Thứ sáu, 26/04/2024 23:10 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/6/2020

MTĐT -  Thứ tư, 24/06/2020 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Chính thức loại sân bay Gia Lâm khỏi mạng sân bay dân dụng

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định 528 bãi bỏ Quyết định 980 ngày 28/4/2006 về quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Theo quyết định 980, Cảng hàng không Gia Lâm đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tổng thể với vai trò cảng hàng không nội địa cấp 3C và sân bay quân sự cấp II.

Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, sân bay Gia Lâm không còn phù hợp với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam và xu thế phát triển đội tàu bay trên thế giới.

Để có thể khai thác hàng không dân dụng, sân bay Gia Lâm sẽ phải kéo dài đường cất/hạ cánh để phục vụ các loại máy bay cỡ lớn hiện nay. Trong khi, việc kéo dài đường cất/hạ cánh khó khả thi, không phù hợp với quy hoạch phát triển của Hà Nội và quy hoạch vùng Thủ đô.

Sân bay Gia Lâm hiện do Quân chủng Phòng không không quân quản lý, khai thác.

Quyết định mới của Bộ GTVT nói rõ, sân bay Gia Lâm nằm trọn trong khu vực nội đô Hà Nội, nếu mở rộng để đón được tàu bay lớn hơn sẽ không đảm bảo môi trường tiếng ồn cho các khu dân cư đông đúc bên cạnh.

Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tại Quyết định này Cảng hàng không Gia Lâm không còn nằm trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc.

Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục bãi bỏ quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm đã duyệt để Bộ Quốc phòng quản lý theo hiện trạng.

Do vậy, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 528, bãi bỏ quy hoạch năm 2006 của sân bay Gia Lâm.

Lắp cửa van cống đầu tiên dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TPHCM

Ngày 23/6, Tập đoàn Trung Nam (nhà đầu tư), Công ty Trung Nam 1547 và các nhà thầu thi công dự án “Kiểm soát ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến Biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” (còn gọi là siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ) đã bắt đầu tiến hành lắp đặt cửa van Cống ngăn triều Phú Xuân giữa quận 7 và huyện Nhà Bè.

Cống Phú Xuân được xây dựng trên rạch Đĩa và là cống kiểm soát triều đầu tiên của dự án được lắp cửa van. Cống gồm có 2 cửa van, 3 tháp van, trụ pin...

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, các cửa van cống khổng lồ được chế tạo tại một công xưởng khổng lồ trên sông.

Công xưởng chế tạo các cửa van cống ngăn triều trên sông để thuận lợi trong việc vận chuyển 

Trước khi lắp đặt, các cửa van sẽ được cân và chỉnh trọng tâm trên công trường chế tạo, sau đó được kích đưa cửa van ra cầu cảng. Tại đây, các cửa van sẽ được các cần cẩu siêu trường, siêu trọng đưa lên sà lan và vận chuyển đến vị trí lắp đặt bằng đường thủy.
Cửa van cống sau đó sẽ được cần cẩu vận chuyển từ sà lan đến vị trí lắp đặt trên công trường. Công việc được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài phối hợp với động ngũ kỹ sư, chuyên gia trong nước.

Ông Tiến cho hay sau khi lắp đặt thành công cửa van cống ngăn triều Phú Xuân, dự kiến trong tháng 7 tới nhà đầu tư và đơn vị thi công sẽ thi công lắp đặt cửa van Cống kiểm soát triều Mương Chuối (Nhà Bè) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo TPHCM, các sở ban ngành và báo chí.

Cống ngăn triều Mương Chuối có quy mô lớn nhất trong sáu cống. Cống có chiều dài hơn 200 m được thiết kế với bốn cửa van nặng khoảng 200 tấn để kiểm soát triều. Cống được xây dựng trên sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè để ngăn triều dâng từ sông Nhà Bè đổ vào.

Ngoài Cống kiểm soát triều Mương Chuối, nhà thầu cũng sẽ tiến hành lắp đặt cửa van cho các cống còn lại như cống Cây Khô (kiểm soát triều từ hai con sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm TPHCM) và Cống kiểm soát triều Phú Định nằm trên kênh Đôi (ngăn triều từ hai con sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố.

Khởi công cầu Nông thôn Việt trên địa bàn huyện Tịnh Biên

Ngày 23-6, UBND huyện Tịnh Biên (An Giang) phối hợp Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu nông thôn thuộc Chương trình cầu Nông thôn Việt tài trợ.

Theo đó, Chương trình Cầu Nông thôn Việt hỗ trợ huyện Tịnh Biên xây dựng 7 cây cầu nông thôn ở các xã: Núi Voi, An Hảo, Tân Lợi và Tân Lập, với tổng giá trị hơn 11 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND huyện Tịnh Biên sẽ vận dụng các nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp thêm 4 cây cầu nông thôn và mở rộng các tuyến đường dẫn, với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.

Khởi công xây dựng cầu nông thôn thuộc Chương trình cầu Nông thôn Việt trên địa bàn huyện Tịnh Biên

Đây là những công trình quan trọng, giúp địa phương cải thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển vật tư, nông sản phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng an ninh địa phương.

Đồng Tháp đề xuất đầu tư 999 tỷ hoàn chỉnh Quốc lộ 30

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường tránh TP. Cao Lãnh và đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, nhằm hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến Quốc lộ 30.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nguồn vốn đầu tư được đề xuất là từ Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Bộ Giao thông vận tải (ủy quyền cho địa phương làm chủ đầu tư).

Đối với tuyến tránh TP. Cao Lãnh, theo UBND Tỉnh, Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 2.570,47 tỷ đồng. Trong đó, đoạn tránh thị xã Hồng Ngự đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2018. Đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự đang được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Riêng đoạn tuyến tránh TP. Cao Lãnh dài 14,5 km và 12 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực đã được phê duyệt 2008 với tổng mức đầu tư 1.028,317 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 194,457 tỷ đồng. Đoạn tuyến này bị dừng thi công từ năm 2011 đến nay do bị đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/QN-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Để sớm đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường, nhu cầu vốn đầu tư theo quy mô được duyệt là khoảng 834 tỷ đồng.

Đối với đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà dài 25,3 km, hiện tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, khó đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, thường xuyên xảy ra tai nạn, trong khi mật độ giao thông ngày càng tăng khi Hiệp định liên vận Việt Nam - Campuchia có hiệu lực từ tháng 5/2019. Tổng mức đầu tư tuyến đường này dự kiến là 165 tỷ đồng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới