Thứ sáu, 03/05/2024 00:50 (GMT+7)

Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và những vấn đề đặt ra

MTĐT -  Thứ năm, 07/12/2023 14:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây là những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác này, nhất là kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quan điểm của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Biến đổi khí hậu cùng với tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển; đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh sinh thái, năng lượng, nước, lương thực... trên phạm vi toàn cầu và trở thành những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản gần đây nhất, nhiệt độ trung bình ở nước ta sẽ tăng lên ở mức khoảng 30C, mực nước biển dâng lên khoảng 0,6 m đến 1,0 m vào cuối thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu cũng làm dịch chuyển các vùng khí hậu, tăng tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn..., tác động nhiều mặt tới sản xuất và đời sống, nhất phát triển nông nghiệp truyền thống; an ninh nguồn nước và lương thực ở nước ta. Bên cạnh đó, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn ở nước ta. Đất đai bị thoái hóa, bạc màu, rửa trôi, xói mòn, hoang mạc hóa diễn biến nhanh.

Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước diễn biến phức tạp do khai thác, sử dụng không hợp lý, kém hiệu quả. Nhiều loại khoáng sản bị khai thác, sử dụng kém hiệu quả, thiếu quy hoạch, chủ yếu để xuất khẩu thô. Độ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng suy giảm mạnh, đặc biệt là rừng nguyên sinh; rừng ngập mặn ven biển bị tàn phá,lấn chiếm với tác động của quá trình sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, suy giảm mạnh, đặc biệt vùng ven bờ, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nghề cá ven biển. Ô nhiễm môi trường diễn biến hết sức phức tạp và đang trong chiều hướng gia tăng. Đa dạng sinh học suy giảm mạnh do diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp mạnh, số loài hoang dã bị mất và đe dọa tuyệt chủng tăng nhanh, nhiều nguồn gen bị suy thoái, các loài ngoại lai xâm hạn, rủi ro từ sinh vật biến đổi gen đang đe dọa làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra các định hướng lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội trên quan điểm phát triển bền vững. Theo đó, để cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Trung ương đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ "Điều tra, đánh giá, chuẩn bị cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình và xây dựng Đề án chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI.

Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 24-NQ/TW), Nghị quyết đã đưa ra các quan điểm lớn, đó là: "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội”.

Về phương thức tổ chức thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết đã chỉ đạo: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng. Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.

Đối với công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Nghị quyết đã đưa ra cách tiếp cận mới: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

Về quan điểm đối với quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, Nghị quyết đã chỉ ra: Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế.

tm-img-alt
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại Hội thảo "Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn"

Đối với công tác bảo vệ môi trường, Nghị quyết có quan điểm: Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội đã thay đổi nhanh chóng trong việc ứng xử với môi trường, tài nguyên và biến đổi khí hậu. Hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.

\Tư duy và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã chuyển mạnh từ thích ứng sang giảm phát thải khí nhà kính, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, các-bon thấp, đặc biệt là nước ta đã rất mạnh mẽ đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Theo số liệu thống kê, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng ngày càng hiệu quả hơn. Bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội. Công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm lớn và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường được thực hiện nghiêm. Môi trường nông thôn, khu cụm công nghiệp, làng nghề có nhiều chuyển biến tích cực.

Một số vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong tình hình mới

Trong 10 năm qua, biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, áp lực gia tăng dân số tiếp tục là những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động trực tiếp đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21; ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc; mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đang được cả thế giới ưu tiên thực hiện; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần tư, chuyển đối số, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp đã trở thành xu hướng cho phát triển bền vững.

Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái đang được triển khai cùng với Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal 2022 đề ra mục tiêu đến 2030 phải bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển với các biện pháp bảo vệ, bảo tồn ngoài khu bảo tồn đang được thế giới xây dựng, triển khai và thực hiện.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đưa ra những quan điểm nhất quán đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.

Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế, thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng trong nông nghiệp, thủy sản và phát triển rừng. Giảm thiểu những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long, lũ ống, lũ quét, sạt lở núi ở khu vực trung du, miền núi.

Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường để có khả năng vốn hóa các nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược. Tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn. Phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn suy thoái, tối ưu hóa các mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng và tăng độ che phủ rừng, nhất là duy trì độ che phủ rừng đầu nguồn; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Tăng cường và thực thi nghiêm chế tài xử phạt vi phạm về môi trường.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay và dự báo thời gian tới, chúng ta cần phải có những định hướng chỉ đạo mới theo hướng kế thừa những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 24-NQ/TW, đồng thời bổ sung một số nội hàm mới để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Một số đề xuất cụ thể như sau:

Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; cần được xem là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; là quyền lợi và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên phải gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, gắn với chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển hệ thống lương thực trách nhiệm, bền vững; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên. Cần tiếp tục hoàn thiện một cách đồng bộ, thống nhất hệ thống thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng; vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.

Thứ ba, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường phải là ưu tiên cao nhất trong các quyết định phát triển; phải ưu tiên đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, coi đó là đầu tư cho phát triển bền vững, chú trọng thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0”.

Thứ tư, môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.

Thứ năm, tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, theo nguyên tắc thị trường, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế, thân thiện với môi trường.

Nguyễn Duy Hưng
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2021

2. Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016

3. Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011

4. Văn kiện Đại hội X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006

5. Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

6. Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và những vấn đề đặt ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Môi trường

Cùng chuyên mục

Pin thể rắn có sớm thay thế pin truyền thống?
Mặc dù được coi là một sản phẩm không thể thiếu của xã hội hiện đại khi đem lại sức sống cho các thiết bị điện tử dân dụng cũng như xe điện, pin thể rắn vẫn còn là một thách thức chưa dễ hóa giải.
Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.