay số lượng sản phẩm bảo vệ môi trường xuất phát từ công nghiệp sinh học. Đồng thời, đề ra lộ trình xây dựng chính sách thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành này phát triển.

Cơ quan soạn thảo cũng nên nghiên cứu các văn bản khác để tăng cường mối liên kết giữa công nghiệp sinh học ngành môi trường với các cả những ngành, lĩnh vực khác. Từ đó, xác định các giải pháp kịp thời và đóng góp cho mục tiêu phát triển chung của đất nước đến 2030, tầm nhìn 2045.

Ông Lương Duy Hanh, Phó trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ TN&MT) nhấn mạnh, việc xây dựng đề án cũng cần bám sát Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị và các chương trình do Bộ Khoa học và công nghệ đang triển khai. Rất nhiều nội dung về công nghệ sinh học cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường. Một số vấn đề cần làm quy định rõ hơn có thể lồng ghép ngay vào sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường mà Bộ TN&MT đang hoàn thiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc xây dựng Đề án cần đảm bảo thực thi Quyết định số 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong quan điểm mới từ Nghị quyết số 36-MQ/TW của Bộ Chính trị. Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm làm rõ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ nào cần xử lý sinh học, lượng sử dụng chế phẩm sinh học hằng năm, thậm chí cụ thể loại chế phẩm nào nhập khẩu, loại nào Việt Nam có thể sản xuất, loại nào có hiệu quả, giá thành xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học... để khi đưa ra phương án công nghệ sinh học phải đi đôi giá thành và chất lượng. Đề án phải làm rõ sự cần thiết của việc phát triển công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường, mục tiêu đóng góp vào GDP, lộ trình phát triển và số lượng chỉ tiêu cụ thể.

Thứ trưởng chỉ đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm tiếp thu các ý kiến tại cuộc hop và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt để trình Chính phủ vào tháng 11 tới.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Phổ biến chính sách giảm nhựa cho ngành điện - điện tử

Tham dự hội nghị, các đại biểu được nghe ông Hoàng Văn Vy, Nguyên Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc (Bộ TN-MT) phổ biến thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường (BVMT) và chính sách giảm thiểu phát thải nhựa; nhà báo – diễn giả truyền thông Lê Quốc Vinh trình bày chuyên đề “chuyển đổi số trong các hoạt động truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa”. Cũng tại hội nghị này, các đại biểu còn có cơ hội trao đổi về công tác quản lý chất thải và giảm nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu còn có cơ hội trao đổi về công tác quản lý chất thải và giảm nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Quang cảnh hội nghị

Được biết, ngày 25/4/2019, Thủ tướng đã có thư kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Luật BVMT 2020 cũng dành hẳn Điều 73 để quy định các nội dung giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa….

Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50 cm và độ dày một lớp màng dưới 50 µm. Sau ngày 31/12/2030, phải dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần. UBND cấp tỉnh phải ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học...

Những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống trên Trái Đất

Nhung moi de doa nghiem trong doi voi su song tren Trai Dat hinh anh 1
Cá mập sống tại rạn san hô ở Khu bảo tồn biển Hol Chan, Ambergris Cay, Belize, Mỹ, ngày 7/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bản đánh giá về hàng loạt kỷ lục nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay - những hiện tượng mà giới khoa học cho rằng đang xảy ra với cường độ trầm trọng hơn dự báo, các nhà khoa học danh tiếng cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt ra "mối đe dọa" hiện hữu đối với sự sống trên Trái Đất.

Trong báo cáo đăng tải trên tạp chí BioScience ngày 24/10, hiệp hội các học giả quốc tế bày tỏ vô cùng bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời quan ngại về những điều sắp tới mà họ sẽ nghiên cứu. Nhóm học giả này cũng đánh giá: "Sự sống trên Trái Đất đang bị bao vây."

Qua phân tích dữ liệu gần đây về 35 dấu hiệu quan trọng của hành tinh, nhóm học giả trên phát hiện trong số này, có 20 dấu hiệu trong năm nay đều ở mức cực đoan chưa từng thấy.

Nhiều kỷ lục khí hậu trong năm 2023 có biên độ chênh lệch lớn so với các mốc kỷ lục từng ghi nhận trước đây, đặc biệt là nhiệt độ ở các đại dương, nơi hấp thụ gần như toàn bộ lượng nhiệt dư thừa do ô nhiễm không khí mà con người gây ra.

Chỉ cần nhiệt độ tăng khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Các tác động nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm các mối đe dọa đối với đời sống biển và các rạn san hô cũng như sự gia tăng cường độ của các cơn bão nhiệt đới lớn.

Đồng tác giả nghiên cứu Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức), nhấn mạnh nhiệt độ bề mặt nước biển được ghi nhận hoàn toàn vượt xa các mốc dự đoán trên biểu đồ và các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải hiện tượng này.

Với dự đoán năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục, nhiều khu vực trên khắp hành tinh đã hứng chịu các đợt nắng nóng chết người. Nhiều quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... bị ảnh hưởng của lũ lụt nghiêm trọng. Thậm chí tại một số nơi còn liên tiếp hứng chịu cả hai hiện tượng cực đoan này.

Báo cáo cho biết thêm tại Canada, các vụ cháy rừng kỷ lục có liên quan một phần đến biến đổi khí hậu. Những vụ cháy này đã thải ra nhiều carbon dioxide (CO2) hơn tổng lượng khí thải nhà kính của nước này trong cả năm 2021.

Cũng theo báo cáo, trước năm 2023, số ngày có nhiệt độ trung bình toàn cầu lớn hơn 1,5 độ C so với các mức ghi nhận trong thời kỳ tiền công nghiệp rất hiếm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến giữa tháng 9 vừa qua, đã có tới 38 ngày có mức nhiệt cao vượt ngưỡng đó.

Mục tiêu 1,5 độ C đầy tham vọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ được đo lường trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, tác giả chính của nghiên cứu này, Giáo sư William Ripple tại Đại học bang Oregon (Mỹ) cảnh báo thế giới có thể đang bước vào thời kỳ mà nhiệt độ hằng năm sẽ đạt đến mức cao đó hoặc thậm chí cao hơn, tiềm ẩn nguy cơ gặp nguy hiểm từ các vòng lặp phản hồi khí hậu và các điểm cực hạn.

Theo Giáo sư Ripple, "một khi vượt ngưỡng, những điểm cực hạn này có thể thay đổi khí hậu của chúng ta theo những cách khó hoặc không thể đảo ngược."

Những hệ quả này có thể bao gồm hiện tượng tan chảy các tảng băng ở Greenland và Tây Nam Cực; băng tan ở các vùng đất rộng lớn vốn đóng băng vĩnh cửu; diện tích các rạn san hô chết dần tăng lên...

Đồng tác giả nghiên cứu Tim Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống Toàn cầu tại Đại học Exeter (Anh) nhấn mạnh rằng có một số điểm cực hạn mà giờ đây con người không thể né tránh, song điều quan trọng hơn là hạn chế tốc độ gây thiệt hại.

Để làm được điều này, phải cắt giảm lượng khí thải và hạn chế mức tăng nhiệt.

Giáo sư Ripple nhận định "Nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhìn chung vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh như bình thường, thay vì ban hành các chính sách nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và duy trì sự sống trên Trái Đất."

Ông và các cộng sự hy vọng rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây sẽ giúp thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên Tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) sắp tới hỗ trợ cắt giảm lớn lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và tăng tài trợ cho việc thích ứng với khí hậu, đặc biệt là ở những khu vực dễ tổn thương nhất trên thế giới.

Trước đó, Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết ba tháng 7,8,9 của năm nay là quãng thời gian nóng nhất từng ghi nhận và có thể là nóng chưa từng có trong khoảng 120.000 năm./.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau