Thứ bảy, 27/04/2024 05:43 (GMT+7)

Sơn La: Đề xuất Bộ GTVT 'giải cứu' cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

MTĐT -  Thứ năm, 01/04/2021 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND tỉnh Sơn La đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Ngày 31/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) vừa được Quốc hội thông qua năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định các dự án PPP sẽ không được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Trước đó, dự án đã ký Hợp đồng theo hình thức hỗn hợp xây dựng - kinh doanh chuyển giao (BOT) và BT, theo quy định mới này sẽ phải chuyển sang loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn Nhà nước, vì vậy phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Mặt khác, cơ cấu nguồn vốn của dự án cũng được đề xuất điều chỉnh theo hướng: Nhà đầu tư huy động 11.627 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia 9.950 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 5.000 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 4.950 tỷ đồng). Trong phần vốn góp của ngân sách địa phương, phân bổ tỉnh Sơn La tham gia 4.100 tỷ đồng, còn tỉnh Hòa Bình là 900 tỷ đồng. Trên cơ sở đề xuất của hai địa phương Sơn La, Hòa Bình và cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Quang cảnh buổi họp (Ảnh: Báo Giao thông).

Đề xuất chuyển dự án về Bộ GTVT

Theo ông Đông, khó khăn, vướng mắc của dự án hiện nay là nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia dự án (4.950 tỷ đồng). Trong báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT chưa có ý kiến cụ thể về mức vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 bố trí cho dự án để làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

“Về mặt kỹ thuật, đây là công trình có quy mô lớn, nhiều hạng mục công trình có yêu cầu thiết kế, thi công phức tạp như nhiều cầu lớn, hầm xuyên núi,… nên quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn”, ông Đông nói và chia sẻ thêm, đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Sơn La được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ GTVT giúp địa phương tháo gỡ các vướng mắc để sớm đầu tư đoạn cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu làm tiền đề để đầu tư tiếp đoạn Mộc Châu - TP.Sơn La và đoạn TP.Sơn La - Điện Biên. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh này cũng đề xuất Bộ GTVT chấp thuận cập nhật, bổ sung dự án vào quy hoạch mạng lưới cao tốc quốc gia và hướng dẫn tỉnh tổ chức triển khai nhằm sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La (ngồi giữa) thông tin về tình hình triển khai cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. (Ảnh: Báo Xây dựng).

“Quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình”, ông Đông đề xuất.

Các giải pháp đưa ra

Trước kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có quy mô rất lớn, tổng mức đầu tư lên tới 22.000 tỷ đồng, nếu thực hiện bằng hình thức BOT sẽ không khả khi về phương án tài chính, nhà đầu tư sẽ không thể hoàn vốn qua thu phí. Nếu chuyển về Bộ Giao thông Vận tải đầu tư bằng hình thức công sẽ phải làm lại hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, trải qua rất nhiều công đoạn và sẽ không kịp thời gian để ghi vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới. Phương án tối ưu là UBND tỉnh Sơn La tiếp tục đảm nhiệm vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ trưởng đã gợi mở các giải pháp thực hiện cho hai địa phương.

Thứ nhất, nghiên cứu chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 4 làn xe xuống 2 làn xe nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng, giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 16.000 - 17.000 tỷ đồng để đảm bảo tính khả thi. Thứ hai, dự án cần tăng phần vốn góp của ngân sách của địa phương lên khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng thay vì 5.000 tỷ đồng như trước; vốn ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 5.000 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư tham gia 3.000 tỷ đồng. Lúc này, vốn ngân sách Trung ương và địa phương sẽ đầu tư toàn bộ phần hạng mục hầm, cầu và một phần đường trên tuyến hết khoảng 11.000 tỷ đồng. Còn lại 2.000 tỷ đồng vốn của Nhà nước sẽ tham gia hỗ trợ phân đoạn đầu tư bằng hình thức BOT cùng nhà đầu tư. Giải pháp này mang tính khả thi để triển khai đầu tư được ngay và vẫn tuân thủ đúng quy định hiện hành về đầu tư công.

Hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình đồng tình với giải pháp đưa ra và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh quy mô dự án và sớm ban hành nghị quyết về việc bố trí nguồn ngân sách của địa phương đầu tư vào dự án tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

MTĐT (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sơn La: Đề xuất Bộ GTVT 'giải cứu' cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới