Thứ sáu, 26/04/2024 22:04 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 5/12: Dự án vệ sinh môi trường gây ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 05/12/2017 17:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin môi trường ngày 5/12: Dự án vệ sinh môi trường gây ô nhiễm; Gia Lai: Cho ngừng hoạt động nhà máy gây ô nhiễm môi trường;...

Người dân “tố” Công ty Dệt Thiên An Phát ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường

Theo tin tức trên tờ Môi trường và Cuộc sống, Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may Thiên An Phát hoạt động liên tục với công suất lớn, có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhưng lại cho xả nước thải chưa qua xử lý theo mương nước phía sau công ty rồi chảy ra môi trường xung quanh. 

Nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu từ ống cống của Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may Thiên An Phát chảy ra mương nước

 Phía sau công ty này có một mương nước dài khoảng 20m. Nước bắt đầu từ miệng cống ở tường rào công ty theo con mương chảy ra ngoài. Nước tại đây có màu đen ngòm, sủi bọt và đóng thành từng lớp có mùi khó chịu.

Theo người dân sống gần khu vực, tình trạng xả nước thải của Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may Thiên An Phát đã diễn ra từ lâu thế nhưng lại không có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra xử lý.

Dự án vệ sinh môi trường gây ô nhiễm... môi trường

Thông tin đăng tải trên Báo Nhân dân cho biết, Dư luận nhân dân trên địa bàn TP Bắc Cạn (Bắc Cạn) thời gian vừa qua rất bức xúc trước tình trạng đơn vị thi công dự án vệ sinh môi trường trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xây dựng được hệ thống thu gom nước thải thì lại làm hỏng công trình khác, đó là mặt đường, lề đường hàng chục tuyến phố bị hư hỏng, nhưng không được khắc phục như hiện trạng ban đầu.

Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị với đơn vị thi công và các cơ quan chức năng của TP Bắc Cạn khơi thông dòng chảy nhưng ba tháng nay vẫn chưa được khắc phục, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhân dân bức xúc.

Gia Lai: Cho ngừng hoạt động nhà máy gây ô nhiễm môi trường

Theo Báo Chính phủ đưa tin, Do gây ô nhiễm môi trường, ngày 4/12, nhà máy tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam đã bị Sở TN&MT tỉnh Gia Lai yêu cầu ngừng hoạt động.  

Khu vực nhà máy xả thải trực tiếp ra suối Pờ Yầu

 Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai Phạm Duy Du, trước đây nhà máy này đã có đánh giá tác động môi trường theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử, hố gas đường ống xả nước thải của nhà máy bị bục nên nước thải đổ ra cánh đồng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chân đế của 3 hố gas đường ống quá mềm dẫn đến đường ống bị bục. Do nhà máy đang trong quá trình chạy thử nên Sở TN&MT tỉnh chỉ yêu cầu nhà máy dừng hoạt động và khắc phục hậu quả để người dân canh tác. 

Lâm Đồng: Cải tạo hồ cấp nước đang bị ô nhiễm nặng

Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương vừa đưa ra kế hoạch thu gom thuốc bảo vệ thực vật tại khu vực hồ Đankia - Suối vàng (thuộc huyện Lạc Dương). Đây là hồ cung cấp chủ yếu nước sạch cho hơn 50 ngàn người dân TP Đà Lạt nhưng đang bị ô nhiễm nặng.

Nguyên nhân chính là từ hoạt động sinh hoạt và canh tác của người dân ở vùng thương nguồn qua nhiều năm nay. Rác thải nông nghiệp chưa qua xử lý, trong đó có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã trang bị thùng chứa chất thải nguy hại theo quy chuẩn an toàn và ra quân thu gom vỏ, gói thuốc bảo vệ thực vật.

Đường vành đai núi Bà nhếch nhác rác thải

Hiện nay, tại con đường vành đai quanh chân núi Bà, đoạn từ Ma Thiên Lãnh qua Khu du lịch núi Bà Ðen, xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh xuất hiện nhiều đống rác thải, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Phần lớn rác thải là vải vụn và vỏ chai chứa trong bao rác bỏ ngay bên đường. Dọc theo đường này hiện rất ít người dân sinh sống, chủ yếu chỉ có những người đến làm rẫy vào ban ngày. Lợi dụng sự vắng vẻ nơi đây, những người kém ý thức đã mang rác đến vứt bỏ.

Ngoài ra, trên Quốc lộ 22 đoạn qua một số xã của huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh đang xảy ra tình trạng rác thải tràn lan trên đường. Mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành chỉ đạo thu gom rác thải, nhưng tình trạng này vẫn chưa có sự chuyển biến.

Tràn lan nạn đổ trộm phế thải

Theo tin tức trên tờ Người đưa tin, Thực hiện luật Xây dựng, luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý chất thải và phế liệu cũng như nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các mức phạt ngày càng cao.

Tuy nhiên, tại nhiều đường phố, nhất là những đoạn đường gần công trình xây dựng, dự án chưa hoàn thành, hay những tuyến đường thưa vắng người đi lại… đều có thể bắt gặp những đống phế thải xây dựng ngổn ngang. Ít thì là những bao tải dứa trên vỉa hè, thảm cỏ, dải phân cách… các tuyến đường trong nội thành, nhiều là những đống phế thải trút từ thùng xe ben xuống vệ đường như Đại lộ Thăng Long, các khu đô thị mới Kiến Hưng, Văn Phú, Thanh Hà…, bờ ven sông Hồng thuộc địa bàn các phường ngoài đê như Bạch Đằng, Thanh Lương.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố có 18 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có 6 khu đang hoạt động, 2 khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 10 khu đầu tư xây dựng mới. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa các dự án trên vào hoạt động. 

TRANG TRIỆU (TH)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 5/12: Dự án vệ sinh môi trường gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới