Thứ bảy, 04/05/2024 08:18 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/6/2023

MTĐT -  Thứ hai, 12/06/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bắc Bộ sắp đón đợt mưa lớn

Sau những ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt trên 37 độ C, dự báo ngày 13/6, nắng nóng kết thúc ở Bắc Bộ.

Từ chiều tối và đêm hôm nay (12/6) đến hết đêm 14/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác dông với lượng mưa 90-150 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt, thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm.

tm-img-alt
Miền Bắc sắp hứng đợt mưa lớn. (Ảnh minh hoạ: Minh Đức)

Cụ thể, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ và Thanh Hoá từ 19h ngày 12/6 đến 19h ngày 13/6 là 40-70 mm, có nơi trên 100 mm; từ 19h ngày 13/6 đến 7h ngày 15/6 là 50-80 mm, có nơi trên 150 mm.

Từ 15/6, mưa lớn ở khu vực này giảm dần.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ ở Bắc Bộ và Thanh Hóa khả năng còn kèo dài đến khoảng 16-17/6.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn có thể gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trong khi Bắc Bộ có nơi mưa rất to thì miền Trung duy trì hình thái thời tiết nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt trong các ngày 13-14/6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-65%. Đợt nắng nóng này kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trong những ngày nắng nóng, vùng núi Trung Bộ khả năng xuất hiện mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh vào chiều tối.

Trên biển, ngày và đêm 12/6, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) mưa rào và dông. Trong mưa dông đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Nhiều địa phương tiếp tục bị sạt lở

UBND tỉnh Long An vừa công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ Tây, huyện Thạch Hóa. Những ngày qua, một số địa phương ở Lâm Đồng, Bạc Liêu và Đồng Tháp cũng bị sạt lở, ảnh hưởng lớn đến đời sống và việc sản xuất của người dân.

Theo TTXVN, ở bờ sông Cần Giuộc, tỉnh Vĩnh Long, sạt lở xảy ra đoạn ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc. Chiều dài sạt lở khoảng 70m. Khu vực này cũng xuất hiện nhiều vết nứt, từ lề đường sát nhà dân và lan ra giữa đường nhựa ĐT.826C. Hiện tượng này dẫn đến nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn của các hộ dân đang sinh sống xung quanh khu vực.

Đối với sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, khu vực đê bao liên ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình, huyện Thạch Hóa, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất xuống đáy sông từ 4-6m. Khu vực này còn xuất hiện nhiều vết nứt.

UBND tỉnh đã đề nghị địa phương chủ động theo dõi diễn biến sạt lở; thông báo đến người dân tình trạng khẩn cấp này; tổ chức điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đầu tư các cụm tuyến dân cư để di dời các hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.

tm-img-alt
Một vụ sạt lở. Ảnh minh họa: dongthap.gov.vn

Trước đó, một vụ sạt lở đã xảy ra tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây, thuộc các ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình làm sụp hoàn toàn một đoạn đường bê tông, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng trăm người dân sinh sống xung quanh.

Không chỉ Long An, nhiều địa phương khác cũng có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có đề xuất phương án khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông K’Rông Nô, đoạn qua xã Đạ M’Rông và Đạ Tông, huyện Đam Rông.

Tổng chiều dài sạt lở khoảng 1km, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của nhiều hộ dân trồng dâu tằm. Nguyên nhân của việc sạt lở là do biến đổi khí hậu, cường độ mưa lớn làm cho nước sông dâng cao đột ngột, chảy xiết.

Theo đề xuất này, kinh phí đầu tư dự án xây dựng kè bờ sông là 250 tỉ đồng. Trước mắt, tỉnh đề nghị UBND huyện Đam Rông tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về tình hình sạt lở để người dân biết và chủ động phòng tránh.

Trước đó, ở Bạc Liêu, trong hai ngày 7 và 8-6 vừa qua, kênh Cà Mau – Bạc Liêu xảy ra sạt lở gây ảnh hưởng hơn 100 hộ dân xung quanh. Ước tính thiệt hại ban đầu là hơn 500 triệu đồng.

Tại huyện Đông Hải, sạt lở xảy ra cuốn trôi khoảng 1.180m2 đất gồm nhà xưởng xây dựng tiền chế (mái tôn lạnh, khung sắt mạ kẽm), hồ xử lý nước thải (xây dựng bằng bê tông, cốt thép) cùng toàn bộ hàng rào xây dựng bằng bê tông của một công ty. Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 2 tỉ đồng.

Đối với khu vực sạt lở ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị địa phương cắm cảnh báo ở các vị trí có nguy cơ sạt lở, vận động di dời những hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, thống kê thiệt hại cụ thể từng hộ dân và có hướng hỗ trợ phù hợp.

Sông Đà cạn trơ đáy, phát lộ nhiều vật thể lạ nguy hiểm

Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình cho biết, những ngày qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều vật liệu nổ là đạn pháo tồn sót sau chiến tranh (được cho là từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp) do người dân tìm được dưới lòng sông Đà khi mực nước ở hạ lưu xuống thấp.

Thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND TP Hòa Bình xác nhận, những ngày vừa qua, do mực nước hạ lưu sông Đà giảm, người dân phát hiện một số quả đạn, pháo từ thời kháng chiến để lại.

tm-img-alt
Nhiều vật liệu nổ được phát hiện khi mực nước sông Đà xuống thấp. (Ảnh: Đại đoàn kết).

Theo đó, vào ngày 5/6 và 10/6, khi đi bơi tại khu vực sông Đà thuộc địa phận tổ 6 (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), người dân đã thu nhặt được gần 20 quả đạn pháo, đạn cối 80mm tại lòng sông thuộc khu vực hạ lưu sông Đà. Sau đó, người dân đã mang giao nộp cho các cơ quan chức năng thành phố.

Hiện toàn bộ số vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh mà người dân tìm thấy đã được Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình thu hồi, bảo quản để tiến hành hủy nổ theo quy định.

Trước sự việc trên, Công an thành phố Hòa Bình và Ban Chỉ huy quân sự thành phố đã đề nghị lực lượng chức năng các phường, xã khu vực hạ lưu sông Đà tổ chức tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm để người dân nắm bắt.

Đồng thời, lực lượng chức năng vận động, yêu cầu người dân không tự ý đến gần khu vực nguy hiểm để tìm kiếm các loại vật liệu nổ bán phế liệu; bố trí lực lượng canh gác, không để người dân đến gần khu vực có vật liệu nổ nguy hiểm.

Hàm Yên (Tuyên Quang) phát động phong trào phân loại rác

Vừa qua, Hội Nông dân huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức phát động Phong trào “Chung tay thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”; ra mắt mô hình “Phân loại xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ hộ gia đình thành phân bón tại nguồn” tại Chi hội nông dân thôn Khánh Hùng, xã Hùng Đức.

tm-img-alt
Hội Nông dân huyện Hàm Yên tặng thùng đựng rác cho các hộ gia đình thôn Khánh Hùng. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Hội Nông dân huyện Hàm Yên đã kêu gọi Hội Nông dân các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện Chỉ thị 01-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện uỷ về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ, lực lương vũ trang trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở và Phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Mỗi gia đình, từng người dân cùng có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường, tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải, không vức rác và túi nilon bừa bãi; sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định..

Tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”

Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về luật biển như: GS.TS - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Lập pháp Quốc tế của Liên Hợp Quốc; PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hợp Quốc; Ths Hoàng Việt, Chuyên gia luật biển Quốc tế, ĐH Luật TP.HCM và 200 bà con ngư dân địa phương...

tm-img-alt
Chương trình tọa đàm

Tọa đàm là diễn đàn để các ngư dân, các chuyên gia hàng đầu về luật biển, các nhà quản lý và cơ quan chấp pháp trên biển phân tích thực trạng, đóng góp ý kiến và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hưởng ứng “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 để gỡ thẻ vàng IUU” của Chính phủ.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Các sở, ban, ngành trực thuộc, các cơ quan Trung ương đóng tại địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện quyết liệt kế hoạch gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản, nâng cao nhận thức và ý thức cho ngư dân trong khai thác hải sản. Một điều mà chúng tôi rất lưu ý đó chính là những khó khăn của các cơ quan quản lý trong việc triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trên biển.”

Đồng hành cùng Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thăm hỏi động viên 3 hộ gia đình ngư dân thuộc xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có hoàn cảnh khó khăn, tặng 200 bộ quà tặng cho 200 ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi phần quà gồm: 1 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, 1 bộ ắc quy và đèn led, 1 áo phao và 1 túi thuốc chống nước cùng một số thuốc thông dụng giúp bà con xử lý nhanh các vấn đề sức khỏe khi đánh bắt trên biển; trao tặng 15 phần học bổng cho con em bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Long Điền (mỗi học bổng trị giá 2 triệu đồng).

Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển; qua đó, cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

2.600 cây Giáng hương khởi động dự án "Trồng cây xanh đô thị" tại Đà Nẵng

Đây là hoạt động khởi đầu dự án “Trồng cây xanh đô thị”, trồng 15.000 cây xanh tại các thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM, với tổng ngân sách 1,5 tỷ đồng nhằm giảm thiểu khí thải các-bon, góp phần phủ xanh đô thị và bảo vệ môi trường sống.

tm-img-alt
Dự án trồng hàng nghìn cây xanh tại xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang

Tại lễ phát động, các đơn vị cùng chính quyền địa phương đã trồng 2.600 cây Giáng hương trị giá 400 triệu đồng tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Khương của H. Hòa Vang. Đây là hoạt động khởi đầu dự án "Trồng cây xanh đô thị", trồng 15.000 cây xanh tại các thành phố lớn của Dai-ichi Life Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng nhằm giảm thiểu khí thải carbon, góp phần phủ xanh đô thị và bảo vệ môi trường sống.

Nỗ lực cấp nước sạch cho nông thôn ở Ninh Thuận

Trong tổng số nhà máy nước sạch đang vận hành, có 9 nhà máy có công suất hơn 1.000m3/ngày, đêm, 31 nhà máy dưới 1.000m3/ngày, đêm và 2 hệ thống cấp nước thôn kênh bắc, kênh nam. Tổng lưu lượng 29.387m3/ngày, đêm.

Những ngày đầu mùa hè năm nay, đến Đội 1, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái để chia sẻ niềm vui với đồng bào Raglai nơi đây sau nhiều năm sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Ông Pi năng Hậu phấn khởi nói: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng hệ thống nước sạch dẫn đến tận nhà cho bà con sinh hoạt, đồng bào ưng cái bụng lắm. Nay, không phải vất vả đi xa chỗ ở để mua nước như trước đây”.

Gia đình ông Pi năng Hậu ở Đội 1, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống nước sinh hoạt sạch và đấu nối dẫn đến tận nhà để sử dụng.
Gia đình ông Pi năng Hậu ở Đội 1, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống nước sinh hoạt sạch và đấu nối dẫn đến tận nhà để sử dụng.

Năm 2009, Nhà máy nước Phước Hòa, huyện Bác Ái được xây dựng, cung cấp nước cho 150 hộ dân khu tái định cư thôn Tà Lọt. Đến năm 2012, nhà máy được nâng công suất để cung cấp cho khoảng 300 hộ dân và đến tháng 11/2021, được Quỹ cộng đồng phòng, tránh thiên tai và Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 3 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước lên công suất 100m3/giờ, cung cấp cho 428 hộ dân ở 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái và 658 hộ dân 2 thôn Tân Lập 1 và Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, nâng tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Bác Ái đạt 99,67%.

Nay, khu vực bếp nấu ăn, tắm, giặt trong mỗi căn nhà của đồng bào Raglai tại các thôn, xã thuộc huyện Thuận Bắc đều được xây dựng khang trang, sạch, đẹp rất nhiều so với chục năm trước.

Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy cấp nước sạch nông thôn, nước sinh hoạt được đấu nối dẫn đến tận nhà dân, nên đồng bào không còn lo lắng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.