Thứ bảy, 27/04/2024 05:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/1/2023

MTĐT -  Thứ ba, 10/01/2023 16:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2023.

Tầng ozone có khả năng phục hồi hoàn toàn trong vòng 40 năm tới

Theo bản đánh giá mới của Liên Hợp Quốc, lỗ thủng của tầng ozone, có nguy cơ khiến con người tiếp xúc với các tia cực tím có hại từ Mặt Trời, đang trên đà phục hồi hoàn toàn vào năm 2040 trên toàn thế giới, ngoại trừ các vùng cực.

Các vùng cực sẽ mất nhiều thời gian hơn, khi tầng ozone sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2045 ở Bắc Cực và đến năm 2066 ở Nam Cực. Theo AP đưa tin, tầng ozone bảo vệ Trái Đất đang phục hồi chậm nhưng đây là tín hiệu đáng mừng với tầng khí quyển của Trái Đất.

tm-img-alt
Ban tổ chức trao giải Nhất cho nhóm sinh viên Trường Đại học Trường KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

Kể từ giữa những năm 1970, một số khí được sử dụng trong các bình xịt và hệ thống làm mát (như tủ lạnh và máy điều hòa không khí) đã “bào mòn” tầng ozone. Năm 1989, gần 200 quốc gia đã nhất trí về Nghị định thư Montreal nhằm cấm các hóa chất gây phá hủy tầng ozone.

Sau báo động về sự suy giảm tầng ozone vào những năm 1980, lớp khí quyển này đã dần được cải thiện nhờ nghị định thư Montreal năm 1989. Đây là một thỏa thuận quốc tế đã giúp loại bỏ 99% các hóa chất làm suy giảm tầng ozone, chẳng hạn chlorofluorocarbons (CFC).

Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cho biết hành động được thực hiện đối với tầng ozone cũng đã thúc đẩy phản ứng trước cuộc khủng hoảng khí hậu.

CFC cũng là khí nhà kính và việc tiếp tục sử dụng không kiểm soát chúng sẽ làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới một độ C vào giữa thế kỷ này, từ đó làm trầm trọng hơn một vấn đề vốn đã nghiêm trọng.

Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết hôm 9/1: “Hành động vì tầng ozone đã tạo tiền lệ cho hành động khí hậu”.

>>> Xem thêm tại đây

Trao giải thưởng “Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững”

Ngày 9/1/2023, Lễ trao Giải thưởng "Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững" lần thứ nhất đã diễn ra long trọng tại TP.HCM.

Giải thưởng "Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững" là một chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh Xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) dành cho thanh niên các nước ASEAN, tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện các giải pháp đa dạng nhằm xây dựng một ASEAN hội nhập, thích ứng và phát triển bền vững.

Giải thưởng lần thứ nhất (2023), Ban tổ chức đã nhận được nhiều sáng kiến chuẩn bị công phu và có tính ứng dụng cao trong thực tế, tập trung vào giải quyết các vấn đề về đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho thanh niên sau Covid, doanh nghiệp nhỏ và sinh kế cho các nhóm thiệt thòi có ứng dụng kỹ thuật số, bảo vệ môi trường và các giải pháp dựa vào kinh tế số…

Tại Vòng chung khảo, có 9 sáng kiến được lựa chọn tham gia trả lời phỏng vấn và bảo vệ ý tưởng trước Hội đồng giám khảo. Từ đó, Hội đồng giám khảo đã đánh giá và tặng giải cho các sáng kiến của các cá nhân và nhóm tác giả đến từ Việt Nam và Indonesia. Các sáng kiến đạt giải cao sẽ được xây dựng và đề xuất, cùng các chuyên gia trong từng lĩnh vực mà sáng kiến đã đưa ra trong một năm tới đây.

Năm 2023 có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Ngày 9/1, Trung tâm dự báo KTTV quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022, nhận định xu thế KTTV 2023 và dự báo thời tiết trong dịp Tết Âm lịch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết:

“Trong năm 2022 có nhiều diễn biến liên quan đến các thảm họa liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu, lũ lụt, nắng nóng. Đặc biệt, 8 năm qua đang trên đà trở thành 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận, dù sự kiện La Nina kéo dài 3 năm nhưng tác động làm giảm nhiệt cũng chỉ trong thời gian ngắn và không đảo ngược được xu hướng ấm lên toàn cầu”.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị 

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm: Ở nước ta, nhiệt độ trung bình trên hầu khắp các tỉnh, TP phổ biến ở mức xấp xỉ trên so với TBNN, trong đó khu vực Điện Biên - Lai Châu cao hơn khoảng từ 0,5-1,0 độ; riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, số đợt nắng nóng lại thấp hơn năm 2021 với 14 đợt. Nắng nóng xảy ra muộn so với TBNN ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Bộ, các khu vực còn lại nắng nóng xảy ra xấp xỉ so với TBNN. Các đợt nắng nóng năm 2022 xảy ra trong thời gian ngắn, không kéo dài

Về lượng mưa, năm 2022 có 26 đợt mưa lớn, tần suất xuất hiện nhiều nhất trong tháng 4, tháng 9, đây cũng là hai tháng có các đợt mưa xảy ra ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước. So với năm 2021, số đợt mưa lớn diện rộng trong năm 2022 ở Bắc Bộ xảy ra nhiều hơn, nhưng ngược lại ở Trung Bộ và Tây Nguyên, số đợt mưa lớn diện rộng lại ít hơn so với năm 2021. Ở Nam Bộ tương đương so với năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đã chia sẻ về dự báo mùa thiên tai năm 2023.

Theo đó, năm 2023 hiện tượng La Nina còn duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%, những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng.

"Dự báo có khoảng 11-13 cơn Bão và Áp thấp nhiệt đới năm 2023 trên khu vực Biển Đông, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung", ông Hưởng cho biết.

>>> Xem đầy đủ bài viết tại đây

Gia hạn đăng ký dự án nhà máy xử lý rác tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang vừa có thông báo, Dự án Nhà máy xử lý rác tại xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang sẽ gia hạn thời gian cho các nhà đầu tư đăng ký nộp hồ sơ quan tâm đến 17 giờ ngày 20/1/2023.

Dự án nhằm thu gom xử lý rác và chất thải rắn phát sinh trên địa bàn TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên và các vùng lân cận theo công nghệ hiện đại. Quy mô đầu tư gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2035, công suất 200 tấn/ngày, công nghệ đốt rác tiêu hủy, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý <= 20%; giai đoạn 2 từ năm 2036 trở đi, điều chỉnh mở rộng công suất lên 500 tấn/ngày, công nghệ đốt rác tiêu hủy.

Tổng mức đầu tư dự kiến nếu sử dụng công nghệ thiết bị nhập khẩu là 483 tỷ đồng; sử dụng công nghệ thiết bị trong nước là 301,4 tỷ đồng.

>>> Xem thêm tại đây

Bắc Giang tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn vi phạm pháp luật về TN&MT

Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, Công an huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường; thông tin công khai, kịp thời họ tên, hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân bị xử lý.

Tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường chung, ngăn chặn tình trạng vứt rác thải, xác động vật chết bừa bãi ra các tuyến sông, kênh, ao hồ… làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng nguồn nước gây bức xúc trong nhân dân.

Tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm và khu vực công cộng, nạo vét kênh mương, thu gom, xử lý toàn bộ các điểm phát sinh rác thải, xác động vật chết không đúng quy định.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, rà soát, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất, hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất đai, khai thác đất san lấp mặt bằng, cát sỏi lòng sông trái phép, xả nước thải chưa qua xử lý, đổ trộm rác thải công nghiệp…

>>> Xem thêm tại đây

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/1/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới