Thứ hai, 29/04/2024 13:32 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/10/2023

MTĐT -  Thứ hai, 30/10/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/10/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 30/10/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Mưa lớn từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến ngày 1/11

Đêm qua và sáng nay 30/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 29/10 đến 8h ngày 30/10 có nơi trên 190mm như: Đức Hương (Hà Tĩnh) 284mm, Trường Xuân (Quảng Bình) 193mm, Trung Hải (Quảng Trị) 241.2mm,...

Cơ quan KTTV dự báo, từ ngày 30/10 đến đêm 31/10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 80-200mm, có nơi trên 300mm. Cụ thể, từ 10h sáng 30/10 đến 7h sáng 1/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có tổng lượng mưa từ 80-170mm, có nơi trên 250mm; khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng ghi nhận tổng lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 30/10, ở khu vực Nam Nghệ An, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

mua2-16986251870261058205278.jpg
Mưa lớn từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến ngày 1/11

Sáng cùng ngày, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, trong 24 giờ qua (từ 8 giờ ngày 29/10 đến 8 giờ ngày 30/10), khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đã có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Chợ Tràng 167,0 mm (Nghệ An); Phú Gia 302,0mm (Hà Tĩnh); Trường Xuân 193,2mm (Quảng Bình); Hiền Lương 246,2mm (Quảng Trị); Hồ Thọ Sơn 67mm (Thừa Thiên Huế), Hòa Hải 82,8mm (Tp. Đà Nẵng); Ba Điền 73,2mm (Quảng Ngãi); Cù Mông 72,0mm (Phú Yên)…

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cơ quan khí tượng cảnh báo trong 6 giờ tới (tính từ 8h40 sáng 30/10), khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, với lượng mưa tích lũy như sau: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định phổ biến từ 30-70mm, có nơi trên 100mm; Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế- xã hội.

Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức hoạt động “Đổi pin lấy cây”

Chương trình “Đổi pin lấy cây” do huyện Sóc Sơn tổ chức nhằm thu gom pin và các thiết bị điện tử hỏng để xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại. Theo đó, người dân mang 2 viên pin 2A hoặc 4 viên pin 3A sẽ đổi được 1 túi hạt giống hoa các loại.

Đồng đảo em nhỏ tham gia chương trình đổi pin lấy cây tại xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Đồng đảo em nhỏ tham gia chương trình đổi pin lấy cây tại xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Nếu mang 4 viên pin 2A hoặc 8 viên pin 3A, người dân sẽ đổi được 1 cây sen đá. Với 8 viên pin 2A hoặc 16 viên pin 3A sẽ đổi được 1 túi vải in thông điệp về môi trường. Còn với 10 viên pin 2A hoặc 20 viên pin 3A đổi được 1 cây trầu bà hoặc phú quý hoặc lưỡi hổ hoặc tương đương.

Mỗi người dân tham gia nhận tối đa 1 cây. Đây là hoạt động khuyến khích người dân phân loại và xử lý đúng đắn nguồn rác thải nguy hại. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của rất đông em nhỏ.

Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, đến ngày 30/9, người dân tại xã Phù Lỗ đã thu gom được hơn 20kg pin cũ. “Đây là hoạt động thiết thực nhằm duy trì xây dựng thói quen bảo vệ môi trường sống của chúng ta hôm nay và mai sau” - ông Toàn chia sẻ.

“Đổi pin lấy cây” nằm trong chương trình “Thu hồi pin cũ bảo vệ trái đất xanh” do một tổ chức phi chính phủ tổ chức triển khai tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tổng số có hơn 60 điểm thu hồi pin, trong đó huyện Sóc Sơn có điểm tại xã Phù Lỗ.

Theo nghiên cứu, mỗi viên pin thải loại ra môi trường sẽ làm ô nhiễm 1m3 đất và 500 lít nước trong vòng 50 năm. Trong pin chứa một số kim loại nặng như: thủy ngân, chì, cadimi, thạch tín… Chúng đều là chất cực độc gây hại nghiêm trọng tới não bộ, các cơ quan nội tạng và đặc biệt là khả năng sinh sản của con người...

Bắc Ninh và Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường

Vừa qua, đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác tỉnh Bình Thuận do đồng chí Phan Văn Đăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận dẫn đầu đến thăm, học tập kinh nghiệm xử lý rác thải tại tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh và Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường
Lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Ninh, Bình Thuận thăm khu điều hành của Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát điện tại thị xã Thuận Thành

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải vui mừng tiếp đón Đoàn công tác tỉnh Bình Thuận về thăm, học tập kinh nghiệm tại tỉnh. Đồng chí giới thiệu khái quát về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Song song với phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường và coi đây là yếu tố then chốt để giúp tỉnh phát triển bền vững.

Bắc Ninh và Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải trao quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Bình Thuận

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 4 dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải tập trung công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài, khi đi vào hoạt động sẽ xử lý cơ bản lượng rác thải phát sinh toàn tỉnh. Bắc Ninh phấn đấu là tỉnh đi đầu cả nước về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ cao đốt rác phát điện.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành chức năng trao đổi, làm rõ những vấn đề mà Đoàn công tác tỉnh Bình Thuận quan tâm như: Công tác quản lý, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt; việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường; xử lý lượng tro, xỉ phát sinh sau xử lý rác thải; chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư dự án Nhà máy đốt rác phát điện…

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian đón tiếp Đoàn, đồng thời, bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của Bắc Ninh, nhất là về phát triển công nghiệp- điểm sáng của cả nước. Những ý kiến chia sẻ là kinh nghiệm quý để tỉnh Bình Thuận áp dụng thực tiễn tại địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhân dịp này, Đoàn công tác tỉnh Bình Thuận khảo sát thực tế tại các dự án: Khu xử lý rác thải tập trung công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) và Khu xử lý rác thải tập trung công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ).

Sạt lở đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 30/10, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Lượng mưa đo được tính từ 7 giờ ngày 29/10 đến 7 giờ ngày 30/10/2023 tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh ở Hương Trạch là 103,0mm; Kỳ Anh 132mm; Sơn Kim ll 110mm; Chu Lễ 166mm; Hương Khê 204mm; Linh Cảm 212mm; Hòa Duyệt 88,0mm; Sơn Diệm 145,0mm; Hoành Sơn 84mm; Hương Sơn 137mm; thành phố Hà Tĩnh 35mm; Cẩm Nhượng 46mm.

Mưa lớn kéo dài đã khiến một số đoạn của tuyến đường sắt qua địa bàn xã Đức Liên sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở xuất hiện tại Km 354+900 đến Km 355+400 đoạn qua thôn Liên Châu. Hàng nghìn mét khối đất bị sạt lở, trôi xuống sông Ngàn Sâu.

Do sạt lở nên việc vận hành các tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngưng trệ, ngành đường sắt đã ra thông báo dừng tàu. Hiện, chính quyền địa phương đang phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường sắt để có phương án khắc phục sớm nhất.

tm-img-alt
Một số vị trí đường sắt bị xói lở nghiêm trọng.

Tại nhiều khu vực xảy ra tình trạng sạt lở như bờ sông Ngàn Mọ qua xã Cẩm Duệ bị dài 150m tại các thôn: Phương Tứ, Trung Thành, Quốc Tiến (huyện Cẩm Xuyên); đường giao thông nông thôn Tân Quang sạt lấp đường khoảng 30m, đường Hà Cát - Vĩnh Yên xã sạt lề đường 2 điểm dài khoảng 40m; sạt lở đất vườn đồi 3 hộ tại thôn Hà Cát và 1 hộ tại thôn Vĩnh Yên (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ); sập đổ tường rào của Trường Trung học Cơ sở Gia Hanh (huyện Can Lộc); sạt lở một số tuyến đường giao thông tại thị trấn Vũ Quang, xã Đức Bồng, xã Đức Hương (huyện Vũ Quang).

Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại một số địa phương miền núi. Tại huyện Hương Khê, một số cầu tràn bị ngập cục bộ như cầu Lim, cầu tràn đập Làng, xã Hương Bình; cầu tràn đập úc, xã Hương Xuân. Tại huyện Hương Sơn ngập một số tuyến đường giao thông nội đồng. Huyện Vũ Quang ngập một số tuyến đường giao thông nội vùng tại xã Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, khu tái định cư tổ 2 thị trấn - thông tin cho biết.

Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Vĩnh Linh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Để đảm bảo hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đạt theo yêu cầu về bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019-2020, huyện đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị tổ chức sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 1 đối với bãi rác tập trung của huyện tại Tiểu khu 548, xã Vĩnh Chấp, với kinh phí trên 12,8 tỉ đồng.

tm-img-alt
Thu gom rác thải trên đồng ruộng xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh

Trước đây, việc xử lý các loại chất thải rắn nguy hại trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng một số người dân khi sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật đã vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng. Để khắc phục tình trạng này, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và xây dựng kế hoạch, triển khai xử lý loại rác này.

Hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành hợp đồng với Công ty CP xử lý môi trường Nghệ An tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng. Đối với các loại chất thải nguy hại thuộc lĩnh vực y tế, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế xử lý bằng lò đốt nhiệt điện, tiến hành thu gom và xử lý chất thải y tế của 18 trạm y tế trên địa bàn.

Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường; huy động sự vào cuộc của các đoàn thể, tiêu biểu như các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” tới hội viên, đoàn thanh niên chung sức xây dựng NTM thông qua các phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, hội CCB với các đoạn đường tự quản...

Nhờ đó, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao; tỉ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 60%, tỉ lệ rác thải được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn đạt 93%.

Đặt ra mục tiêu có ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 80% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường, địa phương đã triển khai thí điểm mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tại xã Vĩnh Hòa với kinh phí trên 506 triệu đồng.

Bước đầu hoạt động, mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực và đang được định hướng nhân rộng trên toàn địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Hồ Xá với mức đầu tư 6 tỉ đồng. Hiện công trình đang được triển khai thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Đối với chỉ tiêu 100% điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn có hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định, hiện nay huyện đã được đầu tư xây dựng 18 mô hình điểm trung chuyển rác, xử lý rác thải, đã có 10 điểm hoàn thành đưa sử dụng và 8 điểm đang trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, đến thời hiện tại huyện vẫn chưa đạt tiêu chí số 7 về môi trường do còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo yêu cầu. Cụ thể như theo quy định phương pháp chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải đạt không quá 50% và áp dụng thêm phương pháp đốt hoặc chế biến phân vi sinh. Nhưng hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn vẫn đang thực hiện theo hình thức chôn lấp trực tiếp.

Hay như Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá hiện vẫn chưa có giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Để giải quyết các khó khăn nói trên, huyện đã xây dựng từng giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu. Theo đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác huy động, lồng ghép và bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 cho bãi rác tại Vĩnh Chấp, đầu tư nhà máy xử lý rác hoặc hợp đồng với đơn vị đủ năng lực thực hiện xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt.

Tiếp tục đề xuất, kiến nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thực hiện lập hồ sơ môi trường đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường cho Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá và đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn, xây dựng kế hoạch cải tạo môi trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu dân cư, cụm dân cư nông thôn sinh thái sáng- xanh- sạchđẹp. Tiếp tục duy trì các phong trào thi đua “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” thường xuyên, liên tục và coi đây là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong huyện.

Với việc triển khai tích cực những giải pháp về bảo vệ môi trường, huyện Vĩnh Linh phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 7 về môi trường vào cuối năm nay, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp , nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân và sớm hoàn thành 9/9 tiêu chí để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024.

Tỉnh Bạc Liệu tập huấn bảo vệ môi trường cho gần 100 người dân, đoàn viên - thanh niên

tm-img-alt
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đồng tài trợ thùng rác để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại địa phương.

Buổi tập huấn nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và người dân về công tác bảo vệ môi trường; qua đó vận động mọi người cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường góp phần hình thành nếp sống văn minh, tạo môi trường thông thoáng, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của địa phương, đơn vị.

Phát biểu tại lớp tập huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn - Trần Nguyễn Trường Giang mong muốn người dân nâng cao ý thức, chung tay BVMT, vì môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sự phát triển bền vững. Đối với đoàn viên - thanh niên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn đề nghị, mỗi người hãy là một tuyên truyền viên tích cực đến với gia đình, người thân, cư dân trên địa bàn trong việc BVMT, phân loại rác thải sinh hoạt.

Tại lớp tập huấn, đại diện Sở TN-MT đã hướng dẫn cho người dân, đoàn viên - thanh niên về quy định BVMT và thu gom, phân loại, giảm thiểu rác thải.

Dịp này, Ban tổ chức đã tặng 150 thùng rác để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho người dân tham gia lớp tập huấn.

Bến Tre tiếp tục công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển

Ngày 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam ký quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Theo đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) với tổng chiều dài khoảng 4,7 km làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân và 15 căn nhà ở gồm: sập hoàn toàn 4 căn, phải di dời đến nơi an toàn 11 căn. Đồng thời, làm hư hỏng hoàn toàn 100 mét đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650 mét bờ bao; diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535 ha. Trong đó, riêng đất rừng phòng hộ ven biển từ năm 2004 đến nay mất 16 ha và thiệt hại hoàn toàn 45 ha hoa màu của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Thực hiện việc sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

tm-img-alt
Bờ biển tại Bến Tre bị xâm thực ngày càng nhiều. Ảnh: Hòa Hội

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác ứng phó, xử lý, khắc phục sạt lở. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tri và các đơn vị có liên quan tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp sạt lở đúng theo quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về hiện trạng sạt lở bờ sông Giao Hòa, đoạn thuộc xã Giao Long và xã An Hóa (Châu Thành).

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...