Thứ sáu, 26/04/2024 17:32 (GMT+7)

Lập quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030

MTĐT -  Thứ tư, 14/10/2020 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, ranh giới quy hoạch Toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nuớc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).

Mục tiêu lập quy hoạch:

-Là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.

- Đề xuất các quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 hướng tới phát triển bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.

Việc lập quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch.

- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng.

- Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.

- Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm:

- Phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia: Các phân tích, đánh giá phải bảo đảm xác định và đo lường được tác động của các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia.

- Dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển: Các phân tích, đánh giá phải bảo đảm xác định được các xu thế có ảnh hưởng hay tác động trực tiếp, gián tiếp đến định hướng và không gian phát triển của quốc gia.

- Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển:

+ Quan điểm về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;

+ Quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường;

+ Xây dựng mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về phát triển quốc gia.

- Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội: Xác định các vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác sử dụng; định hướng phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

- Định hướng phát triển không gian biển.

- Định hướng sử dụng đất quốc gia.

- Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời.

- Định hướng phân vùng và liên kết vùng.

- Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

- Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia.

- Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.

- Định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia.

- Định hướng bảo vệ môi trường.

- Định hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.

- Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, Hội đồng quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương việc lựa chọn đơn vị tư vấn chính lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đáp ứng tiến độ yêu cầu; Xây dựng, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có liên quan; Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu các hợp phần quy hoạch bảo đảm yêu cầu tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch có trách nhiệm đề xuất đơn vị tư vấn chuyên ngành phối hợp với đơn vị tư vấn chính lập Quy hoạch tổng thể quốc gia để triển khai lập các hợp phần quy hoạch; tổ chức thẩm định nội dung các hợp phần theo quy định của pháp luật về quy hoạch, gửi nội dung các hợp phần đã được thẩm định về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia; chủ động cập nhật thông tin về nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia để điều chỉnh, bể sung mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Nghị quyết 143/NQ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/10/2020./.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Lập quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới