Thứ bảy, 27/04/2024 01:24 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/8/2020

MTĐT -  Thứ tư, 26/08/2020 06:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/8/2020.

Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ

Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về Hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Cùng tham dự phiên họp trực tuyến tại các đầu cầu Hà Nội và New Delhi có lãnh đạo và quan chức các bộ, ngành và Đại sứ hai nước.

Phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần rà soát việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong hai năm qua (kể từ Kỳ họp thứ 16 tổ chức tháng 8/2018), đề ra những biện pháp và phương hướng hợp tác mới cho giai đoạn tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (26/1/1972 - 26/1/2022).

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, sự tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm/tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân. Trong giai đoạn chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 13/4/2020. Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước; thực hiện hiệu quả và sớm tiến hành tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017 - 2020 triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nhất trí cho rằng hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng phó đại dịch COVID-19 ở cả các kênh song phương và đa phương. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp của Chính phủ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời chia sẻ các biện pháp mà Chính phủ Ấn Độ đang triển khai. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hợp tác của Ấn Độ trong việc phối hợp thực hiện công tác lãnh sự và bảo hộ công dân của mỗi nước.

Hai bên nhất trí quan hệ quốc phòng, an ninh là một trong những lĩnh vực hợp tác trụ cột và hiệu quả của quan hệ song phương, đánh giá cao các cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng, Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam - Ấn Độ.

Phía Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Ấn Độ thời gian qua giúp hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư là hợp tác trọng tâm cần thúc đẩy trong thời gian tới và đề nghị hai bên tích cực triển khai kết quả của kỳ họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp lần thứ 4 diễn ra tháng 1/2019; nỗ lực duy trì đà phát triển hợp tác thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD vào thời gian sớm nhất; sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cam kết xem xét thấu đáo đề nghị của Việt Nam về việc hạn chế và dỡ bỏ áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Hai bên nhất trí kêu gọi đầu tư trên những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên phát triển như công nghệ thông tin, năng lượng, hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Ấn Độ tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại, các gói tín dụng ưu đãi cũng như cung cấp các khóa đào tạo thiết kế riêng cho Việt Nam.

Hai bên ghi nhận hợp tác khoa học và công nghệ, năng lượng cũng như văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân còn nhiều tiềm năng phát triển; nhất trí sớm tổ chức Cuộc họp Nhóm công tác về Y tế nhằm hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác về y tế giữa hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao việc hai bên tích cực ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức, diễn đàn đa phương; cảm ơn Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Hợp tác Mê Công - sông Hằng; chúc mừng Ấn Độ đã trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và đánh giá cao vai trò Điều phối viên của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2018. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết đối với các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã ký Biên bản thỏa thuận của Kỳ họp. Hai bên cũng công bố hai văn kiện quan trọng được ký kết nhân dịp này gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Đào tạo Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tổ chức Hàng hải quốc gia Ấn Độ với Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam.

Tặng kỷ niệm chương cho chuyên gia UNAIDS và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam

Chiều 25/8, Bộ Y tế tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho bà Marie-Odile Emond-Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam, ông John Michael Blandford-Giám đốc và bà Paula Morgan-Phó Giám đốc cơ quan dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ.

Kỷ niệm chương nhằm ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nói riêng.

Bộ Y tế tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh trong thời gian qua ngành y tế Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ và ủng hộ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đến từ các tổ chức và các nước trên thế giới trong các lĩnh vực dịch tễ học, y tế dự phòng...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn những đóng góp của các chuyên gia trong suốt thời gian qua đã góp phần sự thành công của công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, điển hình như các vấn đề điều phối nguồn lực, hỗ trợ chính sách, tham vấn đối với các cơ quan của chính phủ để hình thành nên những chiến lược phòng, chống HIV/AIDS.

Bà Marie-Odile Emond sinh năm 1966, mang quốc tịch Bỉ. Bà đảm nhiệm vị trí Giám đốc Quốc gia của UNAIDS tại Việt Nam từ năm 2017.

Trong thời gian này, bà Marie-Odile Emond có nhiều đóng góp cho việc củng cố, tăng cường công tác điều phối ở cấp quốc gia như điều phối hoạt động của các nhà tài trợ để vận động nguồn lực và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tài trợ cho Việt Nam (PEPFAR và Global Fund); hỗ trợ về điều phối phòng, chống HIV/AIDS với Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Bà Marie-Odile Emond đã đóng góp tích cực vào việc giảm sự bất bình đẳng để không người dân Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau như ủng hộ quyền lợi của các trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV; vận động cho các giải pháp chính sách linh hoạt để tháo gỡ các rào cản trong tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị HIV.

Ông John Michael Blandford, Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam trong vai trò Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã thực hiện các chương trình đầu tư của CDC tại Việt Nam.

Ông khởi xướng và tiên phong trong việc sử dụng các kết quả K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) cho các ưu tiên về sức khỏe cộng đồng HIV trong toàn bộ chuỗi đa bậc HIV, từ bắt đầu điều trị, duy trì và tuân thủ điều trị; xây dựng chiến dịch K=K và chương trình y tế công cộng có liên quan như một mô hình toàn cầu.

Ông John Michael Blandford đảm bảo sự tham gia và quyết tâm để làm cho Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á cũng như dẫn đầu trong chương trình PEPFAR và là quốc gia thứ ba trên toàn cầu ban hành chính thức hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thực hiện truyền thông K=K. Ông cũng góp phần đưa CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt vị trí tiên phong trong việc thực hiện các chương trình PEPFAR trên toàn cầu…

Bà Paula Morgan, trong thời gian giữ vị trí Phó Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cùng với Giám đốc Quốc gia, đồng chỉ đạo việc xây dựng 4 kế hoạch hoạt động quốc gia hàng năm (COPs) của Chương trình PEPFARvà CDC giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo nguồn tài trợ cho chương trình HIV cho Việt Nam.

Bà đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam giám sát chương trình hợp tác về HIV qua hai giai đoạn, bao gồm Thỏa thuận Hợp tác CDC Hoa Kỳ-VAAC (2015-2019) và Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) (2020-2024). Bà cũng đã chỉ đạo và điều phối việc đưa xét nghiệm tải lượng virus thường quy và xét nghiệm mới nhiễm HIV vào áp dụng tại Việt Nam.

Tại lễ trao Kỷ niệm chương, các chuyên gia gửi lời cám ơn và thể hiện tin tưởng, với việc triển khai quyết liệt các cuộc vận động chính sách cũng như các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu Kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn trong thời gian tới các chuyên gia, tổ chức nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đối với công tác hợp tác quốc tế, ngành y tế Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đặc biệt, vị lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh ngành y tế Việt Nam sẵn sàng mở cửa, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức quốc tế với mong muốn hợp tác quốc tế, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn.

Đức thúc đẩy kế hoạch đánh thuế công nghệ trên toàn cầu

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ có thể được nhất trí ở tầm quốc tế trong những tháng tới.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới ngày 25/8 sau cuộc họp thường niên với những người đồng cấp từ các nước nói tiếng Đức ở châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, ông khá tin tưởng rằng kế hoạch đánh thuế các tập đoàn công nghệ có thể được nhất trí ở tầm quốc tế trong những tháng tới. 

Hồi tháng Một, 137 quốc gia đã nhất trí đàm phán thỏa thuận về cách thức đánh thuế các tập đoàn công nghệ vào cuối năm 2020 dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về hệ thống thuế mới của toàn cầu đã vấp phải sự phản đối của Mỹ.

Ông Scholz cho biết, Đức, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), đang thúc đẩy một thỏa thuận về thuế công nghệ cũng như một mức thuế tối thiểu trong vài tháng tới.

Ông nói ở thời điểm hiện tại, ông khá tin tưởng rằng có thể đạt được sự đồng thuận trên phạm vi quốc tế về cả hai vấn đề này.

Các nước lớn trong EU cho rằng nhóm GAFA, gồm Google, Apple, Facebook và Amazon, đang tranh thủ các quy định cho phép khai báo lợi nhuận ở các "thiên đường thuế", khiến các chính phủ mất đi một nguồn thu chính đáng. Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy và các nước khác đã áp thuế lên một số tập đoàn công nghệ lớn nhất.

Các quan chức Mỹ cho rằng động thái đánh thuế là sự phân biệt đối xử với các công ty Mỹ và nói rằng bất kỳ loại thuế mới nào cũng chỉ nên là một trong những cải cách đối với các quy định thuế của toàn cầu.

Đã có 172 quốc gia tham gia kế hoạch vaccine ngừa Covid-19

Theo đó, trong ngày 24-8 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 172 quốc gia tham gia kế hoạch mang tên COVAX do tổ chức này dẫn đầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

"Ban đầu, nguồn cung vaccine phòng dịch Covid-19 có thể bị hạn chế nên điều quan trọng là phải cung cấp vaccine cho những người dễ có nguy cơ lây nhiễm nhất trên toàn cầu”, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi họp trực tuyến.

Bên cạnh đó, ông Tedros cùng nhấn mạnh việc huy động thêm nguồn tài trợ đang trở nên cấp bách và các quốc gia cần đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc.

Cùng ngày, cố vấn cấp cao của WHO - Bruce Aylward cũng đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tham gia kế hoạch COVAX.

“Điều then chốt là phải bảo đảm các vaccine có thể được chuyển tới tất cả các quốc gia càng sớm càng tốt”, ông Bruce Aylward chia sẻ.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới