Thứ sáu, 19/04/2024 11:12 (GMT+7)

Đà Nẵng hướng đến tái chế chất thải xây dựng

Nguyễn Thúy -  Thứ bảy, 25/06/2022 07:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 24/6, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo Quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng tại Đà Nẵng phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam" (gọi tắt là Dự án SATREPS) do Cơ quan Khoa học và công nghệ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ.

Buổi Hội thảo do ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng và PGS.TS. Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đồng chủ trì.

Tại buổi hội thảo, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay ở Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng, chất thải rắn xây dựng phát sinh phần lớn đổ thải tại các bãi tập kết, lô đất trống hoặc được đổ tại các bãi chôn lấp. Trong khi các thành phần chính từ chất thải rắn xây dựng (đất, gạch, bê tông,...) có thể được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả và kinh tế trong xây dựng và cở sở hạ tầng, nhờ đó trực tiếp giảm thiểu lượng chất thải rắn xây dựng phải chôn lấp.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi hội thảo

Được biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.500-2.500 tấn chất thải rắn xây dựng, dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 4.600 - 6.700 tấn/ngày. Mặc dù, địa phương đã có nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn xây dựng như tuyên truyền, hướng dẫn, lập đường dây nóng, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, tuy nhiên tình trạng đổ trộm chất thải, xà bần ở các lô đất trống vẫn phổ biến trên địa bàn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan của một thành phố du lịch. 

Để tiếp tục xây dựng Đà Nẵng đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 và hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn xây dựng phù hợp với thực tiễn và mục tiêu đề ra, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép Sở TN&MT phối hợp trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo này với mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng; sự trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị để xây dựng các định hướng, các giải pháp cụ thể.

“Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương và cũng là vấn đề đã được các cử tri hết sức quan tâm. Do đó, việc đề xuất được mô hình quản lý cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn xây dựng dự kiến được nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội mong đợi”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng chia sẻ.

tm-img-alt
Đà Nẵng mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng.

Bàn luận về nguyên nhân dẫn đến hoạt động quản lý chất thải rắn kém hiệu quả, nhóm nghiên cứu dự án SATREPS cho rằng là do thiếu các công cụ, chính sách pháp lý để hạn chế chôn lấp, phân loại thúc đẩy tái chế đối với chất thải xây dựng. Ngoài ra, nhận thức của các bên liên quan về chất thải rắn xây dựng chưa cao, thiếu hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý, đơn giá của hoạt động quản lý chất thải rắn xây dựng. Ngoài ra, việc thu hút kêu gọi đầu tư cho hoạt động tái chế xử lý chất thải rắn xây dựng còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp, hướng dẫn tái chế rác thải xây dựng có thể áp dụng tại Đà Nẵng như cấp phối vật liệu tái chế làm lớp móng đường giao thông; thi công mặt đường thấm nước…. nhằm nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế.

TS Hoàng Minh Giang, trường Đại học Xây dựng đề xuất, để hoạt động quản lý chất thải rắn xây dựng hiệu quả, trước mắt địa phương cần tập trung vào các giải pháp về chính sách, giáo dục truyền thông và kỹ thuật như xây dựng Quy hoạch với mục tiêu cụ thể nhằm đẩy mạnh tái chế, hạn chế chôn lấp loại chất thải rắn này, tiến đến ban hành hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn.

"Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho các bên liên quan. Đồng thời, có kế hoạch tăng phí chôn lấp trực tiếp với chất thải xây dưng, có cơ chế hỗ trợ về tài chính, trợ giá đối với các doanh nghiệp tái chế làm vật liệu xây dựng; phát triển công nghệ tái chế”, TS Hoàng Minh Giang chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng hướng đến tái chế chất thải xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?