Thứ sáu, 26/04/2024 07:02 (GMT+7)

Bấp bênh nguồn sống Quan Lạn

Phan Ngân -  Thứ năm, 21/09/2017 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước quy định cấm xe túc túc từ ngày 1/1/2018, người dân trên đảo Quan Lạn đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp...

Gần 20 năm nay người dân của các xã trên đảo Quan Lạn sinh sống chủ yếu bằng nghề chạy xe túc túc. Số lượng xe trên toàn đảo có khoảng 300 xe phục vụ nhu cầu mưu sinh của hàng nghìn nhân khẩu.

Thế nhưng, trước quy định cấm xe túc túc từ ngày 1/1/2018, người dân trên đảo đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp…

Khó khăn vùng biên giới hải đảo

Nhận được phản ánh từ bà Hoàng Thanh Huyền (thôn Tân Phong, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) về việc nhân dân gặp khó khăn khi thực hiện quyết định cấm lưu hành xe túc túc, PV Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử đã trực tiếp tới Quan Lạn để ghi nhận tình hình.

Đơn thư phản ánh của người dân đảo Quan Lạn gửi Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử

 Từ bến Hòn Gai, con tàu tốc hành phải lướt sóng qua hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ của vịnh Bái Tử Long mới tới được Quan Lạn.

Ấn tượng đầu tiên của nhiều người khi bước tới hòn đảo ngọc này đó là hàng trăm xe túc túc đỏ chói đỗ dọc hai bên đường vào bến tàu chờ đón khách. Loại xe này không chỉ dùng để chở hàng hóa mà còn là loại xe chở khách đặc trưng trên đảo.

Những chiếc xe màu đỏ bên thân ghi những mã số mà người chủ xe tự đăng kí số . Cũng phải công nhận rằng chiếc xe này nhỏ gọn, không gian thùng sau xe có thể chở được 4 – 6 người, có khi chở được cả 8 người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Xe túc túc luồn lách vào tất cả những con ngõ nhỏ trên đảo, chòng chành trèo qua các đoạn đường mấp mô, có đoạn xe nghiêng ngả chực đổ ấy vậy mà lại giữ thăng bằng rất tốt, khó mà bị lật như các loại xe dùng trong du lịch khác.

Có lẽ vì hai chữ “phù hợp” mà túc túc tồn tại ngần ấy năm, rồi ăn sâu vào cuộc sống người dân đảo.

Hình ảnh xe túc túc xếp thành hàng dài kín hai bên đường trở lên quen thuộc gần 20 năm nay

 Trò chuyện với PV, anh Phạm Văn Tuyên – người lái xe túc túc lâu năm trên đảo Quan Lạn tâm sự: “Từ khi có loại xe này cuộc sống của dân đảo mới khấm khá đôi chút, không biết tự bao giờ, nhắc đến du lịch Quan Lạn là nhắc đến những chiếc xe này”.

Một năm người dân cũng thu về được khoảng 20 – 30 triệu/1 xe túc túc, vì thế nhà nào cũng có 1 tới 2 chiếc xe để sinh nhai".

“Nếu tới vào mùa du lịch ngoài đường lúc nào cũng có hàng trăm xe chạy liên tục. Vậy mà vẫn không đáp ứng được hết lượng khách, khách thường nói với chúng tôi là rất thích cảm giác ngồi trên xe túc túc đi lòng vòng quanh đảo, như đi dạo phố cổ bằng xích lô ấy” – anh Tuyên hào hứng.

“Thế nhưng giờ chúng tôi sắp phải thay thế xe túc túc này bằng xe điện rồi, mà xe điện khá đắt, không biết dân đảo có xoay sở kịp không. Xe túc túc bị cấm khiến cả xã đảo này lo lắng bao ngày nay rồi” – buông một tiếng thở dài, anh kể.

Ngoài công việc bám biển thì người dân nơi đây chỉ biết dựa vào mùa du lịch để chạy xe túc túc kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, vừa qua huyện Vân Đồn đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về Trật tự ATGT nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân trên địa bàn các xã đảo.

Theo đó, từ ngày 10/8/2017 đến hết ngày 31/12/2018, các lực lượng chức năng của huyện Vân Đồn sẽ tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có các hành vi vi phạm các quy định về TT ATGT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung vào 5 xã đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.

Đặc biệt, cán bộ, nhân dân tự giác chấp hành quy định không mua bán, sử dụng các phương tiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không sử dụng phương tiện đã hết niên hạn sử dụng; chấm dứt lưu hành sử dụng xe 3 bánh (xe lam) trên địa bàn huyện từ ngày 1/1/2018.

Như vậy, đến đầu 2018 là hàng trăm xe túc túc tại Quan Lạn và các xã lân cận như Minh Châu, Ngọc Vừng đều phải dừng hoạt động. Từ khi nhận được quyết định, không khí lo lắng bao trùm nơi làng biển.

Chính quyền đẩy cái khó cho người dân

Thay mặt cho hơn 130 hộ có xe lam trên xã Quan Lạn, bà Hoàng Thanh Huyền trình bày trong đơn thư: “Trên đảo tìm một công việc làm rất khó khăn, bản thân chúng tôi trình độ thấp, bằng cấp không có. Do vậy chỉ biết lao động bằng chân tay để kiếm sống ngày hai bữa.

Nhưng đến ngày 23/8/2017, chúng tôi được UBND xã, Đồn công an – Công an huyện Vân Đồn viết giấy triệu tập các gia đình có xe lam (xe 3 bánh) lên UBND xã để họp nghe thông báo số 366/TB-UBND ngày 17/7/2017 của UBND huyện Vân Đồn – Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về việc chấm dứt hoạt động của xe lam (xe 3 bánh) trên đại bàn xã Quan Lạn từ ngày 1/1/2018.

Trong cuộc họp, Công an huyện căn cứ theo công văn số 826/UBND-KTHT ngày 18/6/2015 của UBND huyện Vân Đồn về công tác quản lý xe 3 bánh và chủ trương đầu tư tuyến xe điện Vận tải chuyển khách du lịch trên đại bàn huyện Vân Đồn cùng với quyết định cấm xe lam (xe 3 bánh)...

Tuy nhiên, việc thông báo về việc cấm xe lam đưa ra thực hiện trong thời gian quá ngắn, do vậy gia đình chúng tôi không có đủ điều kiện về tài chính cũng như bằng cấp để chuyển đổi sang phương tiện hoạt động khác”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Lương Ngọc (Chủ tịch hội Người cao tuổi thôn Tân Phong) phân trần: “Xã đảo Quan Lạn là địa phương biên giới hải đảo, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, đường sá đi lại còn khó khăn, cuộc sống hàng ngày của vài nghìn người chỉ trông chờ chủ yếu vào mấy trăm xe túc túc này.

Cả xã Quan Lạn và xã Minh Châu có tới gần 300 xe, giờ bảo cấm thì từng đó lao động biết làm gì đây!? Nếu thực thi lệnh cấm xe lam từ 1/1/2018 đối với địa phương khó khăn này e là hơi sớm”.

Chung quan điểm, anh Vũ Trung Thực (tài xế túc túc) băn khoăn: “Lý do cấm xe túc túc là do xe hoạt động không qua đăng kiểm, đăng kí, gây tiềm ẩn mất an toàn giao thông vì đường sá xấu, hẹp.

Điều này chúng tôi đều hiểu, thế nhưng từ bao lâu nay hoạt động chưa bao giờ xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng nào”.

Xe túc túc di chuyển được trong những ngõ nhỏ nhất của Quan Lạn

 Nhắc tới xe điện 4 bánh – loại xe được yêu cầu chuyển đổi thay cho túc túc, có vẻ người dân lại càng “đau đầu”.

Loại xe điện 4 bánh hiện tại có giá khoảng 300 triệu, đắt gấp 3 lần so với xe túc túc, mà công năng của nó có vẻ không được như loại xe lam nhỏ đã dùng bấy lâu. Nếu không chuyển đổi sang xe 4 bánh thì hàng trăm lao động chính của đảo rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Chị Bùi Thị Lương (một “tài xế nữ” lái túc túc lâu năm) cho hay: “Trên đảo này làm gì có nhiều công ty, doanh nghiệp cho chúng tôi đi làm, chỉ biết sống dựa vào biển mà thôi, không lẽ giờ phải rời đảo vào đất liền kiếm ăn?

Nhà nước đã có chỉ thị thì phải chấp hành, dân chúng tôi cũng chỉ mong những nơi như biên giới hải đảo được xem xét lùi lại thời gian cấm xe lam, cho chúng tôi thêm 1 – 2 năm nữa để chuyển đổi. Hi vọng sau khi bỏ xe túc túc nhà nước có hỗ trợ vay vốn hoặc dạy nghề giúp dân đảo ổn định cuộc sống”.

Gia đình chị Lương có 3 lao động chính là vợ chồng chị và con trai, cả nhà cố chạy vạy vay vốn khắp các hội Nông dân, hội Phụ nữ của thôn, xã để có tiền mua 3 chiếc xe túc túc.

Mùa du lịch cả nhà chia ra cố gắng kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả bớt số nợ hàng trăm triệu, chị bảo: “Nợ giờ vẫn còn nguyên, thú thật giờ nếu cấm xe này tôi không đủ khả năng mua xe điện, chẳng lẽ thất nghiệp sao, biết trông chờ vào đâu đây…”.

Nhận thấy những khó khăn của địa phương, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn – ông Lưu Minh Đức cho biết, người dân đảo Quan Lạn có thu nhập cao hơn nhờ xe túc túc hàng bao lâu nay rồi. Tuy nhiên, năm 2015 huyện cũng đã có thông báo, đồng thời theo chủ trương của tỉnh thì nhân dân phải dừng toàn bộ hoạt động của các xe này muộn nhất đến 31/12/2015.

Trên thực tế, xe túc túc là xe 3 bánh, rất mất an toàn khi điều khiển, đồng thời loại xe này không hề có giấy phép lưu hành. “Chúng tôi đã phối hợp với Công an huyện tuyên truyền đến người dân và yêu cầu kí cam kết chấp hành chủ trương của nhà nước”.

Vẫn biết việc chuyển đổi từ xe túc túc 3 bánh sang xe điện 4 bánh phục vụ cho nhu cầu du lịch của các xã đảo là việc làm nhằm đảm bảo an toàn giao thông và thúc đẩy sự phát triển tiềm lực du lịch tại địa phương.

Thế nhưng với điều kiện kinh tế của người dân Quan Lạn và các xã đảo khác thì việc thay mới hàng trăm xe túc túc vẫn còn là nỗi lo lớn của nhân dân.

Có phải chăng chính quyền địa phương đang đẩy chính những khó khăn sang người dân địa phương nơi đây?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc câu chuyện về những chuyến xe túc túc chở ước mơ cuộc sống của người dân đảo Quan Lạn này.

Bạn đang đọc bài viết Bấp bênh nguồn sống Quan Lạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.