Thứ hai, 29/04/2024 12:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2023

MTĐT -  Thứ ba, 31/10/2023 16:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 31/10/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Ngành vận tải biển tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu

Khó có thể xem nhẹ tác động của vận tải biển toàn cầu đối với biến đổi khí hậu. Vận chuyển hàng hóa đường biển chịu trách nhiệm cho gần 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu - tạo ra lượng carbon gần bằng con số của ngành hàng không.

Việc tìm ra cách hạn chế lượng khí thải đó thật khó khăn. Một số tàu thậm chí đang chuyển về phương thức cổ xưa: khai thác gió để di chuyển. Nhưng các con tàu vẫn cần một nguồn năng lượng ổn định hơn, đủ mạnh để đẩy chúng thực hiện hải trình có thể dài đến nửa vòng Trái đất.

Không giống như ô tô hay các phương tiện trên bộ, tàu không thể thường xuyên cắm điện đủ công suất để sử dụng năng lượng từ pin hay lưới điện. Chúng cần nhiên liệu sạch có thể di chuyển được theo tàu.

Laura là con tàu container khổng lồ, cao hàng chục mét. Quan trọng hơn, nó là bằng chứng sống động nhất cho nỗ lực của ngành vận tải biển thế giới nhằm giảm thiểu tác động của ngành này đối với sự nóng lên của hành tinh.

Con tàu thuộc sở hữu của hãng vận tải khổng lồ Maersk (Đan Mạch), được thiết kế với động cơ đặc biệt có thể đốt cháy 2 loại nhiên liệu: thứ nhất là loại dầu đen truyền thống đã cung cấp năng lượng cho tàu trong hơn một thế kỷ qua và thứ hai là nhiên liệu xanh hơn làm từ metanol. Bằng cách chuyển sang sử dụng metanol xanh, con tàu này sẽ thải ra ít hơn 100 tấn khí nhà kính mỗi ngày, tương đương với lượng khí thải của 8.000 chiếc ô tô.

tm-img-alt
Tàu container thải ra môi trường nhiều khí carbon. (Ảnh: Internet)

Laura Maersk là tàu đầu tiên sử dụng động cơ metanol xanh và thể hiện một bước quan trọng trong nỗ lực của ngành nhằm giải quyết vấn đề đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Con tàu cũng là một minh họa sống động cho thấy ngành vận tải toàn cầu phải nỗ lực đến đâu trong sứ mệnh bảo vệ môi trường.

Hiện thế giới có khoảng 125 tàu dùng nhiên liệu metanol đang được đặt hàng tại các nhà máy đóng tàu của Maersk và các công ty khác. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số hơn 50.000 tàu chở hàng chạy qua các đại dương mỗi ngày, vận chuyển 90% hàng hóa được giao dịch trên thế giới.

Tuy nhiên vận chuyển đường biển vẫn đem lại hiệu quả tốt. Vận chuyển hàng hóa bằng tàu container nửa vòng Trái đất tạo ra ít khí nhà kính hơn nhiều so với việc vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ nước Mỹ.

Điều đó đúng một phần vì quy mô của các tàu chở hàng hiện đại. Những tàu container lớn nhất hiện nay có kích thước lớn hơn cả tàu sân bay. Mỗi chiếc có thể chở hơn 20.000 thùng, có thể kéo dài 100 cây số nếu xếp thành một hàng.

Hiệu quả đáng kinh ngạc đó đã giảm chi phí vận chuyển và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại, cho phép các nhà bán lẻ như Amazon, Walmart, Ikea, Home Depot... đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm với mức chi phí thấp hơn trước đây.

Tuy nhiên, việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa dễ dàng đó đã phải trả giá bằng một hành tinh ấm hơn và bẩn hơn. Theo bà Teresa Bui (giám đốc chính sách khí hậu tại Pacific Environment - một tổ chức môi trường), ngoài việc ảnh hưởng đến bầu khí quyển, các tàu đốt nhiên liệu hóa thạch còn thải ra các chất ô nhiễm làm giảm tuổi thọ của phần lớn người sống gần các cảng trên thế giới.

Bà Teresa cho biết tình trạng ô nhiễm đó đặc biệt tồi tệ trong đại dịch COVID-19, khi tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng khiến tàu bè chen chúc bên ngoài cảng Los Angeles, gây ra tình trạng ô nhiễm tương đương với gần 100.000 giàn khoan lớn hoạt động mỗi ngày.

Một số công ty vận tải biển đã cố gắng cắt giảm lượng khí thải trong những năm gần đây và tuân thủ các tiêu chuẩn ô nhiễm toàn cầu mới bằng cách dùng nhiên liệu là khí tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, các nhóm môi trường và một số giám đốc điều hành vận tải biển cho rằng việc sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng tuy có sạch hơn nhưng vẫn góp phần gây ra biến đổi khí hậu và là một bước đi sai hướng.

Maersk và các công ty vận tải biển khác hiện coi dùng nhiên liệu xanh hơn như metanol, amoniac và hydro là giải pháp hứa hẹn nhất cho ngành. Maersk đang cố gắng cắt giảm lượng khí thải carbon xuống bằng 0 vào năm 2040 và đang cùng với các nhà đầu tư khác rót hàng tỉ USD vào nhiên liệu sạch hơn. Nhưng việc chuyển đổi - thậm chí sang metanol, loại nhiên liệu có khả năng thương mại hóa cao nhất hiện nay - không phải là điều dễ dàng.

Việc chuyển sang dùng metanol đòi hỏi phải đóng những con tàu mới hoặc trang bị động cơ và hệ thống lưu trữ nhiên liệu khác cho các con tàu cũ. Ngoài ra, các cảng trên khắp thế giới phải lắp đặt cơ sở hạ tầng mới để nạp nhiên liệu cho tàu khi cập bến.

Thị trường metanol xanh cũng đang ở giai đoạn sơ khai và không có gì đảm bảo rằng nhiên liệu mới sẽ được sản xuất với số lượng đủ, hoặc với mức giá phù hợp, để cung cấp năng lượng ổn định cho đội tàu chở hàng khổng lồ hoạt động trên toàn thế giới.

Có lẽ điều quan trọng nhất là cần phát triển toàn bộ ngành công nghiệp để sản xuất metanol xanh, vốn đang có nhu cầu cao từ các hãng hàng không và các nhà máy theo đuổi năng lượng xanh.

Tuyên Quang: Chủ động phòng, chống dịch bệnh lúc giao mùa

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện đang là thời điểm giao mùa, vi rút phát triển mạnh, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa tăng cao. Số lượng bệnh nhân khám các bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ... Những bệnh nhân nhiễm bệnh ở thể nhẹ, bệnh viện hướng dẫn về điều trị, cách ly ở nhà theo chỉ dẫn. Đối với bệnh nhân sốt cao lâu ngày, nhất là bệnh nhân có bệnh lý nền thì điều trị nội trú.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 10 nghìn ca mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 285 ca mắc, thủy đậu 550 ca mắc; tay chân miệng 308 ca mắc, gần 9.000 ca mắc Adeno vi rút (các bệnh như viêm họng, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, viêm phổi...).

Ghi nhận 4 ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, các ổ dịch đều được phát hiện xử lý kịp thời. Trước thực tế đó, ngành y tế đã ban hành kế hoạch cụ thể với các mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là cơ quan thường trực phòng, chống dịch bệnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.

tm-img-alt
Phun thuốc diệt muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ

Thông tin từ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời điểm giao mùa, một số bệnh truyền nhiễm tại địa phương đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thuyên giảm. Vì vậy, đơn vị đã chủ động chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế và cộng đồng để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Cùng với đó, trung tâm đã xây dựng phương án, kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch xảy ra; kiện toàn đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác giám sát, điều trị bệnh; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn sàng tiếp nhận cách ly điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, mỗi người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường sống, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Bắc Ninh: Tăng cường quản lý, phát triển, bảo vệ rừng

Hạt Kiểm lâm Gia Thuận (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng tại huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh. Để bảo đảm an toàn cho diện tích rừng, Hạt thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân về trồng rừng và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy - chữa cháy (PCCC) rừng. Qua đó, diện tích rừng trên địa bàn Hạt quản lý luôn được bảo vệ, phát triển tốt.

Tăng cường quản lý, phát triển, bảo vệ rừng
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Gia Thuận cùng lực lượng cộng tác viên kiểm lâm thường xuyên kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn quản lý.

Là một trong những hộ nhận khoán bảo vệ 0,83 ha rừng, ông Nguyễn Kim Minh, thôn Du Tràng, xã Giang Sơn (Gia Bình) thường xuyên kiểm tra, chủ động phát hiện các hành vi xâm hại đất và nguy cơ cháy rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: “Những năm trước đây do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ, PCCC rừng chưa cao nên xảy ra tình trạng rừng bị cháy, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây rừng.

Hiện nay, do được tuyên truyền nâng cao ý thức nên hiện tượng xâm hại đất rừng, đốt thảm thực vật gây nguy cơ cháy rừng, chặt phá rừng giảm. Tuy nhiên, tình trạng thanh niên, học sinh vào rừng ngắm cảnh, một số người dân tự ý đốt vàng mã dẫn đến nguy cơ cháy rừng nên chúng tôi vẫn phải thực hiện tuần tra đề phòng cháy rừng”.

Theo ông Trương Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn: Thực hiện các chương trình trồng rừng, phủ xanh theo dự án 327, dự án 661 và đề án phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của xã là 8,6 được trồng các loại cây như: Keo, thông và cây bản địa (lim, lát, de, dổi, long não, sấu, trám…), tỷ lệ rừng/diện tích đất lâm nghiệp của xã đạt 100%, độ che phủ rừng/diện tích đất tự nhiên của xã đạt xấp xỉ 2,7%, góp phần quan trọng trong việc phòng hộ, tạo cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngoài thành lập Ban chỉ đạo PCCC rừng, địa phương xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Gia Thuận (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) chỉ đạo các thôn thành lập các tổ, đội xung kích bảo vệ, PCCC rừng với lực lượng gồm các trưởng thôn, xóm, dân quân và các hộ tiếp giáp rừng; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; tuyên truyền rộng rãi đến người dân ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng và các biện pháp PCCC rừng nhờ đó đã nâng cao nhận thức của người dân về phát triển, bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 400 ha rừng tại các địa phương: Gia Bình, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh, Hạt Kiểm lâm Gia Thuận (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) tập trung chỉ đạo các Trạm kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần tra, giám sát địa bàn được phân công, thực hiện tốt công tác theo dõi, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời những biến động diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả, cung cấp cơ sở dữ liệu cho công tác thống kê lâm nghiệp, giúp cho chính quyền địa phương quản lý và chỉ đạo tốt các hoạt động liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Ông Trần Ngọc Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Gia Thuận cho biết: “Hạt phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, xâm hại đất rừng, kinh doanh, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, Hạt phối hợp với Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý rừng rà soát cắm 536 mốc quản lý, bảo vệ rừng; phát dọn vệ sinh giảm vật liệu cháy đối với hơn 14 ha rừng tại xã Lãng Ngâm, Đông Cứu; tổ chức tập huấn, tuyền truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng… Nhờ vậy, toàn bộ diện tích rừng do Hạt quản lý được bảo vệ an toàn, tình trạng xâm hại đất rừng giảm nhiều”.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp thời gian tới, Hạt tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng, chỉ đạo các trạm kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương cấp xã có rừng ban hành các văn bản trong quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Rà soát, kiện toàn các Ban chỉ đạo PCCC rừng các cấp, lập kế hoạch phương án PCCC rừng phù hợp từng giai đoạn nhằm ứng phó tốt nhất khi cháy rừng xảy ra; hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng, chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng chống chặt phá rừng, PCCC rừng, tăng cường kiểm tra địa bàn thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

Mưa lớn ở Quảng Bình làm chìm tàu cá

Vào khoảng 6 giờ sáng 31/10, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình nhận được thông tin tàu cá số hiệu QB-11393TS của anh Nguyễn Tiến Dũng (34 tuổi, trú tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) bị chìm khi đang neo đậu bên Cầu Nhật Lệ 1.

Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã cử cán bộ phối hợp với chủ thuyền, người dân địa phương triển khai các giải pháp để trục vớt tàu cá QB-11393TS. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, công tác trục vớt tàu đã hoàn thành.

tm-img-alt
Các lực lượng và người dân hỗ trợ trục vớt tàu cá bị chìm. Ảnh: B.T

Nguyên nhân được xác định ban đầu là do mưa lớn, gió to dẫn đến đắm tàu. Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to, nước trên sông Nhật Lệ dâng lên rất cao.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, mưa lớn kéo dài cũng khiến tình trạng sạt lở, ngập lụt và chia cắt cục bộ xảy ra tại một số địa phương tại huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa...

Bình Định, Quảng Ngãi tạm dừng tàu ra các đảo do thời tiết xấu

Ngày 31/10, Ban Quản lý cảng và Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ngãi tạm ngừng hoạt động tuyến đường thủy Sa Kỳ đi đảo Lý Sơn và ngược lại, do thời tiết xấu, biển động.

Ban Quản lý cảng và Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động thông báo việc tàu tạm dừng hoạt động vận tải thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Nếu khách đã mua vé trước sẽ được trả lại tiền vé hoặc dời vé sang chuyến khác, khi tàu hoạt động trở lại. Việc nối lại hoạt động tuyến giao thông này sẽ tùy thuộc vào tình hình thời tiết.

Ngoài tạm dừng hoạt động tuyến giao thông đất liền đi đảo Lý Sơn và ngược lại, tuyến giao thông đường thủy nội địa từ đảo Lớn (Lý Sơn) đi đảo Bé An Bình cũng tạm dừng hoạt động đến khi có thông báo mới.

tm-img-alt
Tàu thuyền từ Quy Nhơn ra vào xã đảo Nhơn Châu tạm dừng do thời tiết xấu.

Tại Bình Định, để đảm bảo an toàn, từ sáng 31/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Định đã cho tạm dừng tàu thuyền, ca nô du lịch tuyến đường thủy từ TP Quy Nhơn ra xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn.

Theo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, việc tạm dừng là do thời tiết xấu, sóng cao, biển động, đối với đò, ca nô du lịch hoạt động không đảm bảo.

Hiện nay, mỗi ngày sẽ có một tàu chở khách ra vào đảo Nhơn Châu khi thời tiết thuận lợi. Ngoài ra, có một chuyến đò chỉ chở hàng, vật liệu và nhu yếu phẩm cung cấp cho bà con xã Nhơn Châu.

Trong đêm 30 và sáng sớm 31/10, khu vực tỉnh Bình Định có mưa lớn, kéo dài liên tục nhiều giờ liền và giông. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, dự báo mưa lớn trong 24-48 giờ tới với lượng mưa từ 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Khu xử lý rác lớn nhất Đồng Nai lại kiến nghị giảm công suất

Văn bản của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi nêu, hiện Công ty tiếp nhận rác của 8 huyện, thành phố với khối lượng 1,2 ngàn tấn/ngày. Với khối lượng này, các ô chôn lấp theo quy hoạch cũ chỉ có thể chứa chất thải hết năm 2024. Công ty đã làm thủ tục để xin điều chỉnh quy hoạch nhưng nhanh nhất tháng 8-2025 mới được cấp giấy phép môi trường và đưa ô chôn lấp mới vào hoạt động.

tm-img-alt
Trạm xử lý nước thải trong khu xử lý Quang Trung

Vì lý do này, Công ty kiến nghị UBND tỉnh huy động các khu xử lý rác thải đang ngưng hoạt động tham gia xử lý rác thải sinh hoạt cho địa phương. Đồng thời, chấp thuận cho công ty giảm khối lượng tiếp nhận từ 1,2 ngàn tấn/ngày còn 600 tấn/ngày (giảm 50% công suất).

Khi đó, Công ty chỉ tiếp nhận rác cho H.Thống Nhất, TP.Long Khánh và một phần của TP.Biên Hòa (hơn 400 tấn/ngày); 5 địa phương: Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Tân Phú công ty ngưng tiếp nhận rác và không tham gia đấu thầu xử lý rác thải từ năm 2024.

Từ năm 2022 đến nay, Khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung ít nhất 3 lần kiến nghị giảm công suất. Các lần trước, công ty kiến nghị giảm xuống 800 tấn/ngày, lần này công ty kiến nghị giảm còn 600 tấn/ngày.

Ấn Độ: Thủ đô New Delhi có chất lượng không khí giảm mạnh

Theo giới chức Ấn Độ, New Delhi đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong mùa này và tình hình nhiều khả năng sẽ không cải thiện trong những ngày tới.

Thời gian qua, để cải thiện tình trạng ô nhiễm, chính quyền thủ đô đã triển khai chiến dịch chống bụi, hạn chế hoạt động xây dựng, phun nước để giảm bụi trong không khí. Tuy nhiên, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thành phố 20 triệu dân đã tăng lên 346/500, phản ánh chất lượng không khí rất kém.

tm-img-alt
Ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi (Ảnh: AFP)

Theo số liệu của chính phủ, tại một số khu vực của thành phố New Delhi, AQI đã vượt quá 400, cho thấy tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. AQI là chỉ số đo nồng độ bụi mịn PM2.5 - loại bụi có thể xâm nhập vào sâu trong phổi, gây ra các bệnh nguy hiểm như tim mạch và ung thư.

Nhà chức trách Ấn Độ cho biết việc đốt rơm rạ tại các bang láng giềng dù ít hơn so với năm ngoái, song vẫn góp phần dẫn tới tình trạng ô nhiễm tại thủ đô. Trong khi đó, thời tiết ít gió cũng khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Theo nghiên cứu do Viện Chính sách năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ) công bố vào tháng 8, New Delhi là siêu thành phố ô nhiễm nhất thế giới, điều này khiến tuổi thọ trung bình của người dân nơi đây giảm hơn 10 năm. 

Thống kê cho thấy có hơn 10 triệu xe đang lưu thông tại New Delhi, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Ấn Độ. Khí thải từ xe cộ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại đây.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.