Thứ bảy, 20/04/2024 01:17 (GMT+7)

Công trình cấp nước sạch tiền tỷ nhưng kém hiệu quả

MTĐT -  Chủ nhật, 20/05/2018 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vốn là địa bàn trọng điểm, huyện Bù Đốp (Bình Phước) có tới 5 công trình cung cấp nước sạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Song, chỉ có 1 công trình hoạt động hiệu quả, 2 công trình hoạt động cầm chừng và 2 công trình còn lại gần như bỏ hoang. Trong khi hàng ngàn người dân thì vẫn phải tìm mọi cách để có nước sạch sử dụng trong cao điểm mùa khô thì những công trình nước sạch này vẫn như… chưa hề có…

Theo UBND huyện Bù Đốp, trong các công trình cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc các xã Tân Tiến, Tân Thành, Phước Thiện, Thiện Hưng và thị trấn Thanh Bình, trạm lớn nhất được đầu tư hơn 13 tỷ đồng, trạm nhỏ cũng gần 2 tỷ đồng. Tuy được xây dựng nhiều năm nay, nhưng có duy nhất nhà máy nước ở xã Tân Tiến hoạt động hiệu quả.

Từ năm 2015, công trình cấp nước sạch thị trấn Thanh Bình được xây dựng với  mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Công trình có công suất 480m3/ngày đêm. Mạng lưới ống nước sẽ cung cấp nước sạch cho trên 2.000 hộ dân thị trấn Thanh Bình và một phần xã Thanh Hòa. Sau gần 2 năm thi công, cuối tháng 2-2018 vừa qua, chủ đầu tư bàn giao công trình cho Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý và khai thác, sử dụng.

“Tuy nhiên, sau 3 tháng hoạt động, công trình vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Toàn thị trấn chỉ có 16 hộ dân được sử dụng nước sạch, nhiều khu vực trên địa bàn chưa có đường ống nước. Nếu có cũng chưa lắp đặt đồng hồ nước để người dân sử dụng. Các hộ dân dù sống cạnh công trình cấp nước nhưng không có nước sạch để sử dụng. Do vậy, họ phải khoan giếng, hứng nước mưa hoặc mua nước tinh khiết để sử dụng”, ông Trần Công Kích, Phó Chủ tịch UBND thị Trấn Thanh Bình, cho hay.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình), bức xúc: “Vào cao điểm mùa hạn, các giếng nước tại khu vực này đã trơ đáy, người dân mong mỏi từng ngày, từng giờ để có nước sạch sinh hoạt. Chúng tôi chưa được biết rõ lý do, đường ống nước sạch vẫn chưa lắp đặt tại khu vực này. Hầu hết, chúng tôi phải tích trữ thêm vài bồn nước mưa hoặc đào giếng để có thể đủ nước sinh hoạt”.

Ngoài ra, trên trục đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn qua khu phố thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình có 3 cơ quan gồm: Liên đoàn lao động, Hội người mù, Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện chưa có đường ống nước đi qua dù các cơ quan này chỉ cách công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chưa đầy 2km.

Ngoài công trình cấp nước tại thị trấn Thanh Bình, cánh cổng trạm cung cấp nước sạch xã Tân Thành đóng im ỉm. Vật tư thiết bị, giấy tờ giám định vẫn vứt ngổn ngang bên trong. Tuy đã khánh thành gần 2 năm nhưng công trình này vẫn chưa thể hoạt động. Tương tự, công trình nước sạch ở xã Phước Thiện nằm giữa rừng cao su, không lối vào, không người trông coi, các hạng mục đều xuống cấp.

Nằm ngay sát nhà máy cung cấp nước sạch, kỳ vọng được dùng nước sạch đầu tiên nhưng trạm y tế xã vẫn đang phải dùng nước giếng khoan. Chị Võ Thị Thu Hiền, cán bộ Trạm y tế xã Tân Thành, cho biết: “Trạm y tế rất mong muốn nhà máy nước sạch hoạt động để cung cấp nước, phục vụ nhu cầu hoạt động sinh hoạt và khám chữa bệnh của người dân. Thế nhưng, chờ mãi nhà máy nước vẫn chưa đi vào hoạt động”.

Còn anh Trần Minh Thiện (ngụ xã Tân Thành), than thở: “Khu vực này chỉ cần đào sâu chừng 3m là gặp đá bàng và đá vôi. Để có nguồn nước đảm bảo vệ sinh, gia đình anh phải bỏ ra 40 triệu đồng để khoan giếng. Thế nhưng, nước bơm từ giếng mới đào đã bị nhiễm phèn, chỉ dùng để tắm giặt, không thể dùng trong ăn uống. Do vậy, người dân phải đi mua với giá 10.000 đồng/20 lít, mỗi tháng tốn hơn 400.000 đồng. Các hộ dân mỏi mòn chờ nước sạch, đến nay nước vẫn không có”.

Tại khu phố Thanh Bình, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt đã khiến cho người dân luôn bức xúc khi nhắc đến các công trình cấp nước sạch. “Toàn khu phố có gần 1.000 hộ dân nhưng nhiều năm qua vẫn mỏi mòn chờ nguồn nước sạch. Nhiều hộ dân phải dùng nước bị nhiễm phèn nên ảnh hưởng sức khỏe, nhất là trẻ em. Từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm các giếng nước đều trơ đáy, nước sạch càng khan hiếm. Nhiều lần, chúng tôi gửi kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng nỗi bức xúc của các hộ dân đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Xuân Chiều, Trưởng khu phố Thanh Bình, nói.

“Vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt đang là nỗi bức xúc của nhiều hộ dân ở huyện Bù Đốp. Để phát huy hiệu quả công trình nhiều lần huyện kiến nghị lên Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, đến nay các công trình cấp nước sạch vẫn chưa được vận hành và đi vào hoạt động. Chính quyền địa phương mong muốn các ngành chức năng quan tâm đưa nước về cho người dân sinh hoạt để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống”, ông Diệp Hoàng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp kiến nghị.

Theo CAND

Bạn đang đọc bài viết Công trình cấp nước sạch tiền tỷ nhưng kém hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...