Thứ hai, 29/04/2024 10:25 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 25/10/2023

MTĐT -  Thứ tư, 25/10/2023 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Ngân hàng vẫn đổ tiền cho vay bất động sản: Gần 1 triệu tỷ đồng rót vào các dự án

Báo cáo của Bộ Xây dựng dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, về dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt gần 1 triệu tỷ đồng. 

Trong đó, các khoản dư nợ tín dụng tăng trong tháng 8 như đối với các dự án đầu tư xây dựng khi đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 266.248 tỷ đồng (tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7); 

Các dự án văn phòng đạt 40.622 tỷ đồng (tăng gần 700 tỷ đồng). Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 56.571 tỷ đồng (tăng 4.700 tỷ đồng). Dự án nhà hàng, khách sạn đạt 64.211 tỷ đồng (tăng gần 900 tỷ đồng). Xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 132.165 tỷ đồng (tăng 4.000 tỷ đồng). Đầu tư kinh doanh bất động sản khác 310.099 tỷ đồng (tăng 600 tỷ đồng).

Tuy nhiên dư nợ của một số khoản có xu hướng giảm như dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 53.860 tỷ đồng (giảm 1.600 tỷ đồng); cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 62.701 tỷ đồng (giảm gần 500 tỷ đồng).

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Đối với thị trường trái phiếu lĩnh vực bất động sản, tính đến ngày 15/9, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành (56.900 tỷ đồng). 

Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, lũy kế tính đến ngày công bố thông tin 31/8, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số). Trong đó, nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%).

Về nguồn vốn FDI "bơm" vào lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý III, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay vốn, nhu cầu hơn 25.800 tỷ đồng. 

Trong đó, 49 dự án nhà ở xã hội (NOXH) có nhu cầu vay hơn 24.600 tỷ đồng, còn lại là 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. 

Đến nay, một số dự án đã được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Trao đổi tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nêu 4 nguyên nhân khiến việc giải ngân chương trình 120.000 tỷ đồng còn chậm.

Thứ nhất, nguồn cung hạn chế. Hiện mới có 20/63 tỉnh thành công bố danh mục dự án NOXH, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ với tổng số 51 dự án. 

Bắc Giang: CSGT ra quân xử lý nghiêm vi phạm về “Nồng độ cồn”

Theo kế hoạch đề ra, tổng số cán bộ chiến sĩ được huy động vào tối ngày 24/10/2023 là 233 cán bộ, trong đó gồm 161 cán bộ chiến sĩ CSGT phối hợp với 59 đồng chí lực lượng Cảnh sát khác và 13 đồng chí Công an cấp xã, phường, thị trấn.

Để triển khai có hiệu quả, Phòng CSGT đã huy động 100% quân số trực tiếp tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm tại địa bàn thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang và chủ trì, phối hợp Công an huyện Việt Yên, Hiệp Hòa thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Kết quả lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý 184 trường hợp (18 ô tô, 166 mô tô) vi phạm TTATGT, gồm 151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (18 ô tô, 133 mô tô) và 33 trường hợp vi phạm khác. Cùng với việc lập biên bản vi phạm hành chính tại địa điểm vi phạm, lực lượng Công an sẽ tiến hành xác minh, làm rõ người vi phạm có phải là cán bộ, đảng viên, công chức hay không? Trường hợp phát hiện sẽ tiến hành thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục huy động tối đa lực lượng để tổng kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện trên đường vi phạm các quy định về nồng độ cồn” trên tất cả các tuyến, địa bàn.

Hy vọng, thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” trở thành ý thức thường trực đối với mỗi người.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 10.005 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong số này có 737 lái xe ô tô, 9.210 lái xe mô tô, còn lại là người điều khiển các phương tiện khác.

Qua đó xử phạt gần 50 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 5.882 trường hợp.

Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Yên Lạc

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Yên Lạc đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB, giúp các dự án triển khai thi công đúng tiến độ.  Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất (GPMB&PTQĐ) huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện, bồi thường GPMB các dự án, tập trung nhân lực và nguồn lực thực hiện công tác bồi thường GPMB. Hàng tuần, thường kỳ hàng tháng, đột xuất đều nghe các cơ quan, đơn vị chuyên môn huyện báo cáo tiến độ, kết quả, khó khăn vướng mắc và có hướng chỉ đạo kịp thời. Từ đó công tác bồi thường GPMB đáp ứng được yêu cầu đề ra.

tm-img-alt
tm-img-alt
Ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Ban GPMB&PTQĐ huyện Yên Lạc cùng đại diện cấp ủy chính quyền thị trấn Tam Hồng,  tổ chức hội nghị công khai Thông báo và lấy ý kiến trực tiếp người dân về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị Yên Lạc- Dragon City.

Theo Kế hoạch năm 2023, huyện Yên Lạc sẽ tổ chức thực hiện thu hồi đất GPMB với tổng số 24 dự án, dự kiến diện tích cần GPMB năm 2023 là 90,0 ha. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện 9 tháng đầu năm, Ban bồi thường GPMB&PTQĐ huyện đã nhận và triển khai GPMB với tổng số 38 dự án đã có hồ sơ, diện tích theo kế hoạch là 114,72 ha. Tổ chức thực hiện lập hồ sơ và GPMB xong 91,68ha/114,72ha, đạt 80,0%.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã ban hành 40 quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc (Dự án Cụm công nghiệp Trung Nguyên; Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông đoạn từ K17+950 đến K28+800, địa phận huyện Yên Lạc; Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng huyện Yên Lạc), tổ chức 03 vụ cưỡng chế KĐBB; 76 quyết định cưỡng chế thu hồi đất, UBND huyện đã tổ chức 03 cuộc cưỡng chế thu hồi đất (Cụm Cụm công nghiệp Trung Nguyên; Khu đô thị Yên Lạc – Dragon City; Khu đất dịch vụ, đấu giá QSDĐ tại khu đồng Đám, đồng Vác Giữa và đồng cây Châm thôn Chi Chi, xã Đồng Cương).

tm-img-alt
Sáng 19/9, lực lượng chức năng huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại Dự án Cụm công nghiệp Trung Nguyên

Theo Ban bồi thường GPMB&PTQĐ huyện Yên Lạc, để làm tốt công tác GPMB, công tác thu hồi đất, GPMB phải đảm bảo đúng quy trình, chế độ, chính sách quy định của nhà nước; tổ chức thanh toán chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB kịp thời đúng đối tượng được hưởng. Tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc, những kiến nghị của người dân liên quan đến chế độ chính sách bồi thường, vận động người dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình. Công tác GPMB bàn giao đất cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp với chủ đầu tư và người dân có đất bị thu hồi hoặc bị ảnh hưởng bởi công tác GPMB trên địa bàn; ưu tiên vận động, thuyết phục, tổ chức đối thoại đối với những trường hợp chưa đồng thuận, còn có ý kiến trái chiều trước khi thực hiện các bước thống kê, kiểm đếm hoặc trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Trường hợp khi đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định mà đối tượng có đất bị thu hồi vẫn cố tình không chấp hành thì cương quyết thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản liên quan.

tm-img-alt
Công tác thống kê, kiểm đếm đến thẩm định tài sản của người dân được huyện Yên Lạc thực hiện sát sao và minh bạch bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Trong quá trình triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB dự án, UBND huyện quan tâm, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu biết về chủ trương thực hiện dự án. Tổ chức các cuộc họp, buổi đối thoại trực tiếp và chuyển tới tay người dân các văn bản liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Qua đó để người dân hiểu và cùng phối hợp thực hiện.

Theo, ông Phạm Văn Hùng- Giám đốc Ban bồi thường GPMB&PTQĐ huyện Yên Lạc, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện đúng các quy định trong công tác GPMB nên đa số người dân có đất thu hồi ủng hộ việc thu hồi đất GPMB để xây dựng các công trình vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong những tháng tiếp theo, Ban sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện GPMB các dự án theo kế hoạch và các dự án mới phát sinh trong năm 2023, với diện tích 23,04ha. Đồng thời thực hiện cưỡng chế quyết định thu hồi đất, cưỡng chế quyết định kiểm đếm bắt buộc theo quy định.

Quảng Ninh: Đề xuất lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái

Trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3 tuyến đường sắt gồm:

Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài dự kiến 129km, khổ đường 1.000mm và 1.435mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.

Tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến 101km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Tuyến Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến 150km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại thành phố Hạ Long).

tm-img-alt
Quảng Ninh đề nghị lập quy hoạch đường sắt Hạ Long - Móng Cái để xúc tiến đầu tư (Ảnh: Internet)

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nay phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ thành phố Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.

UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc). 

Tuyến đường sắt này sẽ góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và thị trường ASEAN, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Từ đó UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái (hoặc bổ sung thêm đoạn Hạ Long - Móng Cái vào quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang được Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch) làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, cũng như để địa phương quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.

Nam Định: Trình Thủ tướng xem xét thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ

Theo nội dung Tờ trình, KKT Ninh Cơ nằm ở phía Nam tỉnh Nam Định, phía Bắc giáp các xã Hải Phú, Hải Cường, Hải Triều của huyện Hải Hậu; phía Nam giáp Biển Đông; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp giáp tỉnh Ninh Bình (xã Nam Điền của huyện Nghĩa Hưng) và giáp các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành, Nghĩa Tân, Nghĩa Phong của huyện Nghĩa Hưng và xã Hải Giang của huyện Hải Hậu.

KKT Ninh Cơ bao gồm 2 thị trấn, 7 xã và vùng bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, với quy mô 13.950 ha, được bố trí gồm 4 xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền, thị trấn Rạng Đông và khu vực bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng; 3 xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long thuộc huyện Hải Hậu. Tổng diện tích KKT Ninh Cơ là 13.950 ha, bao gồm tổng diện tích địa giới hành chính của 9 đơn vị cấp xã, thị trấn (8.767,25 ha) và vùng đất bãi bồi (5.182,75 ha).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Mục tiêu chung của Đề án: “Xây dựng và phát triển KKT Ninh Cơ trở thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển có tính đột phá, dẫn dắt cho kinh tế tỉnh Nam Định; một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng và trung tâm giao thương quốc tế gắn với các đô thị, công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của tỉnh và tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Các cơ chế, chính sách minh bạch, thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp, người dân; nơi nghiên cứu triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới trên địa bàn tỉnh Nam Định và cả nước”.

Về sự cần thiết thành lập KKT Ninh Cơ, UBND tỉnh Nam Định nêu ra nhiều cơ sở, trong đó Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiện đã bao gồm 19 Khu với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha. Đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập và đi vào hoạt động.

KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 (tại Quyết định 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008).

Theo nội dung Tờ trình Khu kinh tế Ninh Cơ nằm ở phía Nam tỉnh Nam Định, phía Bắc giáp các xã Hải Phú, Hải Cường, Hải Triều của huyện Hải Hậu; phía Nam giáp Biển Đông; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp giáp tỉnh Ninh Bình (xã Nam Điền của huyện Nghĩa Hưng) và giáp các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành, Nghĩa Tân, Nghĩa Phong của huyện Nghĩa Hưng và xã Hải Giang của huyện Hải Hậu.

Khu kinh tế Ninh Cơ bao gồm 2 thị trấn, 7 xã và vùng bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, với quy mô 13.950 ha, được bố trí gồm 4 xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền, thị trấn Rạng Đông và khu vực bãi bồi thuộc huyện Nghĩa Hưng; 3 xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long thuộc huyện Hải Hậu. Tổng diện tích Khu kinh tế Ninh Cơ là 13.950 ha, bao gồm tổng diện tích địa giới hành chính của 9 đơn vị cấp xã, thị trấn (8.767,25 ha) và vùng đất bãi bồi (5.182,75 ha).

Về đường bộ, Khu kinh tế có tuyến đường ven biển đi qua; kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và cao tốc Bắc - Nam. Về đường sông, Khu kinh tế Ninh Cơ là đầu mối giao thông vận tải thủy của vùng với 02 cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy. Về đường biển, Khu kinh tế này còn có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu (có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 300.000 DWT) phục vụ cho Khu kinh tế Ninh Cơ và đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khu vực và các tỉnh lân cận.

Về hàng không, Khu kinh tế kết nối thuận lợi với Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Trong phạm vi KKT đã xây dựng một số cảng nội địa bao gồm: Bến cảng Hải Thịnh (02 cầu dài 200 m năng lực thông qua khoảng 1,0 triệu tấn/năm), được xây dựng từ năm 1995 có thể cho tàu từ 400 - 2.000 tấn; Bến cảng cá Ninh Cơ (01 cầu dài 190m, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hậu cần nghệ cá); Bến cảng quân sự Thịnh Long (02 cầu dài 60 m năng lực thông qua khoảng 0,3 triệu tấn/năm) và 01 điểm chuyển tải xăng dầu ngoài cửa Lạch Giang cho tàu đến 48.000 tấn.

Vietnam Airlines mở đường bay Đà Nẵng-Don Mueang (Thái Lan)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan với lịch bay đa dạng hơn, từ ngày 29/11 tới đây, Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay kết nối Đà Nẵng với sân bay Don Mueang, sân bay lớn thứ hai của thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Theo đó, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay này với tần suất 7 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321. Các chuyến bay khởi hành từ Đà Nẵng lúc 20 giờ và khởi hành từ sân bay Don Mueang lúc 5 giờ 5 phút tất cả các ngày trong tuần.

Nhân dịp mở đường bay, Vietnam Airlines triển khai giá vé khứ hồi ưu đãi trên đường bay Đà Nẵng-Don Mueang từ 140 USD (tương đương 3,2 triệu đồng, đã bao gồm thuế, phí). Giai đoạn mua vé từ nay đến hết 31/12/2023, áp dụng cho thời gian khởi hành từ 29/11/2023 đến hết 31/3/2024.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ngoài ra, khi mua vé hạng Phổ thông linh hoạt trong giai đoạn này, hành khách sẽ được nâng hạng Thương gia miễn phí và được tặng thêm 1 kiện hành lý miễn cước bên ngoài tiêu chuẩn.

Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác 49 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay thẳng giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bangkok.

Thái Lan là điểm đến Vietnam Airlines có tải cung ứng nhiều nhất trong các đường bay đi Đông Nam Á của Hãng. Trong 9 tháng năm 2023, lượt khách vận chuyển trên đường bay giữa Việt Nam và Thái Lan của Vietnam Airlines tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2022, cho thấy sự phục hồi và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường này.

Là hãng hàng không quốc tế 4 sao tiêu chuẩn Skytrax, Vietnam Airlines cam kết tối ưu hóa trải nghiệm hành khách thông qua các sản phẩm, dịch vụ mới. Hãng đang tích cực nghiên cứu tăng tần suất, mở mới các đường bay nhằm hoàn thiện hơn nữa sản phẩm đường bay giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới.

TP.HCM: Đề xuất không giới hạn điểm đón của xe điện 4 bánh

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh (chạy bằng năng lượng điện hoặc xăng sinh học) phục vụ khách tham quan, du lịch ở TP.HCM.

Đồng thời kiến nghị một số giải pháp để khai thác hiệu quả hơn, phát triển xe năng lượng xanh trên địa bàn.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá sau thời gian thí điểm, xe điện 4 bánh đã phát huy những hiệu quả nhất định. Loại hình này đáp ứng nhu cầu của nhiều khách tham quan du lịch nội đô, khu đô thị mới.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Ảnh: Internet.

Dù vậy, xe điện 4 bánh còn gặp khó khăn, lượng khách đi lại trên các lộ trình còn thấp (nhu cầu sử dụng chủ yếu tập trung buổi tối, cuối tuần và ngày lễ) nên nhà đầu tư chưa đảm bảo chi phí hoạt động. Công ty Mai Linh đã ngừng thực hiện tuyến xe điện D1. Hiện nay cơ quan quản lý không kiểm soát được lộ trình, phạm vi và tần suất hoạt động xe thí điểm.

Hầu hết tuyến hoạt động theo lộ trình và biểu đồ xe chạy cố định nên không đáp ứng được nhu cầu khách, chưa có biện pháp đối với đơn vị tham gia thí điểm không thực hiện đúng đề án được duyệt hoặc không triển khai. Cơ quan chức năng không có công cụ kiểm soát xe thí điểm.

Trước những hạn chế trên, Sở Giao thông vận tải TP đề xuất không giới hạn điểm đón của xe điện 4 bánh. Xe 4 bánh chạy điện hoặc năng lượng sinh học có thể chạy trên các tuyến đường có bề rộng hạn chế lưu thông xe buýt, phục vụ kết nối giao thông công cộng.

TP.HCM có nhiều điểm tập trung cho khách du lịch trên địa bàn quận 1 (khoảng 30 vị trí, trung bình 5 vị trí/km2), quận 5 (khoảng 17 vị trí, trung bình 5 vị trí/km2). Cho nên việc hoạt động theo lộ trình và lịch trình cố định không phát huy được ưu điểm phục vụ linh hoạt theo nhu cầu của người dân và du khách trong khu vực thí điểm.

Sở Giao thông vận tải đề xuất TP.HCM chỉ quy định phạm vi hạn chế (không bắt buộc theo tuyến) và thời gian hoạt động đối với hoạt động của phương tiện này.

Về quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng tất cả phương tiện cần được đăng ký phù hiệu định kỳ hằng năm và sử dụng thiết bị giám sát hành trình như quy định dành cho ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp có ứng dụng phần mềm vận tải để hành khách đăng ký dịch vụ và cung cấp tài khoản cho cơ quan quản lý nhà nước theo dõi.

UBND TP sẽ quy định cụ thể về thời gian, phạm vi hoạt động, trình tự, thủ tục cho phép và tổ chức quản lý hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ. Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét các giải pháp nêu trên trong phối hợp với Bộ Công an, để đồng thời hoàn thiện hai dự án luật (dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ).

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 25/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.