Thứ hai, 29/04/2024 10:17 (GMT+7)

Về Hải Phòng, ngắm cây Hạnh phúc nở hoa

Khải Anh -  Thứ hai, 20/11/2023 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu bạn có dịp đến trường TH Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) những ngày này, đừng quên dành ít phút ghé qua hành lang lớp 1A7 để ngắm nhìn cây Hạnh phúc nở hoa!

Cũng như các lớp học khác của trường TH Nguyễn Văn Tố, được nhiều phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm chung tay xây dựng nên những “khu vườn” xinh xinh, nho nhỏ tại khu vực mỗi lớp để cô trò được dạy và học trong môi trường thật sự xanh, sạch, đẹp, nổi bật trong “cánh rừng” đó là “khu vườn hạnh phúc” phía trước phòng học lớp 1A7.

tm-img-alt
Khu vườn hạnh phúc của cô trò 1A7.

Để có được một không gian tuyệt vời cho các con thư giãn sau những giờ học tập, ngay từ đầu năm học, các phụ huynh đã bớt nhiều ngày nghỉ cuối tuần để cùng cô giáo chủ nhiệm 1A7 Nguyễn Thị Hiền trực tiếp đi mua chậu, đất, cây cảnh về trồng.

Trước đó, cô giáo Hiền còn cùng các phụ huynh lên kế hoạch, ý tưởng, thiết kế “khu vườn”, đồng thời không quên làm vệ sinh, sửa sang phòng học để chào đón “những chú gà con”.

Cây Hạnh phúc nở hoa

Những ngày tháng 11/2023, cây Hạnh phúc sau 5 năm được đưa về trồng và chăm sóc bất ngờ hé nở những bông hoa đầu tiên.

Được biết, cùng với Kim Ngân; Nha đam; Phát tài phát lộc, cây Hạnh phúc là một trong 4 loài cây hiếm khi ra hoa. Bởi vậy, theo quan niệm, nếu chúng nở hoa thì đó là dấu hiệu tốt, là điềm báo hiệu may mắn sắp đến.

Là người đầu tiên “phát hiện” sự việc trên, cô Hiền thích thú cho biết, mỗi sớm đến lớp, cô đều dành một ít thời gian ra “vườn” nhặt tỉa lá khô, chăm bón, tưới cây cảnh để cây phát triển tốt. Thời điểm trồng cây Hạnh phúc, cô không mong cây sẽ nở hoa nhưng cô tin “mọi điều đều là hữu duyên, đủ nắng thì hoa sẽ nở, đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy”.

tm-img-alt
Hoa Hạnh phúc có hình dáng tựa những chiếc loa kèn nhỏ, màu xanh trắng dịu nhẹ nhìn rất tinh tế và đẹp mắt.

Hạnh phúc khi lần đầu được trực tiếp ngắm nhìn những bông hoa Hạnh phúc, cô Dương Thụy Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường thốt lên: đến cây Hạnh phúc cũng cảm thấy hạnh phúc và “phải” nở hoa.

Nói về “lý do” để cây Hạnh phúc nở hoa, ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng thực thể, cô Thụy Bình tin rằng, cây cũng như người, cũng có cảm xúc và cảm xúc sẽ thúc đẩy hành vi.

Và, điều đặc biệt ở cô Hiền đó là, không chỉ dạy các con “cách học” mà là rèn “nết người”. Bí quyết để cô làm cho tất cả các con trong lớp của mình trở nên toả sáng là cô luôn trao cho các con một niềm tin: “Cô tin là con sẽ làm tốt!”, “Cô biết là con có khả năng đó!”, “Cô nhìn thấy trái tim ấm áp của con đang rung lên kìa!”…

Người mẹ hiền thứ hai

Chị Phạm Thị Ngọt – một phụ huynh lớp 2A7 tâm sự, chia tay “mẹ Hiền” để lên lớp 2, đến giờ, con trai chị là bé Phạm Tấn Phát vẫn tự nhận mình là “con ruột thứ 3” của “mẹ Hiền” (Cô giáo Hiền có 2 con ruột - PV). Mỗi khi Tấn Phát ốm, con đều nhắc nhớ đến mẹ Hiền và đòi được ngắm ảnh mẹ Hiền rồi mới “yên tâm” đi ngủ. “Hôm trước, gặp lại mẹ Hiền, được mẹ thơm vào trán động viên, con phấn khởi lắm, về nhà líu lo “khoe” với cả nhà”, chị Ngọt kể lại.

Dù đã học đến lớp 4, cô bé Nguyễn Việt Quỳnh Chi mỗi khi tình cờ ngang qua lớp cũ, vẫn chạy lại sà vào vòng tay của mẹ Hiền. Con tự hào khoe: “Mẹ Hiền dạy con năm lớp 1 đấy. Mẹ yêu con vô cùng. Học ở lớp của mẹ Hiền rất vui. Dù con chỉ học mẹ 1 năm thôi, nhưng với con, mẹ Hiền mãi là người mẹ thứ hai của con”.

Theo chị Hà Son, phụ huynh em Hoàng Minh (lớp 1A7), cô Hiền không những truyền cảm hứng cho học trò mà còn lan toả năng lượng yêu thương đầy trí tuệ đến cho ba mẹ của các con. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng coi cô Hiền như người mẹ thứ hai của con mình và gọi cô bằng cái tên đặc biệt: “mẹ Hiền”.

tm-img-alt
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền dưới bóng cây Hạnh phúc. Cái tên giản dị của cô luôn xuất hiện trong tiềm thức của mỗi thế hệ học trò những ngày đầu tiên đi học.

Lẽ thường, với nhiều giáo viên, dạy lớp 1 là vất vả nhất, gian nan nhất bởi họ là người đặt những “viên gạch” đầu tiên giúp trẻ xây dựng nên “toà tháp” học tập cả cuộc đời. Nhưng cũng chính vì thế, cô giáo Hiền lại đặc biệt yêu thích và trở thành một “kiến trúc sư” tài ba. Cô Hiền mong muốn những “viên gạch” đầu tiên phải được đặt ngay hàng, thẳng lối, vững vàng làm “nền móng” cho những “giấc mơ xanh” cất cánh.

Quả vậy, suốt buổi chuyện trò với phóng viên, cô Hiền không chia sẻ về những thành tích mà cô đã đạt được trong những năm công tác như giáo viên viết chữ đẹp, giáo viên dạy Giỏi cấp Thành phố…, mà chỉ say sưa nói về “những đứa con” của mình đã chinh phục các giải thưởng danh giá ra sao…

tm-img-alt
 Mỗi thành công của học trò, đều ghi dấu “công đầu” của mẹ Hiền.

Ánh mắt lấp lánh niềm vui, cô Hiền nhớ lại: chỉ tính riêng năm học năm học vừa qua, học sinh lớp “mẹ Hiền” chủ nhiệm đã rinh về 22 giải thưởng. Trong đó có 2 giải cấp quận, 20 giải cấp Thành phố và Quốc gia ở các bộ môn: Sơn ca, Toán, Tiếng Anh, Cờ vua.

Đáng chú ý, tại kỳ thi Olympic Toán Singapore và Châu Á SASMO không dành cho lớp 1, em Trần Minh Quang đã đăng ký thi vượt cấp (lớp 1 thi Toán lớp 2) và đoạt Huy chương Đồng.

Còn năm học 2023-2024 này, mặc dù mới bắt đầu được hơn 2 tháng, lớp 1A7 của “mẹ Hiền” đã có 10 em ghi tên mình vào đến vòng Bán kết cuộc thi Tài năng Toán tư duy Hoa Kỳ Math Championship 2023.

Em Vũ Đình Hải Minh được nhà trường vinh danh vì đã có thành tích đoạt giải Khuyến khích kỳ thi Olympic Quốc tế ASMO.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến em Phạm Trường An với nhiều giải thưởng danh giá như Giải Bạc vòng Quốc gia kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế FMO (sẽ tham dự vòng thi Quốc tế vào 21/1/2024); An còn đoạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Quốc tế ASMO; Giải Khuyến khích vòng Quốc gia Olympic Tiếng Anh Đông Nam Á GELOSEA và lọt vào vòng Quốc gia Toán Quốc Tế TIMO.

tm-img-alt
 Mỗi đứa trẻ là một “thế giới” khác nhau, đòi hỏi các thầy cô phải tìm tòi phương pháp giáo dục phù hợp cho từng bạn.

Suốt 25 năm công tác, cô Hiền hiểu rằng, không phải bạn nào cũng tự tin, cũng sẵn sàng đeo ba lô vào lớp 1, mà có những bạn còn thích tự do chơi trò chơi ... Mỗi đứa trẻ mặc dù cùng lứa tuổi nhưng có xuất phát điểm khác nhau, vậy phải lấy gì để bù khuyết cho các con.

Cô Hiền quan niệm: “Trẻ đến trường không phải để học mà là để được sống hạnh phúc. Muốn làm được điều đó, tôi luôn luôn học hỏi, làm mới bài giảng của mình mỗi ngày, đặt mình vào suy nghĩ, cảm nhận của trẻ để thiết kế các hoạt động giáo dục sao cho luôn mới mẻ, bất ngờ, đầy cảm xúc, bởi vì cảm xúc thúc đẩy hành vi.

Để tạo ra các giờ học như vậy, tôi luôn nuôi dưỡng cho mình cảm xúc bình an và hạnh phúc. Người giáo viên hạnh phúc, yêu trẻ và yêu nghề sẽ truyền năng lượng tích cực và cảm hứng cho trẻ, để các con được thể hiện bản thân và toả sáng rực rỡ trong cuộc đời… Các con vẫn tưởng rằng chúng đang được “nhận” từ tôi nhưng thực ra, tôi mới là người được nhận về”, cô Hiền hạnh phúc nói.

tm-img-alt
 Cô Nguyễn Thị Hiền khoác áo ngoài cho học trò trước khi tan học.

Nữ Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Văn Tố - Nguyễn Thị Thắm cho rằng, đứa trẻ nào cũng tuyệt vời và quan trọng là thầy cô biết khơi gợi để chúng phát triển. Hơn hết, trẻ lớp 1 lại vô cùng nhạy cảm, chỉ có tình yêu thương vô điều kiện mới chạm tới trái tim non nớt của các con. “Việc nghiêm khắc với học trò là cần thiết, thậm chí có thể đưa ra những yêu cầu cứng rắn đối với học sinh cá biệt, nhưng tựu chung, các thầy cô giáo của nhà trường không chủ trương dùng đòn roi, quát mắng. Song, để làm được điều này, người giáo viên phải thực sự tâm huyết, mong cầu được hy sinh, được tạo ra và lan tỏa những giá trị về con người. Và, cô Nguyễn Thị Hiền đã làm được điều đó”, cô Thắm khẳng định./.

Bạn đang đọc bài viết Về Hải Phòng, ngắm cây Hạnh phúc nở hoa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.