Thứ sáu, 26/04/2024 22:31 (GMT+7)

Amiang, những bệnh do amiang gây ra và tình hình sử dụng ở Việt Nam hiện nay

MTĐT -  Thứ sáu, 24/02/2023 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phơi nhiễm với amiăng xảy ra với việc hít phải bụi có chứa sợi amiang, trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng.

I. Amiang là gì?

Amiang là loại sợi khoáng vô cơ có cấu trúc tinh thể ở dạng sợi dài và mảnh. 

Amiang đựơc sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vật liệu xây dựng, do một số tính năng đặc biệt của amiang như độ bền kéo cao, bền hóa chất, bền nhiệt, độ dẫn điện thấp, cách âm, độ mềm dẻo lớn,... 

Amiang có cấu tạo chủ yếu là SiO2, MgO và được chia thành hai nhóm chính dựa trên cấu trúc tinh thể:

Nhóm khoáng vật serpentine chủ yếu là  chrysotile hay còn gọi là amiang trắng.

Nhóm khoáng vật amphibole bao gồm actinolite hay còn gọi là amiang xanh (nâu).

tm-img-alt
Amiăng là silicát kép của Can xi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2 có trong tự nhiên

Các sản phẩm có chứa amiăng:

  • Tấm lợp xi măng amiăng

  • Cách điện cho hệ thống dây điện

  • Cách nhiệt  và cách âm

  • Bộ ly hợp ô tô và máy bay

  • Các miếng đệm và vật liệu đóng gói chịu nhiệt và chịu axit

  • Chất độn và chất gia cố cho vữa trát và sơn

  • Lớp phủ chống cháy dạng phun 

  • Má phanh ô tô, xe tải, máy bay và lớp lót,     

  • Quần áo chống nóng cho công nhân lò và lính cứu hỏa

tm-img-alt
Trong khi nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng loại vật liệu này thì Amiăng trắng lại được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp trong đó điển hình là Việt Nam. Lợi ích của Amiăng mang lại cho con người trong các ngành công nghiệp khá lớn chính vì vậy nhiều người không màng đến sự nguy hiểm của Amiăng đến sức khoẻ con người.

II. Amiang với những vấn đề sức khỏe

♦ Bắt đầu từ những năm 1980, người ta đã xác định chắc chắn miăng là một trong những chất gây ung thư, là nguyên nhân của khoảng ½ số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Ước tính, từ khi thế giới biết đến bệnh do amiăng, amiang đã giết chết gần 200.000 người.

♦ Năm 2003, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị việc cần quan tâm đặc biệt tới việc loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng. 

♦ Năm 2007 Nghị quyết của WHO đã kêu gọi có những chiến dịch toàn cầu để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng,

♦ Phơi nhiễm với amiăng xảy ra với việc hít phải bụi có chứa sợi amiang, trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng. 

tm-img-alt
Trong quá trình làm việc, người dùng tiếp xúc với Amiăng có thể hít các sợi amiăng vào khí mô phổi ngày càng nặng, gây tổn thương và xuất hiện các vết sẹo.

Amiăng xâm nhập cơ thể qua ba đường: 

♦ Đường tiêu hóa: chủ yếu qua nước: nước cung cấp qua các ống dẫn làm bằng ximăng-amiăng, và nước mưa hứng từ mái nhà làm bằng tấm lợp xi măng – amiăng 

♦ Đường hô hấp: Hít phải bụi amiăng hoặc bụi có chứa amiăng  

♦ Đường da: các sợi amiăng có thể qua da dễ dàng, đặc biệt qua da ngón tay khi bốc amiăng vào bao, sửa chữa mái không đeo bao tay an toàn.

Người ta nhiễm bệnh do amiang thế nào?

1. Nhiễm bệnh nghề nghiệp

♦ Bị nhiễm bệnh do amiăng khi sản xuất hay sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng, xây dựng, ô tô và xử lý chất thải có chứa amiăng 

♦ Phơi nhiễm cũng có thể xảy ra trong khi lắp đặt và sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng (lợp mái nhà, cách nhiệt, bảo trì xe cộ...)

♦ Năm 2004, WHO ước tính có 125 triệu người bị phơi nhiễm nghề nghiệp với amiăng (chủ yếu là amiăng trắng). 

♦ Viện Vệ sinh và An toàn lao động Quốc gia (NIOSH) ở Hoa Kỳ đã ước tính rằng năm 2002 ở Hoa Kỳ có 44 000 thợ mỏ đã bị phơi nhiễm amiăng

2. Nhiễm bệnh không nghề nghiệp

♦ Phơi nhiễm khu dân cư hoặc khu dân cư do sống gần các nhà máy hoặc mỏ amiăng

♦ Phơi nhiễm hộ gia đình: Do tiếp xúc với các vật liệu có chứa amiăng trong cấu trúc nhà (mái nhà, cách nhiệt, cách âm,...) 

♦ Phơi nhiễm trong nhà do tiếp xúc với sợi amiăng do các cá nhân bị phơi nhiễm nghề nghiệp mang về nhà, chủ yếu là từ quần áo hoặc tóc của họ.

Ví dụ:

♦ Ở 3 ngôi làng ở Cappadocia vùng Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi sử dụng các vật liệu làm từ amiăng, có gần 2.000 dân, từ năm 1970 đến năm 1987, phát hiện: 6,5% dân số có mảng màng phổi; 24 người bị bệnh bụi phổi; 108 trường hợp ung thư trung biểu mô.

♦ Tại bắc đảo Corsica, Pháp có nhiều mỏ amiăng, đa số đã ngừng họat động; từ 1978–1987 có 3,66% người dân (trên 65.000) không làm việc tiếp xúc với amiang, mắc bệnh mảng màng phổi liên quan tới amiang; 14 người bị ung thư trung biểu mô.

♦ Tại vùng miền núi Da-yao, phía tây nam Trung Quốc, có 68.000 người, amiang được làm mái, bếp và ống khói, từ 1984-1999 có 20% nông dân bị mảng màng phổi; có 82 ca bị u trung biểu mô;

III. Các bệnh do amiang gây ra

1. Hiệu ứng thanh quản

Trong một số nghiên cứu: tiếp xúc với amiăng làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh viêm thanh quản (khoảng 37%).

2. Hiệu ứng hệ thống miễn dịch

♦ Chức năng hệ thống miễn dịch bị giảm ở những công nhân mắc bệnh bụi phổi amiăng. 

♦ Tiếp xúc với amiăng có thể là một yếu tố nguyên nhân trong việc phát triển của một khối xơ nằm sau lớp màng lót trong khoang bụng, có thể dẫn đến suy thận. 

♦ Theo Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (UICC) có khoảng gấn 10 bệnh lý liên quan đến amiang 

3. Bệnh mảng màng phổi

♦ Bệnh màng phổi, một dấu hiệu của sự phơi nhiễm amiăng, bao gồm sự hình thành các mảng màng phổi, vôi hoá, dày lên, xẹp phổi dạng nốt, dính, tràn dịch màng phổi và u trung biểu mô. 

♦ Mảng màng phổi khi phát triển tới 1 kích thước nào đó thì sẽ ngừng lại. Thường thì  nó xuất hiện sau khoảng 20 năm kể từ khi tiếp xúc lần đầu và nó sẽ nằm lại đó. Nó có thể là 1 mẩu nhỏ nhưng cũng có thể phát triển tràn lan, chiếm gần hết vách trong của ngực.

4. Bệnh bụi phổi amiăng 

♦ Bệnh bụi phổi amiang là bệnh gây sẹo trong mô phổi; 

♦ Phổi bị cứng sẽ làm giảm độ sâu của mỗi lần hít thở do đó hít thở phải nhanh hơn và nông hơn. 

♦ Bệnh không gây đau, tuy nhiên gây khó thở có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm.

♦ Bệnh bụi phổi amiăng xảy ra thường sau vài năm tiếp xúc với sợi amiăng. Sự phát triển và tiến triển của bệnh bụi phổi amiăng thường chậm và ít thay đổi trong năm, mười năm hoặc hơn. 

5. Ung thư phổi khi tiếp xúc với amiăng

♦ Nguy cơ bị ung thư phổi sau khi tiếp xúc với amiăng phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là:

   •Mức độ (bao nhiêu) và thời lượng (độ dài) tiếp xúc

   •Thời gian kể từ khi tiếp xúc 

   •Độ tuổi xảy ra phơi nhiễm

   •Tiền sử hút thuốc lá của người bị phơi nhiễm, 

   •Loại và kích thước của sợi amiăng.

 ♦ Thời gian trung bình từ khi tiếp xúc đến khi phát triển  ung thư (giai đoạn tiềm ẩn) là 20 đến 30 năm.

tm-img-alt
Ung thư phổi gây ra số ca tử vong lớn nhất liên quan đến phơi nhiễm amiăng. Tỷ lệ mắc ung thư phổi ở những người trực tiếp tham gia khai thác, xay xát, sản xuất và sử dụng amiăng và các sản phẩm của nó cao hơn nhiều so với dân số nói chung.

6. Ung thư trung biểu mô

♦ Yếu tố nguy cơ chính của u trung biểu mô là Amiăng (WHO: 89%). Nếu đã được trực tiếp tiếp xúc với sợi amiăng ở nơi làm việc hay ở nhà, nguy cơ bị u trung biểu mô rất lớn.

♦ U trung biểu mô là một dạng u ác tính phát triển ở màng phổi, là một loại ung thư nguy hiểm, thường gây tử vong

♦ Màng phổi là lớp mô bọc lấy phổi đồng thời cũng là lớp màng lót mặt trong của vách ngực. Nó là lớp rất mỏng, trong suốt như lớp giấy bóng bọc thức ăn.

7. U trung biểu mô màng bụng (phúc mạc)

♦ Khoảng 1/10 trường hợp u trung biểu mô xảy ra ở màng bụng. 

♦ Phần lớn các ca u trung biểu mô màng bụng là do tiếp xúc với bụi amiang nồng độ cao.

♦ Năm 2012 một nữ bệnh nhân 21 tuổi ở Caucasian, Moroc (Châu Phi), khi nhập viện, được phát hiện bị ung thư màng bụng. Khu vực người này sống hầu hết đều được lợp bằng tấm xi măng amiang và thường hứng nước mưa chảy xuống từ trên mái để uống.

tm-img-alt
U trung biểu mô là một dạng ung thư hiếm gặp, thường xảy ra ở lớp màng mỏng của phổi, ngực, bụng và (hiếm khi) tim. Hầu như tất cả các trường hợp ung thư trung biểu mô đều có liên quan đến phơi nhiễm amiăng.

8. Ung thư buồng trứng do amiang

♦ Khi các sợi amiăng xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể mắc kẹt vĩnh viễn trong các mô mềm, gây viêm nhiễm và tổn thương tế bào trong nhiều năm. 

♦ Các nghiên cứu gần đây đã thấy việc tiếp xúc với amiăng với việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, đặc biệt là ở những phụ nữ có thể đã sử dụng bột talc có trong phấn rôm trẻ em bị nhiễm amiăng 

♦Amiăng và talc là những khoáng chất tự nhiên thường cùng nằm trong một lớp trầm tích ở các mỏ.

♦ Phụ nữ làm việc trong các nghề liên quan đến amiăng có tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng cao do bụi amiang chui vào bộ phận kín. Vợ, con gái của những công nhân tiếp xúc với amiăng cũng có nguy cơ cao hơn do tiếp xúc với amiăng trên da, tóc và quần áo. 

♦ Một số nghiên cứu cho thấy, khi phụ nữ thoa phấn rôm bị ô nhiễm lên bộ phận sinh dục sau khi tắm, các sợi amiăng cũng có thể đi lên đường sinh sản đến buồng trứng của họ.

♦ Năm 2021 các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu mô buồng trứng bị ung thư, quét kính hiển vi điện tử và phát hiện bột talc có chứa sợi amiăng.

Dẫn chứng minh họa:

♦ Một cuộc điều tra năm 2018 của Reuters cho biết họ đã thu giữ được một bản báo cáo nội bộ  của J&J, rằng họ biết một số loại phấn rôm trẻ em bị nhiễm một lượng nhỏ amiăng ngay từ những năm 1970, nhưng được giữ bí mật. 

♦ Cho đến nay, J&J đã phải đối mặt với 3,5 tỷ USD tiền phán quyết và dàn xếp trong các vụ kiện liên quan đến amiang có trong bột talc. 

♦ 7.2018, tòa án tại Missouri quyết định buộc J&J bồi thường 2 tỷ đô la cho 22 phụ nữ bị ung thư buồng trứng do nhiễm amiang do dùng phấn rôm và mỹ phẩm.

♦ Hơn 1.000 người khác đã đệ đơn kiện và chờ xét xử

♦ 8/2017 Bồi thẩm đoàn ở Los Angeles đã yêu cầu Johnson & Johnson trả số tiền kỷ lục 417 triệu đô la cho bà Eva Echeverria sắp chết vì mắc bệnh ung thư buồng trứng do sử dụng phấn rôm trẻ em trong suốt 20 năm để vệ sinh phụ nữ.

♦ Ba phiên tòa khác ở St. Louis cũng có kết quả tương tự vào năm 2016 với các mức bồi thường tổng cộng là 307,6 triệu đô la (72 ; 70,1; và 55 triệu đô la).

♦ Ngày 13/3/2019 Tòa án California đã buộc J&J bồi thường cho bà Terry Leavitt 29,4 triệu USD do bị ung thư buồng trứng liên quan đến sản phẩm phấn rôm chứa amiăng.

Ai có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến amiăng?

♦ Không có mức phơi nhiễm an toàn nào có thể bảo vệ khỏi phát triển các bệnh liên quan đến amiăng ( WHO).

♦ Amiăng là một chất gây ung thư mang độc tố gen, không có ngưỡng hoặc liều lượng phơi nhiễm an toàn. Chúng gây nguy cơ ung thư cho con người, ngay cả ở liều lượng rất thấp.

♦ Những người có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất là những người sản xuất, thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo nhà có chứa vật liệu amiăng.

♦ Những người bình thường tiếp xúc với amiang do vật liệu xây dựng có amiang cũng có nguy cơ

Tình hình bệnh do amiang gây ra trên thế giới

♦ Theo WHO, trong 50 năm qua, trên thế giới đã có hơn 100.000 người chết do bệnh liên quan amiang.

♦ Năm 2004, ước tính là 125 triệu người bị phơi nhiễm với amiăng;

♦ Theo Hồ sơ quốc gia về amiăng 2018 của Đức (DNA), Từ năm 1994-2017, trên toàn thế giới đã thống kê được, hơn 34.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến amiăng.

♦ Năm 2020 Bệnh viện Ramathibodi, Đại học Mahidol ở Bangkok, đã kinh ngạc khi phát hiện ra rằng 50% dân số Thái Lan có sợi amiăng trong phổi của họ (Hiện Thailand nhập 160-180.000 tấn/năm)

IV. Các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro

♦ Lập kế hoạch công việc để hạn chế tối đa việc gia công, xử lý vật liệu chứa amiăng, giảm thiểu việc phát tán sợi.

♦ Tránh tạo ra bụi từ các tấm lợp có amiang

♦ Không bao giờ chà nhám hoặc quét lên bề mặt tấm lợp xi măng amiăng bằng bàn chải sắt. Không khoan, cắt, gia công trên các tấm xi măng amiăng.

♦ Tránh làm vỡ các tấm xi măng amiăng.

♦ Khi loại bỏ các tấm xi măng amiăng, nên tưới nước làm ướt trong suốt thời gian gia công. 

♦ Không dùng vòi phun tia nước mạnh (sẽ làm bở tấm lợp và trôi các sợi amiang xuống đất).

Một số điều cần tránh khi nhà vẫn còn vật liệu có chứa amiang chưa thay thế

♦ Các tấm xi măng amiăng có thể trở nên rất giòn khi đã sử dụng một thời gian (hiện tượng lão hóa) và chúng có thể vỡ hỏng mà không cần cảnh báo trước.

♦ Vì thế cần tránh:

Đi bộ trên mái nhà lợp xi măng amiang, có thể rất nguy hiểm, đặc biệt mái nhà đã qua một thời gian mưa bão. Vì không những dễ vỡ mà chúng có thể rất trơn khi bị ướt và do rêu xanh phủ.

♦ Nhiều người đã bị ngã trên mái nhà lợp XA trong khi cố gắng xử lý hoặc sửa chữa bề mặt mái.

♦ Không đi dọc theo hàng xà gồ, nơi có vẻ chắc chắn hơn, nhưng do xà gồ thường là khá hẹp, chỉ rộng vài cm, nên rất dễ trượt chân.

♦ Các tấm lợp XM có thể trở nên rất giòn khi chúng già đi và có thể vỡ, hỏng và tung sợi ra mà không có cảnh báo trước . 

V. Tình hình sản xuất tấm lợp ximang amiang

♦ Trước năm 2006 cả nước có 26 nhà máy sản xuất

♦ Từ sau năm 2006 đến năm 2015, hệ thống máy tạo hình sóng tấm lợp được chế tạo trong nước dã dẫn đến sự thay đổi lớn bộ mặt và sản phẩm của các nhà máy tấm lợp. 

♦ Các nhà máy nhỏ có thể sản xuất sản phẩm không thua kém về mặt hình thức so với các nhà máy được đầu tư bài bản và kết quả là hàng loạt dây chuyền sản xuất tấm lợp đã được nâng cấp hoặc chế tạo mới. 

♦ Giai đoạn này cả nước có tới 39 công ty sản xuất tấm lợp, sản lượng thiết kế đạt tới trên 100 triệu m2/năm. Tổng số công nhân trực tiếp sản xuất lên đến gần 6000.

♦ Hiện nay, do thị trường thu hẹp, lượng tấm lợp amiang tiêu thụ thấp nên các nhà máy một phần dừng sản xuất, phần lớn chuyển đổi sản phẩm, nên số lượng nhà máy và công nhân không còn nhiều.

♦ Các thông tin thu thập được cho thấy chỉ qua 5 năm, từ 2015 đến 2020, số lượng thành viên Hiệp hội tấm lợp đã giảm 50% (từ 41 xuống 20). Số công ty giảm đều là các công ty dừng sản xuất/chuyển đổi sản phẩm hoặc giải thể. Cùng với đó, sản lượng tấm lợp amiang trong các năm gần đây cũng sụt giảm mạnh.

tm-img-alt
Công nhân làm việc tại các công trường, nhà máy có chứa amiăng thì để tránh khả năng mắc các bệnh từ amiăng bạn cần tắm giũ trước khi tiếp xúc với các thành viên trong gia đình.

Nguyên nhân sụt giảm của ngành sản xuất tấm lợp ximang amiang

♦ Thị hiếu/nhu cầu thị trường vật liệu lợp đã có sự thay đổi trong các năm gần đây. Do tấm amiang xi măng là vật liệu có độ hoàn thiện (hình dạng, màu sắc) không cao nên xu hướng chung của người tiêu dùng không để lợp nhà mà chỉ sử dụng cho công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm.

♦ Độ bền sản phẩm kém đi do cạnh tranh giữa các nhà sản xuất nên phải giảm chất lượng sản phẩm để giảm giá. 

♦ Trên thị trường xuất hiện của các vật liệu thay thế thế hệ mới như tấm lợp kim loại các loại, ngói màu với giá cả ngày càng cạnh tranh.

♦ Ưu điểm các loại vật liệu lợp không amiang kể trên là có giá cả ngày càng cạnh tranh, có độ hoàn thiện cao về kiểu dáng và màu sắc, độ bền cao, vận chuyển và lắp đặt thuận lợi hơn so với tấm lợp ximang amiang. Do đời sống người dân Việt Nam đã được cải thiện nên người tiêu dùng không chỉ chú ý về giá cả mà còn chú ý đến giá trị sử dụng của vật liệu lợp (tuổi thọ, tính thẩm mỹ...) nên ưu thế giá rẻ của tấm lợp ximang amiang ngày càng mất đi.

♦ Các hoạt động tuyên truyền, vận động chính sách của các tổ chức đấu tranh chống sử dụng amiang trong và ngoài nước đã thay đổi rất lớn nhận thức của người dân, hệ thống báo chí, truyền thông, của người và tổ chức làm chính sách...trong việc hạn chế và tiến tới dừng sử dụng amiang. Mặc dù cho đến nay nước ta chưa có chính sách dừng sử dụng amiang, nhưng qua các số liệu thống kê có thể thấy trên thực tế sản phẩm này đã mất dần chỗ đứng trên thị trường vật liệu xây dựng với độ thu hẹp đạt tới 20%/năm kể từ 2015 đến nay.

Nhận xét chung

♦ Thị trường tấm lợp ximang amiang tại Việt Nam đã giảm mạnh nên các DN sản xuất đã phải giảm sản lượng, số ngày chạy máy tương ứng.

♦ Thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hầu như đóng băng từ 2020,  lý do chính là người sử dụng biết về thông tin amiang độc hại nên tìm đến sản phẩm lợp thay thế, phần lớn sử dụng tôn lợp loại chống nóng (có lớp chống nóng PU).

♦ Ngoài một số DN phải dừng sản xuất, một số bắt đầu chuyển sang mặt hàng thay thế là tấm phẳng có chiều dày 6-20mm dùng làm vách, sàn cho các nhà có kết cấu bán vĩnh cửu. Đây cũng là lý do lượng amiang nhập khẩu không giảm mạnh so với mức độ giảm của thị trường tấm lợp.

♦ Thị trường khu vực miền núi phía Bắc đã suy giảm nhưng do các cơ sở sản xuất phía Bắc dừng sản xuất khá nhiều nên một vài công ty còn duy trì sản xuất (Tấm lợp Đông Anh) tập trung được đơn hàng của thị trường và vẫn duy trì được sản xuất mặc dù sản lượng giảm sút mạnh.

Kết luận

1. Amiang là một khoáng chất độc hại và nguy hiểm.

2. Amiăng ở mọi dạng tự nhiên, kể cả amiăng trắng, là chất có hoạt tính gây ung thư đã được chứng minh ở động vật và người, có khả năng gây ung thư phổi, màng bụng, màng phổi, dạ dày và các cơ quan khác khi tiếp xúc với sợi amiăng.

3. Tạm thời khi chưa thể thay thế, có thể sống tạm với vật liệu có chứa amiang, nếu như nó chưa cũ (trước 10-15 năm), nhưng không an toàn và phải hết sức thận trọng.

4. Để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, nên loại bỏ các vật liệu có chứa amiăng, nếu tạm thời chưa có điều kiện, hãy bảo vệ nó bằng sơn hay phủ một lớp màng polyetylen.tránh hư hỏng gây phát tán bụi.

5. Biện pháp tốt nhất, triệt để nhất là nói không với vật liệu có chứa amiang, vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều vật liệu thay thế vừa bền, tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe và giá cả hợp lý.

GS.TS. Lê Vân Trình
Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam

Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Amiang, những bệnh do amiang gây ra và tình hình sử dụng ở Việt Nam hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới